Đà Nẵng: Giáo viên miền núi khó khăn khi bị cắt phụ cấp
Khi huyện Hòa Vang được đưa ra khỏi danh sách các huyện miền núi khó khăn nên chế độ phụ cấp của giáo viên dạy tại các xã miền núi cũng bị cắt.
Nhiều cán bộ, giáo viên ở các xã miền núi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng gặp khó khăn khi bị cắt giảm các khoản phụ cấp. Việc này không chỉ gây thiệt thòi cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở miền núi.
Trường THCS Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Để đến được trường, phải băng qua con đường ngoằn ngoèo, chằng chịt ổ gà, ổ voi, nắng bụi, mưa lầy. 98% giáo viên nhà trường là người đồng bằng lên miền núi giảng dạy. Có người dạy ở miền núi vài chục năm.
Cô Mai Thị Dung, giáo viên dạy môn Sinh, trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, hàng ngày cô phải đi 25 km từ nhà tới trường. Hôm nào có tiết dạy đầu, cô Dung phải đi trước 1,5 tiếng.
Các giáo viên gặp khó khăn khi bị cắt phụ cấp miền núi.
Trước đây, cô có tiền phụ cấp đủ trang trải tiền xăng xe hàng ngày, nhưng giờ bị cắt phụ cấp đồng nghĩa với việc đồng lương ít ỏi ra chi trả. Theo cô Dung, số tiền bị cắt giảm cũng khác nhau, người giảm nhiều thì 2 đến 3 triệu đồng/1 tháng, người thấp thì cũng gần 1 tháng lương cơ bản.
“Ví dụ như lương 7 triệu đồng, chi phí hết mọi hoạt động như con cái học hành, đối nội, đối ngoại, với đồng lương như vậy thì rất khó khăn” – cô Dung chia sẻ.
Video đang HOT
Một thầy giáo tại trường THCS Nguyễn Tri Phương có thâm niên 20 năm công tác cho biết, nhà thầy ở quận Thanh Khê, năm 1999, tốt nghiệp Đại học sư phạm, thầy lên nhận công tác tại xã miền núi Hòa Bắc. Thầy giáo này tâm sự, giáo viên công tác ở miền núi điều kiện đi lại khó khăn mà chế độ được hưởng như giáo viên công tác ở thành phố là không công bằng.
“Năm vừa rồi, Phòng giáo dục nói đang làm tờ trình để xin thành phố hỗ trợ giáo viên, nhân viên ở nơi xa đến đây công tác, hỗ trợ 1 tháng 1 triệu hoặc 2 triệu nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì” – thầy giáo nói.
Không riêng các giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương gặp khó khăn mà nhiều thầy cô dạy ở hai xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú của huyện Hòa Vang đều trong tình cảnh tương tự. Rất nhiều giáo viên có nguyện vọng muốn chuyển về thành phố cho gần nhà.
Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, các giáo viên từ miền xuôi lên vùng núi cao để dạy học phải đối diện với nhiều khó khăn nên chế độ phụ cấp cho vùng đặc biệt khó khăn là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, đến nay khoản phụ cấp này bị cắt khiến nhiều giáo viên lo lắng.
Theo thầy Thọ, nhiều trường hợp trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên không đến nhận công việc do lương quá thấp.
“Năm 2018, khi chưa có Quyết định 21 về việc bãi bỏ các ưu đãi cho giáo viên, trường cũng có 2 giáo viên nhận quyết định bổ nhiệm về đây nhưng họ cũng bỏ. Năm nay, có 3 giáo viên hợp đồng dạy thời vụ của trường cũng bỏ việc luôn”- thầy Thọ nói.
Thầy và trò miền núi còn gặp nhiều khó khăn.
Được biết, khi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng được đưa ra khỏi danh sách các huyện miền núi khó khăn nên chế độ phụ cấp của các giáo viên dạy tại các xã miền núi cũng bị cắt. Nhiều giáo viên đề nghị cơ quan chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã giao cho Sở nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ cho giáo viên trực tiếp giảng dạy tại các trường thuộc các xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Hòa Vang trong thời gian sắp tới ./
Theo VOV
Công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại TP Huế
Chiều 14/6 tin từ Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT tổ chức thi tuyển trên địa bàn TP Huế và điểm chuẩn vào trường THCS Nguyễn Tri Phương
Theo đó trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 các trường THPT trên địa bàn TP Huế có 5.200 học sinh (HS) dự thi. Qua kỳ thi có 4.195 HS trúng tuyển. Ngoài 10 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy chế vào các trường THPT Hai Bà Trưng, Nguyễn Trường Tộ, Gia Hội và Đặng Trần Côn, còn lại có 995 HS thi rớt.
Số HS trúng tuyển vào các trường như sau: Có 3.144 HS trúng tuyển vào nguyện vọng 1; 623 HS trúng tuyển vào nguyện vọng 2 và 428 HS trúng tuyển vào trường THPT chuyên Quốc Học Huế (xét điểm các môn thi ở kỳ thi này và tổ chức các môn thi riêng).
HS dự thi tuyển vào lớp 10 các trường tại TP Huế
Cụ thể, điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường THPT cao nhất là trường Hai Bà Trưng là 48,9 điểm (Tiếng Anh), 50,3 điểm (tiếng Nhật); tiếp đến là các trường: Nguyễn Huệ là 47,6 điểm (Tiếng Anh), 41,5 điểm (Tiếng Pháp) và 40,7 điểm (Tiếng Nhật); Nguyễn Trường Tộ 41,7 điểm (tiếng Anh), 31,9 điểm (tiếng Pháp); Cao Thắng 37,3 điểm; Gia Hội 28,3 điểm; Bùi Thị Xuân 26,0 điểm; Thuận Hóa: 20,1 điểm; Đặng Trần Côn 16 điểm;
Điểm chuẩn nguyện vọng 2 theo thứ tự từ trên xuống dưới là: Nguyễn Huệ: 49,4 điểm (Tiếng Nhật); Nguyễn Trường Tộ: 44,5 điểm; Cao Thắng: 38,3 điểm; Thuận Hóa 35,7 điểm; Gia Hội 28,5 điểm; Đặng Trần Côn 27,6 điểm; Bùi Thị Xuân 27 điểm.
Điểm chuẩn vào các lớp chuyên ở trường THPT chuyên Quốc Học Huế như sau: chuyên tiếng Pháp 35,46 điểm; chuyên Anh văn 35,10 điểm; chuyên Sinh 34,80 điểm; chuyên Hoá 33,95 điểm; chuyên Địa lý 33,80 điểm; chuyên Tin học 33,25 điểm; chuyên tiếng Nhật: 33,05 điểm; chuyên toán 30,80 điểm; chuyên Vật lý 29,95 điểm; chuyên Sử 29,95 điểm.
Riêng điểm chuẩn vào trường THCS Nguyễn Tri Phương ở lớp bình thường là 45,95 điểm (341 thí sinh) và lớp tiếng Pháp là 43,0 điểm (20 thí sinh). Tổng số HS được tuyển vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương là 361 học sinh/360 chỉ tiêu.
Được biết từ ngày 15 - 21/6, các trường sẽ bắt đầu nhận đơn phúc khảo.
Đại Dương
Theo Dân trí
Ban tổ chức cuộc thi ASMO xin lỗi sau khi bị tố 'như cái chợ vỡ' Ban tổ chức cuộc thi Olympic Quốc tế Khoa học, Toán và Tiếng Anh (ASMO) mong phụ huynh thông cảm và lượng thứ vì khâu tổ chức chưa chu đáo. Sau khi phụ huynh phản ánh kỳ thi Olympic Quốc tế Khoa học, Toán và Tiếng Anh - ASMO - "như cái chợ vỡ", mới đây, fanpage Asian Science and Mathematics Olympiad -...