Đài CNN xin lỗi vì sự cố ‘nhầm’ Tổng thống Putin là ‘đao phủ IS’
Đài CNN (Mỹ) ngày 27.2 đã lên tiếng xin lỗi sau khi hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin vì “lỗi kỹ thuật” đã xuất hiện trong bản tin nhận diện “John thánh chiến” là Mohammed Emwazi, người được cho là đao phủ bịt mặt của tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) chuyên thực hiện những vụ chặt đầu con tin man rợ.
Hình ảnh ông Putin xuất hiện trong bản tin “nhận dạng” đao phủ của IS – Ảnh chụp màn hình video trên Youtube
Bản tin của phóng viên Max Foster từ Văn phòng London (Anh) của CNN ngày 26.2 xuất hiện ảnh Emwazi nhưng rồi chuyển sang ảnh ông Putin, theo trang tin Sputnik (Nga) ngày 27.2.
CNN gọi đây là một lỗi kỹ thuật khi trả lời hãng tin Nga TASS ngày 26.2.
“Vì sự cố kỹ thuật của server video trong quá trình phát tin nóng, một bức ảnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chuẩn bị cho bản tin tiếp theo, vô tình xuất hiện. Chúng tôi xin lỗi vì sự cố này”, một người phát ngôn của CNN cho biết.
Trước đó, trong bài viết “Nghi phạm của CNN: Có phải Đài truyền hình Mỹ thật sự nghĩ rằng ông Putin là John thánh chiến?”, trang Sputnik đã vạch trần sai sót của CNN, nhưng nghi ngờ CNN cố tình làm điều này.
Video đang HOT
Theo Sputnik, CNN từng dính đến hàng loạt vụ “đụng chạm” như thế này khi đưa tin về Nga và Ukraine.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Đao phủ IS dùng người đóng thế trong video mới nhất?
"John thánh chiến" có thể đã dùng người đóng thế trong video hành quyết con tin người Mỹ.
Theo phân tích mới nhất về đoạn video hành quyết nhân viên cứu trợ người Mỹ, các chuyên gia đang đặt ra nghi ngờ rằng "John thánh chiến", kẻ nói giọng Anh đã trực tiếp chặt đầu 5 con tin phương Tây trước đó, có thể đã sử dụng người đóng thế.
Bên cạnh đó, phân tích còn cho thấy có một vết bầm lớn bên phía mắt trái của Kassig, chứng tỏ anh đã kháng cự lại những chiến binh thánh chiến và bị đánh đập trước khi chặt đầu. Việc Kassig không đọc "lời thú tội" trước khi bị hành hình như các con tin trước cũng chỉ ra, có thể anh đã từ chối đọc và làm theo những yêu cầu của IS.
"John thánh chiến" bên cạnh Peter Kassig trong đoạn video hành quyết con tin người Anh Alan Henning
Ngoài Kassig, đoạn video mới nhất còn cho thấy cảnh hành quyết tập thể hàng loạt quan chức Syria và các phi công. Bằng những kĩ thuật phân tích hiện đại, các chuyên gia cho hay, trong khi hầu hết mọi người dường như chỉ thấy có tất cả 18 hoặc 19 phần tử khủng bố và các nạn nhân trong phần chính đoạn video thì thực tế có tới 22 người.
Các chuyên gia cho biết, từ những phân tích nói trên, họ thấy rằng bên cạnh "John thánh chiến", còn một kẻ khác cũng trùm khăn kín mít, chỉ hở đôi mắt. Điều này dường như chứng tỏ rằng các phần tử khủng bố cố tình che mặt để không bị nhận dạng khi các nhà phân tích chụp ảnh màn hình.
Từ những suy luận trên, các nhà phân tích đã đưa ra nghi ngờ rằng "đao phủ" của IS đã sử dụng người đóng thế nhằm đánh lạc hướng các máy bay do thám không người lái. Lí do họ đưa ra là bởi tất cả những chiến binh thánh chiến khác có mặt trong đoạn video đều không che mặt, ngoại trừ "đao phủ" John.
Các chuyên gia tin rằng có tất cả 22 người trong đoạn video chứ không phải 18 hay 19 người
Hãng tin Telegraph dẫn lời Veryan Khan, người đứng đầu Hiệp hội Nghiên cứu và Phân tích chủ nghĩa khủng bố (TRAC), đơn vị đã phân tích đoạn video mới nhất hơn 1 tuần nay, cho hay: "Đó có thể là một người đóng thế hoặc một cái bẫy. Tôi chưa khẳng định là đã biết câu trả lời nhưng vóc dáng của hai kẻ đó rất giống nhau".
Đoạn video dài 15 phút 53 giây được công bố hồi tuần trước còn bao gồm cả việc giới thiệu lịch sử ra đời của IS và những "thành tựu" đánh bom, giết người mà tổ chức này đã thực hiện, song hầu hết mọi sự chú ý chỉ tập trung vào đoạn "John thánh chiến" nêu lý do hành hình và cảnh hàng loạt giới chức Syria cùng phi công xếp hàng quỳ gối trước khi bị chặt đầu.
Khác với những video hành quyết trước, lần này, IS không hiển thị cảnh trực tiếp chặt đầu các con tin. Các nhà phân tích còn cho rằng, các nạn nhân đã bị bắn nhiều lần trước khi chặt đầu và dường như nhóm khủng bố đã phải mất từ 4 tới 6h để quay hoàn thiện đoạn video.
Phân tích cũng chỉ ra rằng Kassig đã bị hành hung trước khi bị chặt đầu
Cuối cùng, mặc dù cảnh hành hình Kassig được khẳng định là quay ở Dabiq, một ngôi làng sát thành trì của IS trong lãnh thổ Syria, nhưng các nhà phân tích tin rằng nó đã được thực hiện ở một địa điểm khác và ghép vào cảnh nền ở Dabiq bằng kĩ thuật hết sức tinh vi.
Bà Khan cho biết, việc chỉnh sửa này của IS có thể do một Studio chuyên nghiệp ở nước ngoài thực hiện. Các kĩ thuật viên của TRAC tin rằng đoạn video đã được dựng bằng một hệ thống biên tập chuyên dụng có tên Avid mà chi phí lên tới hàng trăm bảng Anh.
Theo Khampha