Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế: Hợp chuẩn và lệch chuẩn
Theo một cuộc khảo sát bỏ túi mới đây của sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM, có đến 60% người học đến từ các nước trên thế giới băn khoăn khi chọn trường ĐH tại Việt Nam.
Đối với sinh viên (SV) trong nước, được hỏi đại học (ĐH) nào nổi tiếng nhất Việt Nam, các phiếu khảo sát cho rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng có đến 52,8% số phiếu không chắc về đáp án mình đưa ra. Vậy, ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?
Sinh viên Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam học tập qua mạng.
Bước đầu hội nhập
Trung tuần tháng 11/2012, tại Hội nghị Giáo dục quốc tế QS APPLE diễn ra ở Indonesia, ĐH FPT Việt Nam chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc tế 3 sao (408 điểm) theo thang bậc xếp hạng của Tổ chức QS (tên tiếng Anh đầy đủ là Quacquarelli Symonds), một trong những tổ chức xếp hạng ĐH được xem là có uy tín trên thế giới.
Trước đó, để đạt được chứng nhận này, tập thể thầy và trò đã trải qua nhiều vòng kiểm định chặt chẽ dựa trên các tiêu chí: “đầu ra” sinh viên sau đào tạo, cơ sở vật chất, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên nước ngoài, số lượng bằng sáng chế, công trình nghiên cứu khoa học đăng ký quốc gia và quốc tế, học bổng và các loại hình hỗ trợ sinh viên…
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, chứng nhận này có giá trị trong vòng 3 năm. Do đó, mục tiêu phấn đấu tiếp theo của nhà trường trong 1-2 năm tới là cán mốc 550 điểm – xếp hạng 4 sao theo quy chuẩn đánh giá của tổ chức này.
Video đang HOT
Trước đó, ĐHQG Hà Nội cũng từng lọt vào top 300 trường ĐH hàng đầu châu Á do tổ chức này xếp hạng. Ngoài ra, vào năm 2009, ĐHQG TPHCM cũng từng đứng ở bậc 57 trên tổng số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới do tổ chức 4icu (For International Colleges and Universities) bình chọn dựa trên số lượng người truy cập vào website của trường. Ngoài ra, một số ĐH khác ở Việt Nam như ĐH Quốc tế RMIT, ĐH Quốc tế TPHCM hiện cũng đang ưu tiên thực hiện công tác trao đổi sinh viên nước ngoài nhằm nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh ĐH Việt Nam ra thế giới.
Mới đây, ĐHQG TPHCM công bố đã có 6 khoa/bộ môn trực thuộc đơn vị này được công nhận chuẩn giáo dục AUN-QA, chuẩn kiểm định chất lượng dành cho hệ thống các trường ĐH thuộc khối ASEAN. Hiện Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Quốc tế TPHCM đang hoàn tất hồ sơ, dự báo sẽ là đơn vị tiếp theo được công nhận đạt chuẩn.
Cẩn trọng với “chuẩn”
Công nhận đạt chuẩn luôn là mơ ước, mục tiêu phấn đấu của các trường ĐH. Tuy nhiên, theo TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, trên thế giới hiện nay đang tồn tại hơn 10 bảng xếp hạng ĐH, mỗi loại đánh giá dựa trên những tiêu chí hoàn toàn khác nhau.
Trong đó, chỉ có hai tổ chức xếp hạng được đánh giá là có uy tín, nhiều người tin cậy là bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh) hợp tác với hãng thông tấn Thomson Reuters và bảng xếp hạng của ĐH Thượng Hải (Trung Quốc). Việt Nam chưa từng có ĐH nào lọt vào hai bảng xếp hạng này. Riêng hệ thống xếp hạng QS-Stars của Công ty Quacquarelli Symonds (Anh) cũng được xem là đáng tham khảo do trước đây công ty này từng hợp tác với tạp chí Times Higher Education xếp hạng ĐH.
Tuy nhiên, từ năm 2010, tạp chí Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS, thay vào đó kết hợp cùng Thomson Reuters tạo ra hệ thống đánh giá mới. Qua đó cho thấy vấn đề xếp hạng ĐH hiện nay chưa đồng nhất, ở đó một trường ĐH có thể lọt vào bảng xếp hạng này nhưng hoàn toàn vắng bóng ở bảng xếp hạng kia.
