Đại dịch Covid-19: Cuộc khủng hoảng chưa hồi kết
Không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe và tính mạng con người, đại dịch Covid-19 cũng là thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất, được đánh giá còn tác động tiêu cực sâu, rộng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Dự báo quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài và phụ thuộc nhiều vào bài toán vaccine và quan hệ giữa các nền kinh tế lớn.
Một số tổ chức và chuyên gia dự báo, đại dịch Covid-19 chưa chắc có thể được kiểm soát hoàn toàn trong năm 2021, trong đó quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài và phụ thuộc nhiều vào bài toán vaccine và quan hệ giữa các nền kinh tế lớn…
Thoát đáy mà chưa phục hồi
Tại hội nghị mùa Thu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, IMF công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) cho biết, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép lạm phát đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo trên, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng Bảy và thấp hơn nhiều so với con số 6,5% mà tổ chức này đưa ra vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát vào tháng 1/2020. Mức tăng trưởng dự báo cho năm 2022 giữ nguyên là 4,9%.
Mặc dù kinh tế toàn cầu đã thoát đáy kể từ thời điểm “đóng băng” hồi tháng Tư năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, nhưng Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhiều nước buộc phải tính trong vòng luẩn quẩn mở cửa biên giới, phát triển kinh tế hay hạn chế tiếp xúc…
Dự báo tăng trưởng giảm mạnh cho năm 2021 phản ánh sự sụt giảm của các nền kinh tế phát triển – một phần do gián đoạn nguồn cung – và đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp thì “độc lực” của đại dịch ngày càng cho thấy sự trầm trọng.
Hoạt động sản xuất toàn cầu đã bị đình trệ vì các vấn đề trong chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu các thành phần quan trọng cho sản xuất công nghiệp như thiết bị bán dẫn…, cũng như việc các cảng biển đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu công nhân… Sự bất cân bằng cung – cầu đã khiến giá tăng và đẩy lạm phát lên cao.
Điểm đáng chú ý trong phân tích của IMF là dù dự báo cập nhật chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm nhưng đối với một số nước cụ thể, mức tăng trưởng bị dự báo sẽ giảm mạnh hơn nhiều.
Trong đó, tác động tiếp diễn của đại dịch và những thất bại trong việc phân phối vaccine trên toàn cầu đang ngày càng làm gia tăng sự chênh lệch về kinh tế và gây ra triển vọng không mấy sáng sủa tại các nước đang phát triển. Lạm phát được dự báo sẽ trở lại mức trước khi bùng phát dịch vào năm 2022, song cảnh báo tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài có thể làm thay đổi các nguy cơ về lạm phát.
WB cũng không mấy lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng của kinh tế toàn cầu khi “bóng đen” Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những rủi ro liên quan đến làn sóng tích lũy nợ toàn cầu kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời, làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng được dự báo từ lâu trong thập kỷ tới.
WB cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% năm 2021 và con số này phụ thuộc vào tiến độ tiêm phòng vaccine Covid-19 trên toàn cầu.
Đại dịch đã để lộ ra những mắt xích lỏng lẻo và tạo áp lực lên các quốc gia trong việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn.
“Bóng ma” quá khứ
“Lạm phát đình trệ” là sự kết hợp bất thường giữa tăng trưởng kinh tế yếu và mức độ lạm phát cao. Lần đầu tiên sau gần một nửa thế kỷ, “lạm phát đình trệ” lại trở thành một vấn đề gây bất ổn đáng sợ, cùng với đó là những mối lo ngại về nguồn cung thiếu hụt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao kéo dài hàng thập kỷ, trong khi các nền kinh tế vẫn chưa thể thoát khỏi đại dịch.
Tình trạng bất thường này từng xảy ra vào năm 1973, khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ vọt lên 15% – mức cao nhất trong lịch sử và kéo dài sự bất ổn đến tận năm 1980 tình hình mới kiểm soát được. “Bóng ma quá khứ” này đã thành một chủ đề thảo luận chính hiện nay của các nhà kinh tế học.
Mức lạm phát 5,4% của Mỹ hiện nay là mức cao nhất, tính từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá cả leo thang mạnh, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu và châu Á đẩy giá than và khí đốt lên mức cao kỷ lục.
Video đang HOT
Giá dầu gần đây đã tăng chóng mặt, đạt hơn 85 USD/thùng, cao gấp đôi so với giá của một năm trước và hơn gần 50% so với thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Cùng với sự mất cân bằng cung – cầu nghiêm trọng, một số nguyên liệu sản xuất như kim loại cứng, đồng, nhôm cũng tăng giá mạnh.
Chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trước đó, đã bị bồi thêm “cú đánh knock – out” của Covid-19, khiến nó bị gián đoạn nghiêm trọng. Tình trạng khan hiếm tàu chở hàng dẫn đến giá vận chuyển container từ Trung Quốc sang châu Âu hoặc sang Mỹ tăng hàng trăm phần trăm. Những tác động chưa thấy điểm dừng của đại dịch, còn gây ra tình trạng thiếu hụt lao động và lạm phát tiền lương.
Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, lượng thanh khoản đã chạm mức chưa từng có, bởi “tác dụng phụ” của chính sách nới lỏng tiền tệ bất thường, quy mô lớn, mà các ngân hàng trung ương và chính phủ buộc phải kích hoạt, nhằm ứng phó trong đại dịch.
Giới phân tích nhận định, bối cảnh kinh tế hiện nay có dẫn đến lạm phát đình trệ hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc, lạm phát và cú sốc nguồn cung là nhất thời hay lâu dài. Thách thức từ nguồn cung là liệu sự gián đoạn do tác động của Covid-19 đối với hoạt động sản xuất và đầu tư có thể được giải quyết trước khi lạm phát tăng lên ở mức cao không tưởng hay không?
Mấu chốt chuỗi cung ứng
Hiện tại, khó khăn hơn cả có lẽ là việc sửa chữa những điểm yếu trong chuỗi cung ứng. Đại dịch đã để lộ ra những mắt xích lỏng lẻo và tạo áp lực lên các quốc gia trong việc tổ chức lại các hoạt động sản xuất, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn. Dự kiến sẽ mất khá nhiều thời gian và chi phí để hoàn thiện việc tái cơ cấu trên toàn cầu.
Trong khi đó, lạm phát cao trên thực tế và mức tăng trưởng liên tục thấp, đang buộc các ngân hàng trung ương sớm phải hành động, rút dần các biện pháp khẩn cấp bất thường, đẩy lãi suất tăng trong một thế giới có mức nợ lớn chưa từng có. Quyết định tăng lãi suất đúng là có thể kìm hãm lạm phát, nhưng đi kèm sẽ là suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp cao và một thị trường tài chính yếu ớt.
Tất nhiên, theo thời gian, mọi khó khăn rồi cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, những bước đi không được tính toán kỹ hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế mới, có quy mô có thể lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Đó là nguy cơ về sự kết hợp của lạm phát cao – tăng trưởng thấp và tăng nợ.
Tin sáng 7-11: Xét nghiệm cấp cứu ở TP.HCM có 5-10% ca dương tính
Số ca F0 mới phát hiện qua test nhanh tại các khoa cấp cứu bệnh viện ở TP.HCM có xu hướng tăng 1 tuần nay, đa số không có triệu chứng nên dễ là nguồn lây.
Cả nước, tỉ lệ tiêm 1 mũi vắc xin đạt gần 83% người từ 18 tuổi, số tiêm đủ 2 mũi đạt 38%.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 kiểm tra thông tin, điều trị cho bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái sau cuộc họp về trang thiết bị y tế. Theo đó, dịch bệnh COVID-19 là chưa có tiền lệ, khó lường về mức độ nguy hiểm, tốc độ lây nhiễm.
Nhu cầu về trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cả về số lượng và chất lượng... nên việc đầu tư mua sắm nhiều lúc nhiều nơi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Hạn chế này cần rút kinh nghiệm, không để lặp lại khi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Về khung khổ pháp lý, Phó thủ tướng cho rằng cơ bản đã đầy đủ, đối với một số trường hợp đặc thù chưa có tiền lệ thì có thể báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như các trường hợp mua vắc xin phòng, chống dịch COVID-19.
"Hạn chế lớn nhất hiện nay là khâu tổ chức thực hiện, nhất là ở một số vụ của Bộ Y tế và một số địa phương còn chưa nắm chắc luật pháp, chưa mạnh dạn, trách nhiệm tổ chức kịp thời việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế" - Phó thủ tướng nêu ý kiến.
Phó thủ tướng cho rằng Bộ Y tế cần quan tâm, dành thời gian nhiều hơn để chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc, chủ động đề xuất các giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục, trong đó có giải pháp mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch của cả nước, có thể mua sắm tập trung do Bộ Y tế cân nhắc, quyết định.
Lực lượng tuyến đầu chống dịch đi xuồng tham quan đầm dơi nghệ ở huyện Cần Giờ, TP.HCM chiều 28-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM: Nhiều F0 không triệu chứng là nguồn lây
Khoảng 1 tuần nay, tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM như Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương..., số ca F0 được phát hiện qua test nhanh, test PCR tại các khoa cấp cứu có xu hướng tăng nhẹ. Tỉ lệ này dao động từ 5-10% trong tổng số các ca cấp cứu nhập viện.
Người dân ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin COVID-19 với tỉ lệ khá cao, nếu nhiễm bệnh sẽ là F0 không triệu chứng, có thể nhanh chóng hồi phục, nhưng nếu không cẩn thận sàng lọc tại các bệnh viện sẽ dễ là nguồn lây cho những bệnh nhân khác.
Ngay khi ghi nhận số ca dương tính ở huyện Hóc Môn có chiều hướng gia tăng, HCDC đã chọn đến kiểm tra thực địa tại xã Xuân Thới Thượng và xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Đây là hai xã có nhiều điểm tiếp giáp với quận, huyện, tỉnh khác, có nhiều khu công nghiệp và nhà trọ, dân cư đông.
Tại đây, HCDC đề nghị địa phương cần áp dụng quy trình mới trong điều tra và xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Khi ghi nhận một trường hợp dương tính, địa phương cần đánh giá ngay tình hình thực tế để khoanh vùng, điều tra xử lý ổ dịch.
Trong ngày 6-11, 2 xã này đã nhanh chóng lập danh sách và triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân ở 9 ổ dịch. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho 729 người dân đã phát hiện thêm 81 ca COVID-19.
Còn 26.000 học sinh và giáo viên TP.HCM đang ở tỉnh thành khác
Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, hiện nay còn khoảng 26.000 học sinh và một số giáo viên của TP.HCM đang ở các tỉnh thành khác. Trong số này, hiện có một số học trực tuyến và một số đăng ký học trực tiếp tại các tỉnh thành.
Tình nguyện viên nhập thông tin người tiêm vắc xin tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đã tiêm gần 90 triệu mũi vắc xin
Theo Bộ Y tế, cho đến nay đã tiếp nhận khoảng 105 triệu liều vắc xin, đã tiêm gần 90 triệu mũi, trong đó có khoảng 800.000 học sinh 12-17 tuổi. Trên cả nước, tỉ lệ tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt gần 83% người từ 18 tuổi, số đã tiêm đủ 2 mũi đạt 38%.
Có 13/63 tỉnh thành có tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho 95% người từ 18 tuổi là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương.
11/63 tỉnh thành đạt mức bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho trên 50% dân số, cao nhất là Long An với 94,8%, Quảng Ninh 86,8%, TP.HCM 80,1%, Khánh Hòa 84,5%...
Tuy nhiên vẫn còn 5 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm từ 1 mũi vắc xin đạt dưới 50% người từ 18 tuổi. Chính phủ đang đặt mục tiêu trong tháng 11 này bao phủ mũi 1 cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên trong cả nước.
Bé Levi Forst, 7 tuổi, được tiêm ngừa COVID-19 tại Mỹ ngày 3-11 - Ảnh: REUTERS
Thế giới hơn 250 triệu ca COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 6-11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 250 triệu ca COVID-19, trong đó có 5,05 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 226,33 triệu người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với gần 775.000 ca tử vong trong tổng số 47,28 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 460.000 ca tử vong trong số 34,34 triệu ca mắc. Brazil đứng thứ 3 với 609.000 ca tử vong trong số 21,86 triệu ca mắc.
Trong tuần qua, châu Âu là khu vực duy nhất ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng với tổng số ca mắc mới trong 7 ngày qua là 1,67 triệu ca, tăng 9% so với tuần trước đó.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng ở Bulgaria ngày 15-10 - Ảnh: REUTERS
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước châu Âu
Lý do bởi thời tiết châu lục này đang ngày càng lạnh hơn - thời điểm thích hợp để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi và lây lan. Tại Nga, trong 24 giờ qua có thêm 41.335 ca mắc mới - mức cao nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và 1.188 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi.
Ba Lan, Áo, Czech, Hy Lạp cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt trong tuần qua, với mức tăng từ 47% đến 65%.
Tiêm vắc xin COVID-19 ở Campuchia
Châu Á và châu Đại Dương không còn là điểm nóng
Ngày 6-11, New Zealand ghi nhận 206 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Đây cũng là ngày đầu tiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quốc gia này ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng vượt 200 ca/ngày.
Lào trong 24 giờ qua có 960 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 955 ca cộng đồng, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 45.980 người.
Tại Trung Quốc, dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại tại 20 tỉnh thành, trong 24 giờ qua ghi nhận 55 ca mắc mới, trong đó có 40 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
GS.TS người Đức Jonas Schmidt-Chanasit cảnh báo quy tắc 2-G (đã tiêm đủ và đã khỏi bệnh) chỉ là "an toàn giả", mà chỉ có 1-G mới giúp chống dịch hiệu quả nhất. Ông Schmidt-Chanasit nhấn mạnh biện pháp an toàn thực sự chỉ có quy tắc 1-G (đã xét nghiệm).
Nghĩa là tất cả mọi người đều cần phải làm xét nghiệm trước khi muốn vào/tham dự các sự kiện, nhà hàng, tiệm làm tóc... trong không gian kín, dù họ đã tiêm phòng, chưa tiêm hoặc đã khỏi bệnh.
Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm trên 34.000 ca mắc mới và 142 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trên cả nước tăng lên trên 183,7.
Trước tỉ lệ trẻ em bị mắc COVID-19 ở Nga ngày càng tăng, một loại vắc xin trên nền tảng của vắc xin Sputnik V đã được phát triển để bảo vệ trẻ em và đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trung Quốc ngày 6-11 tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID-19" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng), khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của nước này là "tuân thủ theo khoa học".
Nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, Trung Quốcđã liên tục tăng cường các biện pháp ứng phó như xét nghiệm diện rộng, phong tỏa vùng dịch và hạn chế đi lại, mặc dù các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của các địa phương.
Thủ tướng: 'Chống dịch theo hướng quản lý rủi ro' Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đã thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, chứ không theo đuổi chính sách "zero Covid". Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 6/11, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp trên, nói rõ thực hiện chiến lược mới từng bước thận trọng, chắc chắn,...