Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc: Kỳ vọng đổi mới mạnh mẽ từ sửa Luật Giáo dục
Chia sẻ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – giáo viên Trường THPT Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên – bày tỏ tin tưởng ngành Giáo dục sẽ nhận được sự nỗ lực vào cuộc, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ, ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, tạo sức mạnh làm thay đổi cục diện giáo dục Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc – tỉnh Hưng Yên
Mong mỏi chính sách giáo viên được quan tâm hơn
Bà quan tâm đến những vấn đề nào trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi Bộ GD&ĐT đã công bố xin ý kiến rộng rãi? Vì sao?
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục dự kiến được trình ra Quốc hội lần này đưa ra 3 vấn đề chủ yếu:
Thứ nhất là về hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ.
Thứ hai là về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Thứ ba là quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết. Sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Luật đã xem xét và sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nhà giáo (chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học và chính sách đối với người học (học phí của học sinh, sinh viên sư phạm). Đây là những vấn đề cơ bản, là những điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.
Bà suy nghĩ sao khi 2 nội dung vốn rất được các nhà giáo và học sinh quan tâm là chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh THCS đã đưa ra khỏi dự thảo Luật?
Đối với vấn đề lương của nhà giáo, Nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đang nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình Trung ương.
Tôi rất tiếc vì trong dự thảo Luật đã không quy định cụ thể điều này mà lương sẽ do Chính phủ quy định cụ thể. Nếu chính sách tiền lương của nhà giáo được đưa vào luật và được cụ thể hóa thì sẽ khẳng định được vai trò, tầm quan trọng và sự yên tâm công tác của đội ngũ nhà giáo. Tôi mong mỏi trong Đề án cải cách chính sách tiền lương Chính phủ thực sự quan tâm và trong hệ thống thang bảng lương thì lương của nhà giáo được xếp cao nhất.
Video đang HOT
Đối với chính sách miễn học phí cho học sinh THCS: Hiện nay, chính sách miễn học phí cho học sinh mới chỉ thực hiện ở cấp tiểu học, các cấp còn lại chưa được thực hiện. Nếu so sánh với các nước có nền kinh tế và giáo dục mạnh trên thế giới thì chính sách miễn học phí của chúng ta còn chậm bắt kịp với xu thế vì họ thực hiện phổ cập giáo dục và miễn học phí đến hết cấp THPT.
Tôi rất muốn có chính sách miễn học phí cho tất cả các cấp từ mầm non đến THPT. Đặc biệt, nước ta đang phổ cập giáo dục đến hết cấp THCS, việc thực hiện chính sách miễn học phí cho cấp THCS sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh các vùng miền tích cực học tập.
Thu hút người giỏi bằng miễn học phí không còn nhiều tác dụng
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh chính sách miễn học phí sang hình thức tín dụng. Theo bà, điều này liệu có tác động đến đầu vào các trường sư phạm hiện nay?
Chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm (từ Luật giáo dục năm 1998; Luật giáo dục năm 2012; và các văn bản hướng dẫn, mới đây nhất là quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ), đây cũng là chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thể hiện quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Thực tế cũng chứng minh, trong giai đoạn khó khăn về kinh tế trước đây, chính sách trên đã thu hút rất nhiều, học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Nhiều gia đình khó khăn, nhờ chính sách trên mà con em họ được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục.
Nhưng hiện nay, cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, việc đáp ứng được học phí cho con đi học không còn là nỗi lo lắng của nhiều gia đình, việc thu hút học sinh giỏi bằng hình thức miễn học phí đã không còn nhiều tác dụng.
Mặt khác, những chi tiết cập nhật về vấn đề tài chính và các vấn đề khác có liên quan của các trường sư phạm như: kinh phí cấp bù, trượt giá, mô hình tự chủ bị va đập với chính sách vẫn chưa được xử lý một cách rốt ráo và thấu đáo. Nếu xét theo cơ chế cạnh tranh, các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng sẽ phải cạnh tranh về mức học phí trong tương quan với chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên.
Nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí nguồn ngân sách rất lớn và mất đi mục tiêu ban đầu của chính sách.
Vì vậy, học sinh, sinh viên sư phạm cũng cần đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành học khác. Tuy nhiên, để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sư phạm, dự thảo Luật quy định về tín dụng sư phạm và quy định sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm.
Chính sách tín dụng sư phạm này sẽ có tác dụng thúc đẩy nhất định khi có một số lượng sinh viên đăng ký đầu vào ngành sư phạm và tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác.
Tuy nhiên việc quy định tín dụng sư phạm không phải là mấu chốt giải quyết vấn đề thu hút những học sinh giỏi vào các trường sư phạm cũng như thu hút nhân lực có tiềm năng trở thành nhà giáo. Việc sinh viên sư phạm ra trường khó kiếm việc làm, lương thấp, áp lực công việc cao cộng với những đãi ngộ và vị thế của giáo viên không còn được đánh giá đúng mức mới là một rào cản rất lớn.
Để giải quyết vấn đề đầu vào cần nhiều biện pháp trong đó có quy định tín dụng sư phạm và đội ngũ chuyên gia dự báo, hoạch định cho tuyển dụng một cách chính xác, đảm bảo tỷ lệ sinh viên sư phạm có việc làm cao, có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt.
“Thanh lọc” chất lượng đào tạo sư phạm
Liên quan đến đào tạo sư phạm, Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm nay không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, trừ trường đào tạo sư phạm. Bà đánh giá như thế nào về điểm mới này?
Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm nay có điểm mới là không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, trừ trường đào tạo sư phạm. Tôi rất ủng hộ quan điểm này của Bộ GD&ĐT bởi vì:
Quy định này sẽ tạo sự chủ động, cạnh tranh cho các trường tuyển sinh. Để tuyển được sinh viên khá, giỏi buộc các trường phải tự nâng cao chất lượng đào tạo, tạo thương hiệu để đầu vào tốt hơn.
Quy định học sinh có học lực khá giỏi mới được tuyển vào hệ thống các trường sư phạm sẽ loại bỏ được sự đào tạo tràn lan. Các trường có chất lượng đào tạo thấp, không chính quy tự khắc sẽ không tuyển sinh được sinh viên. Đây là phương án rất tốt để thanh lọc chất lượng đào tạo và quy hoạch lại mạng lưới sư phạm hiện nay.
Thực tế là những năm trước đây, ngành sư phạm đã khó khăn trong tuyển học sinh giỏi. Việc quy định ngưỡng đầu vào có là khả thi?
Để thực hiện điểm mới này các trường sư phạm sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh đào tạo và lượng sinh viên sư phạm tạm thời sẽ bị thu hẹp lại, lượng giảng viên của nhiều trường sẽ dư thừa. Nhưng xét về cục diện chung, điều đó sẽ nâng tầm được giá trị, uy tín và chất lượng của sinh viên ngành sư phạm. Trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài ngành sẽ đào tạo được đội ngũ nhà giáo có năng lực và trình độ cao đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Là Đại biểu Quốc hội, nhưng trước hết là một nhà giáo, bà kỳ vọng gì vào lần sửa Luật này?
Với cương vị là người Đại biểu nhân dân và là người công tác trong ngành Giáo dục tôi kỳ vọng rất nhiều vào lần sửa luật này. Khi Luật giáo dục sửa đổi được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý để ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai đổi mới theo Nghị quyết 29- NQ/TW (04/11/2013) hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành trung ương khóa XI và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông.
Luật Giáo dục cũng đã được soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi và trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội và dự kiến sắp tới sẽ trình ra Quốc hội. Toàn ngành Giáo dục nhận được sự quan tâm của toàn xã hội và đang rất tích cực trong công cuộc đổi mới này.
Tôi tin tưởng ngành Giáo dục nhận được sự nỗ lực vào cuộc và giúp đỡ của Quốc hội, ban ngành đoàn thể các cấp của Chính phủ, các tổ chức chính trị- xã hội sẽ tạo ra một sức mạnh làm thay đổi cục diện của nền giáo dục Việt Nam, sẽ đào tạo ra thế hệ học sinh phát triển toàn diện đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Sự thay đổi này sẽ tạo ra không khí phấn khởi trong nhà giáo, nâng tầm vị thế của nhà giáo, thu hút được nhân tài phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nguyễn Nhung (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai.vn
3 yếu tố cốt lõi giúp nâng cao chất lượng giáo viên
Quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc - giáo viên Trường THPT Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên - 3 yếu tố cốt lõi giúp nâng cao chất lượng nhà giáo là cải cách chính sách tiền lương và môi trường làm việc; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Chính sách tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
Với nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc cho rằng, Bộ GD&ĐT kết hợp với Bộ nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn trong tuyển sinh sinh viên sư phạm và tuyển dụng giáo viên.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giảng viên, giáo viên các cấp học.
Hiện nay, cả nước có 59,63 % giáo viên trung học được nâng chuẩn lên trình độ đại học sư phạm/cử nhân sư phạm; như vậy còn 40,36 % (359.495 giáo viên) chưa đạt trình độ này. Tổng số giảng viên (bao gồm cả đại học và cao đẳng sư phạm) là 76.285, trong đó số giảng viên chưa đạt trình độ thạc sĩ là 14.205 chiếm 18,6%.
Bên cạnh đó, các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức "cuốn chiếu", cùng với lộ trình triển khai hàng năm ở các khối lớp với hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích.
Cần có quy chuẩn nghiêm ngặt để đánh giá chất lượng đầu ra của công tác bồi dưỡng và đào tạo lại để tránh bệnh hình thức và bệnh bằng cấp.
Nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giá
Với nội dung này, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc, vai trò của đội ngũ quản lý giáo dục là rất quan trọng.
Nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục phải là những người có đủ các yếu tố có tâm, tài, tầm để làm gương và trong quá trình điều hành, quản lý cần sát sao với công việc, từ đó có thể đánh giá chính xác năng lực và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên từ đó có những biện pháp phù hợp và kịp thời điều chỉnh.
Cải cách chính sách tiền lương và môi trường làm việc
Nhấn mạnh đây là yếu tố được rất nhiều người quan tâm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc nêu qua điểm: nếu chính sách tiền lương và môi trường làm việc được cải thiện phù hợp với sự phát triển và đời sống của xã hội thì sẽ nâng tầm được vị thế nhà giáo.
Để thực hiện được điều này, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và xã hội.
Tuy nhiên, khó khăn của vấn đề này nằm ở cơ chế về tài chính và các chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, sự phân quyền mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục, công tác quản lý giáo dục.
"Nguồn lực tài chính dành cho giáo dục gồm đầu tư cho con người, cho cơ sở vật chất là vấn đề nan giải khi ngân sách nhà nước không gánh nổi. Các chính sách tháo gỡ khó khăn, nâng cao đời sống giáo viên để giáo viên yên tâm cống hiến cho nghề còn chưa thực chất, chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Đội ngũ quản lý giáo dục hoạt động chưa hiệu quả nhất là trong công tác đánh giá xếp loại giáo viên. Cơ chế phân cấp, phân quyền đã hạn chế quyền sa thải những giáo viên yếu kém khiến họ không có động lực phấp đấu vươn lên mà có sức ỳ vào biên chế rất lớn" - Đại biểu Nguyễn Thị Phúc chia sẻ.
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục: Hướng đến một nền giáo dục mở Góp ý cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khoá XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2020), nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, cho biết, việc sửa đổi Luật Giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền...