Đại học Mỹ tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận thế nào?
Cán bộ tuyển sinh các đại học Mỹ tìm hiểu năng lực học tập của thí sinh qua kết quả điểm thi và xem xét bài luận, thư giới thiệu để đánh giá liệu họ có phù hợp với trường không.
Bài luận và thư giới thiệu là hai phần không thể thiếu trong hồ sơ ứng tuyển vào các đại học ở Mỹ. Nó ảnh hưởng lớn tới khả năng trúng tuyển của thí sinh.
Các trường có tiêu chí tuyển sinh riêng nhưng trước hết, họ đều dựa vào kết quả từ bài thi đánh giá năng lực SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc ACT (American College Testing) do College Board tổ chức. Hai kỳ thi này diễn ra nhiều lần trong năm. Học sinh có thể chọn thời gian thi và thi lại để đạt kết quả tốt nhất trong thời gian học trung học phổ thông.
Sau khi tốt nghiệp, thí sinh gửi hồ sơ ứng tuyển tới 5 – 6 trường. Hồ sơ thường bao gồm kết quả trung bình học tập (GPA), kết quả bài thi SAT hoặc ACT, bài luận theo yêu cầu và thư giới thiệu từ giáo viên, hiệu trưởng, thậm chí từ bạn học.
Cán bộ tuyển sinh Đại học George Washington xem xét bảng điểm và bài luận của thí sinh. Ảnh: Washington Post.
Bài luận là yếu tố quyết định
Thông thường, cán bộ tuyển sinh sẽ xem xét điểm GPA, SAT và số lượng khóa học nâng cao của thí sinh. Họ đánh giá thấp những thí sinh né tránh các khóa nâng cao quan trọng.
Tuy nhiên, họ cho rằng, điểm số không thể mang lại sự đánh giá khách quan và toàn diện về năng lực của người ứng tuyển. Vì thế, bài luận được coi là yếu tố quyết định.
Nó giúp họ hiểu rõ hơn những yếu tố khác như năng lực lãnh đạo, mức độ tham gia hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm bản thân, tính cách, cách tư duy của thí sinh.
Ellie Yang, Giám đốc điều hành i-IVY, công ty chiến lược tuyển sinh đại học của Liên đoàn Ivy (nhóm 8 trường đại học danh tiếng ở Mỹ), giải thích, môi trường đại học cũng như cụm dân cư nên cần tuyển những thí sinh phù hợp nhất.
Bài luận là cơ hội để thí sinh bộc lộ suy nghĩ, cá tính, ý tưởng, niềm tin, kinh nghiệm thành công hay thất bại, khát vọng và hướng phát triển của bản thân.
Các trường thường có yêu cầu cụ thể cho bài luận. Chúng có thể kỳ lạ như đề “Bạn nghĩ gì về thứ tư” của Đại học Chicago, “Bạn vừa hoàn thành cuốn tự truyện dài 300 trang, hãy trình bày nội dung trang 217″ của Đại học Pennsylvania hay: “Chúng ta đang cô đơn sao?” của Đại học Tufts.
Chúng cũng có thể chỉ là những câu hỏi thông thường về trải nghiệm bản thân hoặc những vấn đề gây tranh cãi về xã hội hay chính trị.
Jonathan Reider, Giám đốc Hội đồng tư vấn tuyển sinh Đại học San Francisco đưa ra một số lời khuyên về kinh nghiệm viết luận cho học sinh muốn ứng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ.
Video đang HOT
Theo ông, bài luận cần ngắn gọn, súc tích. Mỗi ngày, cán bộ tuyển sinh phải xử lý hàng trăm hồ sơ. Họ chỉ có thể dành vài phút để đọc một bài luận. Vì thế, bài luận dài sẽ gây phiền phức cho cán bộ tuyển sinh, ảnh hưởng cơ hội trúng tuyển của thí sinh.
Ông Reider cho rằng, ứng viên cần trung thực, không đánh bóng thành tích. Tuy nhiên, bài luận cần thể hiện được yếu tố cá nhân, cá tính. Trong quá trình viết luận, học sinh suy xét đến cách khiến họ khác biệt so với hàng nghìn ứng viên khác.
Bài luận phải mạch lạc, nhất quán. Để làm được điều này, thí sinh không nên cố gắng đưa hết những vấn đề họ cho là quan trọng. Thay vào đó, họ nên tập trung một chi tiết nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự trưởng thành, lối tư duy của họ.
Thí sinh cần trình bày thông tin chính xác, đặc biệt trong các ví dụ liên quan chính trị, lịch sử, xã hội, văn học. Một bài luận tốt thường được so sánh với một câu chuyện. Những bài luận đề cập nhiều nhân vật liên quan cuộc sống hàng ngày của thí sinh luôn được đánh giá cao. Việc thí sinh đặt bản thân vào các mối quan hệ cộng đồng giúp họ ghi điểm trong mắt cán bộ tuyển sinh.