Do đó, lời khuyên của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, là các trường không nên quá chạy theo chuẩn xếp hạng mà bỏ quên nhiệm vụ, sứ mạng đào tạo được xã hội giao phó. Việt Nam muốn có các trường nằm trong các bảng xếp hạng quốc tế cần có một cuộc cải cách lâu dài, hoặc là phát triển các trường ĐH đang có trở thành ĐH đẳng cấp, hoặc thành lập riêng một số trường ĐH mới với các mục tiêu đào tạo trọng yếu.
Còn theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TPHCM: “Việc chạy theo chuẩn này chuẩn nọ không khéo sẽ trở thành lệch chuẩn. Hiện nay mỗi trường có một mục tiêu, sứ mạng đào tạo khác nhau…”. Chính vì vậy, kết quả thứ bậc theo hệ thống xếp hạng này hay hệ thống khác chỉ mang tính tương đối, giúp người học có thêm lựa chọn môi trường đào tạo phù hợp, không phải là cơ sở so sánh trường này với trường kia.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được đưa ra là hiện nay đang có tình trạng một số trường ĐH mới nổi lấy “chuẩn” – bất kể chính thống hay không chính thống làm phương tiện quảng bá hình ảnh, thu hút thêm học viên. Trong khi đó, nhiều trường ĐH lâu năm, đã có bề dày thành tích lại cẩn trọng hơn trong việc tham gia sân chơi này. Do đó, người học cần tìm hiểu rõ ràng, thứ bậc xếp hạng của một trường không quan trọng bằng việc trường đó có phù hợp với yêu cầu và năng lực học tập của từng cá nhân
Theo Thu Tâm
SGGP
Miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên ngoài công lập
Một số điểm trong Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ đang được xem xét sửa đổi để cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự thảo sửa đổi, bổ sung và đưa vào một số điểm mới đã được đưa lên mạng của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến đóng góp.
Điểm quan trọng trong dự thảo này đó là Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập có đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo số lượng người học và mức thu học phí tương ứng với các nhóm ngành nghề được quy định tại Nghị định 49. Nhà nước cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học ngoài công lập (theo mức học phí của các trường công lập trong vùng đối với giáo dục mầm non, phổ thông; theo mức học phí quy định tại Nghị định số 49 tương ứng với các nhóm ngành nghề đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học)
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó dự thảo cũng quy định, học phí theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo. Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác theo thỏa thuận giữa cơ sở giáo dục và người học.
Ngoài những điểm mới trên thì dự thảo cũng bổ sung, sửa đổi một số điểm khác của nghị định 49. Cụ thể ở phần đối tượng miễn học phí bổ sung thêm đối tượng là sinh viên học chuyên ngành Mác Lê - nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh theo Quyết định số 494/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ và học sinh, sinh viên (HS, SV) học chuyên ngành giải phẫu bệnh, giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Tuy nhiên Dự thảo cũng bãi bỏ quy định trẻ em học mẫu giáo và HS, SV có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn học phí.
Về phần đối tượng giảm 70% học phí được quy định rõ ràng hơn. Theo đó những đối tượng được hưởng chính sách này là HS, SV các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề.
Sửa đổi, bổ sung đối tượng được giảm 50% học phí, Cụ thể bao gồm trẻ em học mẫu giáo và HS, SV là con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên; Trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước; HS tốt nghiệp Trung học cơ sở đi học trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp.
Bãi bỏ quy định: Trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập.
Về nguyên tắc xác định học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập được sửa đổi phù hợp với thực tế. Theo đó, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân.
Dự thảo cũng bỏ khái niệm chương trình chất lượng cao mà thay vào đó là dùng cụm từ "thực hiện chất lượng giáo dục cao". Các trường mầm non, phổ thông công lập thực hiện chất lượng giáo dục cao được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép đồng thời phải thực hiện Quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định.
S.H
Theo dân trí
Trường ngoài công lập "kêu khổ" vì thiếu cơ chế Trước tình cảnh "thê thảm" trong tuyển sinh năm 2012, ngày 19/12 tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ngoài công lập đã có cuộc họp nội bộ để nghiên cứu các giải pháp kiến nghị lên Bộ GD-ĐT. Trong ngày hôm nay, Hiệp hội này tiếp tục làm việc với các trường phía Nam. Cũng giống như các năm trước, câu chuyện...