Đại chiến chị dâu với em chồng, chỉ vì… quả ớt
Sẵn máu khó chịu trong người chị hất hàm chỉ tay: “Chú có biết ớt bây giờ giá bao nhiêu không? Một ngàn chỉ được 5 quả thôi đấy.
Nhà anh đông con, anh lại không được ăn học đến nơi đến chốn nghĩ ở nhà chỉ nhìn vào mấy sào ruộng thì chẳng biết bao giờ mới khá lên được. Cưới chị xong anh quyết định vào miền Nam làm ăn sinh sống. Chị mừng, một phần vì ý chí thoát li cái nghèo của anh, một phần vì chị sẽ không phải chung sống với nhà chồng, không phải làm dâu như thế sẽ thoải mái hơn.
Ra đi với hai bàn tay trắng lại không có bằng cấp trình độ gì nên ở nơi đất khách anh chị cũng chỉ xin được làm công nhân lao động phổ thông cho các xí nghiệp. Đồng lương công nhân ít ỏi nhưng bù lại anh chị lại giỏi tiết kiệm, biết cách chi tiêu nên hàng tháng vẫn có dư chút đỉnh. Chị tính toán số tiền dư ấy là “bất khả xâm phạm” để phòng khi ốm đau và để lo cho con cái sau này.
Sống ở nhà chồng không nhiều nên bố mẹ chồng, em chồng dường như chưa ai hiểu hết về tính cách của chị. “Năm thì mười họa” chị mới gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình chồng, nói chuyện qua điện thoại thì chị vẫn ngọt ngào vì “Lời nói chẳng mất tiền mua”, quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng đều tốt đẹp. Chồng chị thì đi làm suốt, việc quản lí tiền nong chi tiêu trong gia đình anh phó mặc hết cho chị. Với lại anh cũng dễ tính “cho ăn gì ăn nấy, cho mặc gì mặc nấy” mà chẳng bao giờ kêu than.
Video đang HOT
Nghèo khổ đeo bám từ nhỏ nên chị vốn rất tiết kiệm. Dù gì thì gì hàng tháng số tiền dư của chị phải cao hơn hoặc bằng chứ không thể thấp hơn mức mặc định. Tiết kiệm chẳng có gì là xấu cả, nhưng chị tiết kiệm quá, rồi lại ép mình phải theo khuôn khổ ấy.
Đợt rồi, em trai chồng chị vừa tốt nghiệp Đại học. Ở quê chẳng có mối quen biết nào nên không xin được việc. Em chồng chị tính vào miền Nam xin làm văn phòng cho công ty tư nhân nào đó cũng được. Trong khoảng thời gian đi xin việc, em chồng chị đến ở cùng phòng trọ của anh chị để có gì anh chị tiện đỡ đần. Nhà có thêm người thì ắt hẳn chi tiêu sẽ phải tăng lên, mấy hôm đầu nghĩ em chồng chỉ ở không ít hôm rồi đi làm nên chị cũng vui vẻ. Nhưng rồi một tuần, nửa tháng, rồi một tháng trôi qua nhưng em chồng chị vẫn chưa xin được việc.
Chị khó chịu vì đã nghèo lại còn đèo bòng thêm em trai chồng ở nhờ.
Chị bắt đầu khó chịu ra mặt, hàng ngày chị còn phải đi làm, lo cho con cái rồi còn phải lo thêm cái khoản “cơm ngày ba bữa” cho em chồng. Đã thế em chồng chị còn trẻ, lại là con trai, suy nghĩ vô tư nên không biết phụ giúp chị dâu làm việc nhà. Chỉ biết chơi game rồi ngồi chình ình ra đợi bữa. Có lúc chị điên đầu vì con khóc đòi cái này cái nọ, chị mắng xối xả một tràng rồi nói bóng nói gió: “Tao là tao mệt mỏi với mày lắm rồi đó”, “Tiền đã không có lại còn phải đèo bòng”, nhưng em chồng chị nào có đoái hoài.
Nói bóng gió không được chị quay ra gợi ý: “Chị nghĩ bây giờ chú chịu khó xin đi làm tạm công nhân cũng được, khi nào xin được làm văn phòng thì nghỉ, chứ đợi thế này biết đến bao giờ. Mà ở nhà lắm cũng chán”.
Thấy chị dâu nói có lí, em chồng chị cũng xin vào làm công nhân nhưng được hai bữa thì nghỉ với lí do: “Mình có trình độ mà để cái bọn không có trình độ nó đè đầu cưỡi cổ, rồi nó chửi như tát nước vào mặt em không chịu được”. Em trai chồng chị vốn được cho ăn học từ nhỏ, chẳng phải lam lũ gì nên giờ đi làm công nhân cực khổ với lại mang cái mác “tốt nghiệp đại học” nên tự ái, không thích là nghỉ chứ nào nghĩ đến chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Chị đâm ra chán nản, nếu cứ tiếp tục như thế thì gánh nặng lại đè lên đôi vai gầy của chị.
Sự hiện diện của em chồng trong căn phòng của anh chị khiến chị cảm thấy vướng víu khó chịu. Tính ích kỉ, hẹp hòi của chị lại trỗi dậy: “Mình cũng phải đi làm vất vả về nhà lại phải hầu thêm “của nợ” này nữa, trong khi nó có sức khỏe lại chẳng chịu làm gì”. Chị coi em chồng là “của nợ”, là “gánh nặng”, chị chỉ ước sao cho em chồng rời khỏi nhà chị càng sớm cáng tốt.
Chị hằn học bóng gió chủi em trai chồng ra mặt.
Vốn đã chẳng ưa gì tính “trí thức nửa vời” của em chồng nên mặt chị lúc nào cũng nặng như chì. Chị chẳng thèm nói chuyện hay đoái hoài gì tới em chồng nữa. Lúc này em chồng đã biết chị dâu không ưa gì mình rồi nhưng thời buổi khó khăn, đành phải dựa dẫm. Nhưng một lần đang ăn cơm, chồng chị không có nhà, thấy em chồng ăn ớt, ăn nửa quả rồi còn nửa quả vứt ra ngoài cửa sổ. Sẵn máu khó chịu trong người chị hất hàm chỉ tay: “Chú có biết ớt bây giờ giá bao nhiêu không? Một ngàn chỉ được 5 quả thôi đấy. Đã không kiếm được tiền lại còn không biết tiết kiệm, chú phải nghĩ cho anh chị nữa chứ”. Em chồng chị nghe mà như chết lặng, không ngờ chị dâu lại tính toán cả những thứ nhỏ nhặt chi li như thế nữa.
Đã không có việc làm, áp lực sau khi ra trường đang đè nặng, lại nghe những lời nói như gáo nước lạnh dội vào mặt. Cậu em cũng không kiềm chế được quát lớn:”Chị vừa vừa phải phải thôi nhé, không thích thì nói một câu việc gì phải thái độ như thế”. Nói rồi, em chồng chị đùng đùng xếp quần áo bỏ đi.
Bây giờ em trai chồng chị đã có việc làm ổn định, cũng ở miền Nam nhưng tuyên bố “cạch mặt” không bao giờ ghé qua nhà chị chơi nữa. Chuyện tưởng rằng rất nhỏ nhặt nhưng khiến mối quan hệ chị dâu em chồng nhà chị căng thẳng không hồi kết. Bản thân chị biết mình sai nhưng lại đổ lỗi cho cái nghèo, cái khổ…
Theo Tri Thức Trẻ