Những bài luận mang tính tranh cãi sẽ vượt trội hơn các bài trình bày kết luận. Vì thế, ứng viên nên đưa lý do và biện hộ cho quan điểm của bản thân bên cạnh việc trình bày ý kiến của những người khác. Đại học là môi trường dành cho các cuộc tranh luận. Cán bộ tuyển sinh luôn tìm kiếm sinh viên suy nghĩ khách quan, đa dạng.
Tìm hiểu rõ về trường họ ứng tuyển sẽ giúp thí sinh viết bài luận phù hợp.
Viện Công nghệ Massachusetts đánh giá cao tính sáng tạo. Ứng viên có thể trình bày về những phát minh thú vị của bản thân hoặc họ dự định phát minh cái gì và bằng cách nào.
Đại học George Washington chú trọng tính cộng đồng. Vì thế, họ đánh giá cao học sinh viết về trường thay vì về bản thân hoặc xã hội. Những ứng viên từng tham quan trường trước khi quyết định ứng tuyển và đề cập chuyến tham quan đó trong bài luận sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Năm 2016, Đại học Harvard thay đổi tiêu chí tuyển sinh, đề cao tính xã hội và đạo đức. Ứng viên nên đưa những chi tiết hoạt động từ thiện, đóng góp cho xã hội của họ vào bài luận.
Cán bộ tuyển sinh Đại học George Washington đọc thư giới thiệu trong hồ sơ ứng tuyển của thí sinh. Ảnh: Washington Post.
Thư giới thiệu tăng cơ hội trúng tuyển
Bài luận giúp cán bộ tuyển sinh hiểu rõ hơn về từng thí sinh. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được các quan điểm chủ quan. Vì thế, họ cần đến những nhận xét khách quan hơn từ những người thân cận với ứng viên.
Phần lớn trường đại học ở Mỹ yêu cầu thí sinh có ít nhất hai thư từ giáo viên. Với một số trường, ứng viên cần có thêm thư giới thiệu từ tư vấn viên.
Tại những trường không có phần phỏng vấn trực tiếp, xem xét thư giới thiệu là bước cuối cùng trong quá trình xét tuyển. Nó giúp cán bộ tuyển sinh đưa ra quyết định cuối cùng, nhất là với các trường hợp họ còn phân vân.
Nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên chọn giáo viên có mối quan hệ tốt, hiểu rõ sở trường, điểm mạnh của mình để có được những lời nhận xét khách quan, tích cực. Ngoài ra, người viết thư giới thiệu cần liên quan ngành thí sinh ứng tuyển.
Cán bộ tuyển sinh đánh giá cao thư giới thiệu từ những người tiếp xúc lâu với thí sinh, chứng kiến họ gặp khó khăn và vượt qua khó khăn ấy.
Trên thực tế, ứng viên không biết nội dung của thư giới thiệu. Vì thế, họ cần chắc chắn người viết thư có ấn tượng tốt và sẵn sàng đề cử mình.
Theo Zing
Tuyển sinh bằng thư giới thiệu, bài luận: Thử nghiệm táo bạo
"Đại học Quốc gia TP HCM xét tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu, bài luận cá nhân là thử nghiệm được mong chờ", tác giả Nguyễn Hải viết.
Vài năm gần đây, cứ trước và sau Tết nguyên đán, chính sách và phương án triển khai tuyển sinh đại học lại là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học, cũng như công chúng. Những động thái gần đây của Bộ GD&ĐT, cũng như các cơ sở giáo dục đại học, cho thấy, phương án tuyển sinh năm nay không có nhiều khác biệt so với năm trước.
Tuy nhiên, mới đây, Đại học Quốc gia TP HCM đưa ra chính sách tuyển thẳng học sinh từ 82 trường chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân.
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Bước đi táo bạo
Những năm gần đây, việc tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu không phải chính sách mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc dựa trên thông tin từ thư giới thiệu và bài luận cá nhân để đánh giá các ứng viên là bước đi táo bạo, đáng khuyến khích của Đại học Quốc gia TP HCM trong năm 2016.
Trên thế giới, hình thức tuyển sinh này đã có lịch sử hàng trăm năm. Hiện nay, đa số trường đại học tốt ở Hoa Kỳ, Singapore đều yêu cầu thí sinh nộp thư giới thiệu, cũng như bài luận cá nhân.
Thực tế, một số cơ sở giáo dục đại học đã nghiên cứu phương án này nhưng chưa có trường nào coi đây là công cụ chính để tuyển chọn ứng viên. Trong bối cảnh tuyển sinh ở Việt Nam, rủi ro của phương án này là giả tạo hồ sơ (fakeability), cũng như tính chủ quan (subjectivity) của đánh giá.
Ngược lại, nếu ứng viên trung thực và các cơ sở có giải pháp hiệu quả để giảm thiểu được tính chủ quan trong công tác xét tuyển, phương án này làm tăng tính giáo dục, cũng như hiệu quả tuyển chọn trong tuyển sinh.
Việc giới hạn tuyển sinh bằng thư giới thiệu, viết luận đối với các trường chuyên, năng khiếu cũng có thể làm giảm rủi ro về khả năng giả tạo hồ sơ, bởi áp lực đỗ đại học đối với những học sinh này không nặng nề như học sinh không chuyên.
Tuy nhiên, do việc viết thư giới thiệu và bài luận cá nhân còn mới với nhiều học sinh, cũng như thầy cô giáo, nên sự không đồng đều về nội dung, cấu trúc, cũng như chất lượng thư giới thiệu, bài luận giữa các trường, học sinh ở khu vực khác nhau có thể là yếu tố ảnh hưởng lớn tới tính khách quan và hiệu quả của hình thức tuyển sinh này.
Chuẩn bị cho quá trình tuyển sinh toàn diện
Việc có một đại học uy tín triển khai phương án tuyển sinh mới trên diện đối tượng giới hạn là tín hiệu đáng mừng cho giáo dục đại học ở Việt Nam. Điều này cho thấy các cơ sở này đã và đang chủ động sử dụng quyền tự chủ trong tuyển sinh như được quy định trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012.
Tuy vậy, để đảm bảo tính công bằng, hiệu quả trong quá trình này, các cơ sở giáo dục đại học, cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, cần xây dựng những thành tố của phương án tuyển sinh tổng thể dựa trên đánh giá toàn diện sự sẵn sàng vào học đại học (college readiness) của thí sinh.
Trong phương án này, thông tin từ thư giới thiệu, các bài luận cá nhân là hai trong nhiều nguồn thông tin phục vụ tuyển sinh khác. Các thông tin khác bao gồm: kết quả học tập, thành tích rèn luyện, hoạt động ở bậc học phổ thông, điểm các bài thi tuyển sinh (nếu có), kinh nghiệm làm việc trước khi ứng tuyển, thông tin nhân khẩu học...
Đặt chính sách tuyển thẳng học sinh chuyên, năng khiếu dựa trên thư giới thiệu và bài luận cá nhân trong bối cảnh đổi mới tuyển sinh đại học ở Việt Nam đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể thấy đây là một tín hiệu tích cực cho giáo dục đại học Việt Nam.
Do đối tượng áp dụng hạn chế, phương án này được dự báo sẽ không chứa đựng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, nếu triển khai trên diện rộng với đông đảo học sinh, khả năng giả mạo hồ sơ, cũng như tính chủ quan cao trong các đánh giá có thể là những hạn chế căn bản của phương án này.
Trong những năm tới, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học cần xây dựng những thành tố, cũng như công cụ của một phương thức tuyển sinh đánh giá toàn diện thí sinh. Làm được như vậy, chúng ta có thể hy vọng bài toán đổi mới tuyển sinh sẽ được giải quyết một cách căn bản và bền vững.
Năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM dành 10% xét tuyển thẳng thí sinh vào các trường thành viên. Điều kiện học sinh phải thuộc 82 trường THPT chuyên và năng khiếu, ứng viên phải có bài luận và thư giới thiệu của giáo viên; là học sinh giỏi; có hạnh kiểm tốt.
Trao đổi với Zing.vn, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho rằng, đây là hướng đi không xa lạ với quốc tế nhưng không thích hợp với Việt Nam. Bởi, tỷ lệ gian lận thi cử ở Việt Nam lớn; tiêu cực có thể xảy ra nhiều cách như: Nhờ người viết bài luận, thư giới thiệu tùy thuộc cảm tình của giáo viên...
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, bất cứ hình thức tuyển sinh nào được đưa ra đều có thể tồn tại hình thức "lạm dụng". Nhưng ĐH Quốc gia TP HCM vẫn có niềm tin vào thầy cô và học sinh.
TS Quốc Chính nhấn mạnh, để được chọn vào trường, sẽ có nhiều cách thức chọn lựa, trong đó học sinh đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt trong 3 năm liền, bài viết luận và thư giới thiệu của thầy cô không phải tất cả.
Mỗi trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia TP HCM sẽ có hội đồng xem xét bài luận và thư giới thiệu. Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc Gia TP HCM cho biết, năm 2015, trường đã tuyển thẳng theo hình thức bài viết luận và thư giới thiệu với 5 trường THPT năng khiếu, đã tuyển chọn được những thí sinh tốt.
Năm nay, trường đã mở rộng tuyển chọn ở 82 trường. Sắp tới, Đại học Quốc gia TP HCM sẽ công bố phương án cụ thể, hiện tại thông tin ban đầu mới mang tính tổng quát.
Theo Zing
Kinh nghiệm viết bài luận và thư giới thiệu Bài luận về bản thân (Personal Statement) và thư giới thiệu là yếu tố quan trọng trong hồ sơ xét tuyển đại học của đa số du học sinh Việt Nam tại các nước Âu - Mỹ. Bài luận về bản thân (Personal Statement) và thư giới thiệu là yếu tố quan trọng trong hồ sơ xin học bổng của đại học Mỹ....