Đà Nẵng: Chỉ 20 – 25% người dân đăng ký tuyển sinh qua mạng
ICTnews – Hải Châu là quận đầu tiên của TP Đà Nẵng thí điểm triển khai Phần mềm tuyển sinh trực tuyến, tuy nhiên theo khảo sát tỉ lệ người dân đăng ký tuyển sinh qua mạng chỉ từ 20 – 25%.
Hải Châu là quận tiên phong của TP Đà Nẵng đổi mới công tác tuyển sinh bằng việc triển khai “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến” trong năm học 2015 – 2016. Việc áp dụng hình thức tuyển sinh online này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn nạn chạy trường trái tuyến, giảm bớt thời gian đi lại cho người dân.
Tuy nhiên, sau 5 ngày triển khai (từ 15/6/2015 đến nay), tỷ lệ người dân sử dụng “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến” không nhiều. Hầu hết, người dân được hỏi đều cho biết, họ ngại đăng ký qua mạng cũng như muốn tự tay mang hồ sơ đến trượng nộp cho “chắc ăn”.
Video đang HOT
Người dân vẫn chuộng hình thức nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến tại nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Thảo, trú tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu cho biết: “Tôi biết thông tin đăng ký tuyển sinh qua mạng nhưng không rành máy tính nên không biết đăng ký như thế nào; đến trường, được các thầy cô hướng dẫn nhưng cũng khó tiếp thu. Nhà tôi cách trường có mấy bước chân, qua nộp tận tay cho khỏe chứ không biết đến máy tính mà “mò mẫm” thì mệt lắm”.
Theo thầy Nguyễn Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Ngoài việc thông báo cho phụ huynh biết về hình thức tuyển sinh trực tuyến thì nhà trường cũng trang bị 3 máy tính để phụ huynh đến truy cập đăng ký. Tuy nhiên, qua 5 ngày triển khai, tyt lệ phụ huynh đăng ký qua mạng là không nhiều, chỉ khoảng 20%”.
Còn theo đại diện của trường THCS Trưng Vương: “Phần lớn phụ huynh vào “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến” tham khảo là chính, rất ít người lựa chọn hình thức đăng ký này.
Ở cấp Tiểu học, việc người dân đăng ký tuyển sinh qua mạng không mấy khả quan. Thầy Cao Hữu Công, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Năm học 2015 – 2016, Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ tuyển sinh gần 100 học sinh với 2 hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại trường và nhận đăng ký hồ sơ qua mạng.
“Sau 5 ngày triển khai, trường gần như hoàn tất việc tuyển sinh, tuy nhiên số lượng phụ huynh đăng ký tuyển sinh trên mạng không nhiều. Đa phần người dân đến trường nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh, chỉ có 25 trường hợp đăng ký tuyển sinh qua mạng, chiếm 20% hồ sơ tuyển sinh trong năm học tới”, thầy Công cho biết.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho hay: “Quận Hải Châu tổ chức tuyển sinh đồng thời hai hình thức, nộp hồ sơ trực tiếp tại trường và đăng ký hồ sơ qua mạng. Qua khảo sát nhận thấy số lượng người truy cập vào phần mềm tuyển sinh trực tuyến khá nhiều nhưng tỉ lệ đăng ký tuyển sinh thì không cao. Nguyên nhân có thể do tâm lý, thói quen, trình độ về CNTT nên người dân ngại đăng ký qua mạng”.
“Tỷ lệ người dân đăng ký nhiều hay ít không phản ánh được quá trình triển khai phần mềm có hiệu quả hay không. Bởi mục đích của việc áp dụng phần mềm này là giúp các cấp quản lý lưu trữ hồ sơ, dữ liệu của học sinh ở các cấp học, phục vụ cho việc phổ cập. Sử dụng phần mềm cũng hạn chế nạn chạy trường, học sai tuyến. Bên cạnh đó, góp phần “tập” cho người dân thói quen sử dụng máy tính để tìm hiểu thông tin…,”, bà Hà nhấn mạnh.
“Mặc dù chưa quen với việc đăng ký tuyển sinh qua mạng, nhưng người dân vẫn truy cập vào phần mềm này để tìm hiểu thông tin tuyển sinh cũng như hồ sơ tuyển sinh bao gồm những giấy tờ gì để chuẩn bị đầy đủ trước khi mang đến trường nộp. Qua đó, giúp họ đỡ mất thời gian đi lại bổ sung giấy tờ”.
Theo bà Hà, vì đây là lần đầu tiên triển khai “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến” nên chắc chắn vẫn còn mắc một số lỗi kỹ thuật, dẫn đến sai sót thông tin như sai ngày tháng năm sinh; bỏ sót thông tin của học sinh…. Đối với những trường hợp này, “Phần mềm tuyển sinh trực tuyến” đã có bổ sung thêm mục “ngoại lệ” để người dân có thể truy cập vào mục khai báo thêm.
Theo ICTnews