Đại học Duy Tân Khai giảng Đào tạo Tiến sĩ
Duy Tân là Đại học Ngoài Công lập đầu tiên ở Việt Nam được phép đào tạo bậc Tiến sĩ hai ngành Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính. Ngày 10/1/2014, Đại học Duy Tân đã chính thức tổ chức Lễ Khai giảng Khóa đầu tiên đào tạo Tiến sĩ cho ngành Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính cùng Khóa IX các chương trình Thạc sĩ cơ sở K7/25 Quang Trung, Tp. Đà Nẵng.
Trong quá trình hướng tới sự kiện trọng đại Kỷ niệm 20 năm Thành lập trường, Duy Tân đang ngày càng tự khẳng định là một điểm đến tin cậy của học thuật và nghiên cứu, chắp cánh “Giấc mơ Duy Tân” trong hệ thống giáo dục – đào tạo nước nhà.
Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ phát biểu tại Lễ Khai giảng
Phát biểu tại Lễ Khai giảng, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ khẳng định: “Sự phát triển lớn mạnh của Đại học Duy Tân chính là thành quả của tinh thần đoàn kết cùng sự nỗ lực không ngừng của những bàn tay và khối óc Duy Tân trong suốt 20 năm qua. Trăn trở lớn của Đại học Duy Tân là làm thế nào để đào tạo ra các Tiến sĩ và Thạc sĩ có chất lượng đáp ứng được nhu cầu cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Tp. Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Mỗi nghiên cứu sinh, học viên cao học cần chủ động quan tâm đến những đề tài thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trau dồi thêm ngoại ngữ, kiến thức xã hội và văn hóa để tự tin cùng đất nước tiến tới hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean năm 2015. Nhà trường cũng sẽ tạo mọi điều kiện để các bạn yên tâm học tập và làm việc đóng góp trí lực cho xã hội”.
Video đang HOT
Đông đảo các học viên đến tham dự Lễ Khai giảng
Niềm vinh dự và tự hào của những thành viên mới trong mái nhà chung Đại học Duy Tân lộ rõ khi TS. Hồ Văn Nhàn – Phó trưởng Khoa Sau Đại học chính thức công bố trong Quyết định trúng tuyển đối với 13 Nghiên cứu sinh Khóa I và 143 học viên cao học Khóa IX. Theo đó, Khóa I Tiến sĩ của Đại học Duy Tân gồm có 7 Nghiên cứu sinh ngành Quản trị Kinh doanh và 6 Nghiên cứu sinh ngành Khoa học Máy tính. Bên cạnh đó, còn có 143 học viên Cao học Khóa IX gồm có 74 học viên ngành Quản trị Kinh doanh, 29 học viên ngành Kế toán, 21 học viên ngành Xây dựng và 19 học viên ngành Khoa học Máy tính.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, lãnh đạo Khoa Sau Đại học đã trình bày chi tiết chương trình, nội dung và kế hoạch đào tạo của từng ngành, giúp các Nghiên cứu sinh và học viên hiểu rõ hơn về những yêu cầu và điều kiện học tập như yêu cầu bài báo quốc tế, giáo sư hướng dẫn người nước ngoài đối với bậc Tiến sĩ hay đòi hỏi viết luận văn bằng tiếng Anh, kết hợp với doanh nghiệp thực tế ở bậc Thạc sĩ.
Nghiên cứu sinh Đàm Văn Hưng, ngành Quản trị Kinh doanh, Khóa I (hiện đang là Phó Chủ tịch UBND Quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng) chia sẻ: “Với chương trình đào tạo tiên tiến và chất lượng, Đại học Duy Tân mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và tiếp cận tri thức mới cho người học. Chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện tốt các quy chế của nhà trường, cố gắng học tập, nghiên cứu để đạt được kết quả cao trong khóa học.”
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng trao lá cờ tiên phong trong đào tạo sau đại học nói chung và đào tạo Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh và Khoa học Máy tính nói riêng, Đại học Duy Tân luôn nỗ lực để mang đến những ưu điểm đào tạo vượt trội. Bước vào tuổi 20 với sức mạnh vững bền của truyền thống, với niềm tin căng tràn của hiện tại và hy vọng ở tương lai, Đại học Duy Tân đã và đang gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”, khẳng định được thương hiệu đại học ngoài công lập hàng đầu ở Việt Nam.
19 năm xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, Duy Tân đã liên tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc tế để “đứng trên vai người không lồ”. Đại học Duy Tân đã hợp tác phát triển các chương trình tiên tiến và quốc tế với những trường đại học danh tiếng ở Mỹ như ĐH Carnegie Mellon (CMU) – 1 trong 4 đại học hàng đầu về Công nghệ Thông tin ở Mỹ, ĐH Bang Pennsylvania (PSU) – 1 trong 3 đại học hàng đầu thế giới về Quản trị – Du lịch cũng như 1 trong 5 đại học công lập lớn nhất Mỹ, và ĐH Bang California (CSU Fullerton và Cal Poly) – nằm trong nhóm các đại học hàng đầu về đào tạo ngành Xây dựng và Kiến trúc (xếp thứ 5) ở Mỹ. Bên cạnh các chương trình tiên tiến ở bậc đại học, trường cũng đào tạo 4 chương trình ở bậc Thạc sĩ, bắt đầu từ năm 2009, bao gồm: Thạc sĩ Khoa học Máy tính (MSIT), Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), Thạc sĩ Kế toán (MAcc), và Thạc sĩ Xây dựng (MSCIE).
Theo TNO
Nghị lực của nữ sinh tá túc trong chùa
Bị dị tật đôi chân từ lúc mới chào đời và đến năm học cấp ba, Võ Thị My lại bị một tai nạn khiến chân trái dập nát xương.
Không đầu hàng số phận, đến nay cô sinh viên lớp K15 VQH - ngành quan hệ quốc tế (Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) sắp ra trường với thành tích học tập nổi bật.
Võ Thị My sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) với đôi chân dị tật bẩm sinh. Việc đi lại của My đều trông cậy vào sự ẵm bồng, đưa đón của người thân.
Năm 7 tuổi, nhờ ca phẫu thuật chỉnh hình từ thiện, My đã có thể tự mình nhúc nhắc đi lại được. Tuy nhiên, đôi bàn chân khoèo khiến việc di chuyển của My rất chậm chạp, thường xuyên bị ngã. Lên 9 tuổi, My mới vào học lớp 1 trường làng. Vượt lên tật nguyền, suốt 9 năm học, đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Đến năm lớp 11, My lại gặp một vụ tai nạn khiến xương chân trái bị dập nát. Đôi chân vốn đã không lành lặn giờ lại thêm tổn thương nặng hơn. My phải điều trị dài ngày ở bệnh viện nên việc học hành bị gián đoạn. Nhưng với nghị lực phi thường, My tìm cách học "đuổi", và đậu đại học.
Là chị cả trong gia đình 3 anh chị em, ba bị bệnh tim, mọi gánh nặng đặt lên vai của mẹ. Thương con muốn được bằng bạn bằng bè theo đuổi ước mơ của mình, gia đình cố chạy vạy vay mượn lo cho My nhập học.
Cuộc sống xa gia đình, đối mặt bao khó khăn. Thương ba mẹ nghèo khổ không muốn lo lắng nhiều cho mình nên cô sinh viên gõ cửa chùa Viên Quang trên đường Phạm Văn Nghị gần trường xin được tá túc. Hòa thượng Thích Minh Thành cùng các sư thầy, sư cô nhiệt tình giúp đỡ.
Võ Thị My đang tá túc tại chùa Viên Quang.
Tuy được "miễn" mọi việc trong chùa, nhưng cô vẫn đi lấy rau từ chợ Cồn về cho bếp ăn. Thế là hằng ngày, My dậy từ lúc 4 giờ đi chợ lấy rau về, sau đó phụ với các sư cô nhặt rau, nấu bữa sáng, quét dọn lau chùi trong chùa, xong mọi việc mới đi học.
Vượt lên bất hạnh, cô luôn giành được thành tích cao trong học tập. Tháng 1/2013, My nhận được học bổng sinh viên nghèo vượt khó của trường. My cho biết: "Có thể My sẽ xin vào làm việc trong các hội người khuyết tật để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình".
Theo Thu Sương - Ngọc Huyền
Tiền Phong
Khai giảng 5 tháng, 53 HS vẫn chưa đến trường Bất bình với việc sát nhập điểm trường của chính quyền khiến con em mình mới học lớp 1-3 phải đi học xa cách 3-4 km, trong đó có nhiều đoạn có thể ngập sâu nguy hiểm vào mùa mưa, nhiều phụ huynh ở xã Quang Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đến nay vẫn không cho con đến trường nhập học....