Đại học ở Việt Nam: Thành lập thì dễ, giải thể thì khó
Do đó, chủ trương cho phép các trường sáp nhập được kỳ vọng tạo điều kiện hình thành nên các trường đại học mạnh, có thể bứt phá phát triển.
Mô hình ĐH quốc gia với nhiều trường ĐH thành viên nếu có cơ chế hoạt động tốt sẽ bứt phá nhanh. Trong ảnh: khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM tại Q.Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) vừa được Quốc hội thông qua là nội dung đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là xu thế sáp nhập các trường ĐH.
Ông Phạm Tất Thắng – phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội – trao đổi với Tuổi Trẻ:
- So với nhiều nước khác, số lượng trường ĐH nước ta hiện nay (trên 250 trường ĐH, chưa kể số trường thuộc khối công an, quân đội) lớn. Trong khi thực trạng đào tạo, quản lý trường ĐH còn có những bất cập, chất lượng đào tạo, đóng góp xã hội cũng còn hạn chế. Con số trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp cũng là điều đáng phải suy nghĩ.
Vì thế, việc đưa vào luật việc quy hoạch mạng lưới trường ĐH trong thời điểm hiện nay là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường ĐH có thể bứt phá phát triển hoặc sáp nhập một số trường ĐH tạo nên những ĐH mạnh.
“Ở Việt Nam, cho thành lập thì dễ, nhưng giải thể thì khó, hầu như chưa có trường nào bị giải thể, nên càng cần phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới.”
Ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ Nhiệm UB Văn Hoá, Giáo Dục, Thanh Thiếu Niên Và Nhi Đồng QH
Sáp nhập phải là nhu cầu tự thân
* Nhưng việc sáp nhập các trường nhỏ, trường yếu là vấn đề rất khó xét cả ở khía cạnh tâm lý xã hội và tính phức tạp do VN có nhiều loại hình trường, trực thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau…
- Đúng là nhiều hình thức sở hữu, nhiều cơ quan quản lý đang là một rào cản, khiến thực hiện định hướng trong luật là bài toán khó khăn. Vì thế, như tôi đã nói, đưa định hướng này vào luật là để có cơ sở pháp lý thực hiện mà trước hết là thực hiện việc quy hoạch mạng lưới.
Cần phải tính toán lại số lượng cơ sở đào tạo ở mỗi lĩnh vực, địa phương, địa bàn và theo nhu cầu nhân lực hiện tại và trong tương lai, từ đó xác định lộ trình quy hoạch mạng lưới trường ĐH như thế nào. Có thể tính toán quy hoạch theo vùng miền, theo năng lực các trường, theo lĩnh vực đào tạo gắn với nhu cầu nhân lực xã hội…
Khu ký túc xá của ĐH Quốc gia TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Trước đây từng có dự định quy hoạch mạng lưới ĐH theo chức năng đào tạo: ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và thực hành. Liệu việc quy hoạch sắp tới có nên đi theo hướng phân tầng này không?
- Việc này đã được đặt ra trong Luật giáo dục ĐH năm 2012. Mặc dù xu thế phân tầng này ở các nước khác đã làm, nhưng lại không khả thi do ở VN còn nặng tâm lý phải là ĐH nghiên cứu thì mới có vị thế, còn ĐH ứng dụng, thực hành vị thế thấp hơn, “kém sang trọng hơn”. Và trường nào cũng muốn trở thành ĐH nghiên cứu mà không muốn theo hướng ứng dụng, thực hành.
Vì thế, luật sửa đổi lần này không đặt ra việc phân tầng theo hướng đó mà chỉ phân loại để xác định các ĐH trọng điểm mà Nhà nước cần tập trung đầu tư, có cơ sở để thực hiện giao tự chủ. Dĩ nhiên các trường tự chủ vẫn có thể được Nhà nước đầu tư trên cơ sở chứng minh năng lực, chương trình, mục tiêu để Nhà nước đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.
Video đang HOT
* Nhưng nếu chỉ nhằm tạo cơ sở pháp lý mà không có quy định mang tính bắt buộc những trường không đủ điều kiện đứng độc lập phải sáp nhập thì sẽ không có nhiều trường thừa nhận mình yếu và tự nguyện sáp nhập, đồng nghĩa với việc luật khó khả thi?
- Mục tiêu lớn hơn khi đặt ra vấn đề này là xây dựng các ĐH mạnh. Trong đó có thể các trường ĐH phát triển theo hướng thành lập các trường ĐH trực thuộc hoặc sáp nhập các trường khác nhau thành ĐH đa ngành.
Tuy nhiên, việc sáp nhập này sẽ không thể thực hiện kiểu cơ học mang tính hành chính mà phải xem xét về tính phù hợp và quan trọng là nhu cầu tự thân của các trường. Ví như các trường thấy có cùng mục tiêu, định hướng, thấy mô hình tổ chức hiện tại là “cái áo chật”, việc sáp nhập có tương lai phát triển thì chủ động thỏa thuận với nhau và đề xuất với cơ quan quản lý. Và khi có luật rồi thì việc này sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Năm 2017, Trường CĐ Tài chính – hải quan sáp nhập vào Trường ĐH Tài chính – marketing – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cơ chế thoáng hơn, hệ thống sẽ mạnh hơn
* Việc sáp nhập các trường ĐH nhỏ thành ĐH, tương tự như mô hình hai ĐH quốc gia có phải là việc rút ngắn con đường để xây dựng thương hiệu ĐH, hướng tới có tên trong các bảng xếp hạng trường ĐH?
- Thực tiễn ở hai ĐH quốc gia cũng chứng minh mô hình ĐH bao gồm nhiều trường ĐH thành viên, khi có cơ chế hoạt động tốt sẽ bứt phá nhanh. Cụ thể cả hai ĐH quốc gia hiện đã có tên trong bảng xếp hạng 1.000 ĐH tốt nhất thế giới, các dự án nghiên cứu có chất lượng, giải quyết những bài toán mang tính chất liên ngành, công bố quốc tế của các ĐH nhiều hơn.
Khi tập hợp đủ nguồn lực về tài chính, chuyên môn, về con người thì các ĐH mới có thể hình thành các xu hướng nghiên cứu mới, giải các bài toán tổng quát, còn nếu đứng độc lập thì việc này sẽ khó thực hiện.
* Nhưng ở VN cũng có những ĐH vùng theo mô hình quản lý hai cấp, gồm nhiều trường thành viên không hoạt động hiệu quả. Thậm chí từng có ý kiến cho rằng cần giải tán mô hình ĐH vùng, có những trường thành viên của ĐH vùng muốn “thoát ly” vì vướng víu quá nhiều thứ không phát triển được?
- ĐH vùng cũng là mô hình quản lý hai cấp như ĐH quốc gia, nhưng còn thiếu cơ chế đặc thù về tự chủ và ưu tiên đầu tư. Thậm chí, ĐH vùng còn không được giao cơ chế cởi mở như trường ĐH độc lập đang triển khai tự chủ. Về quản lý như vậy là thiếu công bằng khiến ĐH vùng không có động lực để phát triển mà còn nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn nội tại.
Với thực trạng hiện nay thì mô hình ĐH vùng đang tạo ra thêm một cấp quản lý mà không thực sự thúc đẩy được, có khi còn gây cản trở cho các trường ĐH thành viên phát triển. Trong việc thực hiện quy hoạch sắp tới, đây cũng là việc phải tính toán lại. Nếu duy trì mô hình này thì cần phải tạo ra cơ chế phù hợp hơn (giao quyền tự chủ và tập trung đầu tư).
Nguồn: Bộ GD&ĐT – Đồ họa: V.CƯỜNG
* Ở khối giáo dục nghề nghiệp, chủ trương sáp nhập các trường yếu để tạo nên các cơ sở đào tạo mạnh hơn đang được thực hiện quyết liệt. Nhưng một số địa phương lại vội vàng sáp nhập một cách ồ ạt, có thể gây nên hệ lụy. Điều này liệu có xảy ra đối với khối ĐH tiến hành sáp nhập theo quy hoạch sắp tới không?
- Giống như hệ thống giáo dục ĐH, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện cũng khá nhiều. Tuyển sinh ở nhiều trường còn khó khăn, chất lượng đào tạo cũng chưa cao. Vì vậy, việc tổ chức lại hệ thống – trong đó có phương án sáp nhập trường yếu, đầu tư bài bản với trường có chất lượng là việc làm cần thiết.
Song trên thực tế, việc này chưa đạt được nhiều kết quả rõ nét. Còn ở một số địa phương đã tiến hành sáp nhập thì dường như chưa thể yên tâm vì việc sáp nhập có vẻ cố gắng đạt mục tiêu giảm đầu mối cơ học mà chưa tính toán thật kỹ.
Đó cũng là bài học thực tiễn để khi thực hiện sắp xếp lại hệ thống cần nghiên cứu kỹ, thận trọng và triển khai từng bước.
Không nên thành lập mới trường công
* Theo ông, trong thời gian chờ quy hoạch, có nên tiếp tục cho phép thành lập các trường ĐH mới không?
- Theo tôi thì tạm thời không nên thành lập mới các trường công lập. Vì xét về số lượng trường ĐH, các ngành ĐH tương ứng với nhu cầu nhân lực thì hiện nay chúng ta đã khá đủ. Có lẽ không có ngành nghề nào xã hội cần nhân lực mà các trường ĐH Việt Nam chưa đào tạo. Do đó, việc thành lập mới các trường ĐH công lập là chưa cần thiết. Nên chờ sau khi quy hoạch mạng lưới mới cân nhắc tiếp.
Nguồn: Bộ GD&ĐT – Đồ họa: V.CƯỜNG
Ông Nguyễn Hoàng Hiếu (phó vụ trưởng Vụ kế hoạch – tài chính, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp): Không thể làm ồ ạt, vội vàng
Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hệ thống mạnh lên là điều tất yếu, nhưng cần được thực hiện thận trọng, khoa học, hiệu quả và có lộ trình cụ thể.
Hiện tại, cả nước có khoảng 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc rà soát, sắp xếp nhằm định hướng phát triển các trường theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, đồng thời quy hoạch theo hướng mở và linh hoạt.
Đó cũng là cách để khắc phục tình trạng dàn trải, trùng lắp về ngành đào tạo, loại bỏ những cơ sở hoạt động không hiệu quả.
Việc cần làm đầu tiên là phải xây dựng các tiêu chuẩn làm cơ sở cho quy hoạch: chuẩn các trường chất lượng cao, chuẩn các ngành, nghề đào tạo theo các cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia, chuẩn đầu ra… Từ đó sẽ có sự phân bổ hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho các trường.
Còn lại, những trường có nhiều ngành nghề và lĩnh vực đào tạo trùng lắp với nhau có thể xem xét sáp nhập, những trường không đủ tiêu chuẩn phải kiên quyết loại bỏ theo hướng giải thể hoặc sáp nhập với trường khác.
Quan điểm của bộ là những trường cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực có thể sắp xếp lại tổ chức và từng bước tự chủ. Những trường đang tự chủ hoặc cam kết tự chủ theo lộ trình thì có thể tiếp tục hoạt động bình thường, nhằm tránh những trường hợp làm ồ ạt, vội vàng.
NG.H. ghi
PGS.TS Nguyễn Văn Thư (hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM): Phải có chủ trương từ lãnh đạo cấp cao
Với thực tế của giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng cần sớm thúc đẩy việc sáp nhập các trường ĐH để có một ĐH mạnh, hoạt động hiệu quả. Một thực trạng dễ dàng nhìn thấy là đang có rất nhiều trường ĐH đào tạo nhiều lĩnh vực, ngành học giống nhau.
