Đà Nẵng sẽ giảm gần 2.000 biên chế từ nay tới 2021?
Đà Nẵng là thành phố phát triển “ nóng” nhất miền Trung trong thập kỷ qua. Bên cạnh sự phát triển nhanh về kinh tế, đột phá về đô thị, địa phương này vẫn tập trung cho việc thực hiện sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn và đạt thành quả tốt khi tinh giản được gần 2.000 biên chế.
Thay đổi tư duy: “Mỗi đơn vị 1 nhiệm vụ”
Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cho hay, để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế hiệu quả, Đà Nẵng sẽ theo nguyên tắc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, cùng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Với đối tượng, địa bàn như nhau, mỗi nhiệm vụ chỉ giao một đơn vị thực hiện nhưng không nhất thiết mỗi đơn vị chỉ thực hiện một chức năng, nhiệm vụ.
“Riêng năm 2018, thành phố sẽ sắp xếp, tổ chức lại, chuyển đổi 49 đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức lại cơ cấu bên trong, cơ cấu lao động, cấp phó đơn vị sự nghiệp công lập. Kết quả cụ thể mà đề án hướng đến là từ nay đến năm 2021, thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế Nhà nước, phấn đấu giảm 28 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 23 đơn vị, chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần 5 đơn vị”.
Cán bộ công chức Đà Nẵng xử lý thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Đình Thiên
Ông Đồng cũng nêu cụ thể, về bộ máy, Đà Nẵng sẽ cơ cấu biên chế làm việc gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỉ lệ không quá 1/3. Bộ máy và nhân lực làm chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị. Bên cạnh đó, những đơn vị dưới 20 người có không quá 2 phòng, dưới 30 người thành lập không quá 3 phòng; từ 30 người đến dưới 150 người được thành lập không quá 2 phòng gián tiếp.
Ngoài ra, về cấp phó, ông Đồng cho biết, những đơn vị dưới 30 người chỉ có một cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người có hai cấp phó. Đơn vị y tế điều trị có từ 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Với sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng ở nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp, chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện không quá 3 cấp phó.
Video đang HOT
“Theo lộ trình đã đưa ra, đến năm 2021, Đà Nẵng sẽ giảm ít nhất 2.000 biên chế làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua việc tăng tự chủ, chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp ước khoảng 200 tỷ đồng/năm. Đến năm 2025 sẽ giảm 10 – 15%, giai đoạn 2026 – 2030 thực hiện giảm 10 – 15% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước”, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nói.
Còn Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đối với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã phê duyệt 25 đề án về lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Đối với khối chính quyền, giai đoạn 2015-2021, tinh giản 10% biên chế công chức và số lượng người làm việc so với năm 2015.
Ông Võ Văn Thương – Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho biết, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của Đà Nẵng đạt được kết quả rất tốt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập như chỉ tiêu biên chế giao hiện nay đối với địa phương chưa gắn liền với chức năng, nhiệm vụ được giao và quy mô quản lý, tốc độ phát triển kinh tế – xã hội… gây ra nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, tạo áp lực đối với các mục tiêu kinh tế – xã hội, đặc biệt đối với các địa phương tự cân đối ngân sách…
Bên cạnh đó, ông Thương cho rằng, do đặc điểm hệ thống chính trị, tổng số biên chế công chức cao là do tính cả khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Nếu tính riêng các cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính, cân đối với từng vị trí, số lượng này không nhiều. Do đó, nếu cắt giảm biên chế khối này là cắt giảm nguồn lực chính trong việc quản lý và phục vụ xã hội, sẽ gián tiếp giảm chất lượng, khả năng phục vụ quá trình phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc tinh giản chỉ dựa trên số lượng người xin nghỉ tinh giản biên chế và số lượng người nghỉ hưu, thôi việc theo quy định. Trong khi đó, khối quản lý hành chính ổn định về bộ máy, tổ chức nên không thể áp dụng các phương thức tinh giản biên chế khác như ở đơn vị sự nghiệp (tăng tỉ lệ tự chủ, sắp xếp lại…).
Chủ yếu tự nguyện, chưa có giải pháp tích cực
Về việc sắp xếp bộ máy, tinh gọn biên chế, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) là một trong những địa phương tiêu điểm của TP.Đà Nẵng.
Theo Ban Tổ chức Quận ủy Liên Chiểu, quy định của trung ương và thành phố đến thời điểm năm 2021, quận Liên Chiểu phải đảm bảo tinh giản số lượng quy định trên 10%.
Đến nay, quận Liên Chiểu đã hoàn thành 91% mục tiêu. Sau khi thực hiện việc sắp xếp bộ máy, các cơ quan hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình thực tế. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng được nâng lên đã tạo được sự chuyển biến tích cực.
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, ông Võ Công Chánh cho biết: “Việc thực hiện tinh giản biên chế dựa trên sự lựa chọn những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt giữ lại làm việc lâu dài, ổn định để đạt hiệu quả công việc cao. Bên cạnh đó, quận cũng động viên cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn, năng lực công tác hạn chế, lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc để hưởng chính sách tinh giản biên chế”.
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cũng thông tin, trước khi tinh giản biên chế, đơn vị này đã nhiều lần tổ chức tọa đàm, đối thoại thường xuyên với cán bộ, công chức và người lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tạo sự đồng thuận trước khi tổ chức thực hiện nên chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức được sự đồng thuận cao của cán bộ, công viên chức.
Tuy nhiên, ông Võ Công Chánh cho rằng, việc tinh giản biên chế hiện nay chủ yếu là tự nguyện, chưa có giải pháp tích cực để tinh giản biên chế với những trường hợp có trình độ, năng lực yếu. Chỉ mới tinh giản số lượng công chức, viên chức do nghỉ hưu đúng tuổi, không tuyển người mới thay thế; nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc đối với công chức, viên chức không đảm bảo sức khỏe, không hoàn thành nhiệm vụ.
Liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu theo các chính sách tinh giản biên chế, ông Lê Phú Nguyện – Trưởng phòng Tổ chức biên chế (Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho hay, sau 3 năm (2015-2018), thành phố đã giải quyết cho 327 trường hợp nghỉ theo chính sách tinh giản biên chế. Trong đó, 171 trường hợp do đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, 98 trường hợp do sắp xếp lại bộ máy cơ cấu việc làm, 30 trường hợp chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ…
Theo Danviet
Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường hợp nhất một số chức danh
Đại biểu Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất cần lấy kết quả tinh giản biên chế là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ,
Tại buổi thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Đại biểu Phạm Xuân Thăng (đoàn Hải Dương) nhận xét dù Chính phủ đang khá quyết liệt sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế song kết quả còn thấp so với mục tiêu.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc tinh giản biên giản sau 3 năm còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021; số đơn vị tự chủ tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%; tổ chức trong bộ máy cơ quan Chính phủ, HĐND các tỉnh, địa phương còn nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hoạt động chưa hiệu quả...
Từ nhận xét đó, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị Chính phủ: "Đẩy mạnh hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, hiệu quả. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm làm luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức Chính phủ, luật Cán bộ công chức, luật Viên chức, để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước, các chủ trương nhất thể hoá một số chức danh, hợp nhất các cơ quan Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng".
Vị Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận việc tinh giản biên chế, hợp nhất một số chức danh là việc làm khó, dễ phát sinh tư tưởng. Do vậy, ông đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền, lãnh đạo các cơ quan cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện sáng tạo và quyết liệt, lấy kết quả tinh giản biên chế là một trong tiêu chí quan trọng trong đánh giá cán bộ, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước.
Chung quan điểm, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng ngân sách dành cho chi trả lương còn lớn, việc đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm, bộ máy còn cồng kềnh, chưa tinh giản được đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ yếu kém.
Lấy hình mẫu sắp nhập Hà Nội và Hà Tây có hiệu quả cao, ông đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố.
"Nếu quyết tâm cao, đây là giải pháp hiệu quả nhất, hoàn thành đổi mới sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế", đại biểu Tạ Văn Hạ kết luận.
DUY THÀNH
Theo VTC
'Nhất thể hóa' để tinh giản bộ máy Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xác định phải tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, tinh giản số cán bộ...