Đặc sản truyền thống của người Nhật khiến du khách “rợn người”
Những con ấu trùng thủy sinh sống dưới đáy bùn lầy được người Nhật xem là một món ăn truyền thống và muốn lớp trẻ hãy giữ gìn nền ẩm thực có từ lâu đời này.
Món ăn từ ấu trùng thủy sinh không thực sự phổ biến ở nhiều địa phương Nhật Bản, nó chỉ có ở tỉnh Nagano, nơi mà những người cao tuổi trong thị trấn lúc nào cũng khuyến khích lớp trẻ tuổi học hỏi các kỹ năng đánh bắt ấu trùng để duy trì nền ẩm thực truyền thống có nguy cơ biến mất này.
Ấu trùng và chuồn chuồn thường được gọi là zazamushi, chỉ có thể đánh bắt ở thượng nguồn sông Tenryu gần thành phố Ina. Các ấu trùng khai thác sẽ thường được chế biến thành loại tsukudani, một món ăn phổ biến của Nhật Bản được nấu bằng cách ninh nhừ nhiều loại nguyên liệu như cá, ngao hoặc rong biển trong nước tương, mirin (rượu gạo), đường và rượu sake.
Zazamushi thường được ăn cùng với cơm trắng hoặc làm sushi. Hương vị béo ngậy của nó kết hợp với các loại gia vị riêng tạo thành một món ăn rất ngon.
Zazamushi được cho là bắt nguồn từ âm thanh của dòng sông, nơi ấu trùng được xem là một trong những nguồn protein có giá trị cao. Trước đây, truyền thống bắt ấu trùng thủy sinh rất phát triển, nhưng bây giờ nó ngày càng bị mai một đi. Chính quyền địa phương đã quyết tâm không để phần lịch sử và truyền thống của khu vực này chết đi nên đã tổ chức nhiều lễ hội và cuộc thi để những người trẻ tuổi đi bắt ấu trùng và ăn chúng.
Video đang HOT
Tại sông Tenryu vào cuối tháng 1, 3 ngư dân đã thể hiện các kỹ năng truyền thống để bắt ấu trùng tại sự kiện được tổ chức cho học sinh trường trung học nông nghiệp địa phương.
Shoji Nakamura, một thợ săn ấu trùng kỳ cựu với hơn 50 năm kinh nghiệm băng qua những tảng đá trong vùng nước nông của dòng sông bằng đôi ủng chắc chắn. Những tiếng reo hò nổ ra từ nhiều người xung quanh khi xem một người đàn ông 78 tuổi dùng lưới bắt những con ấu trùng đang nhảy trên mặt nước.
Sau khi quan sát và tham gia bắt ấu trùng, các học sinh được đề nghị ăn món tsukudani thử. Taisei Imamura, một học sinh trung học 18 tuổi, rất vui khi bắt được chúng và sau khi ăn thử món ăn được chế biến từ ấu trùng đã phải thốt lên rằng “Ngon quá, giòn như tôm vậy”.
Mùa tốt nhất để bắt zazamushi là từ tháng 12 đến tháng 2, đây là thời điểm mà hàm lượng chất béo của ấu trùng rất cao. Những người muốn tham gia bắt phải có được giấy phép vào mỗi mùa.
Vào thời kỳ đỉnh cao, có 78 ngư dân được cấp phép vào năm 1994, nhưng con số này đã giảm mạnh. Chỉ có 10 người ở độ tuổi từ 69 đến 85 vẫn còn tiếp tục công việc đánh bắt này.
Tất cả người dân địa phương tại thành phố Ina đều rất coi trọng truyền thống của quê hương mình. Thế nhưng, không phải ai cũng kiên trì tiếp nối truyền thống này. Ngày nay, chính quyền thành phố đã ra sức quảng bá tích cực đặc sản zazamushi đến Tokyo và các tỉnh khác. Mọi người đều hy vọng rằng ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống Nhật Bản.
Theo Japantimes
Quán phở Nam Định hơn 60 năm hút khách giữa lòng Sài Gòn
Phở Dậu, phở Nguyễn Cao Kỳ hay phở Cây Trứng Cá là 3 trong số rất nhiều cái tên mà người Sài Gòn thường nhớ về quán ngon, gắn với khu cư xá cũ ở quận 3 (TP.HCM).
Tồn tại hơn 60 năm ở đất Sài thành, phở Dậu không đơn thuần là địa chỉ ăn sáng thường nhật mà còn là nét văn hóa bình dị và gần gũi.
5h sáng, con hẻm 288 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) đã bắt đầu tấp nập người qua lại. Người đến ăn phở Dậu phải "canh me" từ sáng sớm bởi quán chỉ mở đến 12h trưa, và nhiều món ngon đặc biệt thì nhanh hết.
Đến phở Dậu, người ta say mê vị nước lèo đặc trưng từ xương ống bò hầm. "Đúng phở Bắc thì nước phải trong, vị phải thanh chứ không đậm gia vị", chị Hoàng - con gái chủ quán chia sẻ.
"Chúng tôi không coi nước lèo là nét đặc trưng của phở Dậu, nhưng tôi tin tiêu chuẩn đặc biệt giúp quán giữ chân khách suốt những năm qua", chị nói.
Bởi thế, người sành ăn còn gọi riêng một chén nước tiết. Đó là nước cốt thơm, ngọt của xương ống bò hầm đặc sản ở đây.
Để giữ nguyên bản phong vị phở Nam Định, phở Dậu không phục vụ những thứ rau ăn kèm như ngò gai, giá đỗ hay húng quế. Khách quen chỉ nêm nếm chút tương, chút đường vào chén hành tây thái mỏng, để rồi nhấm nháp cùng thịt bò mềm cho ra hương vị đặc biệt chỉ có tại phở Dậu.
Đặc sắc của phở Dậu còn là sợi phở mỏng, bản nhỏ nhưng có độ dai nhất định. Gia đình chị Hoàng luôn tự hào vì khắp Sài Gòn không thể tìm ra thứ phở khác như vậy.
Người đến phở Dậu đa phần là khách quen. Có cặp vợ chồng trẻ từ quận 11 vẫn thường tới lui phở Dậu thưởng thức bữa sáng. Họ chia sẻ: "Phở Dậu đặc biệt từ chất lượng món ăn đến không gian và nhân viên quán, tất cả mang đến cảm giác bình dị và gần gũi khó tả".
Những năm 1945, ông bà nội chị Hoàng rời quê hương vào Sài Gòn sinh sống. Vốn xuất thân từ Nam Định - nơi bắt nguồn của món phở Việt truyền thống, ông bà mở quán phở nhỏ ngay trong khu cư xá để mưu sinh.
Trước đây quán không có bảng hiệu nên mỗi khách tự đặt một cái tên để dễ nhớ. Có người gọi phở Cây Trứng Cá vì quán ngày đầu có sẵn một cây trứng cá. Nhiều du khách lại ưu ái gọi phở Nguyễn Cao Kỳ khi nghe giai thoại về các chuyến ghé ăn của vị tướng này. Có thời điểm, nhiều người nhắc nhau đến phở khu phố 4 (quận 3, TP.HCM) tìm vị phở Bắc.
Dù cố gắng gìn giữ món phở truyền thống chuẩn Nam Định, phở Dậu ngày nay cũng được biến tấu đôi chút để phù hợp hơn với thực khách. Điển hình là những chén hành tây thái mỏng mà nhiều vị khách vẫn thích thú ở đây.
Đứng bếp nấu phở và các thức uống bán kèm đều là thành viên gia đình chị Hoàng. "Phở gia truyền phải do chính tay người trong nhà nấu chứ không thể giao cho người ngoài, bởi vậy mà chúng tôi cũng không mở thêm chi nhánh nào khác", chị Hoàng chia sẻ.
Từ một quán nhỏ trong nhà, giờ đây phở Dậu gần như chiếm hết không gian khu cư xá. Nhưng điều đặc biệt là không khí gia đình và thân thuộc nơi đây không hề đổi khác.
Đông đúc là vậy nhưng phở Dậu luôn toát lên không khí yên bình hiếm quán xá nào có được. Không gian quán bình dị còn thực khách lại nhẹ nhàng, thanh nhã. Phở Dậu bởi vậy mà khắc họa những giá trị văn hóa Sài Gòn cổ xưa hơn 60 năm qua.
Theo Zìng
Thử thách can đảm với đặc sản "gà mọ" nhìn đã muốn ói, khi ăn lại hấp dẫn mê ly Món ngon Tây Bắc thường không gây cảm tình với thực khách qua cách trình bày nhưng nếu ai sẵn sàng bỏ qua sợ hãi ăn thử một lần thì sẽ không dừng được đũa. Người Thái ở Sơn La có món "gà mọ" thách thức thị giác thực khách nhưng lại là mĩ vị chốn núi rừng. Nếu người miền Trung tự...