Đại học “thèm” tiến sĩ
Tình trạng “khát” giảng viên hiện nay không còn nóng với nhiều trường đại học nữa mà vấn đề “nóng” hiện nay là tìm giảng viên trình độ cao bởi việc tuyển vô cùng khó khăn vì không có nguồn.
Trường ngoài công lập “lao đao” tìm tiến sĩ
Bộ GD-ĐT vừa đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH và 14 ngành đào tạo của 4 trường ĐH do không đủ điều kiện như cơ sở vật chất và giảng viên. Đây có lẽ là “cú đấm mạnh” vào nhiều trường đại học không cam kết thực hiện như đã “hứa” khi thành lập trường. Kỷ luật đảm bảo chất lượng giáo dục không còn giơ cao đánh khẽ như trước nữa. Lãnh đạo Bộ cho biết, năm học tới, Bộ tiếp tục kiểm tra và sẽ “thẳng tay” ra quyết định đình chỉ.
Về vấn đề giảng viên yếu về chất lượng và thiếu về số lượng, các nhà quản lý giáo dục đã cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng tình trạng này khắc phục chưa nhiều. Tại một cuộc họp về Dự thảo Luật giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Hiện nay, tính bình quân tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 14%; trình độ thạc sĩ là 35%”. Như vậy, trình độ đại học dạy đại học còn khá nhiều. Với quy định của Bộ GD-ĐT, khi mở ngành phải có ít nhất 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ. Do vậy, nhiều trường chưa đáp ứng điều kiện này đang chạy đua tuyển chọn giảng viên trình độ cao nhất là các trường ngoài công lập.
Ông Vũ Văn Hóa, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi hiện nay còn tồn đọng khá nhiều hồ sơ tuyển giảng viên nhưng trường không tuyển được bởi vì đó không phải là đối tượng trường cần tuyển. Hiện nay, trường cần tuyển giảng viên trình độ thạc sỹ, tiến sĩ”.
Ông Hóa cho hay, do khó khăn nguồn tuyển nên trường tự tạo nguồn là tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp loại khá, giỏi và nhà trường đầu tư cho đi học thạc sĩ.
Ông Hoàng Hữu Nguyên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cho hay, hiện trường chỉ muốn tuyển giảng viên trình độ tiến sĩ trẻ khoảng 10 người để phụ trách trưởng và phó bộ môn. Bởi hiện nay đội ngũ giảng viên cơ hữu thì đã lớn tuổi và đội ngũ trẻ thì ít.
Video đang HOT
Tương tự, Trường ĐH Hòa Bình hiện có 35,9 SV/GV, trường cũng khá vất vả trong việc tuyển giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ông Nguyễn Đình Dân, trưởng phòng hành chính, tổng hợp cho biết: “Hàng năm trường tuyển khoảng 10 -15% giảng viên nhưng do thiếu nguồn tuyển ở trình độ cao nên trường đành phải tuyển sinh viên sau đó cử đi học cao học”.
Cũng theo ông Dân, trường ngoài công lập tuyển giảng viên hàng năm còn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh nên tuyển nhiều giảng viên cũng không ổn.
Vấn đề “nóng” hiện nay với nhiều trường đại học là tìm giảng viên trình độ cao bởi việc tuyển vô cùng khó khăn vì không có nguồn.
Công lập cũng khó giữ chân tiến sĩ
Tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, số lượng sinh viên trên giảng viên cũng khá đông 66,2 SV/GV, hàng năm trường thông báo tuyển trên 100 giảng viên, nguồn tuyển của trường chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng, sinh viên khá, giỏi và nghiên cứu sinh nước ngoài.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp, than thở: “Khó khăn nhất trong việc tuyển giảng viên của trường là tiến sĩ. Mặc dù có tuyển được sau một thời gian cũng khó giữ chân họ bởi mức lương thấp, họ đi ra ngoài làm doanh nghiệp mức lương cao hơn. Hiện trong trường, tiến sĩ hợp đồng thì nhiều nhưng tiến sĩ giảng viên cơ hữu được vài chục người. Trường đã gửi hơn 80 người đi học tiến sĩ ở trong và ngoài nước”.
Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết: “Năm nào trường cũng phải đối mặt với hiện tượng giảng viên nhảy việc bởi nhiều giảng viên giỏi của trường bị các doanh nghiệp hút hết.
Nhà nước rất quan tâm đến việc tạo nguồn giảng viên có chất lượng cho các trường ĐH. Tuy nhiên, cả nguồn đưa giảng viên ra nước ngoài đào tạo tiến sĩ và đào tạo trong nước đều gặp khó: giảng viên đủ điều kiện cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hàng năm rất ít, còn đào tạo trong nước thì ít người đăng ký”.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo của nhiều trường đại học cho hay, việc tuyển giảng viên trình độ cao ở các trường đại học là bài toán nan giải. Nguyên nhân chính vẫn là mức lương làm việc quá thấp.
Trong quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn từ 2011- 2020 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành đến năm học 2019-2020, bậc CĐ nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 27.000 người (60%), trình độ tiến sĩ khoảng 3.500 người (8%); bậc ĐH nhu cầu GV có trình độ thạc sĩ khoảng 58.000 người (70%), trình độ tiến sĩ khoảng 29.000 người (30%). Để thực hiện được mục tiêu đề ra trên xem ra cũng là bài toán nan giải và sự nỗ lực cố gắng đối với các nhà quản lý.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Bình Định: Gần 2 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nhân lực trình độ cao
Chiều 2/12, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Bình Định đã tổ chức hội thảo khoa học thực hiện chế độ khuyến khích đối với nhân lực có trình độ cao và hỗ trợ một lần cho 133 đối tượng thuộc chuyên khoa cấp 1, 2, Tiến sĩ, Thạc sĩ, sinh viên ĐH tốt nghiệp loại giỏi.
Dịp này, chương trình đã hỗ trợ tổng số tiền 1.955 triệu đồng tới 133 đối tượng gồm: Bác sĩ chuyên khoa cấp 1,2; Tiến sĩ, Thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Cụ thể: Hỗ trợ cho đối tượng Tiến sĩ 2 người (30 triệu đồng); Thạc sĩ 112 người (1.695 triệu đồng); Bác sĩ chuyên khoa cấp 1: 10 người (100 triệu đồng); Bác sĩ chuyên khoa cấp 2: 4 người (80 triệu đồng); SV tốt nghiệp đại học loại giỏi 5 người (50 triệu đồng).
Đại diện Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Bình Định trao tiền hỗ trợ tới các nhân lực có trình độ cao.
Chương trình hỗ trợ nhằm bổ sung hoàn thiện các chính sách của tỉnh Bình Định với mục tiêu huy động tối đa trí tuệ tập thể và tài năng cá nhân của các nhà khoa học và công nghệ (KH-CN); tôn vinh các nhà KH yêu ngành, yêu nghề, say mê với KH, khen thưởng, đãi ngộ đối với những người có cống hiến xuất sắc trong nghiên cứu KH và phát triển CN; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ KH-CN trong tỉnh có thu nhập thỏa đáng.
Được biết, trong 5 năm qua (2007-2011), trong chương trình hỗ trợ chính sách một lần đối với nhân lực trình độ cao của tỉnh Bình Định đã có 631 đối tượng được hưởng chính sách (trong đó có 6 Tiến sĩ; 6 Bác sĩ chuyên khoa 2; 318 Thạc sĩ; 30 Bác sĩ chuyên khoa 1; 50 SV tốt nghiệp ĐH loại giỏi; 191 SV tốt nghiệp ĐH loại Khá) với tổng kinh phí 7.325 triệu đồng.
Doãn Công
Theo dân trí
Báo động chất lượng liên thông Nếu cứ để như tình trạng hiện nay, sau hệ tại chức và bằng tốt nghiệp ĐH của các trường ngoài công lập, sẽ đến lúc xã hội từ chối bằng của chương trình liên thông. Liên thông có nhiều mặt tích cực, giúp người học có điều kiện học tập suốt đời. Thế nhưng vừa qua nhiều trường đã vận hành chương...