Đặc nhiệm Mỹ bị điều tra vì dẫn người ủng hộ Trump đến Washington
Lục quân Mỹ điều tra một đặc nhiệm do nghi sĩ quan này dẫn người ủng hộ Trump tới dự mít tinh trước vụ bạo động ở tòa quốc hội.
Đại úy Emily Rainey, 30 tuổi, được cho là đã dẫn 100 người thuộc nhóm Công dân hạt Moore vì Tự do đến dự mít tinh ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington hôm 6/1. Trang Facebook của nhóm cho biết họ là “nhóm phi đảng phái của công dân hạt Moore chuyên thúc đẩy các giá trị bảo thủ” tại địa phương.
Rainey nói rằng nhóm của cô không vi phạm pháp luật và bản thân là “một công dân làm đúng mọi thứ trong quyền hạn”. Rainey nói “không biết bất cứ ai xâm nhập tòa nhà quốc hội Mỹ” và nhóm của cô “đã quay lại xe buýt vài giờ trước khi lệnh giới nghiêm khẩn cấp có hiệu lực” tại thủ đô Washington.
Cuộc mít tinh ngày 6/1 nhanh chóng trở thành bạo động khi những người ủng hộ hưởng ứng lời kêu gọi của Trump, tuần hành tới Đồi Capitol trong lúc các nghị sĩ họp chứng nhận kết quả bầu cử đại cử tri đoàn.
Đoàn biểu tình sau đó tràn vào tòa nhà quốc hội, tấn công cảnh sát, truy lùng các nghị sĩ và phá hoại nhiều tài sản. Ít nhất 5 người thiệt mạng trong vụ bạo loạn, bao gồm một sĩ quan cảnh sát quốc hội Mỹ, hàng chục người bị thương.
Đại úy Emily Rainey. Ảnh: Instagram, US Army .
Thiếu tướng Daniel Lessard, phát ngôn viên của lục quân Mỹ, cho biết đang điều tra Rainey để “xác định sự thật” về vai trò của sĩ quan này trong các sự kiện tuần trước. Rainey là sĩ quan tâm lý chiến thuộc Nhóm Tâm lý chiến số 4, đóng quân tại căn cứ Fort Bragg ở bang Bắc Carolina.
Đơn vị này là một trong hai nhóm tâm lý chiến thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm số 1 (Lính dù), có nhiệm vụ tuyên truyền và áp dụng chiến thuật tâm lý nhằm tác động đến cảm xúc hoặc gây hoang mang cho đối phương.
CBS ngày 11/1 đưa tin Rainey đã từ chức “sau khi nhận thư cảnh cáo kết thúc sự nghiệp vì hành vi tại cuộc mít tinh ở khu vực Fort Bragg trước đó”. Rainey vẫn là sĩ quan tại ngũ vào thời điểm tham gia cuộc biểu tình ở thủ đô Washington hồi tuần trước.
Tướng Lessard cho biết Rainey đã nộp hồ sơ từ chức vào tháng 9/2020, song phải nộp lại sau đó một tháng do các vấn đề giấy tờ. Tướng Lessard cho biết đại úy Rainey dự kiến giải ngũ vào tháng 4.
Một quan chức lục quân Mỹ cho biết nếu nhận được bất cứ bằng chứng nào cho thấy binh sĩ tại căn cứ Fort Bragg tham gia vào “những việc làm trái pháp luật hoặc vi phạm quy định của lục quân Mỹ”, họ sẽ mở các cuộc điều tra khác. Tuy nhiên, lục quân Mỹ chưa nhận được các bằng chứng về binh sĩ liên quan đến vụ bạo loạn tuần trước.
Hơn 4 giờ hỗn loạn ở quốc hội Mỹ. Video: CNN .
Rainey bị chú ý từ tháng 5/2020, khi bị buộc tội phá hoại tài sản cá nhân do xé băng rôn cảnh báo tại một sân bóng bị đóng cửa theo quy định hạn chế nhằm ngăn nCoV lây lan. Rainey sau đó bị cấm đến các công viên tại Southern Pines, Bắc Carilina, do hành vi phá hoại tài sản cá nhân nói trên.
Rainey cho biết được nghỉ vào tuần trước và “đã thông báo với chỉ huy” về việc tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Washington. “Chúng tôi tin rằng công lý sẽ chiến thắng để chứng minh sự vô tội của chúng tôi”, Rainey nói.
Các quan chức quân đội Mỹ cho biết Cục Điều tra Liên bang (FBI) ngày 1/11 mở 25 cuộc điều tra khủng bố trong nước sau vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ. Truyền thông Mỹ đưa tin một số binh sĩ Mỹ tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ Trump hôm 6/1, song chưa rõ liệu họ có nằm trong số 25 người đang bị cơ quan này điều tra hay không.
Trận lính Anh thiêu rụi Đồi Capitol năm 1814
Vụ bạo loạn do người ủng hộ Trump gây ra hôm 6/1 không phải là lần đầu tiên Đồi Capitol thất thủ. Quân Anh từng tấn công, phá hủy nhà quốc hội Mỹ 200 năm trước.
Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump ngày 6/1 xông vào tấn công tòa nhà quốc hội, khiến ít nhất 5 người chết, trong đó có một cảnh sát. Đây được coi là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất ở Đồi Capitol kể từ sau lần quân đội Anh vượt sông Patuxent để tiến vào thủ đô Washington và thiêu rụi một số tòa nhà chính phủ, trong đó có Đồi Capitol, năm 1814.
