Đặc sản Sóc Trăng hút hồn lữ khách
Ẩm thực Sóc Trăng mang những nét giao thoa tuyệt vời nền văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer tạo nên những nét đặc sắc không nơi nào khác có được.
Về Sóc Trăng, không chỉ được tham gia các lễ hội độc đáo như Ooc-om-Bok, đua ghe ngo, thăm các chùa chiền có lối kiến trúc đặc biệt, đi chợ nổi, thăm vườn cò… mà còn được thử các món ăn mang đậm dấu ấn của ba nền văn hóa Kinh – Hoa – Khmer.
Những đặc sản Sóc Trăng pha trộn tinh túy của thiên nhiên cùng cách chế biến và sử dụng nguyên liệu khác biệt sẽ khiến cho khách tới đây trải nghiệm hương vị có một không hai.
Bún nước lèo
Nghe cái tên bún nước lèo hẳn nhiều người không muốn thử ăn. Ấy là vì chỉ bún với nước lèo có gì mà ham. Tuy nhiên, nếu ông thử chắc chắn sẽ tiếc húi hụi khi nhìn hình ảnh của loại bún đặc biệt này.
Nước lèo hay nước dùng của bún này được nấu theo phương pháp riêng nên trong vắt, không hề có chút cặn nào. Nước lèo thơm vị cá lóc đồng, sả và nhiều loại gia vị khác.
Bún trước khi cho vào tô, được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… rồi chan ngập nước lèo. Bún này phục vụ cùng đĩa rau sống đủ loại: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống…
Bún nước lèo không chỉ có nước lèo mà còn rất nhiều thành phần ngon lành khác như tôm, cá, thịt heo quay… (Ảnh: Internet)
Để tròn vị hơn, bạn có thể vắt thêm chanh, cho ớt tươi vào tô bún và trộn đều. Cái hương thơm dịu của cá cùng với mặn mòi nước mắm làm tôn lên cảm giác nơi đầu lưỡi: ngọt tôm cá, giòn béo thịt quay và dịu dịu của nước lèo rất khác với bún bò Huế hay phở. Bún nước lèo trong veo là đặc trưng của riêng miệt vườn, của riêng Sóc Trăng.
Bún gỏi dà
Với xuất phát điểm là gỏi cuốn, bún gỏi dà được biến tấu dần dần và trở thành món khoái khẩu của người dân bản xứ. Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu chính như các thành phần trong món gỏi cuốn: bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay và thêm một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.
Bún gỏi dà có nguồn gốc từ món gỏi cuốn, được biến tấu một chút trở thành đặc sản Sóc Trăng (Ảnh: Internet)
Nước dùng cùa bún gỏi dà được ninh từ xương heo, chế thêm nước me chua nhẹ và tương hạt thơm. Nhìn tô bún với những con tôm đỏ au, thịt ba rọi ngon, giá đỗ, sườn non, chút rau xanh, đậu phộng rang và tương phía trên, cùng nước dùng xâm xấp, khó có ai làm ngơ được.
Bún gỏi dà – đặc sản Sóc Trăng – khi ăn phải cho thêm tương ớt, vắt miếng chanh vào mới đúng chuẩn. Từng miếng bún dai mềm hòa chung nước dùng ngọt thanh và các thành phần khác tạo nên món ăn ngon và hấp dẫn với cả những người khó tính nhất.
Video đang HOT
Bánh ống
Món ăn vặt này rất quen thuộc với người Khmer. Không chỉ là thứ quà khiến trẻ con mê mẩn, đó còn là bữa sáng và bữa nhẹ buổi chiều của người lớn. Bánh ống làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Bánh được hấp cách thủy trong ống tre hoặc ống nhôm nên gọi là bánh ống.
Bánh ống tròn tròn, dài dài, thơm nức mùi lá dứa, dừa nạo và muối vừng (Ảnh: Internet)
Hiếm có thứ bánh nào mà nhanh chín như bánh ống, chỉ khoảng 2 phút là xong mẻ bánh. Bánh có màu xanh mát của lá dứa, nhìn rất ngon mắt, lại được rắc lên trên dừa nạo và muối vừng càng hấp dẫn.
Bánh ống ăn ngay lúc còn nóng là ngon nhất. Bột gạo mịn, dẻo với mùi thơm dịu của lá dứa và beo béo dừa nạo, bùi bùi muối vừng cộng hưởng với nhau tạo thành bản nhạc mùi vị khó quên.
Đối với người Sóc Trăng dù đi đâu về đâu cũng luôn nhớ món ăn ngon lành, đơn giản này như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.
Bánh pía
Mang âm hưởng ẩm thực của người Triều Châu, bánh pía kết hợp với những nguyên liệu quen thuộc từ thiên nhiên miền Tây, tạo ra hương vị riêng và dần nổi tiếng, trở thành thương hiệu của Sóc Trăng.
Bánh pía mang âm hưởng ẩm thực của người Triều Châu kết hợp nguyên liệu quen thuộc từ thiên nhiên miền Tây (Ảnh: Internet)
Pía là âm đọc của người Triều Châu, có nghĩa là bánh. Lâu dần người ta coi đó là một cái tên cho loại bánh hình tròn, dẹt này. Bánh có vỏ làm từ bột mì và đường kính. Nhân thì đa dạng: sầu riêng, khoai môn, đậu xanh, với lòng đỏ trứng vịt muối, khoai, mứt các loại…
Bánh sau khi được nặn thành hình thì được đem nướng cho chín. Bánh pía hấp dẫn với màu vàng ươm, mùi sầu riêng ngây ngất. Tuy nhiên, nếu không chịu được mùi sầu riêng thì bánh pía không phải là món khoái khẩu. Ngược lại, lỡ mê hương vị loại quả đặc biệt này sẽ nhớ mãi bánh pía ngọt thơm, ít béo này. Đã đi qua Sóc Trăng, ai cũng mua về vài bịch bánh pía để làm quà là vì thế.
Cháo cá lóc rau đắng
Cái tên đã nói lên tất cả. Từ gạo, cá lóc và rau đắng, người dân nơi đây chế biến thành món ăn đặc trưng vùng miền mình.
Nồi cháo được ninh thật kĩ. Chọn con cá lóc đồng thật to, luộc chín, lột da tách thịt cá ra riêng đĩa. Hái thêm rổ rau đắng thật mỡ màng nữa là đủ vị.
Món cháo cá lóc rau đắng không hợp với tất cả mọi người mà chỉ dành cho người thích ngọt sau đắng (Ảnh: Internet)
Cháo vừa bắc trên bếp xuống múc ra tô, cho vào chút thịt cá lóc, gắp đũa rau đắng trộn chung, để đậm vị hơn thì cho thêm chanh, chút mắm rồi cứ thế múc ăn là ngon thấu trời.
Tuy nhiên, vị đắng của thứ rau miền Tây không thích hợp với nhiều người. Đa số, người thử lần đầu không thích món này vì cảm giác vị đắng lấn át hết các vị khác. Nhưng đối với người thích thì sau vị đắng đó là sự thăng hoa của rất nhiều yếu tố trong bát cháo.
Cái vị cá đồng thơm ngọt kết hợp với rau giòn giòn đắng đắng và vị nước mắm đậm đà, chua thanh của chanh cùng với cái nóng đang lan tỏa trong miệng của cháo dù đơn giản nhưng lại quyến rũ vô cùng.
Bún tiêu giò
Lại một lần nữa, món ăn mang hết nguyên liệu vào trong cái tên của mình. Món bún tiêu giò có các thành phần chính là bún, tiêu và giò heo. Nước lèo của bún tiêu ngoài vị ngọt của xương, của thịt thì đậm vị tiêu, cay nồng và nóng.
Bún tiêu giò nhìn có vẻ ngán, ăn lại cay nồng nhưng rất đáng để thử bởi khó nơi nào nấu ra thứ nước lèo sặc tiêu như thế này (Ảnh: Internet)
Thịt bắp bò được sơ chế rồi hầm chín sau đó thái thành lát mỏng vừa ăn. Đôi khi, nhiều người nấu còn cho thêm thịt vịt để tránh đơn điệu cho món bún.
Khi ăn, cho bún vào tô, thêm giá trụng, húng, kinh giới, hành tím, thịt bắp giò… vào rồi chan nước lèo lên là xong. Và như thói quen ăn uống của người miền Tây, người ăn có thể cho vào thêm chút ớt, chút chanh.
Chỉ thế thôi là người Sóc Trăng đã xong bữa sáng ấm bụng hay bữa chiều no dạ. Món bún tiêu giò ngon nhất khi thưởng thức những ngày trời mưa ngập trời xứ này. Khi ấy, cái nồng của tiêu không còn khó chịu mà khiến ta ấm áp hơn nhiều lắm.
Bánh cóng
Lại một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh cóng – đặc sản Sóc Trăng – hay còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại theo tiếng Khmer. Bánh cóng ngày nay phổ biến ra rất nhiều tỉnh khác thuộc miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Cần Thơ.
Bánh cóng là một trong những món ăn tiêu biểu nhất, đáng thử nhất Sóc Trăng nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung (Ảnh: Internet)
Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Bánh cóng nhìn cực kì đẹp mắt và hấp dẫn.
Từng chiếc vàng ruộm, lại nổi lên hình tôm đỏ. Ăn cùng với các loại rau thơm, rau sống như húng lủi, quế, xà lách, cải xanh… chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng… khiến người ăn khó mà ngán được.
Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn: béo mỡ, bùi đậu xanh, đậu nành, ngọt tôm, thơm thịt, đậm đà gia vị lại còn man mát cay cay hăng hăng các loại rau.
Thật không thiên vị chút nào khi nói bánh cóng là một trong những loại bánh ngon nhất đất Việt.
Theo Tapchiamthuc
Kẻng Mỏ - ngọn nguồn của sông Đà trên đất Việt
"Chúng hạ giai đông tẩu/ Đà giang độc bắc lưu" - Hai câu đề từ trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân có sức hút ghê gớm với lớp thanh niên chúng tôi bởi chinh phục sông Đà là khao khát, là mong ước. Và để tới được Kẻng Mỏ - nơi dòng sông hung dữ vào loại bậc nhất Đông Dương bắt vào đất Việt chẳng phải là một việc dễ dàng.
Mọi con đường tìm về thượng nguồn các dòng sông đều gian truân cả. Chẳng ngoa khi nói chặng đường 60km đi từ Mường Tè - Pắc Ma - ngã ba Nậm Lằn - Trạm biên phòng Kẻng Mỏ tới cột mốc 17 nơi dòng sông Đà bắt đầu chảy vào Việt Nam là gian khổ bậc nhất.
Và trước khi đến được Mường Tè, con đường chinh phục vẫn còn nhiều lắm những gian nan. Đầu tiên bạn phải vượt qua quãng đường 100km từ Lai Châu xuống hoặc từ Điện Biên lên tới ngã ba Mường Lay. Đây là nơi sông Đà gặp dòng Nậm Na, nơi gắn liền với những câu chuyện vừa hư vừa thực về vị vua Thái tên Đèo Văn Long. Đứng trên nền xưa dấu cũ của ngôi biệt thự xa hoa bậc nhất xứ Mường mà giờ chỉ còn là hoang phế, nhìn về phía ngã ba sông là một khoảng trời bình yên níu chân lữ khách. Rồi từ đây, cứ men theo sông mà đi tiếp 140km trên tỉnh lộ 127 là tới Mường Tè. Dọc con đường "đèo cao mây vờn" đẹp như tiên cảnh ấy, lữ khách đường xa cần phải hết sức cẩn trọng bởi một bên là vách đá dựng đứng, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm với con sông Đà đỏ ngầu gầm lên đầy hung dữ, có những đoạn sông vách đá hai bên bờ đã bị bào mòn trơn nhẵn tạo nên những hình thù vô cùng kỳ thú.
Từ trung tâm huyện Mường Tè đi tiếp 40km qua Pắc Ma là tới ngã ba Nậm Lằn, rồi đi thêm 20km cuối là tới trạm biên phòng Kẻng Mỏ. Chỉ 20km thôi nhưng cũng đủ khiến bạn phải nhọc công vật lộn với con đường mà cũng chẳng phải là đường. Sau suốt 3 tiếng gầm gừ vờn bắt, ăn miếng trả miếng nhau trên từng khúc cua, lữ khách cũng tới được trạm Kẻng Mỏ.
Trạm nằm ngay cạnh chiếc cầu treo bắc qua sông đầu tiên trên đất Việt. Mốc 17, nơi sông Đà nhập tịch Việt Nam, nằm sâu trong rừng bởi vậy còn phải qua cầu, đi thêm 5-6km nữa mới tới nơi. Từ biên giới Việt - Trung, điểm đầu tiên sông Đà đổ vào nước ta là núi Ma Su trên độ cao 1.500m (thuộc xã Mù Cả). Cách đây vài năm, phương tiện duy nhất để những người lính quân hàm xanh tuần tra cột mốc là xuồng, vì chưa có đường vào rừng. Xuồng qua những ghềnh đá dữ dội ấy thì âu cũng chẳng khác người lái đò sông Đà năm xưa nắm lấy bờm sóng mà đi.
Giờ đây với các công trình thủy điện ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam độ hiểm dữ của con sông đã chìm vào những lòng hồ sâu thẳm nhưng dọc hai bên bờ những huyền tích vẫn còn như vang vọng mãi. Nơi cột mốc 17, ngắm nhìn dòng sông đang ầm ào cuộn chảy mà lòng chúng tôi không khỏi rộn lên niềm tự hào dành cho những người lính gắn mình với dòng sông này để canh giữ những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, điều mà chẳng có dòng sông hung dữ nào có thể cản được.
Tuấn Linh
Theo ANTD
Sợ hãi vì người yêu ghen cuồng Khi nhìn thấy cậu bạn thân chở tôi, anh vội chặn xe chúng tôi lại và tát bạn tôi tới tấp. Tôi quen anh trong một lần cùng cô bạn thân đi xăm hình. Anh là chủ quán, cũng là người xăm hình cho tôi ngày hôm ấy. Vẻ dí dỏm trong cách kể chuyện, cộng thêm chút cá tính với những hình...