Đại học ưu tú đẳng cấp thế giới – trách nhiệm với quốc gia
Sự kiện lần đầu tiên 3 cơ sở đại học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu của tuần san Times Higher Education (THE), Anh quốc đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Học viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong phòng thí nghiệm của trường – Ảnh: TR.HUỲNH
Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000, ĐH Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1.000 .
“Trách nhiệm với quốc gia”
PGS.TS Vũ Hải Quân – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng việc các cơ sở đại học (ĐH) của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng của THE là dịp để các trường định vị được mình đang ở đâu và cần làm gì.
Ông Quân nói việc một quốc gia có nhiều trường ĐH ưu tú đẳng cấp thế giới (ĐH ưu tú) không chỉ chứng tỏ sự tiến bộ về khoa học – công nghệ, mà còn khẳng định sự vượt trội về mặt trí tuệ của dân tộc đó. Việc đầu tư xây dựng các trường ĐH ưu tú, nhất là đối với các nước đang phát triển, là cần thiết hơn bao giờ hết.
* Vậy làm sao để nhận diện được đâu là ĐH ưu tú, đẳng cấp, thưa ông?
- Theo Philip G. Altbach (ĐH Boston, Mỹ), một trường ĐH ưu tú là trường có hoạt động nghiên cứu khoa học xuất sắc, sở hữu các giáo sư hàng đầu, có môi trường học thuật tự do, khơi gợi được sự phấn khích trong việc sáng tạo tri thức mới, sở hữu mô hình quản trị hiệu quả, có đầy đủ cơ sở vật chất và các quỹ tài chính hùng hậu.
Jamil Salmi – cựu chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới – cho rằng ĐH ưu tú là nơi tập trung cao độ của các tài năng (giảng viên và sinh viên), có nguồn tài nguyên dồi dào cho môi trường học tập và nghiên cứu, đặt trong một hệ thống quản trị hiệu quả.
Phần lớn các trường ĐH đều có sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học và gắn kết với cộng đồng. Sứ mệnh của các ĐH ưu tú, ngoài 3 nhiệm vụ đó, còn phải có trách nhiệm đồng hành với tương lai của quốc gia, là cầu nối giữa hiện tại và tương lai của đất nước. Sự phát triển của quốc gia phải lấy nhân lực trình độ cao làm điểm tựa, lấy khoa học – công nghệ làm đòn bẩy.
PGS.TS Vũ Hải Quân
* Nhiều chuyên gia giáo dục ĐH thế giới đều đồng thuận về cách nhận diện ĐH ưu tú thông qua các bảng xếp hạng quốc tế. Nhưng có chuyên gia Việt Nam lại nói rằng: “Thấy kết quả xếp hạng các trường ĐH ở Việt Nam, tôi hết hồn”… Phải chăng việc nhận diện ĐH đẳng cấp ở Việt Nam quá khó?
- Một trong những vấn đề lớn của giáo dục Việt Nam hiện nay là niềm tin. Họ hoài nghi về kết quả xếp hạng của các trường ĐH vì chỉ thấy phần ngọn, tức là vị trí trên bảng xếp hạng, mà chưa nhìn thấy sự xuất sắc, vượt trội của các trường này trong việc phát triển chương trình đào tạo bậc ĐH, sau ĐH cho các ngành khoa học – công nghệ.
Nói cách khác, họ chỉ nhìn thấy nóc của một tòa lâu đài mà chưa thấy được quá trình xây dựng tòa lâu đài đó. Tuy nhiên, những đánh giá, nhận định cần hết sức thận trọng và khách quan. Không thể phủ nhận hết những thành quả về nghiên cứu và đào tạo của các trường ĐH trong quá trình hội nhập và phát triển vừa qua.
* Vừa qua, một số trường ĐH của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng này nhưng lại không có tên trong bảng xếp hạng khác. Ông có thể giải thích điều này?
- Các bảng xếp hạng với hệ thống tiêu chí khác nhau. Ví dụ bảng xếp hạng ARWU (của ĐH Giao thông Thượng Hải – Trung Quốc) chủ yếu sử dụng các tiêu chí liên quan đến nghiên cứu khoa học.
Hai bảng xếp hạng còn lại, THE và QS (Anh quốc) thì ngoài tiêu chí về nghiên cứu khoa học, họ có thêm tiêu chí về đào tạo và phục vụ cộng đồng thông qua việc khảo sát các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học, tỉ lệ giảng viên/sinh viên…
Chính vì vậy có trường ĐH ở bảng xếp hạng này lại không ở bảng xếp hạng khác; hoặc ở vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng này lại ở vị trí thấp hơn trong bảng xếp hạng khác.
* Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới có chiến lược phát triển ĐH ưu tú bằng cách ưu tiên cấp ngân sách cho một nhóm trường chọn lọc. Tuy nhiên, với điều kiện của Việt Nam , các trường ĐH rất khó có cơ hội được đầu tư lớn như vậy…
- Đúng là trong bối cảnh hiện nay chúng ta rất khó để có thể đầu tư một khoản kinh phí lớn như vậy cho các trường ĐH. Ngân sách là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải xây dựng được một hệ thống quản trị hiệu quả thể hiện qua việc tái cấu trúc bộ máy vì nếu không, dòng tiền chảy vào nhiều đến đâu cũng sẽ không thể phát huy hết hiệu quả được.
Đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Đà Nẵng từ tháng 11-2017.
* Hiện nay, các trường ĐH đều có vai trò lớn, đóng góp sự phát triển vượt bậc về kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Từ đó, Việt Nam cần làm gì để có thêm những trường ĐH ưu tú?
- Để các ĐH ưu tú hiện tại vươn đến top 500 và đặc biệt quan trọng hơn là để đào tạo ra những thế hệ lãnh đạo mới, các tài năng khoa học mới, đóng góp cho sự phát triển của đất nước thì việc xác định tầm nhìn, chiến lược phát triển và ưu tiên đầu tư cho một số ĐH là cần thiết.
Theo đó, cơ chế tự chủ: tự chủ về học thuật, tự chủ về quản trị và tự chủ về tài chính là nền tảng để các trường phát huy tối đa sức mạnh của mình. Vấn đề thứ 2 là cần triển khai cơ chế đặt hàng cho các trường ĐH để đào tạo các ngành khoa học cơ bản, cũng như chính sách thu hút các nhà khoa học.
Video đang HOT
Có một thực tế đáng quan tâm là hiện nay nhiều học sinh, sinh viên giỏi không muốn theo học các ngành khoa học. Nếu không có được đội ngũ các nhà khoa học trẻ và giỏi, chúng ta sẽ không có nền tảng để phát triển công nghệ đột phá và vì thế cũng không thể phát triển kinh tế tri thức.
Cuối cùng, việc đầu tư xây dựng khuôn viên ĐH hiện đại, đẹp, xanh và thân thiện cũng là cần thiết.
ĐH Quốc gia Hà Nội – Ảnh: NG.KHÁNH
* Để xây dựng ĐH ưu tú, các nước có thể chọn một số cách khác nhau, nhưng rõ ràng trong mỗi cách tiếp cận đều có những ưu và khuyết điểm. Theo ông, Việt Nam nên chọn cách nào?
- Jamil Salmi cho rằng các quốc gia có thể xây dựng ĐH ưu tú theo 3 cách: nâng cấp trường ĐH hiện hữu; sáp nhập một số trường ĐH và thành lập một trường ĐH mới. Ở chừng mực nhất định, chúng ta đang đi theo cả ba cách này.
