Đã thẩm định Công nghệ giáo dục, Bộ cần chấm dứt thí điểm tràn lan
Trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 40 năm triển khai, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mới được thẩm định.
Báo điện tử Vietnam Plus ngày 13/9/2019 đưa tin, “bộ sách giáo khoa” công nghệ giáo dục dành cho lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một.
Theo đó, sách công nghệ giáo dục cũng sẽ bị dừng triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Trong khi hội đồng thẩm định cho rằng việc sửa chữa (nếu có) cũng phải mất một năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại, thì Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định bộ sách của ông đã hoàn thiện và ông sẽ không sửa chữa gì thêm.
Điều đó đồng nghĩa với việc sách công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn. [1]
930 ngàn học sinh học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vì VNEN
Báo Công an Nhân dân ngày 15/9/2019 đưa tin, chia sẻ với báo chí ngay sau khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị “trượt” khỏi vòng thẩm định, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi: “15 người trong hội đồng hơn hay 930.000 học sinh đang học sách Công nghệ Giáo dục hơn”? [2]
Năm học 2019-2020 có khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục. Trong suốt 40 năm qua, hàng triệu học sinh học chương trình này. Vậy bên nào có tiếng nói trọng lượng hơn?Ngày 14/9/2019, tác giả Quyên Quyên / Báo điện tử Zing.vn phỏng vấn Phó giáo sư – Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu về việc này. Thầy Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề:
Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu được Zing.vn dẫn lời chia sẻ: “Tôi là người làm khoa học nên tin vào khoa học thực chứng” [3]. Tuy nhiên, tiếc rằng thầy Nguyễn Lân Hiếu không đưa ra được số liệu nào cho thấy khoảng 930.000 học sinh lớp 1 học tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là tự nguyện hay bị ép buộc.
Cho nên lấy 930 ngàn học sinh ra để “so” với 15 thành viên hội đồng thẩm định xem bên nào có tiếng nói trọng lượng hơn, e có phần khiên cưỡng và không phản ánh bản chất vấn đề.
Còn trên thực tế, sở dĩ có khoảng 930 ngàn học sinh lớp 1 học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, là vì tài liệu này được chèn vào Dự án Mô hình trường học mới (VNEN) tạo thành một đường dây bán sách khép kín từ các lớp về 1 doanh nghiệp mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại có cổ phần sáng lập, chúng tôi đã có nhiều bài viết phản ánh, thí dụ:
“Học mẫu giáo đã phải đăng ký mua sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại” ngày 24/10/2016; “Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa” đăng ngày 2/9/2018;
“Về “âm mưu tấn công” thầy Hồ Ngọc Đại” đăng ngày 14/9/2018; “Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách?” đăng ngày 16/10/2018;…
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn
Ở đây chúng tôi xin không bàn về góc độ khoa học hay chuyên môn, đó là công việc của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Chúng tôi chỉ xin dẫn lại một vài thông tin ngõ hầu giúp quý bạn đọc tìm hiểu xem vì sao chưa được thẩm định, nhưng Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục lại có tới gần 930 ngàn học sinh đang học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất cầu thị
Ngày 28/12/2015, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết về công nghệ Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại:
“Giáo sư Hồ Ngọc Đại tặng tôi công trình đó. Đây là công trình có tác dụng tốt, đặc biệt tác dụng với các vùng dân tộc ít người. Trước đây nhiều học sinh đi học về lại mù chữ, nhưng khi dùng chương trình của Giáo sư Hồ Ngọc Đại thì giải quyết triệt để vấn đề ấy.
Công nghệ này kết hợp tốt với VNEN, vì khi áp dụng VNEN thì ở lớp 2 các cháu phải biết đọc tròn vành rõ chữ rồi, phải dùng công nghệ này thì các cháu mới không tái mù.” [4]
Video đang HOT
Nhưng ông xác nhận Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tặng mình (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công trình này, vậy tại sao việc xuất bản và kinh doanh độc quyền, khép kín tài liệu này và các tài liệu đi kèm lại thuộc về 1 công ty tư nhân mà thầy Hồ Ngọc Đại có cổ phần?Khi đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận không đưa ra thông tin, số liệu nào để khẳng định hiệu quả của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Ngày 16/11/2016, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đã hỏi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ:
Đề nghị Bộ trưởng cho biết những cuốn sách công nghệ giáo dục được đưa vào giảng dạy ở trường tiểu học từ trước khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông có được Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và kiến nghị Bộ trưởng cho sử dụng hay không?
Nếu có thì Hội đồng thẩm định đã thẩm định khi nào và Hội đồng gồm những ai?
Nếu không thì tại sao một bộ sách gây nhiều tranh cãi vẫn ung dung vào trường học, từ 16 tỉnh với 50 nghìn học sinh nay lên đến 48 tỉnh.
Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?
Nếu cho rằng sách này được đưa vào triển khai theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì tại sao chưa có chương trình mới mà đã có sách giáo khoa mới? [5]
Gần 1 năm sau, ngày 23/10/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có văn bản trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về kết quả thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. [6]
Cần chấm dứt các hoạt động thí điểm triền miên trong giáo dục
Nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới căn bản, toàn diện trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điều hành, theo chúng tôi rất đáng được trân trọng và ghi nhận.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong một cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.
Riêng trong lĩnh vực chương trình – sách giáo khoa, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã “thai nghén” từ năm 2011, đến năm 2014 Quốc hội ra Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 duyệt chủ trương 1 chương trình nhiều sách giáo khoa cũng như kinh phí, nhưng mọi việc gần như vẫn cứ dậm chân tại chỗ.
Cho đến khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp quản công việc, chuyện đổi mới chương trình – sách giáo khoa mới được thúc đẩy quyết liệt, để cuối cùng ban hành được Chương trình giáo dục phổ thông mới và triển khai biên soạn sách giáo khoa.
Cũng trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 40 năm triển khai, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại mới được thẩm định theo đúng quy định của Luật Giáo dục, thẩm định 2 lần theo cả chương trình cũ lẫn chương trình mới.
Có thể nói đây là một việc không đơn giản, bởi áp lực từ dư luận lên Bộ Giáo dục và Đào tạo là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, nếu đã kêu gọi thượng tôn pháp luật, đã kêu gọi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định tài liệu này như chính Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu đã từng chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ [7], thì khi có kết quả, thiết nghĩ nên tôn trọng ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia.
Trước hết thầy Nguyễn Lân Hiếu, thầy Hồ Ngọc Đại cần đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh sự “thành công và được xã hội đánh giá cao” của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục nói riêng, các tài liệu khác của Công nghệ giáo dục nói chung.Còn ý kiến “tại sao mô hình đã thu được những thành công và được xã hội đánh giá cao nhưng lại chưa được đánh giá cao và nhân rộng?” mà Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thiết nghĩ:
Thứ đến, cần công bố các thông tin liên quan đến đường dây bán sách công nghệ giáo dục độc quyền và khép kín từ các lớp đến các trường, lên phòng giáo dục, sở giáo dục rồi về Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục cũng như những ai đã, đang hưởng lợi từ việc bán sách độc quyền của công ty này.
Nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm đã ưu ái, tạo điều kiện cho Giáo sư Hồ Ngọc Đại thực nghiệm, thí điểm và nhân rộng tài liệu này, thiết nghĩ đã đến lúc Giáo sư cần chứng minh hiệu quả của nó bằng các dữ liệu khoa học, thuyết phục và có thể kiểm chứng.
Còn về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong thực hiện chính sách, pháp luật về chương trình – sách giáo khoa, Bộ cũng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm về các mô hình “thí điểm”, các dự án liên quan đến đổi mới giáo dục.
Nếu thấy các quy định của pháp luật về giáo dục, về chương trình sách giáo khoa còn bất cập, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tham mưu và xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội các phương án sửa đổi, chứ không thể “lách luật” như cách Giáo sư Hồ Ngọc Đại mô tả về Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giúp thầy Đại triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục khi ông Luận còn đương chức.
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.vietnamplus.vn/nam-hoc-20202021-se-dung-chuong-trinh-cong-nghe-giao-duc-lop-1/595064.vnp
[2]//cand.com.vn/giao-duc/Tham-dinh-SGK-moi-Co-can-them-kenh-lay-y-kien-giao-vien-561653/
[3]//news.zing.vn/ai-chiu-trach-nhiem-khi-loai-sach-giao-khoa-cua-gs-ho-ngoc-dai-post989706.html
[4]//tuoitre.vn/bo-truong-bo-gddt-noi-vnen-lam-thay-doi-ca-thay-va-tro-1028893.html
[5]//giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dai-bieu-hoi-ve-sach-cong-nghe-giao-duc-Bo-truong-noi-tra-loi-bang-van-ban-post172500.gd
//www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4359
[6]//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ket-qua-tham-dinh-tieng-viet-1-cong-nghe-giao-duc-cua-giao-su-ho-ngoc-dai-post180857.gd
[7]//news.zing.vn/pgs-nguyen-lan-hieu-co-loi-ich-nhom-sau-tranh-luan-ve-gs-ho-ngoc-dai-post875574.html
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net
Năm học 2020-2021 sẽ dừng chương trình công nghệ giáo dục lớp 1
Theo Giáo sư Trần Đình Sử, sách giáo khoa lớp 1 của giáo sư Đại có 3 tập thì giáo sư in y như vậy, rồi viết thêm một quyển thứ 4 là Tự học, tạo thành một bộ sách vá víu, cũ, không đáp ứng yêu cầu.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnamplus)
Bộ sách giáo khoa công nghệ giáo dục dành cho lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một. Theo đó, sách công nghệ giáo dục cũng sẽ bị dừng triển khai ở lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Trong khi hội đồng thẩm định cho rằng việc sửa chữa (nếu có) cũng phải mất một năm, sau đó có thể tiếp tục thẩm định lại, thì giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định bộ sách của ông đã hoàn thiện và ông sẽ không sửa chữa gì thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc sách công nghệ giáo dục có thể sẽ bị dừng hẳn.
Vừa thiếu, vừa quá tải so với chương trình mới?
Chia sẻ thông tin với báo chí, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết, việc thẩm định sách giáo khoa có ba mức kết quả: đạt, chưa đạt và không đạt. Các sách chưa đạt sẽ có một tháng để tác giả, nhà xuất bản sửa chữa, sau đó hội đồng sẽ thẩm định vòng hai. Sách giáo khoa không đạt vẫn có cơ hội được thẩm định lại từ đầu, sau khi tác giả, nhà xuất bản sửa chữa theo yêu cầu của chương trình mới.
Hiện Hội đồng đã thẩm định xong vòng một và đang thẩm định vòng hai với một số bản thảo sách giáo khoa. Trong số các bản thảo sách giáo khoa không đạt có sách công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hội đồng có tính đến kết quả thực nghiệm khi thẩm định vì sách giáo khoa công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại đã và đang được triển khai rộng rãi ở trên 40 tỉnh thành trên cả nước, có nhiều đánh giá tích cực, ông Thái Văn Tài cho biết, theo quy định, hồ sơ thẩm định tất cả các sách đều phải có kết quả thực nghiệm.
Giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 cho rằng, nói sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại lâu nay đã được sử dụng và sử dụng tốt thì cũng giống như sách lớp 1 hiện hành. Tuy nhiên, bây giờ, sách phải soạn theo chương trình mới nên sách của thầy Đại và các sách hiện hành đều phải được viết lại theo chương trình mới.
Bộ sách công nghệ giáo dục lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại. (Ảnh: Chinhphu.vn)
"Với tính chất như thế, việc thực hiện và kết quả thực hiện từ lâu nay không phải là lý do để các sách đã sử dụng có thể đưa vào chương trình mới. Ở đây, chúng tôi làm việc theo Thông tư 33 [thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc thẩm định sách giáo khoa - PV], đánh giá sách viết theo nội dung, phương pháp và yêu cầu cần đạt của chương trình mới ban hành năm 2018. So với chương trình đó, những sách nào không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp thì chúng tôi đánh giá là chưa đạt," giáo sư Trần Đình Sử nói.
Phân tích kỹ hơn, giáo sư Trần Đình Sử cho biết, chương trình mới yêu cầu dạy học sinh lớp 1 theo bốn tiêu chí đọc, viết, nghe, nói. Trong khi đó, sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả.
Sách cũng có điểm vượt quá yêu cầu như dạy học sinh lớp 1 kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Chương trình mới chỉ yêu cầu học sinh lớp 1 phân biệt chính tả c -k, g- gh, nhưng sách giáo khoa của giáo sư Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4. Những điều đó có tính hàn lâm, quá tải.
Giáo sư Trần Đình Sử cũng cho biết, hội đồng thẩm định có 5 giáo viên đang dạy lớp 1, một trưởng phòng giáo dục, một hiệu trưởng bậc tiểu học. "Họ cho biết để dạy theo công nghệ giáo dục đạt hiệu quả, giáo viên phải dành nhiều giờ khác để khắc phục những điểm yếu của sách. Hàng năm, họ có đề đạt các vấn đề này nhưng đáng tiếc những yêu cầu về khuyết điểm đó thường bị giấu đi nên xã hội không biết được tất cả những nhược điểm của việc thực hiện chương trình này. Thực tế này cần hỏi thêm các giáo viên khác. Chúng tôi chỉ căn cứ vào các tiêu chí của Thông tư 33, căn cứ vào yêu cầu của chương trình mới để thẩm định. Chưa đạt thì chúng tôi kết luận là chưa đạt," giáo sư Trần Đình Sử nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, giáo sư Mai Ngọc Chừ, thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, cũng nêu ví dụ, trong các trang sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có các thành ngữ, tục ngữ như "thế chẻ tre", "bé xé ra to", " "củ rủ cù rù", "vắt chanh bỏ vỏ"...
