Đại học FPT phản hồi ra đề “trinh tiết”
Trước những thảo luận xoay quanh đề thi tuyển sinh, ngày 18/4, Trường ĐH FPT đã gửi phản hồi với mục đích làm rõ quan điểm của mình. Dưới đây là nội dung phản hồi.
Mục đích…
Khi tổ chức kỳ thi sơ tuyển riêng là nhằm đánh giá khả năng tư duy toán, tư duy logic, tư duy ngôn ngữ của thí sinh, một trong những tố chất quan trọng để theo đuổi các ngành học tại Đại học FPT.
Đối với khối ngành CNTT, đề thi có hai phần: Phần 1 là các câu hỏi về tư duy toán và tư duy logic theo dạng trắc nghiệm trong thời gian 120 phút. Phần thi thứ hai là viết luận bằng tiếng Việt trong thời gian 60 phút cũng với cùng một mục đích là để kiểm tra tư duy của thí sinh. Điều này sẽ thể hiện ở cách thí sinh trình bày quan điểm, lập luận vấn đề, đưa ra các ví dụ chứng minh… có logic, mạch lạc, khúc triết và thuyết phục hay không.
Với mục tiêu này, việc thí sinh lựa chọn quan điểm nào không quyết định tới điểm số, mà quan trọng là thí sinh biết cách phân tích, lập luận đưa ra những ví dụ xác đáng để bảo vệ quan điểm của mình, biết cách tổ chức tư duy và diễn đạt một cách rõ ràng, có logic.
Một bài luận được điểm cao là bài: Đưa ra được quan điểm cá nhân của mình một cách rõ ràng, khúc triết. Quan điểm này có thể đồng ý, không đồng ý hoặc có ý kiến khác đối với đề tài mà đề bài đưa ra. Tổ chức các lý lẽ có logic và sức thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình. Sử dụng các ví dụ minh họa phù hợp để làm rõ hơn và tăng tính thuyết phục cho các lý lẽ trên. Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Các ý tưởng và cách thể hiện sáng tạo có thể có thêm điểm thưởng.
Dạng đề không có đáp án “Đúng – Sai”
Dạng đề luận này đến nay đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. Nhiều trường đại học sử dụng đề thi dạng này để kiểm tra đầu vào của thí sinh.
Khi đưa môn luận vào đề thi sơ tuyển của trường, Trường ĐH FPT đã lựa chọn dạng đề không có đáp án Đúng – Sai. Đó thường là những quan điểm mang tính nhiều chiều, thí sinh tự do lựa chọn quan điểm của mình và lập luận thuyết phục cho quan điểm mà mình lực chọn. Như vậy, các em sẽ không bị đưa vào một lối mòn tư duy, sa đà vào việc trình bày những lý thuyết giáo điều, sáo rỗng, thiếu cảm xúc, mà sẽ có cơ hội để cởi mở trình bày tâm tư, suy nghĩ của mình, dễ dàng phản biện, lập luận và thể hiện chính kiến của bản thân.
Những vấn đề nêu ra trong các đề luận thông thường là các vấn đề trong cuộc sống thực tế mà với tư cách một công dân, sớm hay muộn các em cũng nên đối mặt, suy nghĩ một cách nghiêm túc để ứng xử phù hợp.
Điều này cũng phù hợp với quan điểm giáo dục mà Trường ĐH FPT theo đuổi: tôn trọng tự do phát triển cá nhân. Dẹp bỏ đi những định kiến khuôn mẫu thế nào mới là một sinh viên chuẩn mực. Mỗi cá nhân sinh viên tại Trường ĐH FPT sẽ là một thực thể được tôn trọng, được tạo điều kiện tối đa để phát huy được những lợi thế của bản thân. Sinh viên cũng sẽ được trang bị cách thức để thích nghi được với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, của khoa học công nghệ.
