Đà Nẵng lên kế hoạch ‘người dân không ra khỏi nhà’ trong 7 ngày
Trước diễn biến bình quân 60 đến 80 ca dương tính mới mỗi ngày và chưa có dấu hiệu chững lại, Đà Nẵng tính phương án một tuần thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đó”.
Kế hoạch trên được Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thông báo đến người dân thành phố, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, HĐND TP khóa X, sáng 12/8.
Ông Quảng cho biết, dịch bệnh ở Đà Nẵng đang diễn biến nhanh và ở mức độ nguy hiểm, khó lường. Trong vòng 31 ngày, từ 10/7 đến 11/8, thành phố đã ghi nhận 1.473 ca dương tính, với 13 người tử vong. Hiện còn 1.069 ca đang điều trị, trong đó 43 ca bệnh nặng nguy cơ tử vong cao.
Người dân ra đường ở Đà Nẵng từ ngày 31/7 phải có giấy xác nhận mục đích thiết yếu. Ảnh: Nguyễn Đông.
Trước diễn biến trên, tối qua 11/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố đã họp và quyết định xây dựng phương án “nếu trong vòng 4 ngày nữa thực hiện các biện pháp như hiện nay mà tình hình dịch bệnh không giảm, Đà Nẵng phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó”.
Ông Quảng giải thích, thực hiện triệt để nghĩa là “người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà”. Các công sở, công xưởng, nhà máy, công trường muốn hoạt động phải đảm điều kiện cho công chức, người lao động ở lại tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng bảy ngày. Trong thời gian này, ngành y tế tập trung xét nghiệm toàn thành phố, nhằm sớm phát hiện và đưa các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.
“Đây là biện pháp lãnh đạo thành phố hy vọng không phải áp dụng. Trường hợp áp dụng thì cử tri không nên lo lắng đi thu gom hàng hóa, tránh tập trung đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”, ông Quảng nói thêm và yêu cầu cơ quan chức năng lên phương án đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Đường phố Đà Nẵng vắng vẻ trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Nguyễn Đông.
Đà Nẵng áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 4/5, như cấm tắm biển, dừng các hoạt động tập trung đông người,… nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, thành phố hơn 1,1 triệu dân phải cách ly xã hội “cao hơn Chỉ thị 16″, từ 18h ngày 31/7. Người dân đi lại vì mục đích thiết yếu phải có giấy đi đường.
Đây là đợt dịch Covid-19 thứ 5 ở Đà Nẵng. Trong đó số ca nhiễm mới trong vòng một tháng qua cao gấp gần 4 lần so với tổng số bệnh nhân ghi nhận trong đợt dịch hồi tháng 7/2020, nơi thành phố là tâm dịch của cả nước. Đà Nẵng đang duy trì xét nghiệm bằng phương pháp mẫu gộp, kết hợp với test nhanh, với tổng số mẫu từ 54.000 – 64.000 mẫu mỗi ngày, qua đó phát hiện bình quân 60 – 80 ca dương tính.
Chuỗi lây nhiễm lớn nhất ở Đà Nẵng hơn 20 ngày qua liên quan đến cảng cá Thọ Quang, đến nay đã có 879 bệnh nhân. Hôm qua, thành phố phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm “nguy cơ rất cao” và đáng lo ngại khi 5 ca của chuỗi lây nhiễm cộng đồng liên quan đến một công ty trong Khu Công nghiệp Hòa Cầm.
Video: Phát biểu của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại phiên họp HĐND TP sáng 12/8.
TP HCM tiêm vaccine cho người dân vào ban đêm
Nhiều quận huyện ở TP HCM tổ chức tiêm vào ban đêm nhằm đáp ứng yêu cầu sớm phủ vaccine Covid-19 rộng nhất, nhanh nhất đến với người dân.
18h, anh Vũ Văn Toàn, 36 tuổi, chạy xe máy chở vợ từ nhà trên đường Phạm Văn Chiêu, khu phố 1, phường 9, quận Gò Vấp, để đến điểm tiêm vaccine ở trường THCS Nguyễn Trãi, đường Lê Đức Thọ theo lịch hẹn. Hai hôm trước, cán bộ khu phố đến nhà phát phiếu đăng ký tiêm chủng, khám sàng lọc... cho cả gia đình. Vợ chồng anh được thông báo sẽ tiêm vào buổi tối.
"Đang cách ly xã hội, quán ăn ngừng hoạt động nên vợ chồng tôi sẵn sàng tiêm bất cứ lúc nào", anh Toàn nói và cho biết quãng đường từ nhà đến điểm tiêm dài chừng một km, anh phải qua hai chốt kiểm soát. Tuy nhiên nhân viên trực đều tạo điều kiện cho anh đi qua sau khi kiểm tra giấy tờ liên quan việc tiêm chủng.
Người dân tiêm vaccine ở điểm trường THCS Nguyễn Trãi, đêm 5/8. Ảnh: Hà An.
Tại điểm tiêm, sau chừng 15 phút kể cả thời gian xếp hàng, đo huyết áp, khám sàng lọc, vợ chồng anh Toàn đã hoàn thành tiêm mũi thứ nhất. Mất thêm khoảng 15 phút theo dõi sức khoẻ tại sân trường, hai người ra về sau khi nhân viên phường thông báo quãng thời gian tiêm mũi thứ hai.
Trong đêm 5/8, phường 9 tổ chức tiêm cho hơn 1.000 người dân khu phố 1, tuổi từ 18 đến dưới 65. Lực lượng công an, quân sự, bảo vệ dân phố và tình nguyện viên được bố trí để hỗ trợ người dân, giữ gìn an ninh trật tự. Trước đó, địa phương đã in phiếu và phát về cho toàn bộ người dân, thông báo thời gian, địa điểm tiêm chủng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBND phường 9, nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, địa phương làm theo hình thức cuốn chiếu, theo từng khu phố. "Khu phố 1 có hơn 1.600 dân trong đêm nay sẽ tiêm cho khoảng 1.000 người. Số còn lại sẽ tiêm lần sau cùng khu phố khác, tiêm đến đâu dứt điểm đến đó", bà Liên nói và cho biết tiêm buổi tối giúp người dân bận đi làm dễ bố trí thời gian.
Thông tin từ cổng thông tin Covid-19 TP HCM, ngày hôm qua quận Gò Vấp tiêm vaccine cho gần 9.000 người, tổng luỹ kế từ trước đến nay đạt gần 90.000 người, nằm trong những địa phương có tốc độ tiêm nhanh.
Cách trường THCS Nguyễn Trãi chừng 18 km , tại chung cư Giai Việt, phường 5, quận 8, trong đêm 5/8, đội ngũ y tế lưu động đã tổ chức tiêm vaccine cho người dân chung cư này. Điểm tiêm này là mô hình do quận 8 phối hợp Đại học Sài Gòn nhằm tăng tốc độ tiêm vaccine cho người dân ở địa bàn. Tính đến tối qua, điểm đã tiêm cho hơn 2.000 người, dự kiến sau 3-4 đêm sẽ tiêm xong toàn bộ người dân chung cư.
"Tất cả lực lượng đều sẵn sàng thức đến khuya để hướng dẫn, tiêm vaccine cho người dân. Chúng tôi cố gắng tiêm hết những người đã đăng ký trong đêm, không để sót một ai", bà Đinh Thị Thim, Phó chủ tịch UBND phường 5 nói và cho biết ngoài chung cư Giai Việt, phường tổ chức tiêm cho người trên 65 tuổi của khu phố 1, 2 nằm gần đó để đẩy tốc độ tiêm vaccine tại địa bàn.
Người dân ở chung cư Giai Việt xếp hàng chờ khám vaccine. Ảnh: Hà An.
Tổ chức tiêm vaccine sau 18h nằm trong kế hoạch của TP HCM nhằm tăng tốc độ tiêm chủng để đạt mục tiêu 70% dân số thành phố (trên 18 tuổi) được tiêm ít nhất một liều trong tháng 8. Để việc tiêm buổi tối thuận lợi trong bối cảnh địa phương siết chặt giãn cách, chính quyền có bộ nhận diện cho người dân ra đường tiêm vaccine. Các chốt kiểm soát phải tạo điều kiện người dân đi qua.
Nhằm đẩy độ phủ vaccine trong thời gian nhanh nhất, trước đó TP HCM đã đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian tiêm, tổ chức 1.200 đội mỗi đội có thể tiêm 250 người trong một ngày. Như vậy, toàn thành phố có thể đạt công suất tiêm 300.000 người, nếu thêm nguồn lực sẽ tăng lên 350.000 người một ngày.
Theo báo cáo của Sở Y tế, hôm qua thành phố tiêm cho hơn 221.000 người. Sau hai tuần (từ ngày 22/7 đến hết 5/8) TP HCM đã tiêm tổng cộng hơn 1,56 triệu người, tất cả đều an toàn. TP Thủ Đức là nơi có số lượng người dân tiêm vaccine nhiều nhất (hơn 266.000 người), tiếp đến là quận Tân Bình, 12 (đều hơn 97.000 người), Bình Chánh (95.000 người)...
Hôm 3/8, UBND TP HCM có văn bản đề xuất Chính phủ cấp 5,5 triệu liều vaccine từ 5/8 và theo tiến độ liên tục đến 31/8. Trong khoảng thời gian này, thành phố cần trung bình mỗi ngày 210.000 liều. Đề xuất này nhằm đạt mục tiêu tiêm cho 7 triệu người từ 18 tuổi tại TP HCM.
Đến nay, TP HCM là địa phương nhận nhiều vaccine nhất cả nước, với hơn 4 triệu liều (bao gồm cả số lượng vaccine đưa về các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn). Tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi đạt 29%.
Lấy giấy đi đường của công ty cấp cho hàng xóm Ông Trình Đình Thanh (lái xe) lấy giấy đi đường của công ty cấp phục vụ việc đi lại trong thời gian cách ly để cho hàng xóm. Tối 3/8, ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng với ông Thanh (44 tuổi, trú phường Hoà An) về...