Đà Nẵng: Học sinh được dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục
Đều đặn mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, lớp dạy kỹ năng sống miễn phí của cô Phạm Thị Thùy Loan bắt đầu với những bài giảng về các vấn đề mang tính thời sự như phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục.
Cô Loan cho biết tại VN, cứ trung bình 8 giờ đồng hồ lại có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục. Sau khi đưa ra các dẫn chứng, cô chỉ rõ hành vi xâm hại tình dục là thế nào để các học sinh nhận biết. Nhiều học sinh ngỡ ngàng cho biết, các em đã từng bị đụng chạm vào cơ thể nhưng cứ nghĩ đó là những hành động vô ý từ người lớn.
Trong bài giảng của mình, cô Loan cũng khéo léo tổ chức các trò chơi rồi tế nhị lồng ghép thông điệp của mình. Chẳng hạn, với việc cho học sinh tìm gương mặt của “yêu râu xanh”, cô khẳng định: ai cũng có thể trở thành kẻ xâm hại. Từ đó, cô chỉ cách để học sinh chủ động bảo vệ mình, như: đóng cửa khi ở nhà một mình, không đi một mình ở nơi vắng vẻ…
Đà Nẵng: Học sinh được dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Thanh Niên.
Cô Loan chia sẻ, vấn đề tình dục rất nhạy cảm, nhất là đối với các học sinh đang trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở. Bởi vậy, mỗi bài giảng của mình, ngoài việc chọn cách trình bày sao cho thu hút, cô Loan luôn phải tìm từ ngữ, hình ảnh phù hợp để vừa tránh phản cảm vừa mang lại hiệu quả. “Đối với buổi học về chống xâm hại tình dục, sau phần nói chuyện, giải thích mang tính lý thuyết, các học sinh sẽ xuống sân trường để tham gia vào phần học võ”.
Không chỉ dạy chống xâm hại tình dục, cô Loan còn hướng dẫn các em cách phòng tránh bạo lực học đường, quản lý thời gian, hay cách ghi chép hiệu quả… Mỗi kỹ năng cụ thể được cô Loan nhờ bạn bè hướng dẫn thực hành bài, như băng bó vết thương có y tá, nói về tội phạm có công an.
Thông tin và hình ảnh về lớp học lan truyền trên mạng, nhiều học sinh ngoài trường hoặc nhà cách gần chục km cũng đề nghị bố mẹ chở đến tham gia. Có em mới học lớp hai cũng nằng nặc xin chị cho đi cùng. Vào dịp hè, ngoài lớp 12 đến 18 tuổi, cô Loan mở thêm lớp từ 6 đến 9 tuổi với gần 60 học sinh ngoài trường.
Đà Nẵng: Học sinh được dạy kỹ năng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Thanh Niên.
“Em học được kỹ năng giao tiếp và chống xâm hại tình dục. Việc học gắn với thực hành khiến chúng em rất thích thú và thuộc bài”, Trần Duy Vinh, học sinh lớp 11 trường THPT Quang Trung, nói. Còn Trương Thị Mỹ Hòa, lớp 9/4 trường Huỳnh Thúc Kháng, tâm sự đã biết cách kiểm soát được sự căng thẳng.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ, nhận xét lớp học của cô Loan tạo được sự hứng thú cho học sinh, vì có tính thực tiễn. Các em không bị gò bó vào sách vở mà được học từ những tình huống thực tế. “Không chỉ học sinh trong trường mà rất nhiều học sinh, phụ huynh nơi khác tìm đến đã cho thấy tính hiệu quả của lớp học”, thầy Phước nói.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, bà Trần Thị Thúy Hà cho biết thực hiện việc mở cửa cổng trường hai năm nay, nhiều trường đã có câu lạc bộ dạy võ, kỹ năng sống ngắn hạn, nhưng tổ chức và duy trì thành lớp học thì toàn quận mới chỉ có cô Loan làm được.
Video đang HOT
“Lớp học là cần thiết trong thời đại đa số học sinh tiếp cận với mạng xã hội. Các em cần người hướng dẫn để có nhận thức và kỹ năng đúng”, bà Hà nói và cho biết sẽ cho nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống của cô Loan đến các trường ở Hải Châu ngay trong dịp hè này.
THỦY TIÊN
Theo SĐPL
Nguy cơ khi nhiều trẻ xem trọng người giúp việc hơn bố mẹ, ông bà
Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lòng yêu thương gia đình, bạn bè cực kỳ quan trọng đối với trẻ, cần được hình thành ngay trong gia đình, bằng sự quan tâm, giao tiếp giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đứa trẻ xem trọng người giúp việc hơn cả ông bà, bố mẹ.
Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm cảnh báo về thực trạng lỏng lẻo trong giáo dục đạo đức con trẻ trong gia đình và nhà trường hiện nay tác động đến thực trạng bạo lực học đường (BLHĐ) và xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em trong chuyên đề về chủ đề này vừa được tổ chức tại TPHCM.
Thiếu tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm chia sẻ với học sinh TPHCM về bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng các vụ BLHĐ hay XHTD trẻ em xảy ra khá phổ biến, để lại hậu quả nặng nề cho bản thân các em và cả người thân, gia đình, thậm chí cả tổ chức, cả địa phương nơi người đó sinh sống, gây bức xúc trong dư luận.
Trên thực tế, đã có một vài cơ quan công bố số liệu nhưng Thiếu tá Lâm không tin vào số liệu này vì theo ông, nhiều vụ việc không dược "nhận diện". Nhiều trẻ nhỏ chưa có khả năng nhận thức ranh giới giữa "yêu thương", "nũng nịu" với dâm ô, XHTD.
Người lớn nên cảm thấy "chạnh lòng"
Theo TS Lê Hoàng Việt Lâm, một số quy định của pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn xã hội; việc xử phạt không đảm bảo tính răn đe.
Một số lãnh đạo, ban giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, chỉ khi xảy ra vụ việc mới bất ngờ, rồi tìm cách thoái thác, ngụy biện, che giấu... dẫn đến rất nhiều hệ luỵ.
Đứng ở vị trí quan sát, TS Việt Lâm đánh giá thật khó có thể chấp nhận về hành động bạo lực của các em, khó tránh khỏi sự phán xét. Nhưng nếu xét về lý do ẩn đằng sau những hành động đó, người lớn ít nhiều nên cảm thấy "chạnh lòng".
Ông đặt hàng loạt câu hỏi: Vì đâu khi xảy ra những vấn đề với bạn bè cùng trang lứa, các em lại thường có suy nghĩ mình phải giải quyết những mâu thuẫn ấy bằng bạo lực? Liệu thầy cô, gia đình đã thực sự quan tâm và mong muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động trên, hay chỉ là những lời cáo buộc và không thực sự lắng nghe các em?
Có chăng hành động ấy lại là hệ quả của những quan sát và tổn thương trong quá khứ? Như các em lớn lên trong một gia đình cha mẹ hằn học nhau, các em bị bạo hành thường xuyên, không chỉ qua hành động mà còn qua lời nói? Hay có chăng đó là nhu cầu được chú ý và quan tâm được thể hiện một cách quá mức? Khởi nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm của các em?
Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp tổng thể, giải quyết căn cơ từ gốc, ở đó có sự tham gia của cả cộng đồng, xã hội, của truyền thông hay của chính bản thân những người có khả năng bị xâm hại, bị bạo lực.
Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm đặt ra 5 giải pháp cho thực trạng BLHĐ và XHTD trẻ em:
Bố mẹ, thầy cô phải trăn trở và nghiêm khắc với mình hơn
Các gia đình, nhà trường cần nhận thức và nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, đặc biệt là lòng yêu thương gia đình, bè bạn; rèn luyện kỹ năng sống, trang bị những kiến thức cần thiết liên quan đến giới tính, quan hệ nam nữ hay khả năng ứng phó với những tình huống cụ thể liên quan đến BLHĐ hay XHTD.
Cần dành thời gian cho con, cho học sinh nhiều hơn, hãy học hỏi và đề ra những "quy định" trong giáo dục nhân cách cho trẻ; biết lắng nghe và gần gũi để biết được những tâm tư, suy nghĩ mà con trẻ cần. Ai cũng nghĩ điều này đơn giản song nhiều gia đình đã không làm được, nhiều đứa trẻ bây giờ coi trọng người giúp việc hơn cả bố mẹ, ông bà...
Mỗi người cha, người mẹ, mỗi thầy cô cần phải biết trăn trở và nghiêm khắc với chính mình, phải có ứng xử đúng mực khi để sự việc xảy ra hay biết, chứng kiến sự việc. Ngay cả trong cách phản ứng, bày tỏ quan điểm trước những vấn nạn đó cũng cần phải hết sức tỉnh táo, đúng mực.
Xây dựng lực lượng chuyên trách trong nhà trường
Mỗi cơ sở giáo dục, trường học cần có người chuyên trách về giáo dục giới tính, giáo dục đạo đức và nhân cách. Đó phải là những cán bộ giỏi, được đào tạo bài bản, am hiểu tâm lý, giáo dục, am hiểu trẻ em; có kỹ năng huấn luyện, truyền cảm ứng cho trẻ trong các buổi giáo dục kỹ năng và đạo đức.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, xây dựng các tình huống, giả định liên quan đến BLHĐ và XHTD trẻ em để các vừa được học tập thực tế vừa có nhiều cơ hội để tiếp xúc nhiều hơn. Các em cần được được trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, tiếp xúc, giao tiếp với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn và học cách giải quyết mâu thuẫn văn minh hơn, xử lý tốt hơn trong quan hệ nam nữ, trong những tình huống bị xâm hại.
Người tốt không được im lặng
Thực tế, nhiều vụ việc BLHĐ và XHTD trẻ em diễn ra rất lâu mới bị phát hiện, như vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên, mà nguyên nhân còn do người chứng kiến che giấu, thậm chí sợ bị liên lụy. Thậm chí có những vụ án, cha đã dâm ô, hiếp con ruột, song vì sợ bị tai tiếng, dị nghị của hàng xóm, xã hội, nhiều người mẹ đã cam chịu, chấp nhận che giấu.
Chúng ta cần xây dựng cơ chế và thực thi hiệu quả cơ chế để người nắm bắt thông tin có thể an tâm, mạnh dạn công khai thông tin; hoặc giúp họ định vị lại trách nhiệm của mình hoặc nhận rõ hệ quả của việc che giấu thông tin đó.
Xác định trách nhiệm
Xây dựng chương trình Phòng chống quốc gia về BLHĐ và XHTD trẻ em, trong đó vạch rõ nội dung thực hiện, thang đo để đánh giá diễn biến, thực trạng của những "vấn nạn" trên; xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm khi để BLHĐ và XHTD trẻ em diễn ra.
Vụ việc ở Hưng Yên, tất cả chúng ta đều thừa nhận và đồng ý rằng bạo lực học đường có trách nhiệm của gia đình, nhà trường, và cả xã hội. Ngoài việc kỷ luật giáo viên, quản lý trường học thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, của bố mẹ và của người thực hiện hành vi BLHĐ, XHTD trẻ em sẽ bị hình thức xử lý nào.
Việc kỷ luật đuổi học học sinh cũng cần phải trả lời một khi tước đi môi trường học tập thì các em sẽ đi về đâu, chuộc lỗi lầm trong môi trường nào?
Đặc biệt cần xây dựng cơ chế kiểm soát việc công bố số liệu, vụ việc liên quan đến BLHĐ và XHTD trẻ em bởi trên thực tế số liệu được công bố hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan chủ quản mà chưa hề có một cơ chế giám sát xã hội hay chế tài xử lý nếu công bố không đầy đủ, không chính xác.
Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng
Khi vụ việc xảy ra, truyền thông cần cung cấp thông tin đủ, trách khai thác quá nhiều thông tin đến vụ việc mà cần có những bài mang tính định hướng để giải quyết vấn đề.
Cần bỏ những bài mang tính "câu like", tạo sự "giật gân" để thu hút dư luận hay vì mục đích quảng cáo. Thay vào đó là sự chuẩn mực, hướng đến những giá trị đẹp cho giới trẻ và cộng đồng trong vai trò của truyền thông rất lớn.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ cách giúp con tự bảo vệ bản thân Theo Thạc sĩ Đinh Đoàn, phụ huynh hãy cho con cơ hội rèn luyện kỹ năng sống và giá trị sống, đừng chỉ chú ý đến học văn hóa. Thạc sĩ Đinh Đoàn là giọng nói quen thuộc của chương trình tư vấn Cửa sổ tình yêu (VOV). Cách trả lời của ông luôn thông minh, dí dỏm mà sâu sắc. Ngoài ra,...