Đại học Y – Dược (ĐH Huế) ký hợp tác với Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ
Ba lĩnh vực hợp tác chính giữa Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế với Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ sẽ giúp nâng cao năng lực cán bộ y tế.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế, Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ.
Ngày 17/11, trong khuôn khổ Hội nghị Giáo dục y học quốc gia lần thứ VI tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế cùng với Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện ký kết Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ về các hoạt động hợp tác giữa các bên cho giai đoạn 2022 – 2027.
Buổi lễ diễn ra với sự tham dự và chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. TS. Trần Văn Thuấn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper và Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Các lĩnh vực hợp tác chính giữa các bên bao gồm: củng cố hệ thống y tế thông qua đổi mới đào tạo y khoa; nâng cao năng lực của cán bộ y tế để đáp ứng các nhu cầu sức khỏe hiện tại và mới nổi; và xây dựng năng lực cho lĩnh vực nghiên cứu y sinh.
Trao đổi với PV báo Giáo dục và Thời đại, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy – Hiệu trưởng Đại học Y – Dược, Đại học Huế cho hay, kể từ năm 2016, Trường đã bắt đầu triển khai chuẩn bị đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tích hợp dựa trên năng lực đối với 2 ngành đào tạo là Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt, với sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án HPET của Bộ Y tế, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ thông qua Dự án IMPACT-MED do tổ chức HAIVN Việt Nam triển khai, cùng với các trường đào tạo Y Dược thuộc Bộ Y tế.
Cách tiếp cận chính trong đổi mới chương trình đào tạo là xây dựng chương trình theo kiểu “thiết kế đảo chiều”, “tích hợp”, “dựa trên năng lực”, “lấy người học làm trung tâm” và “gắn với bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”.
Chương trình đổi mới của 2 ngành này tại Trường đã chính thức được triển khai từ năm học 2018 – 2019, cho đến cuối năm 2022 đã trải hết học kỳ I năm thứ 5 của chương trình 6 năm và đang tiếp tục được tinh chỉnh, hoàn thiện để triển khai năm cuối cùng và có khóa sinh viên đầu tiên của 2 ngành này tốt nghiệp năm 2024 và bắt đầu bước vào chu kỳ đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên khoa, trong đó có đào tạo bác sĩ nội trú, là hệ đào tạo chất lượng cao truyền thống của khối khoa học sức khỏe.
Video đang HOT
Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cùng trường và Đại học Y Khoa Harvard, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và lãnh đạo Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm.
“Bên cạnh các hợp tác trong đào tạo y khoa ở bậc đại học đang được tiếp diễn và hướng đến tích lũy các điều kiện cần thiết để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế, một trọng tâm hợp tác trong giai đoạn 5 năm đến là công tác đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ nội trú tại các trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe. Đây là bước phát triển logic tiếp theo sau các khóa đầu tiên của chương trình y khoa đổi mới bậc đại học đang và sẽ tốt nghiệp tại Việt Nam” – GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy cho biết.
Được biết, Đại học Harvard được thành lập năm 1636, là đại học lâu đời nhất tại Hoa Kỳ và là một trong những đại học danh giá nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng đại học của Time Higher Education năm 2022, Đại học Harvard chiếm vị trí thứ nhất của Hoa Kỳ và thứ hai của thế giới; xếp hạng danh tiếng chiếm vị trí thứ nhất thế giới, xếp hạng lĩnh vực lâm sàng, tiền lâm sàng và sức khỏe ở vị trí thứ ba thế giới. Trường Đại học Y khoa Harvard sử dụng và phối hợp với 10 bệnh viện trong đào tạo y khoa.
Nghị quyết số 54 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ “Phát triển Bệnh viện Trung ương Huế, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường – Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế”. Trong lộ trình triển khai xây dựng và hoàn thiện mô hình Trường – Viện và đổi mới giáo dục, công tác chuẩn bị và triển khai nhân rộng đổi mới các chương trình đào tạo của Nhà trường ở bậc đại học và mở rộng sang lĩnh vực đào tạo sau đại học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Dựa trên những kinh nghiệm quý báu mà Nhà trường đã thu thập được trong giai đoạn 2016 – 2022 vừa qua, việc tiếp tục phát triển quan hệ, mở rộng phạm vi, nội dung hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế có uy tín trong lĩnh vực này sẽ giúp Nhà trường có thể tiếp tục tăng cường năng lực, bảo đảm chất lượng đào tạo và đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế.
Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ: Mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục giữa hai nước
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Chiều 21/9, tại Hoa Kỳ, Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đã được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Diễn đàn có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, đại diện cơ sở giáo dục, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục của hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Giáo dục phát triển đem lại sự phát triển con người của các quốc gia; tạo ra nguồn nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế của mỗi nước.
Thấu hiểu điều này, thời gian qua, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục được xác định đóng vai trò là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đại diện Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) trao thỏa thuận hợp tác tại Diễn đàn. Ảnh: TT
Chia sẻ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế như SEAMEO, ASEAN, ASEM, APEC, UNESCO, UNICEF..., Bộ trưởng thông tin: Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 500 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, với tổng số vốn đầu tư trên 4 tỉ USD.
Đã có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của các nước, trong đó có 50 chương trình liên kết đào tạo với Hoa Kỳ.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có khoảng hơn 20.000 du học sinh nước ngoài học tập tại các trường đại học của Việt Nam và gần 200.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài. Trong đó, tại Hoa Kỳ có gần 30.000 du học sinh, đứng đầu trong các quốc gia, lãnh thổ mà du học sinh Việt Nam lựa chọn học tập.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết: Để thực hiện mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam xác định cần tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung năm 2018 và Luật giáo dục năm 2019. Hai Luật này là tiền đề để thúc đẩy hợp tác và đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được tự chủ rất cao về hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định quy định về hợp tác và đầu tư với nước ngoài - mở ra nhiều cơ hội để các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ví dụ như việc thành lập phân hiệu cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam, việc các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam...
Riêng về hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng cho hay, Hoa Kỳ là đất nước có nền giáo dục phát triển, có nhiều trường đại học có chỉ số xếp hạng cao. Trong những năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.
10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: TT
Chính phủ Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam hàng trăm suất học bổng đại học và sau đại học thông qua Qũy VEF, hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh thông qua các chương trình Fellowship và Fulbright, hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực giáo dục đại học thông qua các dự án BUILT-IT, FURTHER do Cơ quan phát triển quốc tế USAID tài trợ.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đây là minh chứng rõ ràng cho những cam kết nhằm phát triển giáo dục và trao đổi hợp tác giữa hai nước về phát triển giáo dục đại học, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, đầu tư của Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục còn thể hiện qua việc thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam (6 cơ sở giáo dục phổ thông và 1 trường đại học Fulbright tại TP Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam cũng đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, thể hiện trách nhiệm xã hội, thúc đẩy hợp tác giáo dục...
"Vì vậy, Diễn đàn ngày hôm nay với chủ đề là "hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ" với mong muốn kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục của hai bên để chia sẻ cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục", Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng Diễn đàn này sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vào Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ mở ra một cơ hội mới của hợp tác và triển vọng trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID - 19 vừa qua.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những trao đổi, chia sẻ nhằm phát triển hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; đồng thời thảo luận một số vấn đề như: Chuyển đổi số trong giáo dục đại học; xây dựng tiếp cận quốc gia về giáo dục thông qua ứng dụng số đến chuyển đổi kinh tế và xã hội; hợp tác quốc tế và mô hình đầu tư thành công tại Việt Nam; chính sách đầu tư tại Việt Nam...
Cũng tại Diễn đàn, đã có 10 thỏa thuận hợp tác được trao giữa đại diện cơ quan quản lý giáo dục, đại diện các cơ sở giáo dục, tổ chức, tập đoàn giáo dục hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trường Đại học Y - Dược khai giảng năm học 2022-2023 Ngày 17-11, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023. Nhân dịp này, các đơn vị, doanh nghiệp đã tặng nhiều suất học bổng, phần thưởng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Trường Đại học Y - Dược có...