Đa số học sinh đều e ngại, ít dám lên tiếng trong buổi họp của Hội đồng trường
Nếu đại diện học sinh tham gia hội đồng trường, cần giao thêm quyền thu thập ý kiến, nhu cầu của học sinh toàn trường về các vấn đề quản trị của nhà trường.
Tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định thành phần của hội đồng trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học với sự góp mặt của học sinh, đã khiến nhiều người lo ngại về vai trò của thành viên “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Trong khi đó, vai trò của hội đồng trường là quyết định về phương hướng chiến lược cũng như thực hiện giám sát các hoạt động của nhà trường.
Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng cần sửa đổi để làm rõ hơn vai trò của học sinh, hoặc loại bỏ thành viên này khỏi hội đồng trường.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Phương, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Phương. (Ảnh: NVCC)
Học sinh trong hội đồng trường “yếu” tiếng nói
Phó giáo sư Lan Phương nhận định, học sinh là đối tượng trung tâm của giáo dục, việc qui định có đại diện học sinh trong hội đồng trường là một trong các biện pháp để “bảo đảm việc tham gia của người học, gia đình và xã hội trong quản lý nhà trường” (theo Khoản 2 Điều 60 Luật Giáo dục 2019).
Khá nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện theo quan điểm “cá nhân hóa trong giáo dục”. Ở đó, mọi người học đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện chính sách dân chủ trong cơ sở giáo dục.
Ở một số trường mà Phó giáo sư Lan Phương từng đi thực tế, họ đều thành lập hội đồng trường với đầy đủ các thành phần (bao gồm cả học sinh) theo quy định. Tuy nhiên, đa số học sinh đều e ngại, ít dám lên tiếng trong các buổi họp của Hội đồng trường.
“Qua chia sẻ với ban giám hiệu một số trường trung học cơ sở cho thấy học sinh ở khu vực Tây Nguyên khi là thành viên trong hội đồng trường thường mạnh dạn nói lên những ý kiến của mình về việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong khi học sinh miền Bắc dường như rụt rè hơn”, Phó giáo sư Phương chia sẻ.
Có ý kiến cho rằng, đối với những nội dung cơ bản trong trường học (như chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, hay huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường;…) đòi hỏi sự biểu quyết của thành viên hội đồng trường, thì đại diện học sinh lại tỏ ra bất cập. Liệu có đúng không?
Video đang HOT
Trước băn khoăn này, nguyên Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá giáo dục nhận định, đây là một thực tế, bởi học sinh chỉ có thể có ý kiến về kế hoạch giáo dục, cách thức dạy và học trong trường học, những vấn đề về quản trị trường học vượt quá khả năng của các em.
“Cùng lắm là học sinh có ý kiến về việc cải tiến cách dạy, cách học các môn học, nhưng chủ yếu mang tính chất cá nhân hoặc nhóm nhỏ, bởi các em chưa có điều kiện, hoặc chưa biết cách thu thập nhu cầu của toàn thể học sinh trong trường”, Phó giáo sư Lan Phương nói.
Cũng theo Phó giáo sư Lan Phương, Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, trong đó học sinh là đối tượng liên quan quan trọng nhất, nên có thành phần học sinh trong Hội đồng trường là cần thiết.
Tuy nhiên, do Hội đồng trường chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực của nhà trường, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục,… Những trách nhiệm này quá lớn, vừa vượt quá tầm hiểu biết của học sinh, vừa tạo áp lực cho đại diện học sinh.
Cần cho các em học sinh thêm quyền
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Lan Phương, nếu Thông tư đã quy định học sinh là một trong các thành viên của hội đồng trường thì cần bổ sung thêm nhiệm vụ và quyền hạn của học sinh như việc bầu đại diện tham gia nhà trường, hay lấy ý kiến của tập thể học sinh trong trường.
“Điều 34 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT qui định 5 nhiệm vụ của học sinh, trong đó không có nhiệm vụ nào qui định việc học sinh phải cử đại diện tham gia Hội đồng trường. Nếu đại diện học sinh tham gia hội đồng trường, thì cần giao thêm quyền thu thập ý kiến, nhu cầu của học sinh toàn trường về các vấn đề quản trị của nhà trường”, Phó giáo sư Nguyễn Lan Phương nói.
Phó giáo sư Lan Phương cho rằng, chỉ nên để học sinh tham gia ở một số vấn đề phù hợp với nhiệm vụ và quyền lợi của các em, đó là: quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ trong học sinh. Còn nhìn chung, học sinh chưa có khả năng thẩm thấu các vấn đề chiến lược, chính sách, tài chính, thanh tra, giám sát,… tại cuộc họp của hội đồng trường.
“Việc đưa học sinh vào trong hội đồng trường là việc làm cần thiết để thực hiện dân chủ trường học. Tuy nhiên, cần phải tạo cho các em có tinh thần dân chủ hóa ngay từ môi trường giáo dục mầm non”, bà Phương nhấn mạnh.
Bầu học sinh vào hội đồng trường chỉ tăng hình thức, vô ích
Thầy cô tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh?
Bàn về hội đồng trường phổ thông, trên diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phân tích thấu đáo về tổ chức này, trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo viên rất mờ nhạt, hiệu trưởng vẫn nắm toàn quyền, còn trường học thì thiếu dân chủ.
Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý được đăng tải trên Tạp chí thời gian qua như: Tôi thấy hội đồng trường phổ thông công lập lâu nay hữu danh vô thực (ngày 4/2/2022); Hiệu trưởng trường phổ thông kiêm chủ tịch hội đồng trường dễ chuyên quyền, độc đoán (ngày 6/2/2022).
Tuy nhiên, có một điều đáng bàn thêm là, quy định thành phần của hội đồng trường mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với sự góp mặt của học sinh đã dấy lên sự lo ngại về tính chính danh của tổ chức này.
Học sinh tham gia vào hội đồng trường chỉ hoài công, vô ích. (Ảnh minh hoạ: IndiaToday)
Theo đó, điểm b Khoản 1 Điều 10 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:
Thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.
Như vậy, theo các quy định trên thì thành phần hội đồng trường sẽ có đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Hay nói cách khác, học sinh từ 12 tuổi đến 18 tuổi sẽ được tham gia vào hội đồng trường.
Điểm 1 Khoản 1 Điều 10 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định hội đồng trường của trường trung học công lập có một số nội dung như sau (trích):
Hội đồng trường là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Cá nhân tôi cho rằng, học sinh bậc phổ thông - lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, thì làm sao có đủ ý thức, tầm nhìn, dự báo, phân tích... để có thể góp ý hay biểu quyết những chiến lược phát triển của nhà trường?
Bởi, chỉ riêng kế hoạch, chiến lược phát triển nhà trường đã mang tầm vĩ mô, được hiệu trưởng xây dựng, sau đó các thành viên của hội đồng trường góp ý, thông qua và triển khai thực hiện.
Minh chứng là, kế hoạch chiến lược phát triển Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thành phố Hồ Chí Minh theo xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn 2019-2024, có những nội dung chính như sau:
Phần thứ nhất - Phân tích môi trường; Phần thứ hai - Định hướng chiến lược; Phần thứ ba - Mục tiêu chiến lược; Phần thứ bốn - Các giải pháp chiến lược; Phần thứ năm - Đề xuất tổ chức thực hiện. [1]
Như thế để thấy rằng, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 khi tham gia vào hội đồng trường làm sao có thể "chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục" theo quy định?
Liệu ngành giáo dục có đặt trách nhiệm nặng nề lên vai học sinh hay chỉ sắp xếp các em ngồi vào hội đồng trường cho "có mâm có đọi"?
Nếu nhà trường thực sự đề cao trách nhiệm và lắng nghe tiếng nói học sinh thì nên khích lệ các em mạnh dạn, thẳng thắn góp ý những thiếu sót, sai trái (nếu có) trong giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ...
Ngoài ra, quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm. Học sinh bậc trung học cơ sở nếu tham gia vào hội đồng trường từ lớp 6 cũng chỉ làm nhiệm vụ 4 năm, tương tự với các em bậc trung học phổ thông là 3 năm. Sau khi học sinh tốt nghiệp ra trường thì nhà trường phải bầu lại thành viên hội đồng trường rất mất thời gian, công sức.
Tôi thấy, hàng năm các trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại mùa xuân nhằm lắng nghe tiếng nói học sinh là cách làm rất hay.
Học sinh tự do bày tỏ ý kiến của mình về việc dạy của giáo viên, các hoạt động phong trào của trường lớp và những mong muốn khác mà các em gửi gắm. Sau khi lắng nghe ý kiến học sinh, ban giám hiệu và thầy cô phụ trách mảng nào sẽ có trách nhiệm phản hồi, giải đáp với các em ở mảng đó.
Hay Hội nghị đối thoại "Tiếng nói học sinh Tân Bình" - Lần V năm học 2020 - 2021 với chủ đề "Học sinh Tân Bình phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, góp phần xây dựng thành phố thông minh", cũng là cách làm rất thiết thực.
Hội nghị tiếp nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh những điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; áp lực việc kiểm tra, đánh giá các bộ môn; một số vấn đề liên quan đến thực trạng rèn luyện đạo đức của học sinh; bạo lực học đường; nhà vệ sinh, cơ sở vật chất giáo dục, an toàn vệ sinh thực phẩm, văn hóa mạng xã hội...
Đáp lại những câu hỏi của học sinh, Giám đốc Nhà thiếu nhi quận Tân Bình, Bí thư quận Đoàn Tân Bình, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình đều trả lời, chia sẻ, thể hiện rõ sự quan tâm của lãnh đạo đối với các em. [2]
Thiết nghĩ, hội đồng trường là tổ chức quản trị, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường. Thầy cô tham gia vào hội đồng trường phổ thông vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình thì hi vọng gì ở học sinh? Vậy nên, việc học sinh tham gia vào tổ chức này chỉ hoài công, vô ích.
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.thpt-lequydon-hcm.edu.vn/gioi-thieu/25/Ke-Hoach-Chien-Luoc.html
[2] //tanbinh.hochiminhcity.gov.vn/web/neoportal/danh-muc-tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/VN5j2Vj9DHkT/content/hoi-nghi-oi-thoai-tieng-noi-hoc-sinh-tan-binh-lan-v-nam-hoc-2020-2021-?inheritRedirect=false
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Từ 15/2 sẽ gia hạn thêm 2 tuổi đối với học sinh Việt Nam ở nước ngoài về xin học Điểm mới đáng chú ý của Thông tư số 50/2021/TT-BGDĐT so với quy định hiện hành điều chỉnh về số tuổi được gia hạn của học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 50/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chuyển trường và tiếp nhận học...