Đã qua rồi… thời luyện chữ đẹp
Không ít phụ huynh ngày ngày cần mẫn đưa con đi luyện viết chữ đẹp, tối tối lại gò con miệt mài nắn nót từng dòng, từng chữ. Nhưng nhiều người cho rằng bây giờ là thời đại của internet, chỉ cần học kiến thức chứ không cần viết chữ đẹp.
Không giống như nhiều người cho rằng việc luyện chữ đẹp là không cần thiết, chị Bùi Hoàng Vân (57 Láng Hạ, Hà Nội) vẫn kiên trì cho cô con gái đang học lớp 2 theo một lớp luyện chữ, bởi chị tin rằng rèn chữ là rèn nết người. “Muốn viết chữ đẹp con phải học được tính cẩn thận, nhẫn nại. Hơn nữa, khi nhìn vào quyển vở chữ đẹp, chắc chắn con sẽ cảm thấy thích hơn, do đó mà hứng thú học tập hơn. Cô giáo khi chấm bài chữ viết gọn gàng, sạch đẹp cũng sẽ có thiện cảm hơn, dễ cho điểm cao hơn”, chị Vân chia sẻ.
Mặc dù vậy chị Vân thừa nhận phong trào luyện chữ đẹp đang “giảm nhiệt”. 3 năm trước khi chị cho cô con gái lớn đi luyện chữ thì phải xếp hàng để đăng ký, lớp nào cũng đông học viên, nên cứ được nhận vào thì dù thời gian học trùng với các môn học thêm khác cũng phải cố mà sắp xếp. Còn bây giờ thì lớp nào cũng vắng, chọn thời gian học thoải mái theo ý mình.
Theo chân chị Vân, chúng tôi đến lớp luyện chữ đẹp mà con gái chị đang theo học tại phố Hoàng Cầu (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi được tư vấn nên cho con luyện chữ càng sớm càng tốt để rèn nếp quen. Trả lời câu hỏi vì sao Trung tâm có vẻ vắng người đến đăng ký học, chị Hoài Thu, nhân viên Trung tâm cho biết “có thể vì thời điểm trong năm học sinh cũng bận rộn hơn với việc học ở trường, chứ đến hè thì sẽ đông hơn”. Tìm hiểu ở một số lớp luyện chữ khác, chúng tôi nhận thấy sự đìu hiu, vắng vẻ là tình trạng chung.
Chị Nguyễn Khánh Phương, 15 Hương Viên, Hà Nội cho biết, chị cũng từng cho con gái đi luyện chữ đẹp ở lớp thầy Tuấn, Hàng Mành. Hồi mới học thì đúng là có hiệu quả thật, con viết đẹp và nắn nót cẩn thận lắm, thế nhưng rồi lên lớp lớn hơn khi bắt đầu phải viết nhanh cho kịp bài cô giảng thì chả còn nhận ra dấu ấn gì của những buổi học chữ đẹp nữa. Vì thế, đến cậu con thứ 2, chị Phương không cho đi luyện chữ đẹp nữa mà chỉ chú trọng rèn chữ theo đúng bài cô giao ở lớp, nghĩa là viết đúng nét, đúng ô, gọn và sạch.
Video đang HOT
Chữ đẹp chỉ là một kỹ năng trong số vô số các kỹ năng mà trẻ ở tuổi đến trường cần được trang bị
Chữ đẹp chỉ là một kỹ năng
TS Nguyễn Thành Nam, Chương trình giáo dục hiện đại Cánh buồm cho rằng: Đúng là từ xưa cha ông ta có quan điểm nét chữ thể hiện nét người, điều đó không sai, nhưng nét chữ ấy phải được thể hiện một cách tự nhiên chứ không phải học gò ép theo những mẫu, những nét định sẵn để rồi khi viết ra thì chữ em nào cũng như em nào. Còn nếu nói rằng luyện chữ để đạt đến mức có thể thể hiện được tính cách, tâm trạng, cảm xúc thì không phải ai cũng rèn được và không phải ai cũng “đọc” ra được.
Không ít các bậc phụ huynh cho con đi luyện chữ để được điểm cao trên lớp, cái đó chính là bệnh thành tích mà nền giáo dục hiện đại đang lên án. Mà rồi khi học đến lớp cao hơn, cô giáo có còn nhìn chữ để chấm điểm nữa hay không, hay là chỉ chú trọng đến kiến thức của học sinh được thể hiện trong bài thi. Có nhiều thứ trẻ cần được dạy, được rèn giũa hơn là chữ đẹp, đó là trang bị cho trẻ cách học, phương pháp học để có thể chủ động tiếp nhận và lĩnh hội tri thức, rèn nhân cách, đạo đức và lối sống… Chữ viết chỉ cần rõ ràng, gọn, sạch là đủ.
Theo TS Nguyễn Thu Hồng, Trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục Hà Nội, chữ đẹp chỉ là một kỹ năng trong số vô số các kỹ năng mà trẻ ở tuổi đến trường cần được trang bị, chẳng hạn như tâm lý đến trường, tính tự lập, cách tự ứng phó với các tình huống thường gặp, ứng xử với bạn bè, thầy cô… Đối với việc học chữ, thì cần dạy cho trẻ cách sử dụng các loại bút, cách cầm bút sao cho đúng, cách viết nét căn bản của các loại chữ, tỷ lệ, khoảng cách của từng chữ, hay trong một từ, một câu, cách trình bày dòng, trang…
Không nhất thiết phải bắt trẻ mất nhiều thời gian cho việc cặm cụi rèn giũa ngày đêm để viết y như bản mẫu. Trên cơ sở được học các kỹ năng viết cơ bản, bé nào có khả năng viết đẹp sẽ tự viết đẹp, đó mới là cách thể hiện nết người. Trẻ nào viết chưa rõ ràng, sạch đẹp thì thầy cô, cha mẹ có thể hướng dẫn thêm để biết cách viết cho sạch, cho rõ ràng, ngay thẳng là được.
TS Nguyễn Thu Hồng
Theo Khánh Lê (Kiến thức)
Trẻ nhập viện vì... luyện chữ đẹp
Thời gian gần đây, không ít phụ huynh đổ xô cho con đi luyện viết chữ đẹp. Chưa biết tác dụng của việc làm này đến đâu nhưng nhiều trẻ đã phải nhập viện do không chịu được áp lực tâm lý.
Người bảo cần, người nói không
Chị Hoàng Cẩm Anh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) có cậu con trai mới vào lớp 1 tâm sự, dù mới là năm học đầu tiên nhưng hàng ngày con trai chị phải tập viết khá nhiều. Cháu không chỉ tập viết ở lớp mà buổi tối nào khi về nhà, cũng phải luyện viết thêm 1 trang vở nữa. Thời gian đầu khi viết bút chì, mỗi khi viết sai hay viết xấu, con trai chị Cẩm Anh lại tẩy đi viết lại, nhưng nay do đã viết bút mực nên khi viết bị lỗi cu cậu rất lo sợ thậm chí nhiều lần còn định xé vở: "Hầu như tối nào cháu cũng phải cặm cụi viết đến khuya nên hết kêu mỏi tay lại đau cổ. Tôi bảo con không cần viết nữa thì cháu khăng khăng viết hết vì sợ cô phạt. Cháu còn muốn đi luyện chữ thêm vì "các bạn trong lớp đã đi học hết, chữ đẹp nên toàn được cô khen". "Chắc sẽ phải đăng ký cho con đi luyện chữ" - chị Cẩm Anh than phiền.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, một tuần 3 buổi, sau khi đón con ở trường về, chị Đào Thị Phương ở khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, quận Thanh Xuân lại tất tả đưa cô con gái đang học lớp 2 đến trung tâm luyện viết chữ. Chị Phương cho biết, so với các bạn trong lớp, con gái chị chỉ đứng ở tốp giữa, chữ viết tuy rõ ràng nhưng chưa đẹp nên ảnh hưởng đến thi đua chung của lớp, bị cô phàn nàn suốt. "Tôi chỉ sợ nếu không được luyện chữ sớm, con sẽ viết cẩu thả rồi hỏng chữ nên đã đăng ký cho cháu luyện chữ thêm ở trung tâm. Cháu không thích nhưng không dám trái lời mẹ nên miễn cưỡng đi học. Thôi thì được chữ nào hay chữ đấy" - chị Phương lo lắng.
Điều quan trọng nhất với trẻ khi tập viết là cầm bút và ngồi viết đúng tư thế
Đối lập với quan điểm trên, một số phụ huynh lại cho rằng việc cho con luyện chữ đẹp là không cần thiết. Họ khẳng định, đối với trẻ, điều quan trọng nhất là cách cầm bút và tư thế ngồi viết đúng đắn, còn chữ đẹp hay xấu là thuộc về... năng khiếu của từng em. "Vợ chồng tôi chỉ yêu cầu con viết chữ rõ ràng, sạch sẽ là được, còn chữ có đẹp đến mấy mà viết quá chậm cũng không ổn. Theo tôi, bản chất của các cuộc thi viết chữ đẹp là tốt song vấn đề nằm ở chỗ nó có biểu hiện bệnh chạy theo thành tích của một số trường. Hiện tượng học sinh xé vở khi viết sai, viết lỗi là hệ quả của căn bệnh đó"- anh Lê Trung Thắng ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa bày tỏ quan điểm.
Không nên làm khổ trẻ
Thông thường, vào cuối năm học, các phòng giáo dục sẽ tổ chức thi vở sạch chữ đẹp tại các trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - một giáo viên Tiểu học quận Ba Đình đã nghỉ hưu cho rằng, để tìm được "gà nòi", ngay từ đầu năm lớp 1, giáo viên chọn ra khoảng 3, 4 em có nét chữ đẹp để tập trung rèn. Do vở sạch chữ đẹp là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua của giáo viên và nhà trường nên nhiều thầy, cô đã phải tìm mọi cách để đạt được khiến cả cô và trò đều mệt nhoài. Để khắc phục tình trạng này, mỗi thầy cô cần hiểu rằng mục tiêu chính của môn Tập viết là thanh toán chữ xấu chứ không phải yêu cầu tất cả các em đều viết chữ đẹp. Do vậy, học sinh chỉ cần viết chữ đúng chính tả, ngữ nghĩa, đủ nét, đủ dấu là được. Nhà trường và phụ huynh chỉ nên coi viết chữ đẹp là một hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học đối với những em có năng khiếu.
Cũng theo bà Hòa, không ai có quyền ép trẻ phải luyện chữ và các thầy cô cũng không đủ sức làm việc đó. Có một thực tế đáng buồn là không ít phụ huynh nhận thức về điều này không đầy đủ nên đã tìm mọi biện pháp bắt con phải ra sức luyện viết chữ đẹp. Điều này trở thành phản tác dụng bởi nếu bị o ép quá trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực, không muốn đến trường.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E, việc phải luyện viết chữ thường xuyên, trong thời gian dài sẽ khiến mắt trẻ quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực, dẫn đến cận thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nếu ngồi không đúng tư thế, trẻ sẽ có nguy cơ bị đau cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến xương, đặc biệt là cột sống. Do vậy, với những trẻ chưa vào lớp 1, phụ huynh nên cho trẻ vừa học vừa chơi, nhận biết con chữ, con vật bằng những dụng cụ hoạt hình. Việc rèn chữ cho trẻ phải dựa trên khả năng của từng em chứ không nên gượng ép. Bởi với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly là rất khó khăn. Còn với trẻ đã đi học, việc phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.
Do đó, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, các bậc cha mẹ và nhà trường không nên ép con đi học luyện chữ đẹp, kẻo "lợi bất, cập hại".
Theo Huệ Linh (An ninh Thủ đô)
Mối lo thật sự từ phong trào luyện chữ đẹp Luyện chữ đẹp khi đó không chỉ là phong trào - tự phát hoặc có chỉ đạo - mà đã do một triết lý - có gốc rễ rất sâu ở giới quản lý chi phối. Đây mới là mối lo thật sự" - độc giả Lãnh Nguyên nêu ý kiến khi tham gia diễn đàn "viết chữ đẹp: thế nào là đủ"?...