"Những thành ngữ, tục ngữ ấy dạy cho lớp 1, chúng ta thấy thế nào? Rồi 'Nam quốc sơn hà', 'Bình Ngô đại cáo'... Một bộ sách lớp 1 không thể ôm hết được. Hội đồng ở đây có các giáo sư ngôn ngữ học, các giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 nhiều năm nay, các nhà quản lý, không phải ngẫu nhiên mọi người đều bỏ phiếu không đạt. Về đánh giá có nhiều cách tiếp cận, nhưng cái quan trọng nhất chúng tôi căn cứ vào chương trình mới, trong đó có giảm tải nội dung khó, đó là nguyên tắc. Chương trình mới có tính mở để giáo viên sáng tạo trong khi với sách công nghệ thì thầy cô làm việc như một cái máy. Chúng tôi không đồng ý thông qua bộ sách vì nó không bám sát chương trình mới," giáo sư Mai Ngọc Chừ phân tích.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo sách giáo khoa mới, chương trình mới. (Ảnh: TTXVN)
Chương trình mới cần có sách mới
Giáo sư Trần Kiều cho rằng, nguyên tắc khi xây dựng chương trình mới là phải có sách mới phù hợp với chương trình mới đó. "Vì thế, thứ nhất, có lẽ không nên so sánh sách giáo khoa hiện hành, trong đó có sách của thầy Đại, khi thẩm định. Thứ hai, việc thẩm định phải áp dụng các tiêu chí mới của chương trình mới, sách phải thể hiện được năng lực cần đạt của chương trình, cách đánh giá của chương trình, phải tạo được cơ hội cho người thầy đổi mới phương pháp, nên không thể chỉ tính chuyện chữ nghĩa," giáo sư Trần Kiều nói.
"Chương trình mới giáo dục toàn diện chứ không chỉ viết, đánh vần, ví dụ ngữ liệu phải mới, có hướng đến bảo vệ môi trường, bình đẳng giới..., trong khi bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại về cơ bản không có gì mới," giáo sư Mai Ngọc Chừ chia sẻ.
Cụ thể hơn, Trần Đình Sử cho hay, bộ sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại gửi tới hội đồng thẩm định không sửa gì so với bản hiện hành. "Sách giáo khoa lớp 1 của giáo sư Đại có ba tập thì giáo sư in y như vậy, rồi viết thêm một quyển thứ 4 là Tự học, tạo thành một bộ sách vá víu, cũ, không đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi không thể chấp nhận một sách giáo khoa như vậy để đem cho học sinh học, chúng tôi phải có trách nhiệm với học sinh. Tôi nghĩ giáo sư Hồ Ngọc Đại phải tôn trọng chương trình mới của Bộ, nếu không thì sẽ thành nhiều chương trình, nhiều sách giáo khoa, vi phạm Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về một chương trình, nhiều sách giáo khoa," giáo sư Trần Đình Sử nói.
Cũng theo giáo sư Trần Đình Sử, ông rất tôn trọng giáo sư Hồ Ngọc Đại và đánh giá sách của giáo sư Đại dù đã trải qua hơn 40 năm vẫn có những kết quả tốt, những ưu điểm. Tuy nhiên, thẩm định sách thì vẫn phải căn cứ vào chương trình mới.
"Chúng tôi không phủ nhận tư tưởng của anh Đại. Tôi chỉ có lời khuyên anh Đại là nên theo chương trình mới của Bộ để viết lại, vẫn có thể giữ lại những mặt tích cực của anh. Anh Đại là người nghiên cứu rất cụ thể về công nghệ giáo dục, và là nhà tâm lý giáo dục tiểu học hàng đầu. Nhưng nếu anh nói anh không sửa thì tôi cũng không thể nói khác được. Bộ không thể thay đổi chương trình để đi theo anh Đại. Chương trình chỉ có một và là pháp quy, sách giáo khoa phải theo chương trình," giáo sư Trần Đình Sử phân trần.
Hội đồng đã làm việc công tâm, khách quan
Theo ông Thái Văn Tài, qua vòng một, hội đồng đánh giá rất cao tâm huyết, tinh thần muốn cống hiến cho thế hệ trẻ của các tác giả, các sách đều được viết rất công phu. Hội đồng rất trân trọng nhưng hội đồng làm việc theo tinh thần của Thông tư 33 nên đánh giá khách quan.
"Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào đối với kết quả vòng một. Chúng tôi đánh giá trong giai đoạn vừa qua, hội đồng đã làm việc trách nhiệm, công tâm, tâm huyết với tinh thần tất cả vì sự nghiệp giáo dục, phục vụ công cuộc đổi mới," ông Tài cho biết./.
Phạm Mai
Theo Vietnamplus
Sách giáo khoa công nghệ giáo dục: Đổi mới "thích nghi" mới giữ được sức sống Giưa luc dư luân đang xôn xao hai luông y kiên vê kêt qua thâm đinh bô sach giao khoa công nghê giao duc cua GS. Hô Ngoc Đai, môt sô chuyên gia đa lên tiêng bay to quan điêm đanh gia đôi vơi công trinh nghiên cưu đa co 40 năm đươc thưc nghiêm va sư dung nay. Cân "thich nghi" vơi...