Đại học Kiểm sát Hà Nội: Tự hào về nơi chắp cánh ước mơ
Khoác lên mình màu xanh thiên thanh, những giảng viên (GV) và sinh viên (SV) trường Đại học (ĐH) Kiểm sát Hà Nội luôn tự hào về ngôi trường gắn với nhiều kỷ niệm.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngôi trường đã chắp cánh cho những ước mơ của bao thế hệ thầy và trò. Ít ai biết được, đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Tòng Thị Phóng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là cựu học viên ĐH Kiểm sát Hà Nội.
TS Lại Viết Quang – Hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cho biết, trải qua 50 năm, đặc biệt là từ những năm 1990 trở lại đây, trường Kiểm sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và của Ngành; trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước.
Với những kết quả đạt được, nửa thế kỷ qua, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 1984), hạng Nhì (năm 1990), hạng Nhất (năm 2010), Huân chương hữu nghị (năm 2012); nhiều lần nhận Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao. Ngoài ra, Nhà trường còn có nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân và Bộ Giáo dục – Đào tạo tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao tặng hoa chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam cho Ban Giám hiệu nhà trường.
GV và SV trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đều tự hào về ngôi trường – nơi khơi nguồn ước mơ, tạo động lực cho sự trưởng thành, và cũng là nơi chan chứa tình cảm, ngập tràn kỷ niệm về tình thầy-trò, bè bạn…
Nơi yêu thương và gắn bó
Yêu nghề, yêu trường, nhiều SV sau khi tốt nghiệp đã chọn ở lại trường hay có SV dù công tác ở đâu cũng mơ ước được trở về trường để tiếp tục học tập, nghiên cứu, giảng dạy cho các thế hệ tiếp theo. Đơn cử như thầy Vũ Văn Tư (hiện là Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội).
Từng là SV trường Cao đẳng Kiểm sát (ĐH Kiểm sát Hà Nội bây giờ), thầy Tư cho biết: Ra trường, trải qua nhiều chức vụ khi công tác trong ngành Kiểm sát tại Lai Châu, năm 2014, thầy đã chuyển về trường ĐH Kiểm sát Hà Nội. Với cảm xúc vui mừng, khó diễn tả của một cựu SV ra trường đi làm thực tế và được quay về phục vụ cho nhà trường, giảng dạy SV – những thế hệ tiếp bước truyền thống của ngành Kiểm sát.
Thầy Tư mong muốn, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tiếp tục phát huy những giá trị 50 năm truyền thống về công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành KSND; phấn đấu từng bước khẳng định vị thế trong nền giáo dục quốc dân; đáp ứng yêu cầu mới về cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trường là trung tâm nghiên cứu khoa học Nghiệp vụ Kiểm sát của ngành.
Thầy Vũ Văn Tư và cô Nguyễn Thị Lan Anh trong một buổi bảo vệ khoá luận.
Cũng có những SV xuất sắc, tốt nghiệp ngành Luật đã đăng ký thi tuyển khi trường ĐH Kiểm sát Hà Nội có thông báo tuyển dụng. Như một cơ duyên, năm 2016, giai đoạn trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đang chuyển đổi từ trường cao đẳng lên ĐH nên cần cơ cấu đội ngũ GV, với mơ ước và sự ngưỡng mộ nghề giáo từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Lan Anh đã nộp đơn xin chuyển công tác từ VKSND huyện Ba Vì, TP Hà Nội về trường. “Được làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích, môi trường thuận lợi, các đồng nghiệp giỏi, tận tuỵ với nghề, tập thể đoàn kết, hết lòng vì đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm… tất cả là điều may mắn đối với tôi” – cô Lan Anh chia sẻ.
Để có những giờ giảng tốt, ngoài nhiệm vụ chính của mỗi thầy cô giáo là trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, rút kinh nghiệm qua mỗi buổi giảng, cô còn phải tính đến năng lực nhận thức của SV để không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; Nhu cầu, hứng thú học tập, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của SV để xây dựng và lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp; Tâm huyết với bài giảng trên lớp và tích cực giải đáp thắc mắc cho SV sau giờ học.
Ngoài ra, cô Lan Anh cũng luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, trên cơ sở lấy người học làm trung tâm, thầy cô chỉ đóng vai trò truyền đạt kiến thức, hướng dẫn phương pháp học để các bạn có thêm nguồn tham khảo, trên con đường tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân; Tương tác, gắn kết giữa nội dung lý luận với thực tiễn. Đặc biệt, truyền đạt cho SV các kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình công tác của mình, thông qua các vụ án, tình huống thực tế.
Trong 4 năm qua, ngoài công tác giảng dạy, cô Lan Anh luôn hỗ trợ, tham mưu cho SV trong các câu lạc bộ (CLB) khi thi đấu với các trường khác. Qua đó, cô nhận thấy SV của trường rất giỏi, nhanh nhẹn nên luôn giành giải thưởng cao. Đối với cô Nguyễn Thị Lan Anh (Phó Tổ Bộ môn Nghiệp vụ kiểm sát, khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự), trường ĐH Kiểm sát HN đã là ngôi nhà thứ hai. Dưới mái trường Kiểm sát, cô học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp, học viên, SV.
Video đang HOT
Nữ sinh Hà Li (thứ 2 từ trái sang) nhận bằng khen của hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát khi tham gia nhóm thư ký biên soạn cuốn sách “Hướng dẫn chỉ dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự 2015″.
Có lẽ, bốn năm không phải là khoảng thời gian dài so với một đời người, nhưng với nữ SV Lê Thị Hà (biệt danh Hà Li, lớp K4A) lại là quãng thời gian quý giá nhất của tuổi thanh xuân khi được học tập và gắn bó với mái trường ĐH kiểm sát Hà Nội, và “đặc biệt” là hai từ mà Hà muốn nói về ngôi trường.
Hà Li cho biết: Sở dĩ gọi như vậy vì trường đặc biệt ở rất nhiều thứ: Đặc biệt từ vai trò đào tạo đội ngũ SV chất lượng cho Ngành Kiểm sát – chuyên ngành đặc thù; đặc biệt từ đội ngũ GV là những thầy cô giỏi, tâm huyết với ngành; đặc biệt từ những SV rất “Kiểm sát” – luôn tự hào về màu áo thiên thanh… Trong ngôi trường đặc biệt ấy, có những người thầy tận tụy, những người bạn chân thành, và tình người ấm áp. Mỗi trang giáo án của thầy cô đều có tâm và tầm, thể hiện một niềm mong mỏi sâu sắc của những “Người lái đò”.
Cô bạn cho rằng, đội ngũ GV của trường rất giỏi, chuyên môn cao và còn tận tụy, tâm huyết với SV. Mỗi thầy cô đều có những phương pháp giảng dạy rất riêng để truyền tải kiến thức cho SV. Nhưng có lẽ, trong số các thầy cô từng dạy, Hà Li vẫn ấn tượng nhất với cô Đàm Thị Diễm Hạnh (dạy môn Luật dân sự).
Cô Hạnh không chỉ truyền tải những kiến thức pháp lý mà cả những kinh nghiệm thực tiễn sâu rộng cho SV. Trong các buổi tọa đàm, cô Hạnh có những chia sẻ ý nghĩa, luôn đặt mình vào vị trí của SV để hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em và từ đó đưa ra những lời giải đáp trọn vẹn nhất. Từ đây, Hà Li vẫn hy vọng vận dụng được những kiến thức thu nhận được cũng như học hỏi đức tính của cô để có thể trở thành một người tài đức vẹn toàn.
Giờ đây, tại ngôi trường “đặc biệt” đã nuôi dưỡng ước mơ của Hà Li. Là SV năm cuối đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết và cơ bản nhất, cô bạn mong rằng có thể vận dụng để chạm đến ước mơ, chạm đến màu xanh thiên thanh và luôn cố gắng để xứng đáng với thương hiệu “SV trường ĐH Kiểm sát Hà Nội” !.
“Ngôi nhà thứ 2″
ĐH Kiểm sát Hà Nội trong các bạn SV là ký ức đẹp về một môi trường học tập vừa đoàn kết, sôi động lại nghiêm túc, thân thiện. Những ký ức đó vẫn mỗi ngày sống dậy trong SV trên từng bước chân nơi giảng đường, trong mỗi ánh mắt trong veo của SV ngành Luật và cả những lần SV cùng chinh chiến khắp nơi mang về nhiều giải thưởng cao quý cho trường.
Ngọc Thảo luôn xem trường ĐH Kiểm sát Hà Nội là “ngôi nhà thứ 2″.
Trở thành SV trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, đối với Trần Ngọc Thảo (SN 1997) như một cơ duyên. Những năm tháng học tại đây, Thảo đã sống hết mình với tuổi trẻ, học những gì yêu thích và xác định được mong muốn trong tương lai. Dù bận rộn khi giữ nhiều chức vụ trong lớp, trong trường nhưng nữ sinh xinh đẹp này luôn tìm thấy niềm vui, đó là động lực học tập.
Cô bạn cho biết: “Trải qua 4 năm học tập và gắn bó dưới mái trường Kiểm sát, mình không thể diễn tả hết bằng lời tình yêu và sự trân trọng dành cho ngôi trường này. Mình luôn tự hào về ngôi trường với đội ngũ GV nhiệt huyết, chuyên môn tốt; cơ sở vật chất đầy đủ; hệ thống tài liệu, giáo trình đáp ứng được nhu cầu học tập của SV; đặc biệt các bạn SV Kiểm sát không chỉ tài năng mà còn rất năng động, nhiệt huyết…
Chất lượng đào tạo của trường không thua kém cơ sở đào tạo ngành Luật nào trên địa bàn TP Hà Nội, việc các SV của trường luôn tự tin khi giao lưu với các trường bạn cũng nói lên điều đó. “Là SV miền Nam, mình luôn ý thức được việc học là quan trọng và trường Kiểm sát là nơi tuyệt vời để rèn luyện và trưởng thành. Từ lâu, mình luôn xem trường ĐH Kiểm sát Hà Nội là ngôi nhà thứ 2″ – nữ sinh vui vẻ nói.
Với hot girl Ngọc Thảo, mỗi ngày trôi qua dưới mái trường Kiểm sát là một kỷ niệm đẹp. Quãng thời gian ở trường, thầy cô, bè bạn và mọi người xung quanh là hành trang tươi đẹp, ý nghĩa nhất mà cô bạn có được trong những năm tháng tuổi trẻ.
Mỗi ngày ngồi trên ghế giảng đường, được nghe các thầy cô giảng dạy bằng tất cả tình yêu thương và sự tâm huyết; được cùng các bạn trong lớp, trong câu CLB tham gia các hoạt động Đoàn ý nghĩa, tổ chức một chương trình hay, cùng nhau học tập, chia sẻ kiến thức… đều là những hồi ức đẹp đẽ không thể nào quên. Với trường ĐH kiểm sát, dù là góc nhỏ sân trường nơi Thảo đã cùng các bạn tổ chức học nhóm, là thư viện hiện đại đầy đủ tiện nghi để tìm kiếm tài liệu học tập, hay là những góc nhỏ giảng đường…. đã trở thành một niềm thương “đặc biệt”.
Thảo luôn mong muốn và tin tưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh mà trường đã đạt được, tiếp tục hoàn thành tốt các sứ mệnh, nhiệm vụ mà ngành KSND giao phó, trở thành một cơ sở đào tạo uy tín trên cả nước; tiếp nối truyền thống 50 đầy tự hào và vẻ vang mà các thế hệ thầy giáo, cô giáo và tập thể lãnh đạo nhà trường đã xây dựng và phát triển.
Còn với bạn Phạm Hải Đăng (lớp K4D) cũng có những ký ức “đắt giá” khi học tại trường. Đăng nhớ mãi lần đầu tiên, SV của trường được đối thoại với thầy Nguyễn Văn Quảng – Phó Viện trưởng VKSNDTC và thầy Lại Viết Quang – Hiệu trưởng nhà trường. Trong thời gian kéo dài hơn 3h, được nghe hai thầy kể lại những kỷ niệm khó khăn nhưng đầy có gắng dưới mái trường Kiểm sát đã khiến ai cũng bồi hồi.
Có lẽ, những kỷ niệm học tại ngôi trường này sẽ là ký ức đẹp của mỗi SV, ký ức mang tên thanh xuân, và thanh xuân mang tên “ĐH Kiểm sát Hà Nội” – không chỉ là nơi chắp cánh cho những ước mơ theo đuổi ngành Luật, mái trường để nhớ về còn là những ký ức giản đơn và ấm áp về tình bè bạn.
Nhiều SV của trường bày tỏ, để làm được nghề và giỏi nghề thì kinh nghiệm thực tế, của những lần va vấp trong thực tiễn quyết định rất lớn. Tuy nhiên, với SV trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, lựa chọn mơ ước gắn bó với sự nghiệp pháp lý thì có lẽ quan trọng nhất chính là nền tảng kiến thức được tích lũy ở trường ĐH.
Đồng chí Trần Quốc Vượng – Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Những thành tích của nhà trường trong suốt 50 năm qua đã đóng góp một phần không nhỏ vào truyền thống vẻ vang 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân. Nửa thế kỷ đã đi qua đầy tự hào, chặng đường tiếp theo tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, năng lực, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, học viên, sinh viên, tôi tin tưởng rằng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ vững vàng phấn đấu vươn lên, trở thành một trường đại học có chất lượng,uy tín, xứng đáng là nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Kiểm sát nhân dân và đất nước”.
…..
Đồng chí Lê Minh Trí – Viện trưởng VKSND tối cao gửi cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trường Đại học Kiểm sát: “Tôi tin tưởng rằng, bằng trí tuệ, tâm huyết và khát vọng vươn lên, các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp bước các thế hệ đi trước để phát huy những kết quả đã đạt được, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phấn đấu trở thành địa chỉ đào tạo có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước, là nơi đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát nhân dân”.
Lưu Ly
Viện trưởng Lê Minh Trí dự lễ Khai giảng tại trường ĐH Kiểm sát Hà Nội
Ngày 22/10, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tổ chức lễ Khai giảng khóa 7 hệ đại học chính quy ngành Luật niên khóa 2019 - 2023. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự buổi lễ còn có đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện VKSND các tỉnh, thành phố; đại diện các trường, học viện ngoài ngành Kiểm sát; lãnh đạo, Ban Giám hiệu, các giảng viên của nhà trường và 306 tân sinh viên khóa 7 hệ đại học chính quy ngành Luật niên khóa 2019 - 2023.
Các đại biểu tham dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ khai giảng, TS Lại Viết Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cho biết, được sự quan tâm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao, trong những năm qua, nhà trường đã tập trung đầu tư nguồn lực vào phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên, xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu và các trang thiết bị giảng dạy hiện đại, tổ chức tuyển sinh và đạo tạo 6 khóa sinh viên đạt được nhiều thành tích trong học tập cũng như rèn luyện.
TS Lại Viết Quang chia sẻ, hiện nay, hơn 90% sinh viên khóa 1; 35 sinh viên khóa 2 đã và đang công tác trong ngành Kiểm sát và được lãnh đạo VKSND các cấp đánh giá cao về đạo đức, tác phong, tinh thần trách nhiệm và khả năng tiếp cận công việc của ngành.
Nhiều sinh viên khóa 2, trong thời gian đợi ngành tuyển dụng đã tham gia phỏng vấn xin việc cùng sinh viên luật của các cơ sở đào tạo khác. Kết quả, sinh viên nhà trường được các văn phòng Luật sư, Pháp chế của các doanh nghiệp, ngân hàng, UBND tuyển dụng. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo của nhà trường đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
TS Lại Viết Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội.
Hiệu trưởng Lại Viết Quang khẳng định, bước vào năm học mới 2019-2020, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung đổi mới về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo; đẩy mạnh công tác biên soạn, cập nhật giáo trình; nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, dành toàn bộ tâm huyết và sức lực để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đã đề ra...
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà mà Đảng ủy, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, các em sinh viên và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được trong những năm qua.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo.
Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, cùng với các ngành khác, ngành KSND đóng góp một vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, bảo vệ pháp luật... Vì vậy, là cơ sở giáo dục của ngành Kiểm sát với nhiệm vụ đào tạo ra và bồi dưỡng thêm trình độ cho đội ngũ đông đảo cán bộ các cấp của ngành, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội giữ một vai trò quan trọng trong tổng thể sứ mệnh chung của ngành KSND.
Viện trưởng Lê Minh Trí trao Bằng khen cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập.
Viện trưởng Lê Minh Trí lấy nhiều dẫn chứng để chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng nhưng cũng đầy thách thức của VKSND các cấp đối với nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động xét xử.
Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, hiện nay, ngày càng xuất hiện thêm nhiều các loại tội phạm mới với tính chất hoạt động tinh vi, phức tạp. Thực tế đó đòi hỏi các lãnh đạo, Kiểm sát viên, các cán bộ của ngành Kiểm sát phải không ngừng học hỏi, trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức để kịp thời đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Viện trưởng Lê Minh Trí đánh trống khai giảng năm học mới.
Song song với đó, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng phải luôn có ý thức đổi mới về phương pháp quản lý, phương pháp dạy và học; đổi mới giáo trình, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các giảng viên; học tập kinh nghiệm của các nước phát triển; mời những chuyên gia nổi tiếng, có trình độ cao trong nước đến phối hợp với nhà trường trong công tác giảng dạy, truyền bá tri thức...
Cuối cùng, đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí bày tỏ sự vui mừng đối với 306 tân sinh viên khóa 7 của trường ĐH Kiểm sát Hà Nội đã đặt niềm tin vào học trong ngôi trường của ngành KSND. Đồng chí Viện trưởng khẳng định, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND luôn tạo quan tâm, điều kiện để đầu tư về con người, cơ sở, vật chất cho trường ĐH Kiểm sát Hà Nội để thầy cô yên tâm giảng dạy, học trò có động lực để học tập và phấn đấu.
Đông đảo cán bộ, giảng viên, và tân sinh viên trường ĐH Kiểm sát Hà Nội dự lễ khai giảng.
Đồng chí Viện trưởng tin tưởng rằng, trường ĐH Kiểm sát Hà Nội sẽ tiếp tục không ngừng phát triển trong thời gian tới, trở thành một cơ sở giáo dục lớn mạnh, ngày càng đóng góp nhiều hơn các cán bộ có trình độ cho ngành KSND nói riêng và cho đất nước nói chung...
Cũng tại buổi lễ, Viện trưởng Lê Minh Trí đã trao bằng khen cho 1 cá nhân; đồng chí Phó Viện trưởng Trần Công Phàn cũng trao Bằng khen của Viện trưởng VKSNDTC cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, giảng dạy. Cùng với đó, Hiệu trưởng trường ĐH Kiểm sát Hà Nội cũng trao giấy khen cho 6 cá nhân...
Vũ Minh Khôi
Theo baovephapluat
Những điều cần biết cho ứng viên sang Nhật diện kỹ sư Kỹ sư Việt Nam mong muốn sang Nhật làm việc tích lũy kinh nghiệm, học tập... để sau khi hoàn thành công việc sẽ tự khởi nghiệp thông qua các con đường khác nhau như: cùng công ty đã làm tại Nhật mở chi nhánh tại Việt Nam, cùng bạn bè thành lập công ty, phát triển nhà máy, xưởng của gia đình......