Học sinh Hà Nội hào hứng với đề thi lạ “Không chỉ riêng em mà rất nhiều bạn đều thích cách ra đề văn của Trường ĐH FPT bởi nó gần gũi, thiết thực với giới trẻ và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của chúng em sau này. Nhưng để đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục thì hơi khó…” – Hà Phương (Trường THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ. Đọc xong đề thi trên, nhóm nữ sinh lớp 12 (trường THPT Chu Văn An) hào hứng: “Chúng em thích đề thi này! Nó rất hay đấy chứ? Đi thẳng vào vấn đề “ nóng”, được nhiều người quan tâm. Đề văn này hữu ích cho chúng em khi nhận thức và hành động trong cuộc sống hiện tại, sau này. Trong quá trình nêu ra quan điểm của mình, mỗi người đã thể hiện tư tưởng, cách sống ở đó rồi!” – Thanh Hà – một thành viên trong nhóm cho biết. Tại lớp 12 A2 (THPT Văn Lang, Hà Nội) có tới 25/30 em cho rằng vấn đề mà đề thi đưa ra hoàn toàn phù hợp với hiện thực xã hội. Theo các em, trước thực trạng “yêu thoáng, sống thử” có xu hướng ngày càng gia tăng trong giới trẻ, cần phải đối diện với thực tế để nhìn nhận, giáo dục đúng hướng chứ không phải che đậy, lấp liếm khi mọi thông tin, hình ảnh nhạy cảm trên internet, mạng xã hội nhan nhản, chẳng ai quản, cũng chẳng ai cấm được các em “vượt rào” để tiếp cận. HS Nguyễn Minh Cường (THPT Văn Lang) nhận xét: “Nếu làm đề thi này, quan điểm của em là vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Chữ “trinh” thời hiện đại không khắt khe như thời phong kiến nữa mà giá trị của người phụ nữ thể hiện ở tính cách, phẩm chất. Đề này không có gì phải xấu hổ, hay đỏ mặt cả”. Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, nước ta có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Tính trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc nạo phá thai là do tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân… Vì vậy, đông đảo bạn trẻ cho rằng, việc đưa ra vấn đề phù hợp với thực trạng nhức nhối này trong đề văn để học sinh phát triển quan điểm là điều hết sức bình thường. Thu Thảo – Ngọc Anh Những dạng đề thi luận của Trường ĐH FPT Đề thi tuyển sinh tháng 4/2007
Có người nói: “Mỗi người chúng ta đều có thể hạnh phúc khi chúng ta tin rằng mình đang hạnh phúc”. Người khác thì lại cho rằng “hạnh phúc cần phải được đảm bảo bởi những điều kiện nhất định”, chẳng hạn như phải có địa vị xã hội, có tiền bạc thì mới là hạnh phúc.
Hạnh phúc là cái gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hay con người có thể lựa chọn để có hạnh phúc? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 8/2007
“… Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu…”
(Lâm Thị Mỹ Dạ)
Liệu có phải chúng ta chỉ trân trọng những gì đạt được khi phải vượt qua bao khó khăn gian khổ mà coi nhẹ những gì ta dễ dàng có được? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 4/2008 “Để có thể thành công đúng với năng lực mà ta có, chúng ta cần phải biết sẵn sàng bỏ qua quan điểm của người khác. Chỉ khi không quan tâm người khác nghĩ gì về mình, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời”.
Video đang HOT
Liệu phát biểu trên có đúng không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 8/2008 Phàm đã sinh ra ở trên đời, ai cũng muốn mình được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc cũng là khái niệm thật khó mà nắm bắt được. Có lẽ một triết gia người Anh đã có lý khi nói rằng: “Việc không đạt được một số điều mà ta mong ước là một phần tất yếu của hạnh phúc”.
Đề bài:
Điều gì làm cho ta hạnh phúc hơn: Quá trình theo đuổi khát vọng hay việc đạt được khát vọng đó? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về câu hỏi nêu trên. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 4/2009 Có người cho rằng: “Ngoài giá trị giải trí, tiểu thuyết, truyện cổ tích, thần thoại, khoa học viễn tưởng… và nói chung những câu chuyện về những nhân vật và sự kiện không có thật – đều vô bổ. Chúng không mang lại thông tin giá trị nào về thế giới thực và chẳng giúp gì ta trong sự phát triển cá nhân cũng như việc nhận biết về thế giới xung quanh”
Đề bài:
Liệu những nhân vật, sự kiện không có thật trong văn học có dạy cho chúng ta điều gì ích lợi không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 4/2010
“Khi không hài lòng với hoàn cảnh, việc đầu tiên chúng ta thường nghĩ đến là thay đổi nó mà không nghĩ đến cách thay đổi quan trọng và hiệu quả hơn: thay đổi chính quan niệm của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta không nên lo lắng tìm cách thay đổi thế giới cho nó trở nên tốt đẹp hơn mà nên tìm cách thay đổi chính bản thân mình để phù hợp với thế giới đó”. Đề bài:
Bạn có đồng ý với quan điểm trên không? Điều gì là tốt hơn: thay đổi quan niệm của bản thân hay thay đổi hoàn cảnh? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 8/2010 Có người luôn muốn mọi việc trong cuộc sống của mình được kiểm soát theo một kế hoạch nhất định. Họ kiểm tra kỹ dự báo thời tiết trước mỗi chuyến đi xa, họ cân nhắc cẩn thận trước khi mua một món đồ, họ dùng lý trí phân tích tất cả các lợi hại trước mỗi quyết định. Một số người khác lại có quan điểm trái ngược: tại sao chúng ta phải cố gắng kiểm soát những thứ mà về bản chất chúng ta không thể kiểm soát một cách tuyệt đối? Bởi đôi khi mạo hiểm và liều lĩnh lại có thể cho chúng ta nhiều bài học và đem đến những cơ hội bất ngờ. Đề bài:
Liệu đôi khi dám chấp nhận rủi ro và hành động một chút liều lĩnh theo sự mách bảo của trái tim có tốt hơn việc chỉ làm theo lý trí? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 4/2011 Một nhà văn nổi tiếng đã viết: “Đừng bao giờ nghĩ rằng tình bạn cho ta quyền được nói những điều khó nghe. Tình bạn càng trở nên thân thiết lại càng cần phải lịch sự, xã giao. Đừng bao giờ nói với người bạn thân về những khuyết điểm của cậu ấy. Việc đó chỉ dành cho những người coi nhau là kẻ thù”.
Đề bài:
Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hay đã là bạn tốt thì phải luôn luôn chân thành với nhau, kể cả khi sự thật có thể làm bạn của mình bị tổn thương? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. Đề thi tuyển sinh tháng 8/2011
“Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kỳ phương tiện nào thực hiện để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng.”
Đề bài:
Bạn có đồng ý với phát biểu trên không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống. (Nguồn: Trường ĐH FPT)
Theo VNN
Giới trẻ chưa thỏa mãn với bài học giới tính trên lớp
Nhiều bạn cho rằng các bài học giới tính trên lớp quá sơ sài, ở khu vực nông thôn thì thê thảm hơn. Trong khi nhu cầu tìm hiểu thông tin của giới trẻ về vấn đề này rất lớn, thậm chí các em sẽ gặp các tình huống như làm bài thi về trinh tiết.
Chuyện "trinh tiết" không còn quá quan trọng với giới trẻ
Đề thi tuyển sinh vào ĐH FPT đã tạo ra một làn sóng dư luận về việc đưa nội dung nhạy cảm như trinh tiết vào giáo dục. Nó thể hiện sự táo bạo của một số nhà làm giáo dục, giúp các bạn trẻ bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề từ ngàn năm nay được khẳng định là chuẩn mực đánh giá nhân phẩm của một người con gái. Đề thi đã được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn, với các luồng ý kiến khác nhau. Một số khẳng định nó vẫn là thước đó phẩm hạnh của người thiếu nữ, nhưng tư tưởng không quá coi trọng chữ trinh đang được bày tỏ nhiều hơn.
Sau quan điểm về việc cần phải đưa vấn đề nhạy cảm vào giảng dạy chính thức của Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Ánh Hồng, trưởng khoa Giáo dục học, ĐH KHXH&NV TP.HCM, chúng tôi đã tìm hiểu về quan điểm của giới trẻ cũng như việc học giới tính trên lớp hiện nay.
"Theo em, có nhiều yếu tố khác ngoài trinh tiết để có thể lấy làm thước đo của nhân phẩm và đạo đức một cô gái", Nguyễn Huỳnh Ngọc Liên, học sinh lớp 12 trường Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) đã bày tỏ như vậy. Như đa số các bạn trẻ được hỏi, Liên có lẽ đã có một cái nhìn rộng rãi về quan niệm của cha ông khi đánh giá hạnh phúc dựa trên nhiều yếu tố.
Rời bỏ một thứ quan niệm được cho là cũ kĩ để có được cái nhìn toàn diện hơn xem ra là đặc điểm chung của những bạn trẻ, bất kể họ đang sống ở khu vực thành phố lớn hay vùng nông thôn.
Đặng Văn Hoàn (quê Ý Yên, Nam Định) một học sinh nam, cụ thể hơn về nhận xét khi cho rằng cần có sự công bằng. Hoàn cho rằng trinh tiết là một quan niệm nằm trong hệ thống quan niệm cổ hủ. Không thể lấy nó để xét đoán người con gái trong khi người con trai không bị đánh giá như vậy. Có những yếu tố khác về tính cách, tâm hồn mới là những chuẩn mực chính để đánh giá một cô gái. Cậu học sinh này bày tỏ: để giữ gìn trinh tiết cho đến lúc hôn nhân là điều tốt, nhưng nếu có không giữ được thì hãy dành cho phụ nữ sự cảm thông.
Đặng Văn Hoàn vẫn phải tự tìm hiểu các vấn đề về giới tính qua sách báo
Chia sẻ quan điểm với Hoàn, Tấn Minh (TP.HCM), học sinh lớp 12 cũng nghĩ rằng lối sống đang ngày một Tây hóa khiến cho cách nghĩ của bạn trẻ nam và nữ cũng thoáng hơn. Người trẻ hiện nay cần có những quan niệm đủ thoáng để có thể thích ứng với thực tế xã hội.
Nhưng thoáng đến đâu là đủ? Khi câu hỏi này đặt ra thì nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam tỏ ra bối rối.
Với Đặng Văn Hoàn, bạn trẻ 18 tuổi này chia sẻ: thông cảm ở một chừng mực, công bằng ở một chừng mực, có thể chia sẻ nếu sự mất trinh là điều không mong muốn. Nhưng khi hỏi Hoàn: "Nếu khi bạn kết hôn mà người bạn đời của em đã mất trinh thì đó có phải là điều đáng tiếc không". Hoàn trả lời: "Có". Còn với Tấn Minh, bạn cho rằng, "thoáng" cũng nên biết điểm dừng, đừng thoáng quá sẽ không nhận được sự cảm thông.
Hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng bao cao su đúng cách
Với Nguyễn Thị Huyền (quận Bình Tân, TP.HCM), học sinh trường THPT Trần Phú thì có thể chấp nhận việc người phụ nữ không còn trong trắng khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Bởi có nhiều yếu tố có thể tác động như hoàn cảnh, sự hiểu biết chưa đầy đủ hoặc thiếu kĩ năng bảo vệ bản thân. Huyền chia sẻ: "Nếu người bạn đời thực sự hiểu rõ về nhau và yêu thương nhau thì không có gì không vượt qua được. Còn nếu người đàn ông cứ cố chấp về chuyện trinh tiết thì cần phải xem xét lại".
Giáo dục giới tính trong học đường hiện nay như thế nào?
Một điều đáng chú ý là khi phỏng vấn gần 10 học sinh về vấn đề giới tính, trinh tiết đang gây nhiều sự chú ý hiện nay thì đa số các bạn trẻ (có bạn đang là sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM năm cuối) đều xin giấu tên. Lý do được đưa ra chủ yếu là việc các bạn không tự tin lắm với hiểu biết của mình về vấn đề này.
Khảo sát qua một số học sinh lớp 12 tại TP.HCM về việc giáo dục giới tính trong học đường, đa số các bạn trẻ trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học đều tỏ ra chưa thỏa mãn với những kiến thức mà nhà trường mang lại. Theo các bạn, ngay từ khi còn học cấp 2, trong chương trình của môn Sinh học lớp 8 về sinh lý người đã có 1-2 tiết giảng dạy về vấn đề này. Tuy nhiên, phần nhiều giáo viên đều giảng dạy về phần này hết sức sơ sài.
Một lớp học về giới tính tại một trường Tiểu học tại Trung Quốc
Khi lên cấp 3, theo Tấn Minh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Huỳnh Ngọc Liên (học sinh trường Trần Phú, quận Tân Phú, TP.HCM) thì vấn đề này cũng được nhà trường lưu tâm khi cũng có mời chuyên gia tâm lý và bác sỹ về trường để hướng dẫn 2 lần. Những buổi hướng dẫn này thường được xếp vào các giờ học ngoại khóa, chuyên gia sau khi hướng dẫn sẽ trả lời các câu hỏi. Các bạn trẻ ngại đặt câu hỏi trực tiếp sẽ viết câu hỏi ra giấy để chuyển lên, chuyên gia sẽ lựa chọn để trả lời.
Bạn Nguyễn Thị Huyền bày tỏ, câu hỏi của bạn đã được chuyên gia lựa chọn trả lời, nhưng nhiều bạn do thiếu mạnh dạn trong việc nếu vấn đề có lẽ cũng không được trả lời khi viết giấy cho chuyên gia, vì những thắc mắc thì quá nhiều mà thời lượng của những buổi như vậy thường rất ngắn.
Vấn đề giáo dục giới tính ở khu vực nông thôn theo khảo sát thì còn thê thảm hơn. Hai anh em Đặng Văn Hoàn và Đặng Thị Trang (học sinh ở Ý Yên, Nam Định) cho biết: khi đến giờ giảng môn Sinh học lớp 8 về vấn đề này, giáo viên thì cho học sinh về nhà tự học, hoặc... bỏ luôn không giảng.
Những vấn đề này đều được các học sinh được hỏi xem là chuyện nhạy cảm khó bày tỏ. Thậm chí, nhiều bạn nam còn gặp khó khăn hơn khi cần chia sẻ chuyện này với gia đình và bạn bè. Những hiểu biết của các bạn đa phần đều dựa vào sách báo. Với năng lực hiểu biết hạn chế và thiếu sự hướng dẫn thì sự lệch lạc nhiều khi khó tránh khỏi. Có nhiều chuyện buồn cười như của H.M.T, một sinh viên năm nhất quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, bạn trẻ này nằng nặc khẳng định: phụ nữ sinh đẻ cũng như gà, cơ quan sinh dục và cơ quan tiêu hóa là ở cùng một nơi.
Đa phần các bạn trẻ được hỏi đều mong muốn tiếp cận nhiều hơn với các kiến thức về giới tính ngay trong trường học, và phải cụ thể hơn. Cụ thể đến mức theo các bạn cần có cả giáo cụ trực quan, hình ảnh và video clip sinh động. Tất cả các bạn trẻ cho rằng, họ cần nhiều hơn những buổi học về giới tính và cách giảng dạy cũng nên cụ thể hơn. Những buổi học như vậy sẽ giúp họ được trang bị tốt hơn về kiến thức và tự biết cách bảo vệ bản thân trước những hoàn cảnh có liên quan.
Khi đặt câu hỏi về sự ái ngại trong khi tham gia những buổi học như vậy, Nguyễn Thị Huyền cho rằng: "Có thể khi ngồi học chung với các bạn nữ ở trong các buổi học như thế, tất cả sẽ ngại. Nhưng đó là điều mà em cần và em sẽ tham gia cho dù buổi học đó có bắt buộc hay không".
Nguyễn Anh Đức, một sinh viên vừa ra trường và đã trả qua sống thử 4 năm với bạn gái, cho rằng: "Có thể ở Việt Nam đã và đang diễn ra một cuộc cách mạng tình dục. Do những rào cản văn hóa, người ta vẫn đón nhận nó nhưng không chấp nhận nó, do đó, nó trở nên một vấn đề nhạy cảm, khó nói. Những chuyện đáng tiếc như đại gia trả cô dâu vì nghi ngờ &'mất trinh' hay việc các cô gái dang dở tương lai do mang thai ngoài ý muốn, có lẽ, cũng là do thiếu hiểu biết mà ra".
Nói như tiến sỹ Nguyễn Ánh Hồng, trưởng khoa Giáo dục học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM thì giáo dục cũng phải chịu một phần trách nhiệm về vấn đề này, bà chia sẻ: "Những lệch lại hay sai lầm do thiếu hiểu biết thì một phần trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về những nhà quản lý giáo dục. Kiến thức về tình yêu, giới tính, và cả về an toàn tình dục nên được giảng dạy chính thức trong trường học vì tất cả hệ quả xấu mà các mối quan hệ tương tự trên đều ảnh hưởng đến xã hội nói chung".
HƯƠNG THI
Theo Infonet
Khóa học Mini MBA dành cho nhà quản lý Thông qua khóa học Mini MBA, học viên sẽ dần tích lũy được sự tự tin, sự trưởng thành cả về kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý, để có thể làm tốt vai trò của mình với tư cách là nhà quản lý chuyên nghiệp Buổi hội thảo với chủ đề "Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu...