Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS học nghề
Đó là mục tiêu đặt ra ở Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng ban hành.
Đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của thành phố, quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Theo đó, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2020, khoảng 50% trường THCS, 50% trường THPT tại TP Đà Nẵng có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; khoảng 50% trường THCS, 50% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Phấn đấu ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp; ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật.
Đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ chứng chỉ nghề, sơ cấp, trung cấp; ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng, đại học kỹ thuật.
Để đạt được mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp được kế hoạch đề ra như: nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; bổ sung, hoàn thiện văn bản chỉ đạo về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông…
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Video đang HOT
UBND TP giao Sở GD-ĐT tham mưu để đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của thành phố hàng năm, từng giai đoạn; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; bố trí kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường trung học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên triển khai mô hình điểm về giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ tổ chức thực hiện và thường xuyên rà soát đề xuất hoàn thiện các chính sách hỗ trợ học nghề nghiệp theo quy định hiện hành như chính sách miễn, giảm học phí; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ… Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp phù hợp với từng địa phương và thị trường lao động. Cùng đó cử cán bộ, giáo viên triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trung học tại các trường THCS, THPT.
UBND TP cũng đề nghị các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên đưa vào chương trình đào tạo các nội dung về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông. Cùng đó, rà soát lại các điều kiện tổ chức các lớp học văn hóa kết hợp đào tạo nghề tại địa phương, trong đó cần chú trọng đến ngành nghề phù hợp nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhằm thu hút học sinh đăng ký tham gia học nghề. Ngoài ra, chủ động, phối hợp gắn kết với các doanh nghiệp nhằm cung ứng, giải quyết việc làm cho học sinh sau đào tạo.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
Phân luồng học sinh sau THCS: Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ
Theo Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025", phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Ảnh minh họa
Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%. Nhiều giải pháp đồng bộ đang được triển khai nhằm đạt được mục tiêu này.
Giảm mục tiêu THPT
Trên thực tế phân luồng học sinh hết lớp 9 vào học nghề là chủ trương đã được Đảng và Chính phủ đặt ra từ rất nhiều năm qua. Tuy nhiên ở nhiều địa phương tỷ lệ phân luồng chỉ đạt dưới 10%. Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%...
Phân tích của các chuyên gia, nhà quản lý cho thấy nguyên nhân khách quan đến từ tâm lý của phụ huynh, học sinh và của doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức đến học nghề. Nguyên nhân chủ quan là chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh hết lớp 9 chưa đáp ứng yêu cầu.
Thời gian gần đây, với chính sách miễn học phí 100% cho người tốt nghiệp THCS đi học nghề, công tác hướng nghiệp được đẩy mạnh với những kết quả khả quan hơn. Trong đó, đã xuất hiện học sinh giỏi có kết quả học tập THPT trên 9,0 theo học trường nghề.
Nhìn nhận đây là những tín hiệu tích cực, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho rằng một trong những cách để đẩy mạnh phân luồng học sinh là đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Trong đó, từ năm 2020 chúng ta sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới với sự phân chia chương trình thành 2 giai đoạn rất có lợi cho việc phân luồng. Cụ thể, học xong giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9, hiện tại gọi là THCS), người học có đủ kiến thức nền tảng để bước vào học chương trình giáo dục nghề nghiệp. Sau khi học xong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12, hiện gọi là THPT, người học có thể theo học ĐH.
Băn khoăn của một chuyên gia giáo dục đó là để đảm bảo công tác phân luồng hiệu quả, điểm mấu chốt vẫn là thay đổi tâm lý, nhận thức của người học về các bậc học. Ông cho rằng phần lớn phụ huynh học sinh muốn hướng con em mình tiếp tục học trong hệ thống giáo dục phổ thông với lý do khi tốt nghiệp lớp 9, con mới 15 - 16 tuổi, chưa phù hợp với việc đi học xa nhà hoặc trực tiếp lao động. "Thậm chí, có phụ huynh nói với tôi rằng không muốn cho đi học nghề vì điều này đồng nghĩa với việc con phải làm công nhân suốt đời"- vị này phân tích.
Thứ hai, nhìn từ hệ thống quản lý, nếu muốn học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề như kế hoạch đề ra, thì cần giảm chỉ tiêu THPT. Điều quan trọng nữa là hệ thống trường nghề phải đảm bảo đào tạo tốt, nghề ra nghề, tốt nghiệp có việc làm ngay sẽ giúp thay đổi được nhận thức trực tiếp của người dân và xã hội nói chung đối với việc học nghề.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề
Để nâng cao con số này và đạt được mục tiêu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp cần không chỉ các chính sách từ phía nhà nước mà đòi hỏi sự chuyển động tích cực từ phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chia sẻ quan điểm này, bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GDĐT) cho rằng, phân luồng thành công không phải ở chỉ tiêu, mà ở chất lượng dịch vụ cung ứng cho công tác phân luồng này. Có như vậy, mới thay đổi được tâm lí xã hội khi nhìn nhận vào lực lượng lao động và chất lượng đầu ra.
Ngoài việc các cơ sở giáo dục cần đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo, cần chú trọng phát triển hệ thống đào tạo với nhiều phương thức và trình độ khác nhau, hất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Cần tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo đơn đặt hàng, theo quy hoạch của từng ngành nghề địa phương.
Hiện Bộ LĐTBXH đang đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thế xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiêp được giao đất, cho thuê đất, cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, giáo dục nghề nghiệp không phải con đường mà khi không thể vào đại học các em mới bước qua. Đó là một trong những con đường các em đi để đạt mục đích cuộc sống. Đã đến lúc cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải được đầu tư chuẩn mực như cơ sở giáo dục ĐH về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo, và quan trọng nhất là phải được quản trị tốt.
Thu Hương
Theo daidoanket
Đà Nẵng: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố. Theo đó, đề án nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, từ đó phân luồng học sinh sau trung...