Đại biểu Quốc hội: Bạo lực học đường, không nên đổ hết cho ngành Giáo dục
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề bạo lực học đường diễn ra phức tạp thời gian gần đây.
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh họa/internet
Ông nhìn nhận thế nào về một số vụ việc bạo lực học đường xảy ra gần đây, trong đó có một số vụ việc giáo viên đánh học sinh hay sử dụng hình thức xử phạt học sinh chưa phù hợp?
Chúng ta phải nhìn một cách tổng thể trên toàn đất nước chứ đừng biến cái cá thể, điểm nóng để thành bản chất, rồi quy chụp mà oan cho các thầy cô giáo. Một vài trường hợp, không phải là hiện tượng phổ biến thì chúng ta phải đánh giá hết sức khách quan, hết sức bình tĩnh và xem xét việc này trong quá trình phát triển xã hội.
Có thể thầy cô giáo nóng nảy, đánh học sinh nhưng sau khi đánh xong có thầy cô giáo nào không ân hận hay không? Tuy nhiên, qua đó cũng cho chúng ta một bài học về tính kiên nhẫn của thầy cô. Đây cũng là một vấn đề đặt ra trong quá trình đào tạo sư phạm, phải làm sao đào tạo được các thầy cô giữ được chữ “nhẫn” và sự bình tĩnh trước học sinh; phải dùng các biện pháp để giáo dục tích cực để cảm hóa học trò.
Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền của chúng ta cần phải được nghiên cứu rất kỹ và không nên đổ hết lên ngành giáo dục.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội
Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường?
Vấn đề bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân đầu tiên là từ phía học sinh. Các em đang trong quá trình phát triển nhạy cảm nên phải rèn luyện để các em đi đúng định hướng.
Hai là nhà trường, làm sao để giáo dục đi trước và định hướng trước một bước. Làm sao để các em tuân thủ nội quy, quy trình của nhà trường, bởi rèn luyện ở trong nhà trường là rất quan trọng.
Thứ ba là gia đình. Nhiều gia đình con về thi điểm kém thì gây áp lực lên con. Lẽ ra phải động viên con hôm nay con học kém thì mai phải cố gắng lên thì đó chính là động lực cho đứa trẻ.
Video đang HOT
Thứ tư là xã hội. Chúng ta phải công bằng với học sinh và giáo viên; phải động viên các thầy, cô để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Mong báo chí, truyền thông rất khách quan trong đánh giá thầy cô, đánh học trò. Không coi đó là điểm nóng, là vấn đề xã hội mà chỉ là cá biệt.
Có hai luồng ý kiến, một là các thầy cô có được dùng bạo lực với học sinh, vấn đề là ở mức độ nào, coi đây cũng là một phương pháp giáo dục. Hai là tuyệt đối không được dùng bất kỳ một hình thức nào cũng cho thấy sự bất lực của thầy cô giáo. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi cho rằng, cả hai ý kiến đều chưa đúng. Thứ nhất, dùng bạo lực với học sinh là không được. Thứ hai là chỉ nhẹ nhàng cũng không được. Mà điều cơ bản ở đây là khi các em có vi phạm phải giáo dục, răn đe, chấm điểm các em về mặt đạo đức.
Giáo viên cần kết nối với gia đình để giáo dục. Đưa ra kiểm điểm trước tập thể học sinh để rút ra bài học và các em đóng góp ý kiến cho nhau. Còn chuyện đánh, bạt tai, đuổi ra khỏi lớp thì theo tôi đó là tối kiến chứ không phải là sáng kiến. Bởi vì các cháu là học sinh, đuổi các em ra khỏi trường, khỏi lớp một tuần, 1 tháng thì các em còn theo kịp được kiến thức hay không? Trong giáo dục không cho phép như thế.
Đánh không được, quỳ không được, tất cả các hình thức đụng chạm vào thân thể vào học sinh đều không được phép. Nhưng chúng ta phải áp dụng hình thức chấm điểm, đưa ra tổ kiểm điểm.
Xin cảm ơn đại biểu!
Minh Phong (ghi)
Theo GDTĐ
Góc nhìn đại biểu: Xây dựng văn hóa học đường để ngăn ngừa bạo lực học đường
Thời gian qua, các vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra với mức độ nghiêm trọng khiến dư luận lo lắng. Trong khi thông tin về vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng chưa kịp lắng xuống thì tại tỉnh Quảng Ninh, hai học sinh tại tỉnh Quảng Ninh cũng bị nhóm bạn đánh hội đồng đến mức phải nhập viện... Theo một số đại biểu Quốc hội, bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục và văn hóa học đường đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục (Ảnh minh họa)
Trưa ngày 07/4/2019, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh khoảng 10 nữ sinh vây xung quanh nạn nhân đánh hội đồng, liên tục đạp mạnh chân vào đầu nạn nhân. Qua xác minh của cơ quan công an, nạn nhân bị đánh nhập viện là em N.T.H.L. (sinh năm 2002) học sinh lớp 11A5 trường THCS&THPT Lê Thánh Tông, Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Điều đáng nói là theo một số bạn cùng trường, đây không phải lần đầu tiên nữ sinh này bị bạn bạo hành.
Trước đó, chiều 31/3, do mâu thuẫn từ trước, 5 nữ sinh của Trường THCS Diễn Kim và 2 nữ sinh của Trường THCS Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã kéo một nữ sinh lớp 7 của Trường THCS Diễn Hùng ra bãi biển bắt quỳ gối xin lỗi. Không những vậy, nhóm nữ sinh này còn đánh đấm, thay nhau quay clip và nói những lời tục tĩu.
Cũng trong thời gian này, dư luận dậy sóng trước thông tin 1 nữ sinh ở Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị 5 bạn cùng trường lột quần áo, đánh đấm và quay clip về sự việc để tung lên mạng. Điều đáng nói là mọi chuyện diễn ra ngay trong lớp học, nhưng không học sinh nào đứng ra can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ. Còn giáo viên chủ nhiệm và nhà trường sau khi biết vụ việc chỉ xử lý theo hướng du di, xuê xoa, không nghiêm khắc, có dấu hiệu bưng bít sự việc.
Cử tri Đàm Hữu Đắc mong muốn ngành giáo dục cần có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn các vụ bạo lực học đường
Cử tri Đàm Hữu Đắc, cử tri quận Ba Đình, thành phố Hà Nội lo lắng trước thực trạng khi nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra và cho rằng nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo lực học đường là các thầy cô chưa thực sự quan tâm, sâu sát tới tâm lý học sinh.
Vấn đề bạo lực học đường có thể chia làm 3 dạng: giáo viên bạo hành học sinh; gia đình và học sinh bạo hành giáo viên; học sinh bạo hành lẫn nhau. Theo thống kê, trung bình mỗi năm xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường tăng gấp 13 lần. Đáng lo ngại lơn, chứng kiến những vụ bạo hành ấy, nhiều người thờ ơ, không những không can ngăn mà còn chủ động quay lại các clip, tung lên mạng xã hội để câu view, câu like.
Theo kết quả khảo sát về tình trạng bắt nạt học đường của Tổ chức Plan (tổ chức phi chính phủ quốc tế phát triển cộng đồng lấy trẻ em làm trung tâm): 40% học sinh được hỏi cho biết đã từng bị bắt nạt ở trường học. Một nghiên cứu khoa học được thực hiện tại Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, vào năm 2010 đã đưa ra kết quả khá tương đồng với nghiên cứu của Plan. Theo đó, có khoảng 38% số trẻ ở độ tuổi tiểu học và THCS được hỏi cho biết đã từng bị bắt nạt. Có nhiều hình thức bắt nạt khác nhau như: bắt nạt về thể chất, bị đánh; bị bắt nạt về các mối quan hệ, chẳng hạn như cô lập, không cho chơi cùng...
Trở lại với vụ việc ở Hưng Yên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong các vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở các trường học thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Chủ nhiệm lớp đồng nghĩa với một "bảo mẫu" cho tất cả mọi vấn đề phát sinh của lớp, từ chuyện học, chơi, ứng xử, đạo đức, đứng ra phân xử, điều hòa các mối quan hệ trong lớp học. Thế nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa được đào tạo, chưa có kỹ năng để xử lý sự việc, đặc biệt là cách giáo dục và xử lý khi học sinh mắc lỗi.
Còn với các chuyên gia nghiên cứu về giới, tình trạng kết bè, kết nhóm bắt nạt kẻ yếu thế đã và đang diễn ra trong trường học nhưng vẫn chưa được gia đình, nhà trường và xã hội nhìn nhận đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp:
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc cho rằng cần tăng cường công tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giảm các vụ bạo lực học đường.
Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới, UNESCO phân tích: Những vụ bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở trong trường học mà còn xảy ra trên đường từ trường về nhà, từ nhà đến trường và ở các khuôn viên xung quanh trường học. Bạo lực học đường lâu nay vẫn xảy ra, nhưng gần đây có yếu tố lan rộng hơn do những hình ảnh bắt nạt, bạo lực được tung lên mạng xã hội và khi những thông tin và hình ảnh như vậy lan truyền ra mạng xã hội cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý của mọi người. Đây cũng là vấn đề mà UNESCO đã cảnh báo trong thời gian dài và cũng có hỗ trợ bài bản đối với ngành giáo dục và đào tạo giải quyết vấn đề bạo lực học đường.
Theo bà Trần Thị Phương Nhung, để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, thời gian tới, việc thay đổi về nhận thức, truyền thông thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực và các giải pháp và có quy trình rõ ràng để ứng phó với tình trạng bạo lực học đường như thế nào, chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ ngành giáo dục và đào tạo để giải quyết vấn đề này.
Thời gian qua môi trường xã hội có sự thay đổi nhanh chóng, sự bùng nổ và lan rộng của các phương tiện truyền thông đại chúng đã tác động không nhỏ tới môi trường học đường. Nguyên nhân dân tới những hành vi bạo lực của các em thì ngoài trách nhiệm của nhà trường thì gia đình đóng vai trò quan trọng. Gia đình không thể khoán trắng con em mình cho nhà trường từ việc học đến giáo dục tư cách đạo đức. Gia đình, xã hội cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, người lớn phải nêu gương tốt, thấy sự bất bình phải can ngăn. Nếu không, bạo lực có thể xảy ra bất cứ đâu. Nhà trường cũng cần chú trọng giáo dục kỹ năng sống, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, thay đổi cách giáo dục công dân thông qua đổi mới sách giáo khoa, có thể đưa các bộ luật vào sách, để hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, giúp đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn cho các em học sinh.
Các nghiên cứu khoa học về hiện tượng bắt nạt học đường đã chỉ ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng về sau. Nạn nhân có thể bị cô lập, bị loại khỏi nhóm bạn, học hành giảm sút, ít tham gia hoạt động trường lớp. Ngoài ra, hậu quả về mặt phát triển cảm xúc còn kéo dài cho đến khi trưởng thành và hằn sâu vào tính cách. Nguy hiểm hơn, khi bị bắt nạt, có gần 13% các em có suy nghĩ trả thù. Điều này khiến các em có thể gây nên những hành động bạo lực nguy hiểm khác mà không kiểm soát được; đồng nghĩa với đó là một môi trường học đường kém thân thiện, thậm chí kém an toàn cho học sinh.
Bạo lực học đường - một mảng tối trong trường học đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, và ngày càng nghiêm trọng. Những hình ảnh yêu thương thì ít, hình ảnh mang tính bạo lực lại tràn lan trong cuộc sống, trong khi đó gia đình, nhà trường và xã hội chưa dành sự quan tâm, giáo dục, định hướng hành vi nhân cách cho học sinh. Giải pháp nào để bạo lực học đường không còn là nỗi ám ảnh của học sinh mỗi khi đến trường? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ bạo lực học đường, khiến cử tri và nhân dân cả nước lo lắng. Theo đại biểu đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Để xảy ra tình trạng bạo lực học đường với những hành vi, lời nói mang tính bạo lực, trái với thuần phong, mỹ tục của các em học sinh, theo tôi lỗi này thuộc về người lớn, từ gia đình, bố mẹ là tấm gương đã thực sự quan tâm đến con mình, đã dạy bảo con đến nơi đến chốn chưa? Truyền thống gia đình đã ảnh hưởng đến con như thế nào? Nhà trường, thầy cô đã dạy dỗ bằng cả cái tâm của mình chưa? Đã kịp thời phát hiện những vụ việc âm ỉ từ nhiều ngày nhưng vẫn không được xử lý, dẫn tới bộc phát những hành vi bạo lực. Ngoài gia đình, thì các thầy cô trong trường là những người gần gũi các em học sinh nhưng cũng không nhận được lòng tin của các em, các em không tâm sự, thổ lộ tâm trạng của mình.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Văn hóa học đường là một yếu tố quan trọng trong môi trường giáo dục, rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Và nếu môi trường học đường bị xuống cấp thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa, đạo đức đến các học sinh. Qua vụ việc bạo lực học đường ở Hưng Yên vừa qua tôi thấy rất đau lòng, xảy ra ở địa phương vùng đồng bằng, địa phương có truyền thống hiếu học. Trách nhiệm của gia đình và nhà trường, trong đó trách nhiệm của nhà trường là chủ yếu, đặc biệt là vai trò của giáo viên chủ nhiệm, các em học sinh còn ở tuổi vị thành niên, thì giáo viên có vai trò rất quan trọng, không chỉ dạy chữ, mà còn phải dạy cách làm người. Để xảy ra vụ việc đau lòng như vậy ngay trong lớp học là điều không thể chấp nhận được.
Phóng viên: Thưa đại biểu, để giảm thiểu các vụ bạo lực học đường xảy ra, cần có giải pháp gì từ phía gia đình, nhà trường và cả xã hội?
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Khi đưa ra các hình phạt cho các em học sinh không phải là giải pháp tối ưu, cũng không thể đổ lỗi cho trình độ, nhận thức của các em học sinh. Theo tôi, cái chính là môi trường sống của các em, môi trường học tập, môi trường rèn luyện, vui chơi của các em như thế nào. Vì vậy, từ gia đình tới nhà trường cần tạo ra môi trường vui chơi, học tập lành mạnh, thể hiện sự quan tâm sâu sát, dạy dỗ, đặc biệt từ gia đình rồi mới đến nhà trường. Nhà trường cũng cần gần gũi với học sinh, các thầy cô nắm bắt tâm lý, tình cảm của học sinh để có sự uốn nắn, dạy dỗ kịp thời. Còn việc xử lý trách nhiệm của các nhà trường thầy cô sau khi các vụ bạo lực học đường xảy ra là cần thiết để những người có trách nhiệm nâng cao trách nhiệm của mình để ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực học đường.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, ở một số nơi vẫn coi bạo lực học đường không phải là vấn đề cấp bách, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm với vấn đề này.
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Nguyên nhân bạo lực học đường chính là do sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Ở đâu đó vẫn coi bạo lực học đường không phải là vấn đề cấp bách, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, phải thấy rõ được hiểm hoạ đang tiềm ẩn phía sau những hành vi thiếu ý thức của học sinh và việc củng cố, xây dựng văn hoá học đường là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, giáo dục nhân cách cho học sinh rất quan trọng, cần giáo dục kỹ năng ứng xử trong cộng đồng thì các thầy giáo, cô giáo chính là giáo cụ trực quan đối với các em. Cho nên tôi nghĩ phẩm cách của các thầy, các cô ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh, vì vậy tôi mong các thầy các cô hãy là tấm gương sáng cho các em noi theo.
Phóng viên: T rân trọng cảm ơn các Đại biểu!
Lan Hương
Theo quochoi.vn
Trả lời chất vấn về tinh giản biên chế trong giáo dục Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa ký văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về chủ trương tinh giản biên chế trong lĩnh vực Giáo dục. Ảnh minh họa Vừa qua, Chính phủ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh...