Đại học ngoài công lập đề xuất giải pháp tự cứu mình
Nếu như trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm có khoảng 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường ngoài công lập thì đến năm 2016, con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên.
Ngày 14/4, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị các trường đại học ngoài công lập dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Một lần nữa, vấn đề bất bình đẳng giữa các trường công – tư lại được đặt ra.
PGS.TS Phạm Thị Huyền – đại diện nhóm các nhà nghiên cứu độc lập đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu – cho biết nhóm đã khảo sát tình hình hoạt động các trường đại học ngoài công lập trong cả nước từ tháng 1 đến tháng 3.
ĐH hoạt động hơn 20 năm nhưng vẫn phải đi thuê cơ sở
Nghiên cứu cho thấy số trường ĐH ngoài công lập đã tăng từ 5 trường (năm 1994) lên 60 trường vào cuối năm 2016 (trên tổng số 271 trường ĐH).
Hiện các trường ĐH ngoài công lập có hơn 253.000 sinh viên theo học, chiếm tỷ lệ 13%. Theo thống kê của các trường đại học ngoài công lập, có 80% sinh viên các trường này có việc làm trong vòng một năm ra trường và nhiều trường, số lượng sinh viên ra trường có việc làm lên đến 97%.
Tuy nhiên, các trường ngoài công lập hiện nay phải cạnh tranh “không cân sức” với các trường công lập có bề dày lịch sử phát triển và được Nhà nước hỗ trợ về đất đai, tài chính, trang thiết bị và nguồn lực con người…
PGS.TS Phạm Thị Huyền cho biết tính trung bình mỗi trường đại học ngoài công lập có khoảng 3,6 cơ sở đào tạo, thể hiện sự đa dạng nhưng cũng phân tán trong hoạt động đào tạo, gây khó khăn cho việc tạo lập môi trường học tập tốt cho sinh viên.
Một vấn đề đáng lưu ý là có đến 5/12 trường ĐH ngoài công lập có thời gian hoạt động hơn 20 năm nhưng vẫn phải thuê 100% cơ sở đào tạo.
Ít sinh viên – ít tiền hoạt động
Đối với công tác đào tạo của các trường ĐH ngoài công lập thì công tác tuyển sinh là vấn đề khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay.
Nếu như trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm có khoảng gần 81.000 sinh viên đăng ký học tại các trường ngoài công lập thì đến năm 2016 con số này chỉ còn hơn 72.000 sinh viên, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các trường bởi nguồn thu chủ yếu của các trường là từ học phí.
Video đang HOT
Ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch Hội đồng sáng lập ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương – cho rằng hệ thống giáo dục đại học vẫn còn bất cập: “Nếu các trường ngoài công lập không tuyển sinh được, liệu có thể đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ giảng viên được không?
Tất cả vấn đề đấy đếu liên quan đến kinh phí. Các trường ngoài công lập hiện nay không có nhà đầu tư nào cả, họ có tiền cũng không đầu tư. Chúng tôi phải tự làm, xã hội hoá từ tiền của sinh viên. Sinh viên không có thì làm sao làm được các vấn đề khác”.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Đông Á (Đà Nẵng), sự đóng góp của các trường ngoài công lập cho xã hội là rất lớn. Chính phủ không nên để các trường tự bơi trong khi lại yêu cầu các trường ngoài công lập phải đạt chuẩn chất lượng khu vực hay quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào kiến nghị: “Chính phủ hãy để phần đóng ngân sách của các trường ngoài công lập đầu tư trở lại cho các trường này. Cụ thể, đầu tư vào chiến lược phát triển đội ngũ, đầu tư thư viện, ký túc xá cho sinh viên các trường ngoài công lập, hiện nay gần như không có.
Chính phủ hãy chịu một phần kinh phí trong việc đầu tư các trường ngoài công lập bằng cách cho lãi suất bằng 0. Hiện TP.HCM làm rất tốt việc này. Lãi suất bằng 0 cũng rất ít so với việc cấp kinh phí cho trường công”.
Tiến sĩ Trần Thị Mỹ Diệu – hiệu trưởng Đại học Văn Lang – cho rằng các chính sách của nhà nước phải hướng đến tạo môi trường thuận lợi để các trường đại học ngoài công lập tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và ngoài công lập.
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh khẳng định: Thực tế cho thấy trường nào làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục thì sẽ phát triển bền vững.
Vì vậy, các trường đại học ngoài công lập phải xây dựng, bám sát các bộ tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo để có kế hoạch đầu tư cho công tác này. Đây là một trong những giải pháp dài hạn để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị nêu giải pháp bằng cách, nhà nước sẽ thay hình thức cấp bù ngân sách bằng việc giao nhiệm vụ, tiến tới không phân biệt trường công, trường tư, tạo môi trường bình đẳng cho các cơ sở giáo dục trong cả nước phát triển một cách lành mạnh
Theo Bạch Dương / Infonet
'Sinh viên mới ra trường chưa đủ năng lực nhận lương 2.500 USD'
Chuyên gia tuyển dụng cho biết một số công ty sẵn sàng trả lương khởi điểm 2.500 USD/tháng cho sinh viên ngành Công nghệ thông tin mới ra trường nhưng khó tìm ứng viên phù hợp.
Tại buổi tọa đàm "Nền tảng hôm nay - Vững bước tương lai" do FPT tổ chức ngày 13/4, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Trưởng bộ phận tuyển dụng ngành ICT của Navigos Search Hà Nội - nhận định thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin (IT) đang trong tình trạng thừa mà thiếu.
Bà thông tin báo cáo mới nhất của Navigos thực hiện vào quý I/2017 cho thấy IT đang nằm trong tốp 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay.
