Đại học Duy Tân: Tiên phong trong áp dụng công nghệ 3D vào đào tạo
Bước sang tuổi 20, giữa Đà thành trẻ trung và năng động, Đại học Duy Tân đang vươn lên không ngừng, phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.
Với việc đưa công nghệ đồ họa 3D vào giảng đường đại học, Duy Tân đã trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Đó là bước đi táo bạo, đầy dũng cảm của khát vọng đổi mới, hội nhập và phát triển cùng nền giáo dục hiện đại, tiên tiến của nhân loại.
Công nghệ đồ họa 3D và thực tế ảo sự thực đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực đời sống ở các quốc gia phát triển, trong đó có hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Hiện nay, công nghệ này đã hiện diện ở hơn 300 trường đại học trên khắp thế giới với các hoạt động học thuật như các buổi xử án ảo dành cho sinh viên Luật khoa của Đại học Harvard, các buổi thảo luận chuyên đề văn hóa, lịch sử ở Đại học Princeton, các bài giảng âm nhạc và nghệ thuật qua tương tác ảo ở Đại học Ohio,…
Ở Đại học Duy Tân, các ứng dụng công nghệ 3D cũng được triển khai ở nhiều mảng đào tạo khác nhau:
- Thực tế ảo phục vụ đào tạo,
- Giảng dạy văn hóa và lịch sử,
- Trình diễn các mô hình Y – Dược,
- Ứng dụng vào Điện ảnh và Nghệ thuật.
Đầu tiên, với thực tế ảo phục vụ đào tạo, Duy Tân đã tạo ra một thế giới mở, có khả năng tương tác cùng hiệu năng dạy – học tối ưu cho cả người học lẫn người dạy. Trên nền tảng hệ thống SecondLife và các eLearning platforms, giờ đây sinh viên của Duy Tân có thể xóa bỏ những trở ngại truyền thống trên con đường tiếp thu tri thức vì dù ở bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ đâu sinh viên vẫn có thể truy cập vào các cơ sở đào tạo của Đại học Duy Tân, dùng một nhân vật “avatar” để di chuyển, theo dõi bài giảng, tham gia thực hành, và trao đổi với thầy cô hay bạn bè,… Các bạn tân sinh viên cũng thể tham quan các cơ sở đào tạo của trường qua thực tế ảo tại: (http://sl.duytan.edu.vn).
Tiếp đến, những sản phẩm 3D trên nền OpenGL với các mô hình Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thánh địa Mỹ Sơn,… tạo điều kiện cho sinh viên có cách tiếp cận mới mẻ trong việc học lịch sử và văn hóa. Các sản phẩm này cũng có giá trị lớn trong việc quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, một phần trong nỗ lực quốc tế hóa, hướng đến đến Cộng đồng chung ASEAN 2015 của Duy Tân.
Video đang HOT
Một số ứng dụng 3D đang được triển khai tại Đại học Duy Tân
Đặc biệt, trong hơn một năm trở lại đây, nhà trường đã bắt đầu xây dựng và áp dụng công nghệ 3D trong giảng dạy giải phẫu học cho sinh viên Y – Dược với các mô hình 3D hệ xương, hệ cơ, tuần hoàn máu trong cơ thể người,… Với sự đa dạng và phức tạp của các mảng kiến thức Y – Dược, những mô hình khác nhau vẫn đang được tiếp tục phát triển và hoàn thiện tại Đại học Duy Tân.
Không dừng lại ở đó, Đại học Duy Tân đã khởi động dự án phim tài liệu lịch sử về cuộc chiến trên không ở miền Bắc giai đoạn 1965-1972 trong chiến tranh Việt Nam với các tái hiện lịch sử bằng 3D ở tập phim mở đầu mang tên “Khi Én bạc vào trận”. Đứng đầu ê-kíp thực hiện dự án này là đạo diễn người Pháp, Didierjean Vincent Raphael – người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các dự án điện ảnh. Ông cho biết:”Đã có rất nhiều phim từ góc độ của Mỹ về các trận không chiến ở Việt Nam. Nhưng phim của chúng tôi sẽ là những câu chuyện được kể bởi những người lính đã chiến đấu bảo vệ quê hương của mình, qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với các chứng nhân lịch sử cho nên nó rất đặc biệt. Một lý do khác khiến tôi rất thích dự án này đó là điều kiện làm việc ở Đại học Duy Tân. Tại đây tôi có thể được làm việc với những bạn trẻ rất thông minh, tư duy mở và đặc biệt quan tâm đến từng vấn đề cụ thể”.
Những gì mà Đại học Duy Tân đã và đang thực hiện với công nghệ đồ họa 3D là một bước tiến quan trọng, tạo nền tảng vững chắc trong lộ trình xây dựng và phát triển Nhà trường trong gần 20 năm qua. Đề cập đến những cơ sở cho tầm phát triển mới này, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân chia sẻ:”Ngay từ khi thành lập trường, Đại học Duy Tân đã xây dựng và triển khai các tiến bộ về Công nghệ Thông tin mà bây giờ có thể coi đó là các thế mạnh của Nhà trường. Và cũng cách đây trên 2 năm, Đại học Duy Tân đã áp dụng chương trình thực tế ảo – Second Life – để dạy học cho hơn 2.500 sinh viên hệ từ xa, đạt kết quả tốt. Đây là những căn cứ để Đại học Duy Tân tiếp tục tiến thêm một bước, xây dựng công nghệ đồ họa 3D vào nghiên cứu và giảng dạy.”
Với những gì đã làm được, Đại học Duy Tân đang ngày càng thể hiện được vai trò tiên phong của trường “Đại học Tư thục Đầu tiên và Lớn nhất miền Trung” của Việt Nam, chung sức với nền giáo dục đại học nước nhà vươn đến các giá trị tiên tiến toàn cầu. Đến với Duy Tân, bè bạn sẽ cảm nhận được, đó là nơi “xứng đáng để chúng ta cùng chung sức nâng giáo dục lên một tầm cao mới” như đạo diễn Vincent Raphael đã phát biểu.
Theo TNO
Công nghệ Thông tin: Tầm phát triển ở Đại học Duy Tân
Đại học Duy Tân đã trở thành một trong những điểm sáng về phát triển Công nghệ Thông tin (CNTT) ở TP. Đà Nẵng nói riêng và trong cả nước nói chung. Kết quả này có được là do tổng hòa chiến lược đào tạo chất lượng cao của Đại học Duy Tân cộng với ý thức trách nhiệm của lãnh đào nhà trường về việc đào tạo và nghiên cứu nhằm phục vụ nhu cầu xã hội của địa phương cũng như định hướng phát triển chung của đất nước.
Bằng khen cho thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Kỳ thi Olympic Tin học Toàn quốc năm 2013
Sức mạnh nội lực
Hưởng ứng xu thế của cuộc cách mạng Công nghệ Thông tin, ngay từ những ngày đầu thành lập, CNTT đã được Đại học Duy Tân lựa chọn là một trong những ngành mũi nhọn của trường. Nhà trường đã sớm nắm bắt cơ hội và hợp tác với Đại học Carnegie Mellon (CMU) - một trong bốn đại học hàng đầu của Hoa Kỳ về CNTT - nhằm chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến cho sinh viên Việt Nam. Và liên tục trong nhiều năm qua, Đại học Duy Tân đã kết hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để thực hiện nhiều dự án CNTT cũng như tổ chức các cuộc thi, các đợt tranh tài, các hội thảo CNTT mang tầm quốc gia và quốc tế.
Ngay tại Đại học Duy Tân, các ứng dụng CNTT đã tạo ra nhiều lợi ích kết nối và nâng cao hiệu quả công việc. Hệ thống email, đăng ký môn học, e-learning, thư viện, học phí,... giúp kết nối người dạy và người học một cách nhanh chóng và tối ưu hóa. Nhiều hướng nghiên cứu CNTT đồng thời đang được thực hiện tại trường như phát triển các ứng dụng di động, các phương thức tính toán và lưu trữ cỡ lớn, hệ thống thông tin địa lý (GIS),... Đặc biệt, hướng phát triển đồ họa 3D là một trong những trọng tâm mới trong thời gian gần đây của nhà trường.
Sử dụng công nghệ 3D, một loạt các dự án phục vụ cho nhiều ngành học khác nhau đã và đang được thực hiện như mô hình 3D thu nhỏ của Văn miếu Quốc Tử Giám và thánh địa Mỹ Sơn giúp du khách trong và ngoài nước có thể tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, mô hình hệ xương, cơ và tuần hoàn máu trong cơ thể con người, dự án phim tài liệu về các trận không chiến giữa Không quân Việt Nam với Không quân Mỹ và Không quân Hải quân Mỹ trong giai đoạn 1965-1972.
TS. Lê Nguyên Bảo - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân nhận xét: "Không chỉ là một công cụ Công nghệ Thông tin thuần túy, các công nghệ 3D đã thực sự giúp sức đắc lực cho các ngành Y-Dược, Du lịch, Điện tử, Xã hội Nhân văn ở Duy Tân."
Các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới tại Hội thảo CNTT Quốc gia Lần thứ XVI
Duy Tân - Thương hiệu Thành công
Với sự tín nhiệm của xã hội về năng lực CNTT của nhà trường, trong năm 2013, Đại học Duy Tân đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn về CNTT và qua đó gặt hái được nhiều thành công mang tính khích lệ.
Ngày 14.11.2013, Duy Tân trở thành đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện CNTT tầm cỡ quốc gia và quốc tế: Hội thảo Công nghệ Thông tin Quốc gia Lần thứ XVI với chủ đề "Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ Thông tin & Truyền thông: An toàn & Bảo mật Thông tin".
Hội thảo đã thu hút hơn 300 đại biểu là các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học Việt Nam cùng 10 chuyên gia hàng đầu đến từ các nước có nền khoa học phát triển như Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản. Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng khẳng định: "Duy Tân là một trường đại học tư thục có thời gian phát triển chưa dài nhưng đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Trong đó phải kể đến hiệu quả của việc hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng về CNTT cho xã hội. Hội thảo được tổ chức tại thời điểm này thực sự là một sáng kiến hay, một hoạt động thiết thực để tìm ra các giải pháp để thúc đẩy ngành CNTT cũng như hướng đến sự an toàn thông tin và An ninh Mạng."
Những ngày cuối tháng 11.2013, Duy Tân đã đăng cai tổ chức 2 cuộc thi CNTT lớn khác là Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 22 và Kỳ thi Lập trình Sinh viên Quốc tế ACM/ICPC lần thứ 38 châu Á. Tranh tài cùng sinh viên của 71 trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc và 11 trường Đại học danh tiếng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan và Indonesia, sinh viên Duy Tân đã đoạt một số giải thưởng lớn (2 giải Nhì, 4 giải Ba và 2 giải Khuyến khích).
Ngoài ra, đội Đại học Duy Tân cũng đã đoạt giải Nhì (cao nhất, không có giải Nhất) tại cuộc thi "Mùa hè Sáng tạo viết Phần mềm Nguồn mở" với dự án MHST13-14.
Về thành công này, ThS. Trương Tiến Vũ - Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Duy Tân - cho biết: "Vượt qua 14 dự án ở vòng sơ khảo, dẫn đầu trong 3 dự án lọt vào vòng chung khảo để đạt được giải thưởng cao nhất năm nay là một kết quả hoàn toàn xứng đáng dành cho nhóm dự án MHST13 -14 Đại học Duy Tân.
Dự án MHST13-14 là một giải pháp vừa mang tính công nghệ vừa mang ý nghĩa xã hội khi xây dựng một giải pháp đào tạo trực tuyến dựa trên nền nguồn mở phục vụ cộng đồng.
Hiện nay, đã có một số quỹ đầu tư, một số doanh nghiệp đề nghị hợp tác để tiếp tục tài trợ phát triển dự án này. Tôi tin tưởng rằng với ý tưởng xuất sắc cùng sự hỗ trợ tốt nhất của nhà trường, cộng đồng và các doanh nghiệp trong VFOSSA, dự án của các em sẽ tiếp tục phát triển để ứng dụng thực tế và mang lại những giá trị thật sự phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trên phương diện áp dụng công nghệ và đổi mới giáo dục."
Chưa hết, mới đây nhất, Ban Tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên Nhi đồng Toàn quốc Lần thứ 9 đã trao giải Nhất cho sinh viên Nguyễn Trần Viết Chương (K19CMU-TMT - DTU) với phần mềm Quản lý Học sinh Sử dụng Máy tính.
Những thành công như vậy đã phần nào cho thấy sức phát triển không ngừng trong lĩnh vực CNTT của Đại học Duy Tân. Hy vọng thầy và trò Đại học Duy Tân sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nước một cách mạnh mẽ và toàn diện.
Theo VNE
Đại học Duy Tân Khai giảng Đào tạo Tiến sĩ Duy Tân là Đại học Ngoài Công lập đầu tiên ở Việt Nam được phép đào tạo bậc Tiến sĩ hai ngành Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính. Ngày 10/1/2014, Đại học Duy Tân đã chính thức tổ chức Lễ Khai giảng Khóa đầu tiên đào tạo Tiến sĩ cho ngành Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính...