Đại học Công nghiệp HN miễn phí toàn khóa học cho nam sinh “quyết” bỏ đại học đi làm thuê
Là thí sinh có điểm cao nhất trường ĐH Công nghiệp Hà Nội khối C với 26,25 điểm, nhưng thí sinh Nguyễn Đình Sinh huyện Diễn Châu – Nghệ An “quyết tâm” nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ chữa bệnh.
Sự “quyết tâm” của Sinh đã không thành bởi sự nỗ lực giúp đỡ của nhà trường.
Thí sinh Nguyễn Đình Sinh huyện Diễn Châu – Nghệ An
Mọi cách để thuyết phục “ chàng trai hiếu thảo”
Ngày 21/8, tại lễ nhập trường cho 6.000 tân sinh viên năm 2019, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã cấp học bổng 100% học phí 4 năm học cho 8 thí sinh thủ khoa các khối.
Trong 8 thí sinh xuất sắc này, nam sinh người Nghệ An có hoàn cảnh đặc biệt nhất và cũng dành được sự quan tâm đặc biệt nhất của nhà trường – đó là thí sinh Nguyễn Đình Sinh huyện Diễn Châu, Nghệ An có điểm xét tuyển vào trường cao nhất khối C ngành Du lịch với 26,25 điểm.
Ông Trần Ngọc Khánh, trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên cho biết: “Nhà trường đã liên hệ với Sinh để thông báo em là thí sinh có điểm cao nhất của trường thì Sinh trả lời: em không có ý định đi học đại học mà sẽ tới Quảng Ninh để tìm việc làm thêm giúp đỡ mẹ và dì”.
Biết được hoàn cảnh của Sinh, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp đã quyết định ngoài việc cấp học bổng 100% học phí toàn khóa học, nhà trường thực hiện miễn phí ở Ký túc xá 4 năm học cho em. Đồng thời, bố trí việc làm thêm tại căng tin nhà trường cho Sinh có thêm thu nhập mỗi tháng.
Tuy nhiên, với điều kiện tốt nhất như vậy của nhà trường nhưng Sinh vẫn nhất quyết không đi học, bởi trước mắt em là người dì ruột độc thân đã nuôi em từ bé và người mẹ bị bệnh tiểu đường đang làm thuê tại Quảng Ninh.
Cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo và năng lực học tốt của Sinh, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp quyết tâm “chinh phục” cậu nam sinh này.
“Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục và nhờ sự tác động của gia đình, phút cuối cùng theo quy định trong ngày nộp giấy xác nhận nhập học, Sinh mới ra bưu điện chuyển phát nhanh về trường. Lúc đó, chúng tôi vô cùng xúc động và thở phào vì không bỏ lỡ một nhân tài do điều kiện khó khăn mà không thể đi học” – ông Khánh chia sẻ.
Video đang HOT
Ban giám hiệu trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đón tiếp và động viên Sinh trong ngày nhập học.
“Em hạnh phúc vì có hai người mẹ”
Chia sẻ với phóng viên tại buổi lễ nhập học, thí sinh Nguyễn Đình Sinh tâm sự: “Do bố mẹ ly hôn nên từ nhỏ nên em sống với dì (phụ nữ độc thân – PV) ở quê, hàng ngày dì đi làm ruộng để nuôi em, còn mẹ phải đi làm thuê ở Quảng Ninh. Mỗi tháng mẹ làm được 3,5 triệu đồng, trong đó tiền chữa bệnh tiểu đường của mẹ hàng tháng đã lên tới 2 triệu đồng.
Tuy mức điểm của em đã đỗ trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và Đại học Huế ngành Du lịch nhưng em không thể đến trường. Em thấy đi đại học cũng tốt nhưng nếu em đi học đại học thì hàng tháng rất tốn kém, mẹ và dì không thể cáng đáng nổi suốt 4 năm học.
Do vậy, em nghĩ, trước mắt đi làm thuê kiếm tiền ở Quảng Ninh, lương hàng tháng khoảng 4 triệu đồng, trong đó 3 triệu gửi về cho mẹ và dì sinh sống và thuốc men, còn 1 triệu em chi tiêu.
Mặc dù, mẹ và dì đều khuyên em, không phải lo cho mẹ và dì, nên đi học vì tương lai của con phía trước chứ kiếm tiền ngay thì mai sau không có tương lai. Em biết là vậy nhưng vẫn rất phân vân”.
Nụ cười thẹn thùng của chàng trai hiếu thảo Nguyễn Đình Sinh
Nhờ sự động viên của nhà trường và gia đình, khi đặt chân tới giảng đường đại học, cậu học trò hiếu thảo Nguyễn Đình Sinh đã bùng cháy ước mơ – “Chắc lúc trước em nghĩ hơi cạn. Khi em bước vào cổng trường đại học là muốn đi học luôn vì có rất nhiều bạn. Em muốn học tập thật tốt để ra trường có việc làm ổn định kiếm tiền nuôi mẹ và dì vì đây là 2 người phụ nữ quan trọng nhất đối với em. Em thấy em hơn người khác là vì họ chỉ có một người mẹ còn em có tới hai người mẹ”.
“Em cám ơn nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất cho con đường học tập của em. Em sẽ cố gắng học tập không phụ lòng quan tâm chu đáo của các thầy cô và tình cảm của mẹ và dì dành cho em” – Sinh xúc động bày tỏ.
Niềm vui của phụ huynh trong ngày con vào đại học tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Ông Trần Ngọc Khánh, trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên cho biết, Ban lãnh đạo nhà trường đã rất quan tâm tới thí sinh điểm cao và tới thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm học 2019 – 2020, ngoài việc nhà trường cấp học bổng 100% học phí 4 năm học cho thủ khoa các khối thì cấp học bổng 100% học phí năm thứ nhất cho 15 thí sinh khác.
Trong thời gian học, nhà trường và các doanh nghiệp đối tác sẽ tiếp tục tặng học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.
6.000 thí sinh đã đến nhập học vào trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tại cơ sở Hà Nam.
Được biết, hiện nay trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có quy mô đào tạo trên 32.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh.
Năm 2019, trường tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về số lượng nguyện vọng và thí sinh đăng ký xét tuyển với hơn 63.000 thí sinh đã đăng ký và 103.119 lượt nguyện vọng vào trường.
Nhà trường đã hợp tác với hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, mỗi năm đưa trên 2.000 sinh viên thực tập, làm việc ở nước ngoài.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Loạn não với tên viết tắt Tiếng Anh của các trường Đại học: Dám cá là bạn không biết FTU, HUST, HUTECH, NEU... là gì đâu?!
Mỗi trường đại học ở Việt Nam đều ứng với một cái tên viết tắt khác nhau. Chỉ nhìn những ký tự ngắn gọn này, bạn có đoán ra được đó là ngôi trường nào không?
Từ lâu, việc đặt tên tiếng Anh và tên viết tắt cho các trường đại học ở Việt Nam luôn là vấn đề còn gặp nhiều hạn chế. Ngay từ năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước rà soát, chấn chỉnh tên viết bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, nhằm tạo thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế. Trước đó cũng từng có nhiều chuyên gia lên tiếng về vấn đề này.
Tuy nhiên cho đến nay, tình hình dù có thay đổi nhưng nhìn chung tên tiếng Anh của một số trường đại học của nước ta vẫn còn chưa chuẩn xác và gây tranh cãi. Một trong những trường hợp điển hình nhất chính là việc Đại học Bách Khoa TPHCM chính thức đổi tên tiếng Anh của trường từ ngày 16/1/2017. Cụ thể, cái tên ban đầu: Ho Chi Minh City University of Technology (viết tắt là HCMUT) được đổi thành Bach Khoa University (viết tắt là BKU).
Bên cạnh đó, dù cùng tên tiếng Việt, cùng ngành học nhưng tên tiếng Anh của một số trường ở phía Bắc và phía Nam lại rất khác nhau. Điển hình, ĐH Công nghiệp Hà Nội lấy tên "Hanoi University of Industry" (HUI), trong khi ĐH Công nghiệp TPHCM lại là "Industrial University of Ho Chi Minh City" (IUH).
Một số trường dù khác nhau về tên tiếng Việt, nhưng lại có tên viết tắt hay bị nhầm lẫn. Điển hình và thường gặp nhất là trường hợp của UEH (Kinh tế) - UEL (Kinh tế - Luật) - UEF (Kinh tế - Tài chính). Đem tên viết tắt của 3 trường đại học này đi hỏi sinh viên khắp TPHCM thử xem, nhiều bạn còn không phân biệt được ấy chứ!
Dưới đây chính là cập nhật ý nghĩa tên viết tắt của một số trường đại học tại 2 khu vực Hà Nội và TPHCM tính đến thời điểm hiện tại. Thử chỉ nhìn qua những ký tự khô khan này, bạn đoán được chính xác bao nhiêu ngôi trường?
Khu vực TPHCM
Khu vực Hà Nội
Theo Trí Thức Trẻ
Điểm chuẩn 2019 Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Sáng nay 9/8, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội công điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2019. Theo công bố chính thức, điểm trúng tuyển vào trường này có khoa thấp nhất lấy 16,00 điểm (Công nghệ kỹ thuật môi trường) và khoa cao nhất lấy 23,10 điểm (Công nghệ kỹ thuật điểu khiển và TĐH). Phần lớn các khoa...