Đà Nẵng: “Vỡ” bán trú, các trường tốp trên vẫn quá tải đầu vào
Mặc dù ngành Giáo dục TP Đà Nẵng đã yêu cầu không tổ chức bán trú cho học sinh lớp 1 nhằm giảm tải cho các điểm trường nóng về tình trạng quá tải đầu vào ở trung tâm thành phố song “nước vẫn cứ chảy về chỗ trũng”.
Học sinh nhập học gấp 4 lần điều tra phổ cập!
Theo số liệu thống kê điều tra phổ cập giáo dục tiểu học tại địa bàn thì năm học 2012 – 2013 có 146 học sinh (HS) vào lớp 1 Trường tiểu học Phù Đổng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng). Số trên đã bao gồm cả chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 vào 2 lớp tăng cường tiếng Pháp (dành cho HS toàn thành phố). Thế nhưng thực tế năm nay, có hơn 600 HS vào lớp 1 trường này, số lượng lớn hơn gấp 4 lần so với số liệu điều tra phổ cập. Theo quy định của ngành, sĩ số lớp học bậc tiểu học được giãn đến 42 HS/lớp, nhiều hơn 7 HS so với sĩ số chuẩn (35 HS/lớp), năm học mới, Trường tiểu học Phù Đổng vẫn có đến 16 lớp 1, tăng hơn 1 lớp so với năm học trước.
Tình trạng quá tải tuyển sinh đầu vào cũng tiếp tục tái diễn như những năm học trước ở 2 trường tốp trên còn lại ở Q. Hải Châu – quận trung tâm TP Đà Nẵng, đó là Trường tiểu học Phan Thanh và Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Theo điều tra phổ cập thì chỉ có 112 HS trong tuyến đúng độ tuổi vào lớp 1 Trường tiểu học Phan Thanh, những “kết sổ” tuyển sinh lớp 1 trường này năm nay, có đến hơn 280 HS vào lớp 1. Ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, số HS vào lớp 1 năm nay (316 HS) cũng gần gấp 3 lần so với số liệu điều tra phổ cập (126 HS).
Theo thống kê của các trường, ngoài số HS là con em CB, CNV làm việc tại Trung tâm TP., thì phần lớn số HS ngoài danh sách điều tra phổ cập tuy không sinh sống tại địa bàn nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Theo Luật Cư trú thì những HS này đủ điều kiện đăng ký vào trường. Một cán bộ quản lý giáo dục ở Q. Hải Châu cho biết: tình trạng “chạy trường” bằng hộ khẩu là thực trạng nhiều năm nay. Nhưng kiểm soát, khống chế tình trạng này là việc ngoài tầm của ngành giáo dục.
Dù không tổ chức bán trú cho HS lớp 1, song năm nay, các trường tốp trên ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng vẫn quá tải.
Không tổ chức bán trú, hồ sơ HS vẫn ùn ùn nộp vào
Hệ quả của việc quá tải tiếp diễn đã thấy rõ từ năm học 2012 – 2013, cả 3 trường kể trên đều phải treo bảng không tổ chức bán trú cho HS lớp 1. Lý do là cơ sở vật chất của nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng. Số lớp cứ tăng lên, trong khi số phòng học của mỗi trường vẫn vậy, hoặc chỉ được mở rộng không đáng kể thì vỡ bán trú là điều tất yếu.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Cao Hữu Công – hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Không đợi tới năm nay mà việc vỡ bán trú đã sớm dự liệu. Như năm ngoái, để đáp ứng nhu cầu bán trú cho HS, nhà trường đã tận dụng cả các phòng chức năng, thậm chí là phòng Hội đồng của giáo viên. Nhưng không thể cứ để tình trạng như vậy được. Năm nay, ngay từ khi nhận hồ sơ đăng ký vào lớp 1, nhà trường đã thông báo đến phụ huynh HS về việc trường không tổ chức bán trú”.
Cả Trường tiểu học Phù Đổng và Trường tiểu học Phan Thanh cũng thông báo không tổ chức bán trú cho HS lớp 1 trong năm học mới 2012 – 2013 này. Đây cũng là yêu cầu của ngành GD TP Đà Nẵng đối với 3 điểm trường nóng về tình trạng quá tải này. Mục đích của giải pháp này là để phụ huynh cân nhắc hơn, có thể chọn cho con em học ở các trường có tổ chức bán trú để giảm tải cho 3 trường trên. Thế nhưng, trên thực tế, như ông Nguyễn Hồng Tân – hiệu trưởng trường tiểu học Phan Thanh cho biết: “Thông báo không tổ chức bán trú rồi, nhưng hồ sơ HS vẫn cứ ùn ùn nộp vào trường”.
Việc các trường tốp trên “hút” HS khiến phụ huynh tìm mọi cách để con em vào học các trường này, ngoài thuận lợi điểm trường nằm ở trung tâm thành phố, còn do chất lượng đào tạo của các trường cao. “Nước chảy về chổ trũng” là tất yếu. Thử tìm giải pháp giảm tải, lãnh đạo các trường đều cho rằng cần mở rộng cơ sở trường học, tăng số lượng phòng học. Hoặc phải mở thêm trường ở khu vực trung tâm TP, với điều kiện phải tạo thương hiệu uy tín cho các trường mới ngay từ đầu để “hút” HS.
Khánh Hiền
Theo dân trí
Video đang HOT
Nỗi buồn trường học ở khu tái định cư
Năm học mới đã bắt đầu, thế nhưng nhiều điểm trường Khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương (Nghệ An) vẫn bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng và đìu hiu học sinh đến nhập trường. Hành trình đi tìm con chữ ở đây vẫn còn nhiều nhọc nhằn.
Trong không khí các trường ở Nghệ An đang nô nức tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2012-2013, chúng tôi có dịp đến thăm các điểm trường tại khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện miền núi Thanh Chương, Nghệ An. Đón chúng tôi trên ngọn đồi chênh vênh, ba thầy cô giáo tại điểm trường tiểu học 5A2 - Hạnh Tín, xã Thanh Sơn không khỏi ái ngại vì không có chỗ để ngồi trò chuyện. "Tranh thủ giờ làm bài tập của các em, chúng tôi lại ra ngoài sân đứng chứ không có phòng công vụ. Đã 6 năm từ Tương Dương về khu tái định cư này dạy mà chúng tôi vẫn gặp khó khăn như trên trường cũ vậy", thầy Trần Văn Bình - khối trưởng điểm trường 5A2 tâm sự.
Cùng dạy với thầy Bình còn có cô Trần Thị Vinh và thầy Nguyễn Phi Hiếu. Bảy năm trước, cũng từ niềm đam mê dạy học và muốn đem chữ đến với học sinh vùng cao mà cô Vinh và thầy Hiếu bén duyên với nhau. Năm 2006, hai thầy cô theo đồng bào về khu tái định cư để dạy học cho các em. Đã 6 năm công tác nhưng hai vợ chồng thầy Hiếu vẫn phải ở nhờ nhà dân. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy cô ở đây vẫn miệt mài gieo chữ cho các em học sinh.
Một lớp học ở bản lẻ ở khi tái định cư Thanh Chương.
Cơ sở vật chất của trường đã tạm ổn khi được trang bị quạt, bóng đèn, thế nhưng khi thầy cô từ dưới xuôi lên sau ngày nghỉ lễ thì "tá hỏa" khi toàn bộ bóng đèn, quạt điện, cửa lớp... bị kẻ xấu đập phá hư hỏng toàn bộ. Nhìn trường bị phá hỏng, thầy trò ứa nước mắt. Thầy Bình buồn bã nói: "Năm học mới mà thầy trò chúng tôi còn khó khăn quá, trời mà mưa thì phòng học tối đen vì không có bóng đèn chiếu sáng nữa, còn nắng thì chỉ khổ các em vì quạt cũng bị hỏng mất rồi".
Dự án xây dựng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ trên địa bàn huyện Thanh Chương được Bộ Công nghiệp (cũ) thông qua ngày 2/2/2005 và được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết tái định cư ngày 19/5/2005. Theo đó, từ năm 2006 đến cuối năm 2009 huyện Thanh Chương đã tiếp nhận 2.123 hộ với 10.302 khẩu ở khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) về tái định cư thuộc 2 xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương). Trong thời gian qua, do bất cập trong việc bố trí nhà ở, thiếu đất sản xuất nên hiện tình trạng người dân bỏ về khu tái định cư đang diễn ra diễn biến có chiều hướng phức tạp cơ quan chức năng đang tiến hành tổ chức vận động người dân nên trở về quê cũ nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Nằm ngay cạnh điểm trường tiểu học 5A2 là trường mầm non cũng đã bị bỏ hoang từ lâu. Nếu không có biển báo điểm trường thì chắc không ai còn nhận ra đây là trường học bởi cỏ dại mọc um tùm, cao hơn đầu người. Cổng trường làm bằng sắt bị hoen rỉ, nằm đổ xiêu vẹo bên trong các phòng học cũng bị hư hỏng, những tấm cửa gỗ cũng lung lay như chực đổ xuống. Thầy Nguyễn Phi Hiếu cho hay: "Thời gian đầu khi mới đi vào sử dụng còn có lác đác học sinh đến học nhưng vì trường xây cao quá, lại không có nước cho các cháu ăn uống nên về sau không có em nào đi học nữa". Không riêng gì điểm trường tiểu học 5A2 mà 9 điểm trường lẻ tiểu học và các trường mầm non khác trong khu tái định cư cũng gặp tình trạng tương tự.
Trong số các trường ở khu tái định cư Thanh Chương thì Trường THCS Kim Lâm (xã Thanh Sơn) được xem là ngôi trường thuộc vào "chuẩn" trong năm học mới này. Thầy Nguyễn Văn Lương - Hiệu trưởng trường THCS Kim Lâm cho hay: "Kế hoạch trong năm học mới 2012-2013, trường có 9 lớp với 327 học sinh. Gần đến ngày khai trường nhưng vẫn còn 27 em đang còn theo bố mẹ bỏ về quê cũ làm nương rẫy chưa nhập trường. Do khu tái định cư có 40% là đồng bào dân tộc Khơ mú nên hầu hết các cháu chỉ học đến lớp 3-4 là bố mẹ bắt phải nghỉ học. Hơn nữa, do thiếu đất sản xuất nơi ở mới, nhiều hộ tái định cư đã bỏ về quê cũ đưa theo con cái của họ khiến việc quản lý học sinh sau hè rất khó khăn. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, hội cha mẹ học sinh vận động các em về nhập học đúng thời gian".
Ngoài vấn đề khó khăn trong công tác quản lý học sinh mỗi dịp hè thì nhà trường cũng đang "đau đầu" vì thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Hiện Trường THCS Kim Lâm có 37 cán bộ, giáo viên-đa số đều là những thầy cô công tác xa nhà thế nhưng trường chỉ có 8 phòng công vụ. Nhiều thầy cô đang phải ở ghép, bình quân mỗi phòng chỉ có 2 người nên tối đa cũng chỉ có 16 thầy cô gặp khó khăn hơn có "suất" được ưu tiên bố trí chỗ ở. "Nhà trường muốn có nhà nội trú cho các thầy cô ở gần trường để yên tâm công tác thế nhưng trường có ít phòng quá. Năm ngoái, được các cấp quan tâm, hỗ trợ sửa sang lại phòng học cho các em nhưng trường vẫn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thí nhiệm nhiều khiến cho công tác dạy học của trường còn gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái chúng tôi đã lập tờ trình với UBND huyện, Sở Nội Vụ, Sở GD-ĐT xem xét việc xây dựng trường thành trường dân tộc bán trú nhưng vẫn chưa thấy hồi âm gì", thầy Lương giãi bày.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng giáo dục huyện Thanh Chương cho biết: "Năm học 2012-2013, tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm có 640 cháu mầm non, 1043 học sinh tiểu học và 634 học sinh THCS. Hiện toàn khu tái định cư có hơn 200 giáo viên được chuyển từ Tương Dương về vẫn còn thiếu nhà nội trú nên nhiều thầy cô ở xa không có nhà để ở. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các điểm trường thiếu thốn cũng như bị xuống cấp, có nhiều điểm trường vẫn học ghép lớp khiến chất lượng giáo dục hằng năm của các trường ở 2 xã này đều xếp cuối của huyện".
Ông Nam cũng thừa nhận, hiện tượng "thừa-thiếu" trường lớp tại các điểm trường ở khu tái định cư của hai xã này. "Do nhà đầu tư khảo sát không hợp lý việc bố trí xây dựng các điểm trường mầm non, tiểu học như xây quá cao, không có nước, các điểm trường xa khu dân cư nên vẫn có hiện tượng trường bị bỏ hoang. Địa bàn khu tái định cư nhiều sông suối nên vào mùa mưa lũ nhiều học sinh phải nghỉ học thất thường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khảo sát lại các điểm trường này để sắp xếp học sinh cho hợp lý", ông Nam nói.
Hình ảnh các điểm trường tại khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ:
Sân trường cỏ mọc um tùm.
Cửa vào điểm trường Mầm non Thanh Sơn đã khóa chặt và nhường lại lối đi cho cây mọc.
Trong nhà ở điểm trường mầm non Thanh Sơn giờ trở thành nhà hoang.Phía bên trong cửa cũng bị phá khóa...
Cổng, cửa sắt điểm trường Mầm non Hạnh Tín đã hư hỏng và không thể sử dụng.
Điểm trường mầm non không còn học sinh đến học mà nhường lại cho một gia đình đến ở tạm.Cổng của một điểm trường mầm non giờ đã thành sắt vụn, hư hỏng không còn sử dụng.
Trần lớp học cũng bị rơi rớt.
Bóng đèn trong lớp học bị vặt trụi.
Hệ thống cửa lớp cũng bị hư hỏng.
Bóng đèn, quạt, trần nhà... bị đập phá hư hỏng.Giờ các em học thiếu đi điện sáng.
Tuy nhiên, khu nội trú Trường THCS Kim Lâm chỉ có 8 phòng trong khi đó có tới hơn 30 giáo viên có nhu cầu. Hiện nhu cầu phòng nội trú tại đây đang rất cần... cho các giáo viên.
Nguyễn Duy - Doãn Hòa
Theo dân trí
Học sinh hay là "cái máy học" Lâu nay , cả xã hội ca thán về chương trình học của học sinh quá tải. Trước sức ép của dư luận, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những giải pháp giảm tải. Thế nhưng, giảm chương trình ở trường thì phụ huynh lại cố tìm cho con mình thầy nọ, lớp kia để nâng cao kiến thức. Họ không hiểu rằng điều...