Trên thực tế, trong 3 năm trở lại đây, số lượng công việc tăng gần gấp đôi, từ hơn 9.000 vị trí năm 2014 đến gần 15.000 vị trí năm 2016. Con số này sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới.
Thiếu mà thừa
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, mỗi năm, ngành IT cần khoảng 80.000-100.000 nhân lực. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp chỉ ở mức 30.000 người. Trong tình trạng thị trường "khát" nhân lực IT, kỹ sư ngành này thường nhận đãi ngộ khá tốt so với mặt bằng chung.
Báo cáo của Vietnamwork cho thấy mức lương phổ biến trong nước cho nhân lực chưa có kinh nghiệm của ngành này khoảng 250-500 USD (51%). Chỉ có 5% sinh viên mới ra trường nhận lương khởi điểm trên 1.000 USD.
Tổng quan lương của kỹ sư IT ở Việt Nam. Nguồn: Navigos.
Mức lương phổ biến ngành IT là 700-1.000 USD và thường dành cho nhân lực có 4-5 năm kinh nghiệm.
Bà Hương cũng chia sẻ về xu hướng nghề nghiệp, định hướng phát triển cho các bạn trẻ ngành này. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng cao rơi vào nhóm ngôn ngữ lập trình Java, SQL, CSS và JavaScript. Trong đó, JavaScript đang tăng đáng kể nhờ sự phát triển rầm rộ của các công ty, dịch vụ trực tuyến.
Về lộ trình phát triển, sinh viên IT thường đi theo một trong 3 con đường là trở thành quản lý, chuyên gia hoặc khởi nghiệp. Khoảng 80% trong số họ bày tỏ muốn trở thành quản lý, một phần do vị trí này có đãi ngộ cao hơn.
Tuy nhiên, nước ta đang thiếu trầm trọng chuyên gia Công nghệ thông tin và mức lương của chuyên gia ngành này không hề thấp, ngang với quản lý dự án hay trưởng bộ phận.
"Việc lựa chọn hướng đi phụ thuộc khả năng, định hướng nghề nghiệp, mong muốn của cá nhân người lao động. Nhưng dù theo con đường nào, sinh viên cũng cần những kỹ năng nhất định. Đây cũng là câu trả lời cho tình trạng thiếu mà thừa ở nước ta hiện nay", bà Thanh Hương nhận định.
Có lương 2.500 USD nhưng sinh viên... nhận không nổi
Từ góc độ chuyên gia trong tuyển dụng, bà Hương đưa ra một số yêu cầu, tố chất cần thiết đối với nhân lực ngành IT bên cạnh kiến thức chuyên môn. Theo bà, năng lực ngoại ngữ là kỹ năng được các nhà sử dụng lao động đề cao, thậm chí nhiều công ty thay đổi quy trình tuyển dụng vì yếu tố này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng Việt Nam chưa có sinh viên mới ra trường đủ năng lực nhận lương khởi điểm 2.500 USD. Ảnh: BTC.
Trước đây, các công ty cho ứng viên làm các bài kiểm tra, phỏng vấn về kỹ thuật rồi mới hỏi đến kỹ năng mềm về ngoại ngữ. Ngày nay, họ đặt yêu cầu tiếng Anh đầu tiên. Ứng viên kém ngoại ngữ coi như mất luôn cơ hội trúng tuyển. Đây là điều dễ hiểu khi ngành Công nghệ thông tin thường nhận sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ và chuyên gia từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, quan niệm kỹ sư IT chỉ cần giỏi chuyên môn đã lỗi thời. Họ cần phải biết làm việc nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp tốt vì lập trình chỉ là khâu nhỏ trong quy trình phát triển phần mềm hay dự án. Ngoài ra, ngành này đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng và cập nhật tốt cùng với ý thức tự học cao.
"Làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin là quá trình đầy thách thức và gian nan. Kỹ sư cần cập nhật công nghệ mới, thích ứng sự thay đổi. Nếu không nhạy bén, họ sẽ tự đào thải", nữ chuyên gia nói.
Nhìn chung, số sinh viên IT có thể đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng không cao.
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, 70% sinh viên ra trường cần được đào tạo thêm. Khoảng 72% sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và hơn 60% yếu kỹ năng làm việc nhóm.
Do đó, khi người lao động không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, dù thị trường thiếu nguồn nhân lực lớn, sinh viên IT vẫn có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc chỉ nhận mức lương thấp.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhắc lại câu hỏi về lương khởi điểm 2.000 USD được một sinh viên đưa ra trước đây. Bà khẳng định nếu theo báo cáo của Navigos và Vietnamwork, chưa có trường hợp nào đạt mức lương này sau khi ra trường.
Nữ chuyên gia thông tin thêm từng có công ty ngỏ lời trả lương khởi điểm 2.500 USD cho kỹ sư IT. Tuy nhiên, họ không thể tìm ra người đủ năng lực cho vị trí đó.
"Tôi có thể giới thiệu cho các bạn công việc với lương khởi điểm 2.500 USD nếu các bạn thực sự xuất sắc, giỏi cả chuyên môn và kỹ năng mềm. Nhưng nước ta hầu như không có ứng viên phù hợp", nữ chuyên gia nói.
Bà hy vọng trong thời gian tới, sinh viên ngành Công nghệ thông tin sẽ hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc, chuẩn bị hành trang tốt nhất để thành công.
Theo Zing
Các trường đại học đang được thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nhất Theo thống kê của Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, đến 18h ngày 12/4, 100 trường có thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều nhất vẫn là những trường đại học lớn, giàu truyền thống. Dưới đây là một số trường đứng đầu danh sách đăng ký xét tuyển theo số lượng thí sinh, ngành nghề... ĐH Cần Thơ dẫn đầu...