Đại học dùng chiêu lạ để tuyển sinh viên
Mỗi kỳ tuyển sinh, các trường đại học lại nghĩ ra những chính sách, ngành học mới để thu hút thí sinh vào trường.
‘Bao toàn bộ sinh viên hai khóa đầu
Tại kỳ họp thứ 19, khóa XII ngày 23/3, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã 100% nhất trí thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên tại Đại học Hạ Long trong các năm 2015, 2016.
Học sinh trường THPT Đại Từ (Thái Nguyên) tham dự buổi thi thử vào đại học.
Cụ thể, sinh viên Đại học Hạ Long tham gia học các ngành đào tạo hệ chính quy được tuyển sinh vào trường trong năm 2015, 2016 sẽ được hỗ trợ tiền học phí hàng tháng bằng mức học phí mỗi tháng phải nộp theo quy định. Mỗi sinh viên được hỗ trợ tiền mua sắm đồ dùng học tập hàng tháng với mức 120.000 đồng; hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lượng cơ sở cho sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí.
Video đang HOT
Ngoài ra, sinh viên học ở Đại học Hạ Long còn được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá của trường nếu khoảng cách từ nhà đến nơi học từ 15 km trở lên. Trong trường hợp nhà trường không bố trí được chỗ ở, sinh viên được phụ cấp tiền thuê nhà 300.000 đồng mỗi tháng.
Riêng sinh viên có kết quả học tập, rèn luyện đạt loại giỏi, loại xuất sắc có mức hỗ trợ cao hơn. Cụ thể, sinh viên đạt loại giỏi được hưởng 100% mức lương cơ sở mỗi tháng; loại xuất sắc 150%. Ngoài ra, các em tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi được ưu tiên tạo cơ hội về việc làm tại cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện từ ngày 1/9/2015 đến ngày 30/6/2020.
Có chứng chỉ Anh văn quốc tế là lợi thế xét tuyển
Năm 2015, ĐH Hoa Sen dành tối đa 10% (270 chỉ tiêu) xét tuyển vào ĐH đối với tất cả các thí sinh đã tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ Anh văn quốc tế.
Điều kiện cụ thể là thí sinh đạt điểm thi IELTS 6,5 trở lên, hoặc TOEFL iBT trên 8,9.
Bên cạnh đó, thí sinh cần đạt điểm trung bình cộng cả năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đạt từ 6 điểm trở lên đối với bậc đại học, 5,5 đối với bậc cao đẳng.
Riêng với các ngành nhóm ngành mỹ thuật ứng dụng, thí sinh phải đạt điểm môn năng khiếu tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định.
Cho phép sinh viên được thi lại đại học
Ông Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết sinh viên đang học tại Đại học Cần Thơ được phép thi lại trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2015.
Theo ông Xê, trường nhận thấy thi tuyển lại ĐH để chọn ngành phù hợp hơn là nhu cầu chính đáng và hợp pháp của sinh viên đang học tại trường ĐH. Vì vậy, trường sẽ hỗ trợ tối đa để các em được toại nguyện. Trường cho phép và sẽ xác nhận vào phiếu đăng ký dự thi để các em hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi.
Nếu không trúng tuyển trong kỳ thi năm 2015, sinh viên vẫn sẽ trở lại trường học bình thường. Nếu trúng tuyển thì các em phải đóng tiền đền bù chi phí đào tạo thì mới có thể học theo ngành mới. Những sinh viên đang đóng học phí ở mức 1,5 lần thì không cần đóng tiền đền bù chi phí đào tạo.
Nếu sinh viên trúng tuyển vào ngành mới trong Đại học Cần Thơ, trường sẽ xem xét miễn các học phần trong chương trình đào tạo của ngành mới mà các em đã học.
Trường ngoài công lập đầu tiên đào tạo piano, thanh nhạc
Đại học Văn Hiến vừa được Bộ GD-ĐT quyết định cho đào tạo trình độ đại học hệ chính quy 2 ngành Thanh nhạc và Piano. Đây là trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam được đào tạo 2 ngành này.
Theo lãnh đạo nhà trường cho biết, tham gia trực tiếp giảng dạy 2 chuyên ngành Piano và Thanh nhạc sẽ có các giảng viên có uy tín trong ngành như GS.NSND Trung Kiên, GS.TS.NGND Trần Thu Hà, TS.NSƯT Phạm Ngọc Doanh – nguyên Phó GĐ nhạc viện TP HCM, TS.NGƯT Trương Ngọc Thắng – nguyên Giám đốc học viện âm nhạc Huế…
Sau khi qua đào tạo kỹ năng cơ bản, sinh viên ngành thanh nhạc sẽ được định hướng theo sở trường các dòng nhạc: nhạc kịch, thính phòng và đương đại, còn sinh viên ngành piano sẽ được hướng theo sở trường các dòng nhạc: hàn lâm, thính phòng và đương đại (piano Jazz, piano pop…).
Theo Ngân Anh/Báo Vietnamnet