ĐH Quốc gia TP.HCM được thành lập từ ý tưởng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt theo hướng sáp nhập một số trường ĐH hiện hữu (khi đó). Điểm mạnh của mô hình này là có thể phát huy sức mạnh hệ thống, chia sẻ tài nguyên chung và đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay, đó là hệ thống ĐH đa ngành đa lĩnh vực, phù hợp xu hướng phát triển chung của các ĐH lớn trên thế giới.
Nên có bảng xếp hạng trong nước
Tien si tre say me nghien cuu trong phong thi nghiem của Vien Tien tien khoa hoc va cong nghe, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Ảnh: V.H.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn (hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đề nghị như trên để đánh giá ở những tiêu chí như tác động xã hội.
Cụ thể là tác động đến chính sách, nhu cầu nhân lực, nhất là các ngành mà xã hội đang cần cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Sơn cho biết theo quy định của THE, số lượng bài báo/cán bộ chuyên môn chỉ chiếm 6% trong tổng số điểm. Nhưng số trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường ĐH) là 30%.
Điều này cho thấy tiêu chí trích dẫn rất được coi trọng vì nó biểu thị năng suất trong nghiên cứu khoa học. Nói cách khác là chất lượng nghiên cứu. Dĩ nhiên tùy theo từng lĩnh vực khác nhau, THE sẽ có tính toán trọng số đối với các tiêu chí khác nhau để đảm bảo công bằng. Ví dụ đối với trường đào tạo ngành thuộc lĩnh vực xã hội, trích dẫn sẽ ít hơn so với khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ.
Với những trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, tiêu chí trích dẫn được coi trọng. Không phải chỉ cố gắng để được xếp hạng, mà đó là một trong những nhiệm vụ chiến lược để duy trì chất lượng nghiên cứu, chứ không chỉ chạy theo số lượng bài báo. Cũng vì thế mà phải chờ đến bây giờ, khi đã tự tin đủ điều kiện, trường mới đăng ký xếp hạng.
Và kết quả cùng đứng ở vị trí 801-1.000 nhưng Trương ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số trích dẫn cao nhất trong số 3 ĐH Việt Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội xếp trên về các chỉ số giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế; ĐH Quốc gia TP.HCM xếp trên về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp).
Tham gia xếp hạng là việc nên khuyến khích các trường ĐH tham gia để có động lực phát triển. Nhưng ngoài tham gia các bảng xếp hạng của nước ngoài, nếu có các bảng xếp hạng do hợp tác của tổ chức nước ngoài và trong nước sẽ tốt hơn ngoài các tiêu chí thể hiện vị thế, uy tín, chất lượng đào tạo, nghiên cứu như THE đã làm.
ĐH Quốc gia Hà Nội có mặt trong nhiều bảng xếp hạng
Ngoài việc lọt vào nhóm 801-1.000 thuộc bảng xếp hạng của THE, ĐH Quốc gia Hà Nội còn nằm trong nhóm 801-1.000 thuộc bảng xếp hạng của QS, đứng thứ 124 trong bảng xếp hạng châu Á của QS. Tại bảng xếp hạng Webometrics (về xây dựng ĐH số hóa), ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tiếp cận top 1.000 thế giới và đứng đầu tại Việt Nam.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có nhiều ngành đào tạo thuộc top 1.000 thế giới thuộc bảng xếp hạng QS như: nhóm ngành vật lý và thiên văn học – nhóm 501 – 550 (đứng đầu ở Việt Nam); nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo – thứ 451-500, nhóm ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin – thứ 551-600. Riêng đối với lĩnh vực vật lý, ĐH Quốc gia Hà Nội là cơ sở ĐH duy nhất ở Việt Nam được US NEWS xếp hạng và đứng thứ 502 thế giới.
Tiêu chỉ xếp hạng của THE
Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục ĐH trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục ĐH tham gia xếp hạng dựa trên 5 nhóm tiêu chí:
1. Giảng dạy (môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% và 5 tiêu chí: kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy (15%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỉ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên ĐH (2,25%), tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ (6%) và thu nhập của đơn vị (2,25%). Thu nhập của trường ĐH được tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học.
2. Nghiên cứu (số lượng, thu nhập, uy tín) với trọng số 30% gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%) và năng suất nghiên cứu (6%).
3. Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường ĐH) với trọng số 30%, thông qua 23.400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liệu Scopus.
4. Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5% gồm tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%) và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5% – thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế).
5. Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5%, tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.
Theo tuoitre
10 đại học hàng đầu nước Pháp
Đại học nghiên cứu khoa học Paris et Lettres đứng đầu bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Pháp năm 2019, trường Bách khoa Paris đứng thứ hai.
Tổ chức QS xếp hạng top 10 đại học hàng đầu tại Pháp năm 2019 dựa theo 6 tiêu chí: danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng người sử dụng lao động (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), số trích dẫn khoa học trên mỗi giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
1. Đại học nghiên cứu khoa học Paris et Lettres (PSL)
Đại học Paris et Lettres đứng đầu bảng xếp hạng trường xuất sắc nhất nước Pháp và đứng thứ 53 trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới. Thành lập vào năm 2010, trường PSL được tạo thành từ 9 đại học thành phần, trong đó có École Normale Supérieure - một trong những đại học danh giá và có chỉ tiêu tuyển sinh khắt khe nhất nước Pháp.
Hiện tại trường PSL đào tạo rất nhiều ngành học từ khoa học, kỹ thuật đến nghệ thuật, nhân văn, khoa học xã hội, hóa học, năng lượng và khoa học sự sống. Trường có 181 phòng thí nghiệm và 101 khoản tài trợ ERC (tài trợ nghiên cứu khoa học).
Hơn 20.000 sinh viên đang theo học tại PSL, trong đó 26% đến từ quốc tế. Một số cựu sinh viên nổi tiếng của các trường đại học thành phần thuộc PSL là nhà phát minh thanh trùng Louis Pasteur, người đoạt giải Nobel Văn học Henri Bergson, nhà tư tưởng nổi tiếng Michel Foucault, nhà triết học Bernard- Henri- Levy.
Đại học nghiên cứu khoa học Paris et Lettres. Ảnh: Topuniversities
2. Trường Bách khoa Paris (École polytechnique)
Thành lập năm 1974, trường Bách khoa Paris (còn gọi là trường X) là một trong những "Grande école" (cơ sở giáo dục đào tạo cao cấp) nổi tiếng nhất nước Pháp, được xem như trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng nhất nước này. Trường hiện đứng thứ hai trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu nước Pháp và đứng thứ 60 thế giới.
Mục đích truyền thống của sinh viên tại ngôi trường này là trở thành nhân lực cấp cao của chính phủ Pháp và các tập đoàn công nghiệp hàng đầu quốc gia. Trường Bách khoa Paris hiện đào tạo 1.660 sinh viên với các chương trình cả đại học và sau đại học. Các khoa đào tạo gồm: Sinh học, Hóa học, Kinh tế, Văn học và Khoa học xã hội, Tin học, Ngôn ngữ và Văn hóa, Toán, Vật lý, Cơ khí, Quản lý phát triển và Kinh doanh.
Có rất nhiều nhân tài từng theo học tại trường, bao gồm: các cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing, Sadi Carnot, cựu bộ trưởng tài chính Francis Mer, tướng Jean-Baptiste Eugène Estienne - cha đẻ của xe tăng, cùng nhiều phi hành gia vũ trụ và nhà công nghiệp.
3. Đại học Sorbonne
Đứng thứ ba ở Pháp, thứ 77 thế giới trên bảng xếp hạng là Đại học Sorbonne. Là đại học công lập, thành lập bởi sự sáp nhập năm 2018 của đại học Paris -Sorbonne, Đại học Pierre et Marie Curie và một số trường nhỏ khác.
Tiền thân của Đại học Sorbonne là trường College de Sorbonne, ngày nay chính là khoa Nhân văn của trường. Hiện tại, Sorbonne được công nhận là đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới với gần 53.400 sinh viên, trong đó 10.200 đến từ quốc tế và 4.400 sinh viên theo chương trình tiến sĩ.
Trường có 3 khoa, gồm Nhân văn (Văn khoa) với các bộ môn giảng dạy: lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, âm nhạc; khoa Khoa học; khoa Dược. Trong bảng xếp hạng của QS, trường đạt điểm cao nhất về chỉ số uy tín học thuật.
4. Viện CentraleSupélec
Viện CentraleSupélec đứng thứ tư trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu Pháp và đứng thứ 139 thế giới. CentraleSupélec được thành lập ngày 1/1/2015 thông qua sự sáp nhập của hai trường cao học hàng đầu nước Pháp là Ecole Centrale Paris và Supélec.
Viện CentraleSupélec là thành viên sáng lập chính của Đại học Paris-Saclay, mạng lưới TIME (Top Industrial Managers for Europe - Top các nhà quản lý công nghiệp hàng đầu châu Âu) và hiệp hội các trường kỹ thuật châu Âu. Theo nhiều cuộc khảo sát, những cử nhân tốt nghiệp CentraleSupélec luôn được trả lương cao nhất nước Pháp.
Hiện Viện CentraleSupélec có các khoa: Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Khoa học Truyền thông, Kỹ thuật robot và máy tính, Kỹ thuật, Năng lượng và Môi trường, Robotics, Sức khỏe, Toán học và các ngành kỹ thuật khác, điện tử.
Khoảng 5.350 sinh viên đang theo học tại trường.
5. Đại học École Normale Supérieure de Lyon
Dù giảm bậc trên bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới năm nay (đứng thứ 160), École Normale Supérieure de Lyon (ENSL) vẫn xếp thứ năm ở Pháp.
Được thành lập năm 1880, trường ENSL hiện tại là thành viên của Đại học Lyon, hệ thống bao gồm 11 trường và viện nghiên cứu. Trường cũng đặt quan hệ đối tác với nhiều đại học uy tín, đẳng cấp hàng đầu thế giới như Đại học Bắc Kinh, Đại học Cambridge, Oxford, McGill, Havard.
Phần lớn sinh viên của trường được tuyển trực tiếp từ các trường dự bị của Pháp, tuy nhiên cũng có một số tham gia thi tuyển qua các kỳ tuyển sinh nghiêm ngặt.
Trường ENSL đang đào tạo khoảng 2.000 sinh viên bậc đại học và 400 sinh viên bậc sau đại học. Các ngành đào tạo của trường bao gồm: Sinh học, Hóa học, Khoa học máy tính, Khoa học về Trái Đất, Toán học, Vật lý, Nghệ thuật, Ngoại ngữ, Tiếng Pháp, Khoa học con người, Khoa học xã hội.
Đại học École Normale Supérieure de Lyon (ENSL). Ảnh: Topuniversities
6. Học viện chính trị Paris
Thành lập vào năm 1872, Học viện chính trị Paris hiện đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng đại học ở Pháp và thứ 242 trên bảng xếp hạng thế giới.
Học viện chính trị Paris là trường chuyên về pháp luật, kinh tế, khoa học xã hội, chính trị và các lĩnh vực liên quan. Hiện nay trường đặt trách nhiệm đầu tiên là đào tạo ra các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực hoạt động công và tư nhân ở Pháp và trên toàn thế giới.
Có rất nhiều nhân tài từng theo học tại trường, tiêu biểu như cựu tổng thống Pháp Francois Hollande.
Hiện có khoảng 13.000 sinh viên theo học tại trường, trong đó 46% đến từ gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trường cũng có 200 giảng viên, nghiên cứu sinh và 470 trường đại học đối tác.
7. Trường Viễn thông Paris
Xếp thứ bảy trong danh sách đại học tốt nhất nước Pháp và 249 trên bảng xếp hạng thế giới, trường Viễn thông Paris (tên đầy đủ là Đại học Quốc gia Viễn thông) là một trong những "grande école" đào tạo kỹ sư viễn thông nổi tiếng của Pháp.
Trường được thành lập năm 1878 và đang có hai cơ sở, một nằm ở quận 13 của Paris, một nằm ở Sophia Antiplolis (công viên công nghệ ở Pháp). Trường chuyên về nghiên cứu và đào tạo kỹ sư trong nhiều lĩnh vực liên quan đến thông tin liên lạc.
Hiện có hơn 1.500 sinh viên theo học tại trường, trong đó 700 sinh viên theo học hệ kỹ sư.
8. Trường École des Ponts ParisTech
Trường École des Ponts ParisTech (ENPC) tăng 13 bậc trên bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới trong năm nay và hiện đứng thứ 250.
Thành lập từ năm 1747, ENPC hiện là một trong những trường đào tạo kỹ sư hàng đầu tại Pháp, cung cấp các khóa học cả bậc đại học và sau đại học về kỹ thuật, khoa học và công nghệ. Trường có quan hệ hợp tác với 53 đại học ở 32 quốc gia, trao đổi học kỳ với một số trường kỹ thuật nổi tiếng như Berkeley, Georgia Tech và Imperial College.
Hiện có 1.790 sinh viên theo học tại trường. Một số cựu sinh viên nổi tiếng từng theo học tại ENPC là cựu tổng thống Pháp Marie Francois Sadi Carnot, hoàng tử - cựu tổng thống Lào Souphanouvong, kiến trúc sư Paul Andreu, nhà vật lý Henri Becquerel, kỹ sư - nhà phát minh xi măng nhân tạo Louis Vicat...
9. Đại học Paris (University of Paris)
Đại học Paris (trường thành lập năm 2019, khác với Đại học Paris thành lập năm 1150) xếp thứ 253 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm nay. Là đại học công lập, được thành lập ngày 20/3/2019 dựa trên sự kết hợp của 3 đại học: Paris Descartes, Paris Diderot và Insitut de Physique de Globe de Paris.
Đây là ba trường xuất sắc ở Pháp, trong đó Paris Diderot có các cựu sinh viên và giảng viên từng đoạt giải Nobel, giải thưởng Fields và có cả hai cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp.
Hiện tại 3 trường đại học vẫn tách biệt và đến ngày 1/1/2020 sẽ hợp nhất dưới tên Đại học Paris. Tổng số sinh viên của cả ba trường sáp nhập là 58.000.
10. Trường Đại học Paris XI
Đại học Paris XI đứng thứ 262 trên bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới. Thành lập vào năm 1971, đây là một trong những đại học lớn và uy tín nhất nước Pháp và châu Âu về đào tạo khoa học.
Có 31.400 sinh viên theo học, hiện trường giảng dạy đại học, sau đại học các ngành: Cơ khí và Công nghệ, Dược, Hóa học, Khoa học công nghệ, Kỹ sư điện, Kinh tế, Luật, Quản trị, Vật lý ứng dụng, Y khoa.
Trường có rất nhiều cựu sinh viên nổi tiếng, từng giành giải thưởng danh giá như 4 giải Field vào các năm 1994, 2002, 2006, 2010; 2 giải thưởng Nobel về Vật lý các năm 1991, 2007.
Thanh Hương
Theo Topuniversities/VNE
Mức lương của cựu sinh viên 10 đại học hàng đầu nước Mỹ Sáu năm sau khi tốt nghiệp, thu nhập trung bình của cựu sinh viên MIT là 104.700 USD một năm (hơn 2,4 tỷ đồng). Dựa vào bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2020 của Niche, trang Business Insider ngày 21/8 đưa ra danh sách đại học hàng đầu với một số chỉ số cụ thể như tỷ lệ chấp...