Đà Nẵng: Điều tra cán bộ giả chữ ký để hợp thức nhà trái phép
Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch của UBND phường Hòa Hiệp Nam ( quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được cho là đã giả chữ ký của Chủ tịch UBND phường này nhằm hợp thức hóa cho nhà trái phép.
Ngày 28.3, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, ông Võ Công Chánh thông tin, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của quận vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật về trường hợp giả chữ ký của Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.
Cũng theo ông Chánh, kết quả xác minh ban đầu của các đơn vị có thẩm quyền thể hiện, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam đã giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam với mục đích hợp thức hóa 1 căn nhà xây dựng trái phép trên địa bàn.
Theo đó, sau những chỉ đạo tích cực của Quận ủy Liên Chiểu, các cơ quan chức năng của quận và phường trên địa bàn đã vào cuộc xử lý việc xây dựng nhà trái phép. Tại phường Hòa Hiệp Nam, ngày 5.3, UBND phường tiến hành kiểm tra công trình xây dựng trái phép của hộ ông Trần Ngọc Thành (trú tại tổ 3, phường Hòa Hiệp Nam) thì được vị này cung cấp đầy đủ các hồ sơ.
Hồ sơ ông Nguyên giả chữ ký của Chù tịch phường. Ảnh: Nguyễn Toàn
Tuy nhiên, đối chiếu với các tài liệu khác, cơ quan có thẩm quyền phường Hòa Hiệp Nam phát hiện những dấu hiệu gian dối trong “Đơn xin xác nhận nhà ở” của ông Thành do bà Nguyễn Thị Lệ ký.
Cụ thể, đơn ghi ngày 15.11.2017, nhưng phường lại xác nhận ngày 10.11.2017. Mở rộng xác minh, cơ quan chức năng khẳng định chữ ký của vị Chủ tịch phường nói trên là hoàn toàn giả mạo. Thế nhưng, con dấu trong đơn lại chính xác là của UBND phường Hòa Hiệp Nam, hơn nữa, trong hồ sơ lưu trữ của phường cũng là lá đơn này?!
Nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ địa phương, Quận ủy Liên Chiểu yêu cầu phường Hòa Hiệp Nam xác minh kỹ lưỡng, truy rõ những sai phạm. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Hoàng Nguyên là người đã làm hồ sơ nói trên.
Theo nội dung tường trình của ông Nguyễn Hoàng Nguyên, ông này đã “photocopy” chữ ký của bà Lệ lên đơn xin xác nhận nhà ở của người dân. Sau đó, lấy con dấu của UBND phường Hòa Hiệp Nam đóng lên.
Bí thư Liên Chiểu khẳng định sẽ siết chặt việc quản lý xây dựng. Ảnh: Đình Thiên
Trao đổi với Dân Viêt, Bí thư quận ủy Liên Chiểu, ông Võ Công Chánh khẳng định, quận sẽ xử lý tới cùng vụ việc này để ngăn chặn việc xây dựng nhà trái phép.
Video đang HOT
“Trong 2 năm lại đây chúng tôi đẩy mạnh kiểm tra, quản lý việc xây dựng nhà trái phép. Con số phát hiện sai phạm tăng cao hơn mọi năm. Phải siết chặt việc này (quản lý xây dựng-PV) kể cả phải xử lý nghiêm cán bộ. Chúng tôi cần sự thay đổi cụ thể chứ không cần bản báo cáo đẹp”, ông Chánh nói.
Được biết, hiện ông Nguyên đã làm tường trình về sự việc. Riêng quan điểm của Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu là xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Theo Danviet
Nam Ô dưới chân resort: Hủy hoại văn hóa tâm linh, bất chấp cảnh báo
Những ngày này, người dân làng chài Nam Ô (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) như ngồi trên đống lửa vì những giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh, bờ biển... đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.
Dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô, có tên là Lancaster Nam O Resort được quy hoạch từ năm 2010, nhưng sau 8 năm, đến nay nhà đầu tư mới bắt đầu rục rịch khởi động bằng việc lập rào thép gai, chắn toàn bộ lối đi xuống biển khiến hàng ngàn dân Nam Ô nổi giận. Đằng sau đó là cả một câu chuyện đau lòng khi toàn bộ những địa chỉ văn hóa tâm linh, những chứng tích lịch sử ngàn năm... sắp biến thành ký ức. Tất cả đều được giải tỏa, đập bỏ để lấy đất cho biệt thự sinh thái.
Chắn lối xuống biển
Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ khu vực Nam Ô 2 cho biết: "Trước đây chủ đầu tư rào chắn, người dân phản đối nên công ty đã mở lại 6 lối xuống biển tạm thời để phục vụ người dân khi dự án chưa triển khai. Ngày 20.6, lối xuống biển tại khu vực rừng ở ghềnh đá Nam Ô bất ngờ bị rào chắn khiến người dân bức xúc vì đây là lối đi huyết mạch. Buổi sáng và buổi chiều, bà con của 11 tổ dân phố với khoảng 1.000 hộ dân thường theo lối này để ra biển tắm, tập thể dục cũng như thu hoạch mứt, hàu...
Ông Nguyễn Đức Minh, một người dân tổ 46, phường Hòa Hiệp Nam cho biết: "Chủ trương của thành phố, dân làng chấp hành và đã nhường đất. Nhưng lăng, miếu, dinh thờ tự dân làng tôn kính mấy trăm, mấy ngàn năm qua kiên quyết không được di dời, không được đụng đến".
Sát bờ biển nhưng người dân bị chặn lối xuống biển. Ảnh: Nam Cường
Ông Trương Văn Đô cho biết, trước đây, UBND thành phố đồng ý cho để lại lăng Cá Ông và dinh Âm Hồn, đồng thời sẽ di dời miếu Bà Liễu Hạnh về cạnh đó, gộp 3 di tích để làm một quần thể du lịch. Việc gộp này, dân cũng đã đồng thuận. Nhưng sau đó, chủ đầu tư lại yêu cầu di dời hết các lăng, dinh, miếu ra khỏi khu vực này, đưa đi nơi khác nên người dân không đồng ý.
"Dân làm đơn cùng nhau ký và gửi rất nhiều cho UBND thành phố. Nguyện vọng của người dân là mở các lối xuống biển và để lại các lăng miếu không được di dời. Đây là hồn quê ngàn năm của vùng biển này", ông Đô nói.
Theo ghi nhận của chúng tôi, người dân khu vực xung quanh dự án hiện trong cảnh sống gần biển nhưng chỉ được đứng sát rào sắt nhìn về phía biển bởi toàn bộ đã bị nhà đầu tư che chắn. Cụ Trương Heo (86 tuổi), một người dân buồn bã: "Cả đời người giữ gìn từng mảnh đất, từng ngọn cỏ cái cây, người làng Nam Ô gìn giữ nét đẹp hoang sơ cho mỏm Hạc, gìn giữ từng chút một văn hóa tâm linh, từng chút một những thứ thuộc về lịch sử, nay bỗng chốc tan tành".
Trước đó, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư thành ủy Đà Nẵng trong lần kiểm tra thực tế dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã khẳng định: "Theo luật biển mới, bờ biển là của cộng đồng không thể giao cho doanh nghiệp được".
Điều chỉnh, điều chỉnh... và biến resort thành biệt thự
Theo tài liệu của PV Dân Việt có được, dự án Lancaster Nam O Resort có tên dự án Khu đô thị Sinh thái Nam Ô. Trước đây, dự án này được UBND thành phố giao cho Công ty CP Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm. Ngày 11.3.2010, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc đó) đã có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Nam Ô từ Công ty Thương mại Du lịch đầu tư Cù Lao Chàm sang cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Thủy.
Năm 2010, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy được Đà Nẵng giao đất với diện tích 100.000m2, giá trị hợp đồng là 70 tỷ đồng. Nộp đủ tiền trong vòng 2 tháng, đơn vị này được miễn 10% giá trị. Ngày 24.11.2010, Công ty Cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng nộp số tiền 63 tỷ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.
Mặc dù ban đầu là khu đô thị sinh thái, với nhiều hạng mục công cộng, đặc biệt đất dành cho resort, sân golf... chiếm phần lớn, nhưng sau 2 lần điều chỉnh, đất dành cho resort và sân golf đã biến mất.
Cụ thể: Dự án được điều chỉnh quy hoạch từ hơn 43,2ha xuống còn hơn 36ha. Trong đó, đất khu resort từ hơn 100.000m2 giảm xuống còn hơn 64.000m2, đất biệt thự từ hơn 22.000m2 tăng lên 40.000m2. Đất ghềnh đá Nam Ô từ 46.000m2 điều chỉnh tăng lên 49.000m2.
Làng chài tan hoang và chỉ còn ký ức. Ảnh: Nam Cường
Đến tháng 3.2014, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (lúc này là ông Văn Hữu Chiến) tiếp tục có quyết định điều chỉnh. Diện tích đất khu resort từ hơn 64.000m2 đã được điều chỉnh về con số 0, trong khi đất biệt thự được tăng lên hơn 63.000m2. Ngoài ra, quy hoạch ban đầu của dự án không có quỹ đất lăng miếu, mộ tiền hiền Nam Ô, sau 2 lần điều chỉnh quỹ đất này mới lần lượt tăng từ 504m2 và hơn 2.000m2. Các khu như spa sinh thái, căn hộ điểm nhấn, bulgalow... lúc đầu là 0 nhưng đến lần cuối được đưa vào với gần 10.000m2.
Mõm Hạc, ghềnh đá... của dân sắp biến thành sở hữu tư nhân. Ảnh: Nam Cường
Một chuyên gia quy hoạch (xin giấu tên) cho rằng, nếu quy hoạch làm du lịch với điểm nhấn là phát triển resort, nhà đầu tư còn có trách nhiệm lâu dài với sự phát triển hài hòa của dự án. Nhưng sau khi điều chỉnh, thực chất dự án bây giờ chỉ là căn hộ biệt thự, phân lô bán nền. "Thành phố chỉ thu được 63 tỷ đồng tiền đất nhưng phải giải tỏa hàng trăm hộ dân, lập khu tái định cư, trong khi nhà đầu tư bán đất hàng ngàn tỷ đồng. Ai được lợi? Còn chưa kể đằng sau đó là sự mất mát của những giá trị văn hóa tâm linh, của các di tích lịch sử" - chuyên gia này nói.
Đã cảnh báo, nhưng bị phớt lờ(?)
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Huỳnh Hùng - GĐ Sở Văn hóa và thể thao TP.Đà Nẵng cho hay, ông vô cùng trăn trở trước những giá trị văn hóa tâm linh, những địa chỉ lịch sử lâu đời tại Nam Ô đang đứng trước nguy cơ vĩnh viễn biến mất.
"Ngay khi các đơn vị chức năng lấy ý kiến về việc di dời miếu Bà Liễu Hạnh, lăng Âm Hồn, lăng Ngư Ông tại Khu du lịch làng cá Nam Ô, chúng tôi đã có công văn phản đối, tuy nhiên đến bây giờ, mọi việc vẫn không thay đổi", ông Huỳnh Hùng cho biết.
Lăng Ông Nam Ô chỉ còn là ký ức. Ảnh: Nam Cường
Cụ thể, theo ông Hùng, Sở Văn hóa và Thể thao không thống nhất việc di dời miếu Âm Hồn, miếu Bà Liễu Hạnh và lăng Ngư Ông từ vị trí hiện tại về mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành như đề nghị của Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng bởi các lý do 3 địa chỉ trên đã được đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất lập làng của thế hệ trước. Nếu di dời sẽ mất luôn giá trị nguyên gốc của công trình.
"Đặc biệt, lăng Ngư Ông được xây dựng từ 1823 với kết cấu, mô típ kiến trúc cổ truyền thống, được trùng tu bảo tồn qua nhiều đời, đặc biệt trong khuôn viện có một giếng Chăm cổ, nơi người Chăm và người Việt sau này thường đến lấy nước ngọt mỗi khi ra khơi và một ngôi mộ cá Ông gắn liền với tâm linh địa phương", công văn (số 4361/ngày 29.11.2017 của Sở Văn hóa thể thao) phản đối việc di dời nêu rõ.
Ngoài ra, trong cuộc họp giữa Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và UBND TP.Đà Nẵng vào tháng 11.2017, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục di sản đã nêu ý kiến phải giữ lại toàn bộ di sản văn hóa làng biển Nam Ô vì hiện nay Đà Nẵng còn rất ít di sản văn hóa so với các địa phương khác ở miền Trung.
Ngoài ra, Trung tâm quản lý di sản văn hóa TP.Đà Nẵng cho hay, xét thấy, lăng Ông Nam Ô được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 4, đáp ứng các tiêu chí để xét xếp hạng cấp di tích thành phố. Vì vậy, nếu thành phố không quyết định di dời, Trung tâm sẽ tiến hành làm hồ sơ khoa học để đề nghị xếp hạng di tích.
Dinh Âm Hồn sắp biến mất. Ảnh: Nam Cường
"Tôi vô cùng trăn trở và không bao giờ đồng tình với việc đô thị hóa mà không quan tâm đến di sản văn hóa, không tôn trọng cảnh quan tự nhiên. Chúng ta đô thị hóa bằng cách đào núi lấp biển, nhưng chúng ta lại bỏ quên di sản. Di sản đó là gì, ngoài những cái đã được xếp hạng thì đó còn là đền chùa miếu mạo, văn hóa tâm linh, làng mạc..., những cái đã gắn bó ngàn đời với người dân. Đó là tình cảm, là sự linh thiêng, là hồn cốt của một vùng đất, còn là nhân chứng lịch sử. Sao chúng ta có thể dễ dàng đập bỏ, lãng quên?!", ông Huỳnh Hùng trăn trở.
Theo Danviet
Biển Đà Nẵng xanh trở lại sau 1 ngày bọt lạ xuất hiện Đến sáng nay (26.3), dọc bãi biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) đã không còn hiện tượng bọt biển màu vàng xuất hiện... Như Dân Việt đã đưa tin, vào ngày hôm qua (25.3), dọc bãi biển Nguyễn Tất Thanh, kéo dài từ địa phận của quận Thanh Khê cho đến quận Liên Chiểu xuất hiện hiện tượng bọt biển màu vàng kéo...