Đơn cử như tại TP.HCM đang có hai trường ĐH giao thông vận tải của hai bộ khác nhau (Bộ GTVT và Bộ GD-ĐT) đào tạo hầu hết các ngành học giống nhau. Như vậy là chồng chéo, bất hợp lý. Trong khi nếu thực hiện sáp nhập các trường lại với nhau sẽ có nguồn lực về cơ sở vật chất cũng như con người lớn mạnh hơn nhiều.
Tuy nhiên việc sáp nhập cũng có những trở ngại nhất định vì một số trường không muốn bị sáp nhập. Họ muốn có “lãnh địa” riêng, khi sáp nhập nhiều người sẽ mất chức, ảnh hưởng quyền lợi của họ.
Đặc biệt, rất nhiều trường đang trực thuộc các bộ ngành khác nhau, lại không thống nhất được với nhau nên sẽ khó khăn khi thực hiện việc sáp nhập. Như vậy, cần phải có chủ trương từ lãnh đạo cấp cao mới có thể làm được. Nếu để các bộ tự làm việc với nhau e rằng rất khó thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Cần sắp xếp theo quy hoạch tổng thể cấp quốc gia
Theo tôi, việc sáp nhập, giải thể ĐH cũng như nhiều pháp nhân lĩnh vực khác nên coi là chuyện bình thường, nhất là nếu sự sáp nhập ấy mang lại lợi ích thiết thực.
Tôi nghĩ việc sắp xếp các ĐH theo một quy hoạch tổng thể cấp quốc gia để các ĐH mạnh hơn về nghiên cứu, giảng dạy cũng như cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy. Các ĐH yếu kém hơn có thể sáp nhập vào các ĐH có uy tín.
Đối với các ĐH tư, việc sáp nhập có thể do mua bán, hợp tác… để có tiềm lực cạnh tranh hơn.
TRẦN HUỲNH ghi
Theo tuoitre
Nhiều nơi sáp nhập trường nghề ồ ạt
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương lớn, nhưng vừa qua nhiều nơi sáp nhập trường nghề ồ ạt, không tính đến hệ lụy về sau.
Học sinh Đồng Tháp tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Trường ĐH Đồng Tháp sáng 24-3-2018 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Vũ Xuân Hùng - vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) - đã chia sẻ thực trạng này tại hội nghị "Người sử dụng lao động 2018 - Hợp tác doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo và tuyển dụng" ngày 21-11.
Hội nghị do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.
Đứng ở vai trò một cơ sở đào tạo, ông Bùi Văn Dũng - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Xây dựng - dẫn nghị quyết 19 đã đặt ra yêu cầu: "Sáp nhập trường trung cấp vào trường CĐ, giải thể các trường trung cấp, CĐ hoạt động không hiệu quả", "về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập" và đặt câu hỏi bộ có tính đến phương án chuyển một số trường về doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đủ năng lực và sẵn sàng tiếp quản?
Đáp lại, ông Vũ Xuân Hùng cho biết quy hoạch mạng lưới là việc lớn, không thể vội vã. Song hiện nay, theo phát biểu của một số địa phương thì thấy một số nơi có biểu hiện "bệnh thành tích", sáp nhập ồ ạt, không tính đến hệ lụy về sau.
Theo ông Hùng, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một chủ trương lớn, nhưng không thể áp dụng chung một công thức cho tất cả các tỉnh, không phải cứ trung cấp là sáp nhập với CĐ, không phải cứ trường kém thì sáp nhập, mà thậm chí có thể bị giải thể.
Riêng việc đưa các trường về doanh nghiệp cũng không phải là bài toán đơn giản vì một số trường nghề đang thuộc doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp lại muốn đẩy sang các bộ, ngành...
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng tinh thần nghị quyết, tránh làm ồ ạt, không giải quyết được những hệ lụy sau này.
Theo tuoitre
Giải pháp nào cho ĐH quốc gia và ĐH vùng? Theo những cán bộ quản lý và chuyên gia, mô hình ĐH vùng, ĐH quốc gia cần được đánh giá thỏa đáng, cần suy xét nguyên nhân vì sao nó không như kỳ vọng. Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH Nên học tập mô hình của Mỹ Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến,...