Đại học Quốc gia Hà Nội lên phương án cho kỳ thi tuyển sinh riêng
Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên phương án sẵn sàng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020.
Sinh viên Trường đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội – Ảnh Ngọc Diệp
Đại học Quốc gia Hà Nội vừa thông báo, đại học này đã lên phương án sẵn sàng tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng trong trường hợp Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.
Theo kế hoạch tuyển sinh Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố trước đó, năm 2020, các đơn vị trực thuộc đại học này thực hiện tuyển sinh đại học chính quy theo các phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 theo tổ hợp các môn thi/bài thi tương ứng và xét tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ quốc tế hoặc có kết quả của các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế.
Tuy nhiên, hôm nay, 17.4, Ban Tuyển sinh Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định, trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức được theo kế hoạch, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn. Nội dung thi gồm hợp phần thi môn toán – hợp phần (hoặc bài luận) môn ngữ văn, ngoại ngữ… để xét tuyển.
Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước ngày 30.5.
Trường hợp phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn giữ phương án xét tuyển thẳng gồm: thí sinh có các chứng chỉ quốc tế hoặc có kết quả của các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế, thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (Cambridge International Examinations A-Level, UK; gọi tắt là chứng chỉ A-Level); thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ) đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Đại học Quốc gia Hà Nội; thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm (trong đó bắt buộc có môn toán hoặc môn văn).
Video đang HOT
Các tiêu chí xét tuyển thẳng được công bố vào đầu tháng 5.
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 10.320 chỉ tiêu với 131 ngành/chương trình đào tạo, trong đó có 14 ngành đào tạo mới thích nghi với thị trường lao động mới.
Nhiều ngành học mới được thiết kế phục vụ đào tạo nguồn nhân lực liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng chuyển đổi số và các vấn đề mới như: khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử và tin học; khoa học và công nghệ thực phẩm; công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; marketing, Nhật Bản học, điều dưỡng, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học…
Quý Hiên
Đại học khó tuyển sinh nếu bỏ thi THPT quốc gia
Không tổ chức thi THPT quốc gia 2020, các trường đại học mất một phương thức quan trọng trong tuyển sinh, nhất là trường top trên.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình hai phương án thi THPT quốc gia năm 2020, Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) tổ chức họp, đưa ra phương án tuyển sinh cho năm nay. PGS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng, cho biết những năm gần đây trường chủ yếu tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và lấy khoảng 10-20% chỉ tiêu một số ngành thông qua kết quả học tập THPT.
Như phương án tuyển sinh năm 2020 công bố hồi đầu tháng 1, trong 5.700 chỉ tiêu có tới 5.270 xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. "Tôi hy vọng Bộ vẫn tổ chức kỳ thi này. Dù nhiều hay ít, giảm tải môn thi hay chỉ tổ chức cho các em có nguyện vọng xét tuyển đại học thì kỳ thi cũng đánh giá mặt bằng chung, làm căn cứ xét tuyển", ông Chương nói.
Tình huống xấu nhất không thể tổ chức thi THPT quốc gia mà chỉ xét tốt nghiệp, trường phải chuyển sang xét học bạ. Trường đang nghiên cứu các tiêu chí kèm theo nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào bởi chỉ xét học bạ, mặt bằng chung sẽ không đồng đều, ảo nhiều. Do thời gian gấp, trường cũng chưa tính đến phương án tổ chức kỳ thi riêng như một số trường lớn.
Công bố phương án tuyển sinh hồi cuối năm 2019, Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng thêm phương án mới trước đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng kịch bản tốt nhất là dịch bệnh được dập tắt, kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra.
Việc xét học bạ, theo ông Đức, không đánh giá được chính xác năng lực của từng thí sinh bởi học bạ nhiều khá, giỏi, có hiện tượng "biếu điểm". Thực tế cho thấy nhiều học sinh trúng tuyển bằng học bạ khi vào học lại không theo được, nhất là các ngành có điểm chuẩn cao như Kinh tế, Luật, Y Dược.
"Ví dụ khối Y Dược, các trường top đầu phải 27-28 điểm mới đỗ, trong khi trường tỉnh chỉ cần 21-22. Nếu chỉ xét học bạ, học sinh ồ ạt nộp vào trường top đầu, đơn vị quản lý đào tạo sẽ không có căn cứ nào đánh trượt. Điều này rất nguy hiểm, kéo chất lượng của trường và của chính sinh viên đi xuống", ông Đức nói.
Với tình huống không có kỳ thi THPT quốc gia, theo ông Đức, những đại học hàng đầu, đủ tiềm lực có thể tổ chức kỳ thi riêng, các trường chưa đủ khả năng có thể hợp tác, sử dụng kết quả ở kỳ thi này để xét tuyển. Ví dụ Đại học Bách khoa Hà Nội công bố tổ chức kỳ thi riêng, các trường khối Kỹ thuật có thể liên kết, lấy kết quả làm căn cứ thay vì chỉ xét học bạ THPT.
Chuyên gia này phân tích thêm, theo thông lệ quốc tế, không có trường đại học nào chỉ xét tuyển dựa vào điểm học tập THPT mà đều phải có kỳ thi đánh giá năng lực, chẳng hạn như SAT và ACT ở Mỹ.
Thí sinh tại TP HCM dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Quỳnh Trần.
TS Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng cho rằng kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức là kịch bản tốt nhất cho việc tuyển sinh của các trường. Tình huống xấu nhất, Covid-19 phức tạp kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên giao cho tỉnh, thành tổ chức thi đánh giá, xét tốt nghiệp.
Theo ông Trọng, không có kỳ thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh của các trường đại học sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, các trường nên chủ động đầu tư cho phương án tuyển sinh riêng, có thể một trường hoặc nhiều trường cùng tổ chức một kỳ thi và lấy kết quả xét tuyển. Chẳng hạn kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức, hiện gần 60 trường đăng ký sử dụng kết quả để xét tuyển.
"Luật Giáo dục đại học hiện giao cho nhà trường quyền tự chủ, có thể linh hoạt trong các phương thức, tuyển sinh nhiều lần trong năm", ông Trọng nói.
TS Nguyễn Quốc Anh, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP HCM, cùng quan điểm không có kỳ thi THPT quốc gia, các trường mất đi một thước đo tương đối chuẩn xác để tuyển sinh. Thực tế, điểm học bạ THPT có sự chênh lệch trong đánh giá giữa các địa phương, giữa các trường THPT. Việc vào đại học bằng điểm học bạ THPT cũng gây thiệt thòi cho những em định hướng thi cử từ đầu cấp, chỉ tập trung cho môn sở trường.
Ông Quốc Anh ví mỗi phương thức tuyển sinh như một bộ lọc mà nếu có nhiều sự lựa chọn thì trường đại học sẽ có cơ hội nhiều hơn để "lọc" thí sinh tốt; học sinh cũng có thêm nhiều cơ hội để đậu vào trường phù hợp.
Năm nay, Đại học Công nghệ TP HCM lấy 6.000 chỉ tiêu, tuyển sinh bằng bốn phương thức: kết quả thi THPT quốc gia, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá năng lực do trường tự tổ chức, xét học bạ. Nếu mất phương thức đầu tiên, trường sẽ tính toán để chia đều chỉ tiêu cho các phương án còn lại hoặc kết hợp nhiều phương thức để lựa chọn được đầu vào tốt nhất.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất hai phương án thi THPT quốc gia 2020, nhiều trường nhanh chóng họp, đưa ra phương án dự phòng. Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội) chiều 16/4 lên kế hoạch tuyển sinh với từng phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm nay, trường tuyển 2.430 sinh viên bằng bốn phương thức: xét tuyển học bạ, tuyển thẳng theo kết quả thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, kết quả thi THPT quốc gia, có chứng chỉ tiếng Anh. Nếu không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trường có thể tuyển sinh bằng ba phương thức còn lại nhưng vẫn phải tính toán thêm giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng, kiểm soát được đầu vào.
Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) năm nay tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu, dựa vào bốn phương thức: điểm xét tốt nghiệp, điểm thi THPT quốc gia, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM và xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo cho biết, nếu chỉ xét tốt nghiệp, trường sẽ phân bổ chỉ tiêu ở phương thức xét điểm THPT quốc gia sang phương thức khác, cụ thể 50% điểm xét tốt nghiệp THPT, 45% điểm đánh giá năng lực, còn lại tuyển thẳng. "Thay vì xét học bạ, chúng tôi xét điểm tốt nghiệp THPT và cách làm này sẽ mang lại hiệu quả trong bối cảnh hiện nay", TS Phương cho hay.
Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).
Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19, hiện phải học từ xa (online, truyền hình). Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh.
Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.
Dương Tâm - Mạnh Tùng
Nữ sinh 10x Chuyên ngữ giành học bổng 3.5 tỷ, mong muốn đưa trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu y khoa Qua thời gian thử nghiệm với gần 1000 tệp tài liệu suốt 2 tháng, đến cuối năm 2019, Nhi vui mừng vì kết quả chẩn đoán ung thư từ máy tính có độ chính xác lên tới 97%. Trần Tuệ Nhi, cái tên khiến nhiều người nể phục khi nhắc tới với loạt thành tích nổi bật trong học tập trong thời gian...