Đại học vùng vẫn chưa hết sứ mệnh!
Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, bao giờ tình hình kinh tế, xã hội ở các khu vực nơi có đại học vùng phát triển ngang các thành phố lớn, các vùng đồng bằng thì khi đó đại học vùng mới hết sứ mệnh.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng cần xem xét sự phát triển của đại học vùng ở khía cạnh sứ mệnh đào tạo. Ảnh: NV
Trước đề xuất giải thể đại học vùng, là người trực tiếp tham gia xây dựng mô hình đại học vùng, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, đại học vùng vẫn luôn có một sứ mệnh riêng. Đây là những đại học được thành lập cho các khu vực khó khăn nhằm đào tạo ra nhân lực bám sát chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của khu vực đó. Vì thế, nói đến các đại học vùng cần phải xem xét cả ở khía cạnh sứ mệnh.
Ở nước ta, đại học đa lĩnh vực ra đời từ nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Các đại học đều được hình thành chủ yếu bằng cách “gom” và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn.
Tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17.3.1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nêu rõ, đại học đa lĩnh vực “không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường”. Tuy nhiên, đã hơn 20 năm qua, các đại học vẫn chưa thực sự “mạnh”.
Về nguyên nhân các đơn vị chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp, TS Khuyến cho rằng, do đại học chưa phải là một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo. Các đơn vị chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Video đang HOT
Nguyên nhân thứ hai là về mặt pháp lý, các trường thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa sức mạnh tổng hợp. Đây là điều tối kỵ đối với một đại học đa lĩnh vực ở mô hình phương Tây.
Với những quy định như vậy, cấp “đại học” trong các đại học đa lĩnh vực có thể được ví như cấp “bộ chủ quản” trong thể chế hiện nay. Vì tồn tại đồng thời 2 “bộ chủ quản” nên dĩ nhiên xuất hiện nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ bớt đi một “cấp bộ chủ quản”, tức là giải thể các đại học đa lĩnh vực.
“Khi nào các vùng này phát triển kịp với các vùng đồng bằng, thành phố thì khi đó các trường này mới hoàn thành xong sứ mệnh đào tạo cho vùng và có thể xem xét đến việc đào tạo chung cho cả nước. Vì thế, chúng ra cần có những nghiên cứu, đề xuất để các đại học vùng đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam”, TS Khuyến cho hay.
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong.vn
Có nên giải tán đại học vùng?
Đề xuất giải thể đại học vùng, thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia của nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên Từ Quang Hiển tại Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề "Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế" mới đây đang tạo "cơn sốt" về những bất cập, hạn chế trong mô hình này.
Minh họa của ĐAN
Hoạt động không hiệu quả
Theo GS Từ Quang Hiển, mô hình đại học vùng đã thử nghiệm được 24 năm. Mô hình này cho thấy đang cản trở sự phát triển của các trường đại học thành viên và không có hiệu quả.
"Vô tình, chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục vậy. Tôi từng là Hiệu trưởng Đại học thành viên cũng là Giám đốc Đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất.
Nếu không giải thể đại học vùng thì trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học thành viên và có cơ chế chính sách cho đại học vùng tương đương như đại học quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy tác dụng cao nhất của các trường thành viên" - ông Hiển nói.
Mô hình đại học vùng đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Ảnh minh hoạ: A.C
Ông Hiển cũng chỉ rõ cần thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng giống như quản lý University system của nước ngoài, có nghĩa là đại học không phải là cấp quản lý trung gian (tổng cục), cũng không phải là cấp trên của các trường đại học thành viên; thực hiện được như vậy thì đại học và các trường thành viên đều phát triển bền vững. Có cơ chế mở về đại học quốc gia/vùng, các trường đại học độc lập đóng cùng địa bàn với đại học quốc gia/vùng có thể tham gia đại học với tư cách trường thành viên, ngược lại các trường thành viên của đại học cũng có thể tách ra thành trường đại học độc lập.
Đại học vùng phải là một tổ chức hữu cơ thực thụ
Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - cho rằng cần tìm ra nguyên nhân căn bản của việc đại học vùng chưa thể phát triển như kỳ vọng, liệu rằng đây có phải mới chỉ là phép cộng thuần tuý các trường lại với nhau thành một tổ hợp đa lĩnh vực, đa ngành nghề mà chưa có sự kết hợp, điều hành đúng, thực hiện đúng về bản chất và ý nghĩa của mô hình đại học vùng. Từ đó, mới tìm ra nguyên nhân do khâu tổ chức, quản trị có vấn đề hay nhu cầu giải thể là sự tất yếu.
TS Vinh bày tỏ thêm: "Mô hình đại học vùng là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, vậy tại sao lại không phát huy được sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên? Đây có lẽ là câu chuyện về lãnh đạo, bởi bản chất của xã hội và nhu cầu của thị trường đang đòi hỏi sản phẩm mang tính liên ngành. Ví dụ công nghệ in 3D đâu phải chỉ đơn giản là kỹ thuật số, máy tính, lập trình, mà còn là cơ khí, chế tạo vật liệu và cả các khâu thiết kế, tiêu thụ...
Tất cả các khoa học đó tích hợp với nhau và cần thiết một mô hình đa lĩnh vực để giải quyết. Nếu làm tốt, đại học vùng chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán này khi mà mỗi trường thành viên có một thế mạnh riêng được liên hợp với nhau. Vì thế, cốt lõi của vấn đề không phải là ghép các trường vào, bây giờ giải tán ra mà là chưa đạt được mục đích như ban đầu, trong quá trình vận hành thiếu một đường lối cứng rắn và một quản trị giáo dục đại học hiệu quả. Trong đại học vùng, các trường cần hợp tác với nhau để tạo ra một mặt trận có sức mạnh lớn để hội nhập và cạnh tranh" - ông Vinh nói.
Để có thể phát triển tốt hơn, TS Vinh đề xuất đại học vùng, thậm chí kể cả đại học quốc gia cần có nghiên cứu lại về cách tổ chức quản trị, không để cấp trung gian, không để diễn ra câu chuyện một tổ chức hữu cơ mà các phần tử lại không liên kết với nhau.
GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - chia sẻ: "Có một hiệu trưởng trường thành viên ở Đại học Huế đã nói với tôi rằng, nếu có 3 điều ước, điều ước thứ nhất của ông là rời khỏi Đại học Huế. Điều ước thứ hai cũng là rời khỏi Đại học Huế và điều ước cuối cùng cũng là rời khỏi Đại học Huế. Đây là điều khiến bản thân tôi cũng rất trăn trở".
TUỆ NHI
Theo laodong.vn
Thanh Hóa giải thể 5 trường THPT Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định về việc giải thể 5 trường THPT để sắp xếp vào các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa quyết định giải thể các trường gồm: THPT Tĩnh Gia 5 (huyện Tĩnh Gia), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ...