Đại học Đông Đô và những tấm bằng vô giá trị: Hé lộ số tiền khủng thu lợi từ học viên
Trung bình, học phí cho khoá đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại đại học Đông Đô là 30 triệu đồng.
Nhưng qua tay các “môi giới” là chính nhân viên trong trường, số tiền các học viên phải nộp lớn hơn nhiều, tuỳ thuộc vào mức độ quan hệ, quen biết.
Theo nguồn tin của báo Người Đưa Tin, từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019, trường Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh cho các học viên mà không cần qua thi cử, học tập.
Ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT là người chỉ đạo các đầu mối. Các “mắt xích” khác trong đường dây này là: Dương Văn Hòa – Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang – Phó viện trưởng Đào tạo, Phó trưởng phòng đào tạo và quản lí sinh viên; Trần Kim Oanh – Viện Viện Phó viện Đào tạo liên tục; Lê Văn Hà – Viện Trưởng viện 4.0; Phạm Vân Thùy – Viện 4.0; Lê Thị Lương – Viện 4.0…
Bị can Trần Ngọc Quang đã nhận và giúp 11 cá nhân (5 trường hợp tại học viện Ngân hàng, 3 trường hợp tại thành phố Hồ Chí Minh, 3 trường hợp ở các đơn vị khác) có nhu cầu lấy văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh không qua tuyển sinh thi cử.
Số tiền mà Quang đã thu là 40 triệu đồng/người. Sau đó, ông Quang nộp về trường 30 triệu đồng/người và thu lợi 10 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền ông Quang thu lợi của cá nhân là 110 triệu đồng.
Chủ tịch đại học Đông Đô Trần Khắc Hùng và Hiệu trưởng Dương Văn Hoà bị khởi tố về tội Giả mạo trong công tác.
Sau khi nhận hồ sơ và tiền của các học viên, ông Quang thông báo cho những người này đến cơ sở trường đại học Đông Đô lại số 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) để làm bài. Bị can Trần Ngọc Quang đã đưa các cá nhân trên vào phòng thi để tổ chức cho chép bài thi. Chỉ trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày, các học viên đã được cấp bằng.
Bị can Lê Thị Lương, cán bộ Viện 4.0 đã giúp Cao T. N. H. (một giảng viên tại Hà Nội) được cấp văn bằng 2 tiếng Anh với chi phí 37 triệu đồng.
Bà này đã nộp 30 triệu đồng cho trường và giữ lại 7 triệu đồng. Tháng 1/2019, bà Lương hẹn Cao T. N. H. đến trường và phát giấy, đề cương, đáp án cho H. chép hợp thức hơn 20 bài thi. Ngày 5/3 H. được Lương thông báo đã có bằng và đến nhận bằng.
Được biết, trong đường dây này, bà Lương được giao nhiệm vụ quản lí hệ thống bài giảng giáo trình đề cương online, đẩy bài lên hệ thống coi thi theo lịch phân công.
Ngoài ra, bà Lương từ khi về đại học Đông Đô công tác từ tháng 10/2018 đến nay đã cùng thi thoảng được giao nhiệm đi trông thi.
Bị can Phạm Vân Thùy – cán bộ viện Đào tạo liên tục trong thời gian công tác có nhiệm vụ tiếp nhận toàn bộ hồ sơ của các học viên tham gia học văn bằng tiếng anh, học liên thông một số ngành như xây dựng, quản trị.
Cá nhân Thùy đã giúp 3 cá nhân Nguyễn H. P., Nguyễn A. Q., Nguyễn T. T., (Đều công tác tại 1 đơn vị tại hà Nội). Thùy đã nhận tiền (chưa xác định số tiền) của 3 người này nhằm mục đích giúp có bằng không cần thi tuyển. Thùy hợp thức bằng việc cho những người này chép hơn 20 bài thi các môn trong thời gian 3 ngày.
Theo thông tin nắm được, tổng số lượng tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 tiếng anh sai quy định của đại học Đông Đa khoảng 2000 thí sinh; trong đó có khoảng 400 học viên không tuyển sinh đào tạo đúng quy định nhưng vẫn được cấp bằng.
Theo nguoiduatin
'Tảng băng chìm' Đại học Đông Đô: Tràn lan đào tạo 'chui'
Sau khi hiệu trưởng cùng thuộc cấp trường Đại học (ĐH) Đông Đô bị khởi tố, bắt giam, "tảng băng chìm" đào tạo văn bằng 2 của trường mới dần lộ rõ.
Trường ĐH Đông Đô
PV Tiền Phong vừa nhận được đơn phản ánh của học viên lớp 522 - 03 văn bằng 2 chính quy và lớp 522-04 trung cấp, cao đẳng liên thông lên ĐH của Khoa Luật Kinh tế, trường ĐH Đông Đô, tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng.
Thi tốt nghiệp trước, thi lại sau
Theo phản ánh của học viên, bà Nguyễn Thị Thảo là chủ nhiệm lớp đồng thời là Phó Chủ nhiệm Khoa Luật Kinh tế đã cho học viên ký khống vào danh sách trắng điểm thi của các môn thi. Các học viên không biết việc làm đó với mục đích gì.
Trong suốt hơn hai năm học, sau mỗi kỳ thi kết thúc học phần, bà Nguyễn Thị Thảo không công bố điểm thi mà học viên chỉ được thông báo sau khi đã thi tốt nghiệp. Cụ thể, sáng ngày 7/7/2019 (ngày thi tốt nghiệp là 6/7/2019), bà Thảo thông báo vào lúc 5h sáng danh sách các học viên thi lại đồng thời tổ chức thi lại vào lúc 8h sáng cùng ngày. Lịch thi là 8h sáng nhưng 9h30 hội đồng thi đến và giải thích do bận ăn sáng.
Trong danh sách thi lại được công bố trên Facebook lớp 522- 03, 522-04 ngày 7/7/2019, số người phải thi lại lên đến gần 200 người (gần 100% học viên). Trong số này, người phải thi lại nhiều nhất lên đến 17 môn trong tổng số hơn 20 môn học, với mức phí thi lại 20 triệu đồng. Lớp 522-03 cũng nhận được thông báo học phí thi lại của lớp ước chừng hơn 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo quy định, một trong những điều kiện để người học được thi tốt nghiệp là tích lũy đủ số học phần hoặc tín chỉ đào tạo. Vậy việc làm "ngược đời" của trường ĐH Đông Đô được giải thích thế nào?
Các học viên cũng đặt câu hỏi, việc nhà trường liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng để Trung tâm này đứng ra thông báo tuyển sinh, nhận hồ sơ và thu tiền của học viên có hợp pháp hay không? Tuy nhiên, đại diện nhà trường là bà Nguyễn Hải Yến, Phó Trưởng phòng Đào tạo không giải đáp bất kỳ thắc mắc nào. Do nghi ngờ về tính hợp pháp đào tạo các lớp hệ chính quy văn bằng 2 Khoa Luật Kinh tế ngoài giờ tại Hải Phòng, ngày 31/7/2019, một số học viên tại Hải Phòng đã đến làm việc với Ban lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm trả lời: Trung tâm chỉ ký hợp đồng cho thuê phòng và không chịu trách nhiệm về quản lý đào tạo. Câu hỏi đặt ra là, nếu chỉ cho thuê phòng thì tại sao Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng lại được phép thông báo liên kết tuyển sinh, thu hồ sơ tuyển sinh, cử giáo viên chủ nhiệm phụ trách điểm danh lớp, thu tiền học phí xuất biên lai đóng dấu của Trung tâm. Chưa kể mỗi học viên đã đóng 100.000 đồng/gười để làm thẻ sinh viên, nhưng đến nay vẫn không được nhận thẻ. Trong đơn kêu cứu, những học viên này đặt câu hỏi: "Vậy thực tế chúng tôi có phải là học viên của Trường ĐH Đông Đô hay không? Và số tiền đã thu được sử dụng vào việc gì, đến giờ chúng tôi không hề được biết?".
óng phí chống trượt vẫn trượt
Nhiều học viên cho hay phải đóng các loại "phí mềm" chống trượt (các môn thi học phần và tốt nghiệp) nhưng vẫn trượt như thường. Trao đổi với PV Tiền Phong, một học viên bức xúc cho biết: Lớp chỉ học 2 ngày cuối tuần là xong một môn. Những người đến nhập học sau, chèn hồ sơ vào với mức phí 500.000đ/môn học.
Không ít trường hợp, học viên nhập học muộn phải đóng 10 triệu đồng, 20 triệu đồng. "Lớp ĐH chính quy, lẽ ra học 4 năm nhưng tính ra, mới học được 1 năm đã chuẩn bị thi tốt nghiệp" - học viên này cho hay.
Truy nã Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô
Ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô về tội "Giả mạo trong công tác", quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự. Trước đó, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác". Trong số các bị can, CQĐT thi hành lệnh bắt tạm giam Dương Văn Hòa (SN 1983), Hiệu trưởng và Phó trưởng phòng Đào tạo - Trần Ngọc Quang.
Hành vi vi phạm pháp luật của các bị can liên quan đến việc tổ chức tuyển sinh đào tạo Văn bằng hai tiếng Anh để thu tiền khi chưa được Bộ GĐ&ĐT cho phép.
Lê Dương
Ngày 20/8, để làm rõ những thông tin do các học viên nêu ra, PV Tiền Phong đã liên hệ làm việc với Ban giám hiệu trường Đại học Đông Đô nhưng hiệu phó nhà trường, bà Trần Kim Oanh cho biết đang bận, yêu cầu liên hệ với phòng truyền thông để sắp lịch. Bà Phạm Thu Hằng - Trưởng phòng truyền thông của trường cho hay, toàn bộ ban lãnh đạo nhà trường bận hết tuần này. Bà Hằng thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Thảo đang nằm viện.
NGHIÊM HUÊ
Theo tienphong
Từ vụ ĐH Đông Đô lộ ra những sơ hở về cấp phôi bằng của Bộ GD - ĐT Từ vụ ĐH Đông Đô ngang nhiên đào tạo văn bằng 2 dù chưa được phép, chuyên gia giáo dục cho rằng còn nhiều kẽ hở trong việc cấp phôi bằng và thanh tra. Liên quan đến việc ĐH Đông Đô đào tạo "chui" văn bằng 2, ngày 17/8 Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ chưa nhận được bất kỳ văn bản đề nghị...