Đại học chạy đua tuyển trung cấp
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư cho phép trường ĐH tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nhiều trường ĐH đã thông báo tuyển sinh bậc học này.
Ngày 12-6, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 57 “sửa đổi” cho phép trường ĐH tuyển sinh trung cấp sau một thời gian không cho phép tuyển sinh. Ngày 16-6, ĐH Công nghiệp Hà Nội lập tức ra thông báo tuyển sinh TCCN với 2.000 chỉ tiêu cho chín ngành đào tạo.
Nhiều trường trước đó thông báo không tuyển sinh TCCN cũng đã rầm rộ quảng cáo tuyển sinh trở lại.
Trường mẹ “đẻ” trường con
Trước đây, khi thông tư 57 quy định trường ĐH không tuyển trung cấp, rất nhiều trường ĐH phàn nàn như thế là quá đột ngột, cần phải có lộ trình để các trường giải quyết vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất. Trong giai đoạn này, một số trường ĐH đã “đẻ” thêm trường trung cấp trong trường ĐH (như Trường ĐH Thái Bình Dương), Tôn Đức Thắng hoặc tìm mua trường trung cấp để xin chỉ tiêu tuyển sinh. Thông tư 57 sửa đổi đã thay đổi cục diện theo chiều hướng thuận lợi hơn cho nhiều trường ĐH.
Video đang HOT
Tháng 12-2011, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 57, trong đó điều 6 quy định các ĐH, học viện, trường ĐH không đào tạo trình độ TCCN. Tháng 5-2012, Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo thông tư sửa đổi điều 6 của thông tư 57, trong đó có quy định: các ĐH, học viện, trường ĐH đang đào tạo trình độ TCCN phải xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ TCCN (mỗi năm giảm không thấp hơn 25% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Ngày 12-6, Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành thông tư sửa đổi điều 6 của thông tư 57, trong đó các trường cắt giảm chỉ tiêu TCCN mỗi năm không thấp hơn 20% (so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.
TS Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết theo quy định, trường giảm 20% chỉ tiêu TCCN so với năm trước nên năm nay dự kiến tuyển 4.000 chỉ tiêu cho bậc học này. Đây là lộ trình để trường tạo điều kiện cho giáo viên trung cấp học chuyển đổi, nâng cao. Thực tế trường ĐH đào tạo trung cấp cũng có phần khập khiễng nên dự kiến đến năm 2017, số cán bộ giáo viên trung cấp hiện nay của trường cũng đã hoàn thành việc chuyển đổi và có thể bố trí vào việc khác.
Chỉ tiêu bậc trung cấp của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay cũng khá lớn. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng – hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, dự kiến trường sẽ tuyển từ 4.000-5.000 chỉ tiêu cho 14 ngành. “Trường đi lên từ trung cấp. Cơ sở vật chất và đội ngũ của bậc trung cấp khá lớn. Trường sẽ giảm dần chỉ tiêu trung cấp theo quy định để giải quyết dần bài toán đội ngũ” – ông Hùng nói. Trước thời điểm Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh trung cấp, trường này đã “mua” Trường trung cấp Kinh tế công nghệ Gia Định để tuyển sinh bậc học này. Như vậy, năm nay bên cạnh bậc trung cấp của mình, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn tuyển trung cấp ở Trường trung cấp Kinh tế công nghệ Gia Định.
Một số trường khác cũng cho biết tuyển sinh TCCN nhưng chỉ tiêu không quá nhiều. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu, Trường ĐH Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển 1.300, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ tuyển 1.300…
Thông tư trái luật?
Một thực tế tồn tại nhiều năm qua đó là chỉ tiêu TCCN các trường ĐH tuyển hằng năm khá cao. “Miếng bánh” thí sinh không nở ra thêm trong khi số trường tuyển ngày càng nhiều hơn mà phần lợi thế hút thí sinh luôn thuộc về các trường ĐH.
Đại diện nhiều trường TCCN đã nhiều lần đề nghị chấm dứt tuyển sinh TCCN ở trường ĐH, trả bậc đào tạo này về cho các trường chuyên đào tạo lĩnh vực trung cấp. Trường ĐH không tuyển TCCN là điều cần thiết và phù hợp bởi trên thế giới hầu như không có mô hình ĐH nào mà trường ĐH “mẹ” bồng bế đến năm bảy “đứa con” gồm nhiều bậc và hệ đào tạo khác nhau như ở VN.
TS Vũ Thị Phương Anh – phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập – cho rằng Bộ GD-ĐT có phần vội vàng khi ra quyết định ngừng tuyển để rồi cho tuyển lại. Trong điều kiện đầu tư cho giáo dục chưa cao thì các trường buộc phải tuyển chỗ này để đầu tư vào chỗ kia. Tâm lý chuộng học trung cấp trong trường ĐH là có, tuy nhiên các trường trung cấp cũng cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng để cạnh tranh và thu hút người học. Trong khi đó, ông Đặng Văn Sáng – hiệu trưởng Trường trung cấp Ánh Sáng (TP.HCM) – quả quyết: cần phải trả trung cấp cho các trường trung cấp. Nhiều năm gần đây các trường trung cấp tuyển sinh rất khó khăn, hầu như không trường nào tuyển đủ chỉ tiêu.
Mặt khác, quyết định cho phép trường ĐH tuyển sinh trung cấp không chỉ gây khó khăn cho trường trung cấp mà còn trái Luật giáo dục ĐH vừa được thông qua. Ông Đỗ Hữu Khoa – hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp TP.HCM – cho rằng Luật giáo dục ĐH quy định cụ thể: trường ĐH được đào tạo các bậc từ CĐ đến sau ĐH, hoàn toàn không có bậc TCCN. Như vậy thông tư này được ban hành với nội dung trái luật. Điều lệ trường ĐH cũng quy định trường ĐH chỉ tuyển sinh từ bậc CĐ trở lên.
Theo tuổi trẻ
Chủ quyền biển, đảo được đưa vào tuần sinh hoạt của HS, SV
Trong "Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên" đầu năm, đầu khóa, cuối khóa trong các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ và TCCN sắp tới sẽ có nội dung chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam.
Ngày 17/7, Bộ GD-ĐT, ban hành hướng dẫn tổ chức "Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên" đầu năm, đầu khóa, cuối khóa trong các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp năm học 2012 - 2013. Tuần sinh hoạt nhằm nâng cao nhận thức của HS, SV về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giúp cho HS, SV nắm được tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, khu vực và quốc tế giúp HS, SV hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân - HS, SV thông qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo...
Theo đó, nội dung thực hiện gồm quán triệt nội dung Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: tổ chức giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và đạo đức công vụ cho HS, SV phù hợp ngành đào tạo và gắn với trách nhiệm của HS, SV trong giai đoạn hiện nay...
Tuần tra trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt, nhấn mạnh các nội dung về chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam về giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, phòng, chống ma túy, tệ nạn mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội phòng, chống tác hại của trò chơi điện tử với nội dung xấu giáo dục an toàn giao thông. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong trường học...
Bộ GD-ĐT, yêu cầu việc tổ chức "Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên" đầu năm, đầu khóa, cuối khóa năm học 2012 - 2013 phải được tiến hành nghiêm túc, đạt hiệu quả giáo dục cao có thảo luận, đối thoại, viết thu hoạch và đánh giá kết quả cuối đợt học tập.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
10/8 sẽ công bố điểm sàn đại học Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, khoảng cuối tháng 7 các trường sẽ bắt đầu công bố điểm thi đại học. Ngày 10/8, dự kiến sẽ có điểm sàn, quy trình chấm thi diễn ra rất chặt chẽ với 2 vòng. Trong cuộc họp báo chiều qua (10/7), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho...