Đại án tham nhũng tại Oceanbank: Hà Văn Thắm khai gì?
Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm.
Ông Hà Văn Thắm lúc đương nhiệm
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm về các tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cho vay trăm tỷ đồng không cần thế chấp
Theo kết luận điều tra, từ năm 2011 – 2014, ông Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng cho Oceanbank. Đáng chú ý là việc ông Thắm cho Cty TNHH MTV Thương mại và dịch vụ Trung Dung vay 500 tỷ đồng trái quy định. Đến nay, Cty Trung Dung vẫn chưa có khả năng trả nợ cho Oceanbank. Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm việc này thuộc về ông Hà Văn Thắm và 5 đồng phạm khác.
Tài liệu điều tra thể hiện khoản 500 tỷ đồng nêu trên bản chất là Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vừa bị TAND TPHCM tuyên phạt 30 năm tù – PV) vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín. Cụ thể, năm 2012, lợi dụng chủ trương tái cơ cấu, sát nhập các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước, ông Thắm muốn thâu tóm các ngân hàng này nên gặp bà Phấn (đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín) nhằm gây sức ép, buộc bà Phấn phải chuyển cổ phần cho mình.
Tháng 2/2012, bà Phấn ký hợp đồng, bán số cổ phần tương đương 84,9% vốn điều lệ của ngân hàng Đại Tín cho ông Hà Văn Thắm với giá hơn 4,4 nghìn tỷ đồng. Ông Thắm phải chịu trách nhiệm trả nợ và sở hữu tài sản từ các khoản vay khoảng 3.553 tỷ đồng. Sau đó, ông Thắm cho người vào quản lý ngân hàng Đại Tín nhưng không trả tiền, không cơ cấu tài sản của bà Phấn và cá nhân liên quan. Khi bà Phấn doạ sẽ lấy lại cổ phần, bán cho người khác, ông Thắm liền môi giới chuyển nhượng lại số cổ phần trên cho ông Phạm Công Danh và ông Danh hứa trả cho ông Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới. Ông Danh sau đó đổi tên Đại Tín thành ngân hàng TMCP Xây Dựng nhưng cũng không trả tiền cho bà Phấn và 800 tỷ cho ông Thắm như thỏa thuận.
Video đang HOT
Việc giao dịch của bà Phấn, ông Thắm và ông Danh nếu không thực hiện được sẽ không thể thanh khoản khiến NHNN tiếp tục sát nhập Đại Tín vào ngân hàng khác. Vì vậy, cả ba thống nhất Oceanbank sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Ông Danh và ông Thắm thống nhất lấy tư cách pháp nhân của Cty Trung Dung để thực hiện việc này. Số tiền này ông Danh sẽ chuyển lại để tất toán 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại Đại Tín đồng thời ghi nhận việc ông Danh trả tiền mua cổ phần Đại Tín.
Huy động lãi suất vượt trần
Ngoài ra, để huy động vốn của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Thắm đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank. Ông Thắm và ông Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty CP BSC và triển khai tổ chức thực hiện, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại đây, vượt trần huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank số tiền hơn 985 tỷ đồng.
CQĐT xác định, bị can Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bàn bạc thống nhất với ông Thắm đề ra chủ trương “thu phí” của khách hàng thông qua Cty Cổ phần BSC (Cty do ông Thắm nhờ người đứng tên) trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sơn còn chỉ đạo Nguyễn Minh Thu, Phó TGĐ (bị bắt giữ tháng 1/2015) triển khai thực hiện chủ trương trên dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, ông Sơn thu lời bất chính hơn 69 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ông Thắm, Sơn và các lãnh đạo OceanBank thống nhất về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng thuộc PVN gửi tiền tại ngân hàng này vượt trần lãi suất, gây thiệt hại hơn 544 tỷ đồng…
Theo cơ quan điều tra, ông Thắm khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác nhằm làm rõ sự thật vụ án. Trong khi đó, ông Sơn thiếu hợp tác, khai báo quanh co, liên tục thay đổi lời khai.
Ngày 6/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, quá trình điều tra giai đoạn hai vụ án tại ngân hàng Oceanbank, cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lưu Hồng Vân (SN 1975), nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Hà Đông-ngân hàng Oceanbank để điều tra về hành vi “cố ý làm trái…”. Ông Vân đã thực hiện chủ trương, chỉ đạo và cùng các nhân viên tiếp nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ Hội sở Oceanbank để chi cho khách hàng gửi tiền trái quy định.
Theo Lê Dương – Xuân Ân (Tiền phong)
6 đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sắp bị xét xử
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trương đưa sáu vụ đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ra xét xử từ nay đến cuối năm.
Ngày 1-10, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18-4-2016 và một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian tới. Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Phát biểu kết luận, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo đến nay, nhiều nội dung quan trọng về PCTN được các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, như: bổ sung một số nội dung trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để PCTN; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...
Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương, Ban Nội chính Trung ương, VKSND và TAND TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, khẩn trương đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn I ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã khởi tố 3 vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỉ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;
Chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra...;
Chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng; khẩn trương xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị và điều tra, xử lý các kiến nghị của Hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, gồm:
(1) Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank;
(2) vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam;
(3) vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh;
(4) vụ án "Tham ô tài sản; Rửa tiền" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin;
(5) vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng" xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty);
(6) vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.
Đồng thời, khẩn trương đưa ra xét xử phúc thẩm 6 vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Theo Nghĩa Nhân (Pháp Luật TPHCM)
Đại án VNCB: Vi phạm nghiêm trọng từ thời... Trust Bank Trước khi chuyển đổi thành Ngân hàng Xây dựng và được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, Ngân hàng Đại Tín đã bị âm vốn hàng ngàn tỷ đồng. Đây là hậu quả của những sai phạm từ nhóm Phú Mỹ mà bà Hứa Thị Phấn đại diện cấu kết cùng các lãnh đạo cũ của ngân hàng này...