Đại dịch Covid-19: Bộ GD&ĐT nên công nhận kết quả học trực tuyến
Nhiều trường học mong muốn, Bộ GD&ĐT công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online) để các trường chủ động lên chương trình dạy học.
Hàng loạt địa phương, trường đại học áp dụng dạy trực tuyến trong dịch Covid-19
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới hiện nay. Do vậy, thời gian trở lại trường của học sinh chưa được xác định.
Hàng loạt trường đại học, các địa phương trên cả nước đã bắt đầu triển khai phương thức dạy học trực tuyến, học trên truyền hình vì đây là phương án tối ưu nhất trong thời điểm dịch bệnh này.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã giao các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng kế hoạch xong trước ngày 16/3 để triển khai thí điểm dạy và học trực tuyến cho học sinh trên địa bàn.
Tại Hà Nội, đã yêu cầu các cơ sở giáo dục dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12, giúp các em ôn luyện trong thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19.
Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định đã phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Nam Định và công ty truyền thông sản xuất chương trình ôn tập trên truyền hình và youtube cho học sinh lớp 9 và lớp 12…
Hàng loạt trường ĐH cũng đã triển khai dạy học trực tuyến cho sinh viên như trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng…
Trường ĐH Thương Mại, ngay từ đầu tháng Hai đã áp dụng dạy trực tuyến cho sinh viên toàn trường. Theo hình thức học trực tuyến này, giảng viên và sinh viên vẫn thực hiện theo đúng thời khóa biểu học kỳ 2 năm học 2019 – 2020 đang thực hiện. Được biết, sau 1 tuần triển khai học online, sĩ số sinh viên theo học luôn đạt 100%.
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, nhà trường triển khai học online là giải pháp tình thế, là phương án tối ưu nhất trong thời điểm dịch bệnh này. “ Các em ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ vùng nào trên cả nước cũng học được và chỉ cần truy cập vào lớp học trên nền tảng internet. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho sinh viên“.
Vì quyền lợi của học sinh và duy trì hoạt động của các trường, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam đã 3 lần viết đơn khẩn gửi Thủ tướng kiến nghị, chỉ thị cho Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà như quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, Chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.
Bên cạnh đó, 150 cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm các trường học từ mầm non đến phổ thông, đại học, các trung tâm ngoại ngữ…) đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ, ngành liên quan trình bày về những khó khăn mà họ đang phải đối mặt do học sinh nghỉ học kéo dài do dịch bệnh Covid-19.
Các trường mong muốn, công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.
Dạy học trên truyền hình đang được nhiều địa phương áp dụng
Cần tập trung quản lý chất lượng đầu ra
Trong đại dịch Covid-19, nếu các trường không thay đổi phương thức đào tạo thì các trường công lập sẽ chịu ảnh hưởng lớn về bố trí chương trình học cho học sinh. Các trường ngoài công lập sẽ có nguy cơ phá sản, đóng cửa trường.
TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên PTB TT Ban Tuyên giáoTW cho biết, đa dạng về phương thức đào tạo và phát huy vai trò của công nghệ thông tin. Phương thức đào tạo là một vấn đề khoa học và rất thực tiễn.
Phương thức nào là tốt nhất sẽ phụ thuộc đặc điểm của đối tượng học sinh, của yêu cầu xã hội và điều kiện hoàn cảnh. Bản thân cuộc sống rất đa dạng. Cần có tư duy mở về phương thức đào tạo để giải phóng năng lực xã hội. Chỉ cần tập trung quản lý chất lượng đầu ra.
Ông Hoàng cho rằng, những trường học mà lâu nay nhiều người gọi là “trường ảo” trên mạng sẽ là thật chứ không phải ảo nữa, sẽ ngày càng nhiều, và tương lai xa hơn sẽ là một phương thức phổ biến.
Sách giáo khoa điện tử, với một thiết bị mỏng và nhẹ có thể chứa nội dung nhiều bằng mấy nghìn cuốn sách in sẽ ra đời, cập nhật rất nhanh những thông tin mới nhất để thay thế cho các thông tin đã cũ.
Các quan niệm về trường học, địa điểm, phòng học, giảng đường, thư viện, giao tiếp, đi thực tế…có thể khác nhiều so với cách hiểu truyền thống trước đến nay.
“Một thầy giáo giỏi cộng với CNTT sẽ thay thế cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thầy giáo trước đó. Học sinh có thể ở nhà tại nhiều nước khác nhau để nghe thầy giảng và ở xa vẫn tương tác được với nhau.
Công việc giáo dục cần chuẩn bị cho học sinh biết sử dụng thành thạo các phương tiện về CNTT và ngôn ngữ để thuận tiện cho việc học và làm việc sau này” – ông Hoàng chia sẻ.
Bộ GD&ĐT cần công nhận kết qủa học tập phương thức học từ xa, trực tuyến trong đại dịch Covid-19
TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nơi nào dạy học trực tuyến tốt Bộ GD&ĐT nên công nhận. Những nơi không có điều kiện dạy trực tuyến thì nên tổ chức dạy học qua truyền hình kiến thức cơ bản, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá học sinh gián tiếp theo từng trường, từng lớp.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT xem xét cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, với cấp học phổ thông, việc học trực tuyến, qua mạng,… kể cả khi không nghỉ vì dịch thì cũng đã được các trường tổ chức thực hiện. Qua đó, học sinh vẫn có thể làm những bài tập và nộp sản phẩm cho thầy cô trên mạng và được đánh giá.
Theo ông Thành, các nhà trường có thể chủ động để xây dựng các nội dung bài học, nhưng phải hướng dẫn học và kiểm soát một cách bài bản để học sinh được giao nhiệm vụ, được thực hiện hoạt động học, hoàn thành sản phẩm có sự giám sát của thầy cô và phụ huynh. Việc này để đảm bảo các em duy trì được việc học đó và khi quay trở lại trường có thể tiếp tục các nội dung của chương trình.
Ông Thành cho hay, Bộ đã có công văn 4612/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, Bộ GD-ĐT xác định việc kiểm tra, đánh giá cũng được đổi mới.
Việc kiểm tra, đánh giá có thể thông qua hình thức đánh giá bài trình bày, sản phẩm học tập, thuyết trình,… Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá đó thay cho các bài kiểm tra thông thường hiện hành.
“Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể chung cho các nhà trường để thực hiện việc dạy học từ xa một cách nghiêm túc và hiệu quả” – ông Thành nhấn mạnh.
Về việc công nhận kết quả học trực tuyến của học sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết phải đánh giá thực tế chất lượng dạy học online thì mới quyết định công nhận kết quả học tập bằng hình thức này hay không.
Với đại dịch Covid-19 bùng phát hiện nay và thời gian hết dịch chưa có lời giải đáp. Rất mong Bộ GD&ĐT cần có quyết định sớm để các trường, học sinh, sinh viên yên tâm học tập.
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Dạy học qua truyền hình: Học sinh hứng thú, phụ huynh lo lắng con học không hiệu quả
Nhiều địa phương đang tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh và vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm là liệu phương pháp giảng dạy này có thực sự hiệu quả?
Bài giảng gắn gọn, dễ hiểu
Học trực tuyến, học qua truyền hình là giải pháp được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng khi học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19.
Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, từ ngày 9/3 Sở phối hợp với Đài phát thanh- truyền hình thành phố tổ chức xây dựng và ghi hình chương trình dạy học các môn của năm học 2019- 2020 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua truyền hình.
Sở huy động gần 50 cán bộ, giáo viên THCS, THPT biên tập nội dung, thiết kế bài giảng đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo chương trình giáo dục hiện hành. Chương trình được phát sóng từ thứ 2 đến thứ 7 mỗi tuần với thời lượng 45 phút/môn học.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. (Ảnh: QĐND)
"Đây là các bài giảng mới, tiếp nối các bài học mà các em học trước kỳ tạm nghỉ chống dịch Covid-19 chứ không phải ôn lại các bài đã học", ông Quang nói.
Theo ghi nhận của VTC News, sau ba ngày tổ chức học tập qua truyền hình nhiều học sinh tỏ ra thích thú với các bài giảng.
Em Lê Thảo My, học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết, bản thân khá hào hứng với nội dung bài giảng, kiến thức nhẹ nhàng, không bị dàn trải, các thầy cô giảng ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu.
Thảo My cho rằng, đầu mùa dịch Covid-19 bản thân thấy khá hoang mang khi kỳ nghỉ kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học và ôn tập. "Tuy nhiên đến nay việc học các môn chính phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia đã được giảng dạy, nên phần nào yên tâm hơn để tập trung ôn luyện nghiêm túc", Thảo My nói.
Tương tự, em Trần Hoàng Nhật, học sinh trường THPT Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ, việc học trực tiếp trên truyền hình có thể dễ dàng xem lại nhiều lần, trên tinh thần xem nhiều, nghe nhiều để dễ nhớ, dễ thuộc bài.
Hoàng Nhật cũng cho biết, đây là thời gian nước rút, nên tự đặt ra kế hoạch học bài và ôn tập theo nhóm nhỏ 3-5 bạn, vừa nghe giảng, vừa cùng nhau thảo luận để hiểu bài hơn. Riêng với các phần bài tập khó, các bạn sẽ nhờ giáo viên bộ môn ở trường giải đáp thêm.
Giờ học trên truyền hình của học sinh Hà Nội.
Phụ huynh lo lắng
Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo lắng về chất lượng giờ học và hiệu quả tiếp thu kiến thức của con mình.
Chị Nguyễn Thuý Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc học qua truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời lúc này, không thể thay thế học trực tiếp trên lớp. Dù gia đình luôn theo sát lịch phát sóng chương trình học, thậm chí cắt cử người đốc thúc, theo sát quá trình học bài của con nhưng vẫn không hoàn toàn yên tâm về hiệu quả giờ giảng.
Chị Quỳnh thẳng thắn nói: "Sau khi kết thúc bài giảng "Vợ nhặt" môn Ngữ văn lớp 12, tôi yêu cầu con làm bài kiểm tra trình bày cảm nhận về ý nghĩa của tác phẩm và đánh giá chi tiết đắt nhất trong bài. Con mơ hồ, viết bài không quá nổi một mặt giấy với lý do "cô giáo chỉ dạy có thế, con chưa kịp cảm nhận". Tôi thực sự lo lắng về chất lượng bài học khi đây là một trong những kiến thức trọng tâm trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây".
Cùng tâm lý trên, chị Hoàng Hà Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, học qua truyền hình, các cô giáo ở trường giao cho các con rất nhiều bài tập bổ trợ để ôn luyện. Tuy nhiên, việc các con học bài không có sự hướng dẫn trực tiếp rất khó để có hiệu quả. Mỗi em có một mức độ hiểu bài khác nhau, nên chất lượng đánh giá cũng khó có được sự đồng đều dù chỉ là những bài học cơ bản nhất.
"Tôi nghĩ cần có một giải pháp tốt hơn dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, củng cố kiến thức trong khi thời gian thi vượt cấp không còn nhiều", chị Hà Mai nêu quan điểm.
Theo thầy giáo Phạm Quốc Toản, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), việc học ở nhà có hiệu quả hay không phụ thuộc vào ý thức của học sinh. Bởi giáo viên không trực tiếp dạy, phương pháp dạy học hạn chế nên việc giao đi giao lại bài tập sẽ khiến học sinh không hứng thú.
Do đó, để đem lại hiệu quả, học sinh cần chủ động đọc sách, hệ thống lại kiến thức theo từng phần và luyện nhiều đề thi thử THPT quốc gia học kỳ I của các trường THPT, thầy giáo cho hay.
Cần thống nhất dạy học và đánh giá
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD&ĐT vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.
Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy giáo Phan Hữu Mạnh (Hà Nội) đề xuất, Bộ GD&ĐT nên sớm có phương án chỉ đạo tập trung các địa phương dạy trực tuyến qua truyền hình. Không nên để mỗi nơi dạy một hướng như hiện nay sẽ kém hiệu quả, không thống nhất về mặt kiến thức, thời lượng bài giảng không đảm bảo.
"Cùng với đó, muốn học sinh cả nước tích cực tham gia học trực tuyến thông qua máy tính, truyền hình... thì Bộ GD&ĐT nên sớm tính đến phương án công nhận kết quả học trực tuyến, lấy đó làm động lực để các em chuyên tâm chuyện học hành thay vì lơ là "cưỡi ngựa xem hoa" như hiện nay", thầy Mạnh nói.
Video: Học sinh tự học bài qua truyền hình
Theo VTC
Thừa Thiên Huế thí điểm dạy học trên truyền hình cho học sinh khối 9 và 12 Ngày 11/3, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang chuẩn bị đưa chương trình dạy học thí điểm cho học sinh khối 9 và 12 lên truyền hình trong mùa dịch Covid-19. Nhằm tránh gián đoạn chương trình học tập khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thừa Thiên Huế sẽ ứng dụng việc dạy...