Đặc sản ẩm thực Tây Bắc: Nộm hoa ban, mùa này ăn rồi xuýt xoa
Nộm hoa ban là đặc sản ẩm thực Tây Bắc. Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ vào cuối tháng 2 âm lịch đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc nói chung và đồng bào dân tộc Thái Sơn La nói riêng lại lên rừng hái những nhành hoa ban trắng, mang về chế biến thành những món ăn đặc sản hấp dẫn. Trong đó, phải kể đến món nộm hoa ban được rất nhiều thực khách ưa thích.
Hoa ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, chỉ khoe sắc khi hoa mận, hoa đào đã phai dần trên các triền đồi. Hoa ban nở rộ khắp các bản vùng cao cũng là lúc đồng bào dân tộc Thái tranh thủ đi nương hái về hái đầy “ếp” (gọi là giỏ) để chế biến thành các món ngon cho gia đình, hoặc đem ra chợ bán.
Hoa ban được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau, như: hoa ban xào, hoa ban nấu canh, hoa ban đồ xôi, làm nộm hoa ban với măng đắng…Tùy theo sở thích của mỗi người để chế biến hoa ban cho hợp khẩu vị.
Vào tháng 2 âm lịch hoa ban đua nở khắp các triền đồi, dọc theo quốc lộ 6 thuộc TP. Sơn La cũng dễ dàng nhìn thấy những nhành hoa bán trắng tinh khôi bung nở.
Là người thường lên rừng hái hoa ban về bán ở các chợ cóc phường Chiềng Cơi, TP.Sơn La, chị Đinh Thị Nhu chia sẻ: “Cứ đến mùa hoa ban bung nở, tôi lại mang ếp lên rừng hái về bán kiếm thêm thu nhập. Sau khi hái về, tôi chia hoa ban thành những túm nhỏ đựng trong túi nilon bán với giá 10.000 đồng/túi. Hoa ban được nhiều người ưa thích, bởi các món ăn chế biến từ hoa ban đều có mùi vị đặc trưng riêng biệt”.
Đồng báo Thái chuẩn bị chế biến món hoa ban nộm.
Trong các món ăn được chế biến từ hoa ban, phải kể đến món nộm hoa ban. Nộm hoa ban là món ăn thanh mát, có hương vị đậm đà, chế biến nhanh không cần cầu kỳ, chính vì vậy được rất nhiều gia đình ưa thích.
Chị Hà Thị Hiến sinh sống ở bản Chậu, phường Chiềng Cơi (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La), cho biết: “Để làm món nộm hoa ban, nguyên liệu phải có hoa ban, măng đắng, rau thối, lạc, cá suối… Cách làm nộm hoa ban như sau: Luộc hoa ban chín để nguội, trộn tương, giềng và các gia vị như muối, ớt, tỏi, rau mùi tàu, rau húng, rau mùi, bột hạt mắc khén, thịt cá nướng xé nhỏ; trộn nhẹ nhàng đều tay, đợi khoảng 15 – 20 phút cho ngấm là có thể bày ra đĩa thưởng thức”.
Video đang HOT
Đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La thường lên rừng hái hoa ban về chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Trong đó phải kể đến món nộm hoa ban.
Theo chị Hiến, mặc dù món nộm hoa ban chế biến đơn giản nhưng người chế biến phải khéo làm mới ngon. Khi nộm hoa ban phải có nhiều loại rau trộn với nhau thì mới tạo ra hương vị đặc trưng riêng biệt. Có nhiều người chế biến nộm hoa ban chỉ biết luộc hoa ban và cho muối, mì chính, ớt trộn đều sau đó bày ra đĩa thưởng thức. Với cách làm nộm hoa ban như vậy sẽ không tạo ra được mùi thơm, khi ăn sẽ mất ngon”.
Chế biến món hoa ban nộm phải có đủ gia vị như: Lạc, măng đắng, rau thối, cái suối…
Ớt, tỏi, mác khén… là các gia vị cần phải có trong chế biến món nộm hoa ban.
Các món ăn chế biến từ hoa ban được bà con đồng bào Thái rất ưa chuộng và truyền từ đời này qua đời khác. Bây giờ, các món ăn từ hoa ban còn được đưa vào thực đơn các nhà hàng phục vụ du khách. Các món ăn chế biến từ hoa ban chính là đặc sản ẩm thực Tây Bắc mà không có nơi nào có.
Anh Nguyễn Đức Minh, du khách đến từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Tại sao tôi chọn mùa hoa ban nở mới đưa gia đình đến Sơn La du lịch?, Vì tôi muốn cho vợ con được thưởng thức món ăn từ hoa ban dân dã này. Nói thật ở dưới Hà Nội muốn ăn món nộm hoa ban làm theo cách của người Thái khó lắm”. Anh Minh cũng cười đùa nói: “Có tiền mua nhưng không có chỗ bán nộm hoa ban nên phải lên Sơn La ăn thôi”.
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị chua, cay, mặn, đắng, ngọt, bùi, kích thích vị giác.
Đến với vùng cao Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng trong tháng 2 âm lịch, bên cạnh việc thoả thích ngắm hoa ban khoe sắc khắp núi đồi, du khách đừng quên thưởng thức các món ăn chế biến từ hoa ban, những món ăn dân dã mang đậm hương vị của núi rừng, là đặc sản ẩm thực Tây Bắc nổi tiếng…
Theo Danviet
Độc đáo với những món ăn được chế biến từ... hoa
Ẩm thực Việt xưa nay vốn phong phú, mỗi vùng miền lại có một đặc trưng riêng, một cách chế biến riêng, khiến cho những người say mê tìm hiểu đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chỉ tính riêng món ăn được chế biến từ hoa thôi đã phong phú lắm rồi.
1. Người Hà Nội không ai là không biết đến hoa thiên lý và những món ăn chế biến từ loài hoa này. Hoa thiên lý ngọt, mát thường được xào thịt bò, hoặc xào tim, cật. Xưa, khi Hà Nội đất rộng người thưa, những ngôi nhà ven đô thường có riêng hẳn một giàn thiên lý, đến mùa hoa sai thì cứ thế hái vào mà chế biến. Thứ hoa này đương nhiên không được bán ngoài chợ. Khi đất đai co hẹp lại, người thì cứ tăng lên theo cấp số nhân thì hoa thiên lý lại được bán đầy ngoài chợ, thích ăn lúc nào cũng có.
Không chỉ có xào, hoa thiên lý còn được nấu canh. Vị của hoa thanh nên các đồ nấu cùng cũng phải thanh. Không nhiều người nấu nó với thịt băm, bởi đơn giản như thế là vẫn mỡ mà phải nấu với giò sống thả. Như thế mới đảm bảo độ trong nhất của canh.
2. Loại hoa chế biến được nhiều món nhất là hoa chuối. Những búp hoa chuối tây sau khi đã "hoàn thành sứ mệnh" với việc đậu đến dăm bảy nải chuối con thì người ta thường vặt đi để cây lấy sức nuôi quả. Hoa chuối sau khi bóc vài lớp áo phía ngoài còn lại bên trong một lớp non mỡ thì lúc ấy mới thái thật mỏng, từng lớp, từng lớp, rồi ngâm vào nước muối nhạt, hoặc nước có pha vài thìa dấm cho khỏi thâm. Những lát hoa được thái mỏng đó có thể trộn với rau muống chẻ ăn kèm riêu cua, hoặc có thể làm nộm.
Nộm hoa chuối có nhiều cách làm, nhưng thông dụng nhất vẫn là trộn với tai lợn luộc. Hoa chuối sau khi thái nhỏ, ngâm nước muối loãng, rửa sạch rồi vớt ra để ráo. Tai lợn luộc chín, ngâm nước đá cho đạt độ giòn nhất có thể, sau đó thái thật mỏng. Cùng với đó là tỏi đập dập, băm nhỏ, rau thơm, cà rốt bào sợi, tất cả trộn cùng với nước mắm chua ngọt và lạc giã dập. Hoa chuối cũng có thể thả vào lẩu riêu cua cùng với rau diếp, rau mùi, tía tô, kinh giới.
3. Những tưởng rau bí ăn đã ngon rồi, nhưng hoa bí còn ngon hơn. Tương tự hoa chuối, những bông hoa bí vàng ươm còn làm được rất nhiều món ngon. Rau bí sơ chế hơi phức tạp, hoa bí cũng tương tự, tức là muốn đem ra mà xào, mà nấu thì phải tước hết lớp sơ phía ngoài, chỉ giữ lại cọng non mỡ bên trong. Rau bí đực từng bông sau khi rửa sạch thì đem xào tỏi, phức tạp hơn thì là tẩm bột chiên giòn, tương tự như món tempura của Nhật Bản. Cũng có khi nhồi giò sống vào bên trong bông hoa rồi nấu canh, hoặc xào cùng ngao, cùng hến...
Ngoài hoa bí ra còn có hoa mướp. Cụ thể là hoa mướp đực, vì để trên giàn nhiều quá cũng chẳng có tác dụng gì, thế là hái. Hoa mướp xào tỏi rất thơm và ngon. Hoặc nấu canh cua mà thả vài cái hoa mướp vào thì chỉ nhìn thôi đã thấy hấp dẫn lắm rồi.
4. Món ăn trứ danh nhất đất Tây Bắc mỗi dịp xuân về là hoa ban. Mùa này hoa ban thi nhau nở trắng rừng. Người Tây Bắc hái hoa, đem ra chợ bán như một thứ rau sạch. Để chế biến những món ăn từ hoa ban trước tiên phải nhặt cánh và nhụy riêng, chần nước nóng, sau đó mới nấu hay xào thì tùy. Hoa ban hay được đem đồ với xôi, người Thái gọi là ban đồ. Ban đồ khi ăn được chấm kèm với chẩm chéo. Hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp thơm đó là món ăn ai cũng muốn thử.
Nộm hoa ban không giống nộm vùng miền khác, thường có lạc, chanh và vị chua. Gia vị trộn nộm hoa ban chuẩn nhất thiết phải là loại tương ủ lên men của dân tộc Thái và giềng giã nhỏ.
5. Về miền Tây mùa nước nổi, món ăn đặc sắc nhất là canh chua nấu với đủ các loại hoa. Dân miền Tây có câu ca thế này: "Miền Tây nước lũ tràn đồng/Canh chua bông súng nấu xong chờ chàng". Nhụy bông súng màu vàng, cả hoa và nhụy đều có thể ăn được, nhưng người ta chỉ ăn phần cuống. Bông súng tước vỏ, cắt khúc hai đốt ngón tay, làm rau sống cho món lẩu mắm. Hoặc trộn gỏi với rau bồn bồn, thịt ba dọi và tôm bóc nõn, hoặc nấu canh chua với cá đồng, hoặc cũng có thể ngâm giấm làm dưa...
Ở đồng bằng sông Cửu Long, mùa nước nổi cũng là mùa của những bông điên điển nở rộ. Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm bông điên điển... Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua bông điên điển nấu cá linh. Công thức nấu canh chua thế nào, xưa nay vẫn thế, nhưng khi cho thêm bông điên điển vào thì tạo nên một mùi vị vô cùng hấp dẫn.
Người miền Tây còn có món mắm cá linh muối ăn kèm bông điên điển. Mắm cá linh muốn ngon nhất định phải ăn kèm với bông điên điển và các loại cá tươi vừa mới bắt lên. Như vậy mới có thể cảm nhận được hết hương vị giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn. Về miền Tây, thực khách không khỏi thích thú khi thưởng thức một bữa lẩu mắm với đủ các loại rau hoa. Một chút rau đắng màu xanh mát, một chút hoa điên điển vàng tươi, ít bông súng tím sẫm, bông hẹ trắng, dăm trái ớt cả xanh lẫn đỏ, rau bồn bồn... Chỉ là món ăn thôi mà đẹp như một bức tranh.
Theo Anninhthudo
Cơm lam đặc sản văn hóa vùng Tây Bắc Cơm lam- món ăn đặc trưng của các tỉnh miền núi phía Bắc đã trở nên ngày càng quen thuộc với không những khách du lịch khắp mọi miền Tổ quốc mà còn gây được ấn tượng mạnh mẽ với du khách nước ngoài tới thăm nơi đây. Nó không chỉ đơn thuần một món ăn, mà còn gói ghém trong đó cả...