Đại học, cao đẳng tư than khóc!
80 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ thu hẹp một phần, thậm chí đóng cửa vì không tuyển được sinh viên
Ngày 19-12, lãnh đạo các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập đã họp bàn về kế hoạch tuyển sinh năm 2013.
Trường Đại học FPT là trường ngoài công lập hiếm hoi tuyển sinh đủ chi tiêu
Sinh mà không dưỡng
GS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, bày tỏ đau xót khi Bộ GD-ĐT “đẻ” ra các trường ngoài công lập nhưng lại không chăm sóc, nuôi dưỡng. “Mình sinh ra một đứa con, dù có bị suy dinh dưỡng thì cũng phải tìm mọi cách nuôi dưỡng chứ không thể bỏ rơi” – GS Nhĩ ví von.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), hỏi: “Không hiểu sao tuyển sinh nước mình lại khó thế?”. Tuy nhiên, chính vị hiệu trưởng này đã tự trả lời rằng chỉ tiêu các trường công lập tăng nên họ phải “vét” đến tận đáy khiến các trường tư không thể tuyển được.
Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội), thừa nhận nếu con mình bằng điểm sàn thì cũng sẽ cho vào trường công để đỡ tốn tiền. “85% sinh viên hiện nay đang học ở các trường công lập, nếu họ tuyển dư 10% hệ số an toàn thì ngoài công lập không thiếu mới lạ” – ông Dụ nói.
Video đang HOT
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều phương án cải tiến nhưng thực chất là “cải lùi” như cho kéo dài thời gian xét tuyển, điểm nguyện vọng sau không cần cao hơn nguyện vọng trước… “Bộ GD-ĐT cho kéo dài thời gian không hạn chế tuyển sinh, các trường công lập hạ xuống sàn, vậy thì em nào chịu vào ngoài công lập khi học phí quá cách xa nhau?” – ông Nghị đặt vấn đề.
Hai điểm sàn là miệt thị trường tư
Để cứu các trường ngoài công lập thoát khỏi “cái chết được báo trước”, GS Trần Xuân Nhĩ đề xuất khi các trường còn chỗ, còn thầy thì cho tuyển đủ chỉ tiêu để tránh lãng phí cơ sở, giáo viên. Về việc bảo đảm chất lượng, các trường có thể yêu cầu thí sinh vào học hệ dự bị, sau đó tổ chức một kỳ kiểm tra rồi cho vào học chính thức. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tạo, Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN, cho rằng không nên quá quan ngại về chuẩn đầu vào, nếu thí sinh có điểm dưới sàn thì nhà trường có thể bổ túc vài tháng cho các em trước khi vào học chính thức.
Lãnh đạo không ít trường kiến nghị mùa tuyển sinh năm 2013, nếu chưa bỏ “3 chung” và cho các trường tự tổ chức tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT nên xây dựng 2 điểm sàn, 1 cho các trường công lập và 1 cho ngoài công lập. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng đưa ra 2 điểm sàn là miệt thị các trường ngoài công lập.
Theo ông Bùi Thiện Dụ, Bộ GD-ĐT đổ lỗi cho các trường là không có thương hiệu nhưng có người để chọn thương hiệu nữa hay không là một câu hỏi khó trả lời vì bấy lâu nay bộ không hề công bố phổ điểm từng môn cũng như phổ điểm 3 môn/khối. “Bộ GD-ĐT yêu cầu chúng tôi phải công khai minh bạch thì phải công bố phổ điểm cho chúng tôi được biết” – ông Dụ nói.
Ông Phan Trọng Phước, Hiệu trưởng Trường ĐH Đại Nam, cho rằng giải pháp hữu hiệu để nguồn tuyển dồi dào là đề thi có phổ điểm tốt. “Đề thi mà phổ điểm 3 môn đa số rơi vào 7 như hiện nay thì không phải đề thi tốt, trong khi điểm sàn lại tới 13. Bộ GD-ĐT nên tổng kết đánh giá việc ra đề, nếu ra đề sao cho số lượng thí sinh được 13 điểm không phải 400.000 em mà là 700.000 thì mới đủ nguồn tuyển” – ông Phước nói.
Theo người lao động
Trường đại học tư - Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều trường ngoài công lập tiếp tục viện đến các "chiêu" hút thí sinh bằng cách tung ra các chính sách hấp dẫn về học phí, học bổng, điều kiện ăn ở, khả năng kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Nhiều trường thậm chí chấp nhận lỗ để giảm học phí, hoặc cố gắng không tăng học phí. Điều này cho thấy, lựa chọn lợi nhuận hay phi lợi nhuận vẫn là bài toán khó đối với nhiều trường ngoài công lập.
Lo tuyển sinh khó, trường tư giảm học phí
Thông tin từ cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 cho thấy, 3 trường ĐH không tăng học phí trong 3 năm liền (năm 2010, 2011 và 2012), gồm: ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam). Mức học phí các trường ấn định từ 4 đến hơn 6 triệu đồng/năm.
Cá biệt, Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (Hà Nội) giảm học phí trong 3 năm liền lần lượt từ 1,1 triệu đồng/tháng (2010) xuống 850.000 đồng/tháng (2011) và 800.000 đồng/tháng (khối ngành Kinh tế - Quản trị) và 600.000 đồng/tháng (khối ngành Khoa học) trong năm học 2012-2013. Theo lý giải của trường là để thu hút sinh viên và nhà đầu tư, nhà trường chấp nhận lỗ trong những năm đầu để xây dựng thương hiệu.
Việc không tăng hoặc giảm học phí chỉ là cá biệt ở một số trường ngoài công lập. Còn hầu hết các trường ngoài công lập ở cả miền Bắc-Trung-Nam đều tăng nhẹ học phí trong năm học mới. Lý do mà các trường nêu là phải đầu tư thêm vào cơ sở vật chất, tăng lương cho giáo viên. Đây cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh giá cả vẫn tăng cao như hiện nay, vì không chỉ khối các trường tư, bao lâu nay, khối các trường công cũng đã kêu ca đòi tăng học phí.
Với các trường tư, khi mà nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí thì việc phát sinh các nguồn chi cũng đồng nghĩa với việc phải tăng học phí. Cực chẳng đã họ mới phải duy trì mức học phí cũ, chấp nhận lỗ để thu hút thí sinh.
Nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận
Cho đến nay, khái niệm lợi nhuận hay phi lợi nhuận vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người kiên quyết không thể thương mại hóa giáo dục cũng có nhiều ý kiến cho rằng đầu tư thì không thể không có lợi nhuận. Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, hiện đã cơ bản hoàn thiện về vấn đề xã hội hóa GDĐH, trong đó có vấn đề lợi nhuận, không lợi nhuận của trường tư.
Quan điểm chung của dự luật này là khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho GDĐH nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư theo hướng: cơ sở GDĐH tư thục và cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu các cổ đông hoặc thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm bằng lãi suất ngân hàng.
Hầu hết các ý kiến đồng tình với việc làm rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận đối với trường ĐH ngoài công lập. GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng hoàn toàn ủng hộ việc phân biệt rõ ràng nhưng nên định hướng các trường tư phi lợi nhuận, vì lĩnh vực giáo dục thiên về phúc lợi cộng đồng.
Với trường tư có lợi nhuận, GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội) cho rằng nếu với mấy điều kiện mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với các trường ĐH (tiêu chí số sinh viên/giáo viên, diện tích sàn), thì khó lòng có trường tư thục nào dám chia lợi nhuận. Nghĩa là nếu Nhà nước chỉ cần điều tiết bằng những quyết định thì hoàn toàn có thể loại đi trường tư chia lợi nhuận.
"Nhưng giả sử vẫn còn tiền để chia sau khi đã đáp ứng đủ các yêu cầu của bộ đưa ra thì người nhận cổ tức phải chịu thuế và số tiền còn lại của trường sau khi chi cũng phải chịu thuế", GS Hoàng Xuân Sính chia sẻ quan điểm về trường ĐH tư có lợi nhuận.
Còn với trường tư phi lợi nhuận, GS Sính có quan điểm: Đã là trường tư phi lợi nhuận thì không nên đề cập chuyện chia lãi và tất nhiên trường sẽ không phải đóng thuế, như vậy HĐQT sẽ toàn tâm toàn ý để phát triển trường. Các nhà đầu tư cũng sẽ không bị thiệt nếu trường tạo ra được các dịch vụ khoa học từ kết quả nghiên cứu và nhà đầu tư có thể đầu tư vào đó để sinh lời.
Nghiên cứu kỹ để đảm bảo tính khả thi
Trong khi đó, TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho rằng, việc quy định mức lợi nhuận cho người góp vốn vào trường tư bằng lãi suất ngân hàng là cách làm có thể chấp nhận được, vì vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa hạn chế được nhà đầu tư sa đà vào lợi nhuận. Ông cũng cho rằng, không thể đồng nhất hóa trường ĐH với công ty cổ phần, vì một bên là sự nghiệp đào tạo nhân lực, còn một bên là lợi nhuận tối đa.
Thực tế, theo TS Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, nước ta chưa có những quy định pháp luật quy định tiêu chí để xác định cơ sở hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận. Do vậy, việc quy định trường phi lợi nhuận trong đó các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức bằng lãi suất ngân hàng vẫn phải nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính khả thi. Về nguyên tắc, để khuyến khích nhà đầu tư thì hoạt động đầu tư phải có hiệu quả, có lời lãi, ít nhất là bảo toàn được vốn đầu tư, lợi nhuận phải được phân phối theo vốn góp và công sức của các thành viên góp vốn.
Như vậy, câu chuyện phi lợi nhuận và lợi nhuận trong trường ĐH tư đã khá rõ ràng. Luật Giáo dục đại học cũng sắp ra đời. Vấn đề còn lại chỉ là việc vận dụng cơ chế, chính sách để phát triển các trường tư đúng hướng. Điều đáng nói là chất lượng đào tạo của trường ngoài công lập chưa cao (năm 2011 một số địa phương, một số ngành nói không với sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập).
Trong bối cảnh đó, nếu các nhà đầu tư giáo dục không toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo nhân lực thì cũng rất khó để tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo, từ đó tạo niềm tin đối với xã hội về ĐH ngoài công lập.
Theo Thành Vinh
SGGP
Minh bạch trường tư Không thể chấp nhận việc tồn tại một hệ thống trường ngoài công lập vốn đã yếu ớt, lại càng bị suy yếu thêm bởi những mâu thuẫn lợi ích liên tục xảy ra. Lợi nhuận của trường đại học (ĐH) dân lập thuộc về tập thể. Còn đối với trường tư thục, lợi nhuận làm ra chia cho cổ đông theo tỉ...