Đầu thế kỷ 19, xung đột giữa Anh và Mỹ bùng phát sau khi London áp dụng các chính sách cản trở hoạt động thương mại của Washington như quấy rối tàu hàng trên biển và thậm chí ép thủy thủ Mỹ phục vụ trong hải quân Anh. Chính phủ Anh cũng hỗ trợ các bộ lạc thổ dân chống lại sự mở rộng lãnh thổ của Mỹ về phía tây.
Tranh vẽ cảnh quân Anh đốt cháy các công trình tại thành phố Washington năm 1814. Ảnh: Wikipedia .
Sau khi đắc cử tổng thống Mỹ năm 1808, James Madison yêu cầu quốc hội chuẩn bị chiến tranh với Anh. Ngày 18/6/1812, Mỹ tuyên chiến và tấn công Canada, khi đó vẫn là thuộc địa của Anh. Dù quân Mỹ bị đánh bật trở lại, giao tranh vẫn tiếp diễn trong hơn hai năm tiếp theo.
Ngày 24/8/1814, quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng Robert Ross tiến vào thành phố Washington, nay là thủ đô Washington, sau khi đánh bại quân Mỹ trong trận Bladensburg. Lực lượng phòng thủ của Mỹ ở Washington chỉ gồm 6.000-9.000 dân quân được huấn luyện sơ sài, cùng vài trăm binh sĩ chính quy dưới sự chỉ huy của tướng William Winder.
Lực lượng phòng thủ Washington nhanh chóng bị đánh bại do phạm nhiều sai lầm chiến thuật cũng như sự thiện chiến của quân Anh. Thương vong của hai bên trong cuộc chiến này tương đối nhỏ, nhưng quân Mỹ tháo chạy trong hỗn loạn khiến Washington thất thủ. Chuẩn đô đốc George Cockburn sau đó ra lệnh cho khoảng 4.000 quân Anh tiến vào thành phố.
Khi áp sát thành phố, tướng Ross lệnh cho binh sĩ Anh đánh trống để ra hiệu cho chỉ huy quân Mỹ thảo luận về điều khoản đầu hàng hoặc đình chiến, nhưng không được hồi đáp. Ông và chuẩn đô đốc Cockburn không có ý định san bằng thành phố Washington. Tuy nhiên, họ quyết định đốt những tòa nhà chính phủ để thể hiện bất bình với các lãnh đạo Mỹ sau khi nhiều sĩ quan Anh bị trúng đạn bắn tỉa.
Quân Anh đốt tổng cộng 10 tòa nhà chính phủ gồm Bộ Chiến tranh, Bộ Tài Chính, Tòa nhà Hành pháp (Nhà Trắng ngày nay) và Đồi Capitol. Năm 1817, Tòa nhà Hành pháp được sơn màu trắng để che những vết cháy xém do ngọn lửa để lại.
Thời điểm đó, Đồi Capitol vẫn đang được xây dựng nhưng quân đội Anh đã tìm đủ vật liệu và thuốc súng để phóng hỏa nội thất bên trong tòa nhà. Thư viện quốc hội Mỹ với khoảng 3.000 cuốn sách bùng phát thành ngọn lửa lớn, lan nhanh sang phòng họp Thượng viện.
Phần lớn tòa nhà quốc hội Mỹ được xây bằng vật liệu không bắt lửa như sắt, đá cẩm thạch và sa thạch, nhưng sức nóng của ngọn lửa quá lớn đã làm tan chảy cửa sổ trần bằng kính, phá hủy các tác phẩm điêu khắc và gây hư hại nặng cho phần lớn kiến trúc. Lửa lan nhanh và dữ dội đến mức quân Anh phải rút lui, bỏ qua một số khu vực của tòa nhà.
Ngày 25/8/1814, một cơn giông trút mưa xuống thành phố Washington, giúp dập tắt đám cháy nhưng vẫn gây thiệt hại hàng trăm nghìn USD. Một số kiến trúc bằng đá sa thạch sót lại sau vụ hỏa hoạn vẫn tồn tại ở Đồi Capitol ngày nay.
Tranh vẽ tòa nhà quốc hội Mỹ sau khi bị quân Anh đốt phá. Ảnh: Wikipedia .
Ngày 24/12/1814, đại diện Anh và Mỹ ký Hiệp ước Ghent tại thành phố cùng tên thuộc Vương quốc Hà Lan, ngày nay thuộc Bỉ. Thỏa thuận này khôi phục lại nguyên trạng trước chiến tranh, hai nước cũng trao trả những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong giao tranh.
Tin tức về thỏa thuận được chuyển đến các lực lượng Mỹ dưới sự chỉ huy của tổng thống tương lai Andrew Jackson ngay trước khi họ giành chiến thắng trong trận New Orleans ngày 12/2/1815. Chính phủ Mỹ đến tháng 2 năm đó mới phê chuẩn hiệp ước.
Quá trình xây dựng lại Đồi Capitol bắt đầu cuối năm 1815 và kéo dài đến năm 1826. Tòa nhà quốc hội được mở rộng thêm vào năm 1850, trong khi phần mái được bổ sung 5 năm sau đó.
Năm 1958, Đồi Capitol tiếp tục được mở rộng một lần nữa và trở thành biểu tượng cho nền dân chủ "bất khả xâm phạm" của Mỹ, cho đến khi bị đám đông biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xâm nhập.
Hạ viện Mỹ công bố điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump Phe Dân chủ tại Hạ viện đề xuất xem xét bãi nhiệm Trump với lý do "kích động bạo loạn" trong vụ người biểu tình xông vào Đồi Capitol. Nghị quyết được các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ công bố ngày 11/1 đề cập vai trò của Tổng thống Donald Trump trong vụ bạo loạn tại tòa nhà quốc hội...