Đà Nẵng bỏ thi ngoại ngữ liệu có hợp lý?
Nhiều phụ huynh và học sinh đang trong tâm lý như ngồi trên đống lửa, trong khi lãnh đạo TP Đà Nẵng cho rằng bỏ môn thi ngoại ngữ là phương án tối ưu.
Ngày 17-5, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với PGS-TS Phan Văn Hòa (nguyên Giám đốc ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng), chuyên gia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 về quyết định bỏ môn ngoại ngữ khỏi danh sách các môn thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đang gây xôn xao dư luận mấy ngày qua.
Không nên bỏ thi ngoại ngữ
Theo ông Hòa, ông đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại than thở của giáo viên và học sinh (HS) về việc này.
“Cá nhân tôi thấy bỏ thi ngoại ngữ là không hợp lý, bỏ giữa chừng như vậy lại càng không nên. Vì điều chỉnh trước cả năm có khi còn bị phản ứng, huống hồ chỉ hơn 10 ngày nữa là kỳ thi sẽ bắt đầu. Thầy cô, HS bỏ biết bao công sức ra ôn luyện, miễn sao các em đạt được điểm tốt mà đùng cái bỏ ngang thì bất công cho các em quá. Phụ huynh người ta bức xúc, phản ứng là điều dễ hiểu” – ông Hòa nói.
PGS-TS Phan Văn Hòa cho rằng nếu không áp dụng quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (CCNNQT) thì Sở nên tổ chức thi ngoại ngữ bình thường thay vì bỏ hẳn. Bởi trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngoại ngữ là môn học rất quan trọng, nhất là khi Đà Nẵng xác định du lịch đang là một mũi nhọn để phát triển kinh tế.
“Với những HS có năng lực thì thi hay không thi đâu có là vấn đề. Thậm chí nhiều em còn muốn được thi để cọ xát, kiểm tra trình độ” – ông Hòa phân tích.
Về việc một trung tâm ngoại ngữ tại Hoàng Văn Thụ tổ chức thi cho 1.400 HS tại Trường THCS Nguyễn Khuyến được cho là “có vấn đề” về chất lượng, PGS-TS Phan Văn Hòa cho rằng: “Việc Sở GD&ĐT phát hiện ra các chứng chỉ “có vấn đề” là rất quý. Tuy nhiên, Sở nên báo cáo để các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra làm rõ. Em nào học yếu mà bỗng dưng có chứng chỉ quốc tế thì sẽ lòi ngay ra thôi. Công an, thanh tra sở, chúng ta có cả hệ thống chính quyền cơ mà. Hơn nữa vấn đề là mình phải tính để quản lý sao cho chặt chẽ, tìm giải pháp để làm trong sạch ngành giáo dục chứ không phải vì vài trường hợp sai phạm hoặc quản lý không được lại thay đổi xoành xoạch khiến cả chục ngàn HS khác bị ảnh hưởng”.
Phụ huynh, HS tại Đà Nẵng đang khá lo lắng cho kỳ thi lớp 10 sắp tới. Ảnh: TÂM AN
Đây là phương án tối ưu
Liên quan đến vấn đề CCNN, hiệu trưởng một trường THCS cho biết trên 50% HS của nhà trường đã thi lấy CCNNQT.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp 9, trên cơ sở đó các thầy cô sẽ trao đổi với phụ huynh để họ yên lòng. Tuy có thay đổi phút cuối nhưng các em HS cứ yên tâm. Nếu có năng lực thì có Anh văn hay không, các em vẫn sẽ đậu vào một trường công lập tương xứng với trình độ, không có gì phải ngại hết” – vị này chia sẻ.
Video đang HOT
Ngày 17-5, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc đưa ra quyết định bỏ thi ngoại ngữ trong kỳ thi lớp 10 là giải pháp cực chẳng đã. “Đây là giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh không thể làm khác được. Nếu mọi việc diễn ra bình thường thì không ai chọn giải pháp này cả” – ông Chinh nói.
Theo ông Chinh, giải pháp bây giờ và trước mắt của TP là ổn định tâm lý cho các em HS để bước vào kỳ thi cho tốt. “Về sự việc thì tôi cũng đã có báo cáo hết với Thành ủy rồi. Nhưng bây giờ thì phải tập trung cho ổn định tình hình” – ông Chinh cho biết.
Về việc trung tâm tổ chức thi chứng chỉ cho 1.400 HS có vấn đề, ông Chinh cho biết TP sẽ không bỏ qua vụ việc trên. “Vụ việc này còn đó nhưng thời điểm hiện nay là phải tập trung cho kỳ thi. Phương án mà TP, Sở đưa ra cũng đã tính toán rất kỹ để ít tác động nhất đến các em HS và mình cũng rất chia sẻ với những bức xúc của phụ huynh. Nhưng đặt trên tổng thể của cả TP thì phải xử lý như thế, vì không còn phương pháp nào tối ưu hơn” – ông Chinh nói.
Người ký Quyết định 2377 từ chối trả lời
Sáng 17-5, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng bất thường để miễn nhiệm chức danh ủy viên ủy ban, ông Nguyễn Đình Vĩnh (nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện là bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn) đã vắng mặt. Ông Vĩnh trong thời gian làm giám đốc Sở GD&ĐT đã ký Quyết định 2377 quy định HS có một trong các CCNNQT có giá trị sử dụng sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9 hoặc điểm 10. Việc này được cho là không phù hợp, buộc Đà Nẵng phải đường đột bỏ thi môn ngoại ngữ tại kỳ thi lên lớp 10 tới đây. Trả lời qua tin nhắn, ông Vĩnh cho hay lãnh đạo Sở GD&ĐT TP đã trả lời rồi nên ông không muốn nói gì thêm.
Lỗi quy trình, không thể ém nhẹm
Lần này là lỗi do quy trình dẫn đến sự việc ngày hôm nay. Khi xảy ra sai sót thì các cơ quan, ban, ngành phải xử lý vì phải tôn trọng pháp luật. Nếu ém nhẹm cho qua thì sau này phụ huynh, HS kiện tụng có khi phải hủy luôn cả kỳ thi.
Ông Lê Trung Chinh,Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
TÂM AN – HOÀI AN
Theo PLO
Phía sau lùm xùm bỏ môn thi ngoại ngữ ở Đà Nẵng
Nhiều học sinh và phụ huynh bức xúc trước sự điều chỉnh muộn này của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng. Những khuất tất xung quanh việc tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ cũng dần hé lộ.
Ngày 16-5, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng có thông báo mới nhất liên quan đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT và lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020.
Theo đó, học sinh (HS) thi vào các trường THPT sẽ dự thi hai môn toán và ngữ văn (bỏ môn ngoại ngữ), còn thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì ba môn toán, ngữ văn và môn chuyên.
"Thi cử không phải trò con nít"
Do HS không phải thi môn ngoại ngữ nên không áp dụng quy đổi điểm đối với các chứng chỉ ngoại ngữ (CCNN) như Quyết định số 2377 trước đó. Cụ thể, theo Quyết định số 2377 thì HS có một trong các CCNN quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày 2-6-2019 sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9 hoặc điểm 10.
Việc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng bất ngờ có điều chỉnh quy định tuyển sinh vào lớp 10 trong bối cảnh chỉ còn hai tuần nữa đến kỳ thi khiến HS và phụ huynh bàng hoàng.
Trao đổi với PV, em Tr. (HS lớp 9 Trường Nguyễn Huệ) cho hay em vẫn chưa hết sốc khi biết tin ngoại ngữ không có tên trong danh sách môn thi. "Cảm giác đầu tiên của em là rất thất vọng. Em mới lấy bằng TOEFL 720, theo quy đổi thì được tính 9 điểm. Em không nghĩ môn ngoại ngữ sẽ bị loại vì đó là môn chính" - Tr. rầu rĩ nói.
Còn em Th. (HS lớp 9 Trường Nguyễn Huệ) cho hay lớp có 44 HS thì có đến quá nửa thi lấy chứng chỉ để được miễn thi ngoại ngữ khi thi vào lớp 10.
"Trong lớp có nhiều bạn vừa thi xong, chưa lấy bằng đã nghe thông báo như vậy nên rất sốc và chán. Nhiều bạn thi lần một không đủ điểm nên thi tiếp lần hai, lần ba nên rất tốn kém" - Th. bày tỏ.
Đứng chờ con tại cổng trường, chị Nguyễn Thị Hồng Thanh (trú quận Thanh Khê) bức xúc: "Không hiểu Sở nghĩ gì khi thi đến nơi rồi mới thông báo điều chỉnh như vậy. Họ có nghĩ đến tâm lý các HS sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi mùa thi đã cận kề rồi không? Thi cử chứ có phải trò con nít đâu mà nay thế này, mai thế khác!".
Còn anh Trần Thanh Quang (trú quận Thanh Khê) thì cho hay: "Hôm qua nghe con báo tin mà tôi thấy bực vô cùng. Tiền bạc mất đi đã đành, chỉ thương công sức của con tôi. Từ khi biết bỏ thi ngoại ngữ, tôi thấy con hoang mang vì đây là môn thế mạnh của con".
Các học sinh thi lên lớp 10 ở Đà Nẵng đang hoang mang vì sự thay đổi đột ngột bỏ môn ngoại ngữ khi kỳ thi đang đến rất gần. Ảnh: TÂM AN
"Một quyết định sai trái"
Chia sẻ với PV, một người (xin giấu tên) công tác trong ngành giáo dục tại Đà Nẵng cho biết: "Ngay từ khi Sở có quyết định miễn thi môn ngoại ngữ và được quy đổi điểm 9 hoặc 10 đối với HS có CCNN quốc tế, tôi đã không đồng ý vì nó không hợp lý".
"Tôi cho quyết định đó là sai về mặt giáo dục. Cá nhân tôi không khuyến khích con tôi học lấy chứng chỉ với mục đích đổi điểm nọ điểm kia vì phải để các con học cái cần học, học vì các con thích chứ không phải học lấy chứng chỉ để quy đổi điểm. Có nhiều HS trước đây có quan tâm gì đến TOEFL hay IELTS đâu. Nhưng từ khi có quyết định ấy là các bố, các mẹ ào ào đưa con đến các trung tâm ngoại ngữ. Thế nhưng chất lượng các chứng chỉ đó ai kiểm soát? Nếu phát sinh tình trạng chạy bằng, chạy chứng chỉ, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?" - người này nói.
Người này cũng cho rằng quy đổi điểm như vậy làm ảnh hưởng đến tâm lý của HS khác. "Bởi không phải em nào cũng có điều kiện học lấy bằng hay CCNN quốc tế" - người này nói.
Trước thực trạng trên, ngày 16-5, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với các trường THCS, hướng dẫn công tác thi tuyển và trấn an phụ huynh, HS.
Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay qua thực tế triển khai công tác tuyển sinh và rà soát quy trình ban hành các văn bản theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở nhận thấy việc ban hành Quyết định số 2377 có một số vấn đề vướng mắc, chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND TP.
Bên cạnh đó, sở này nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ phụ huynh về vấn đề quy đổi điểm, cấp chứng chỉ tại các trung tâm ngoại ngữ. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND TP và ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 2377 nói trên.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Quyết định 2377 được cho là không phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT này được ký dưới thời ông Nguyễn Đình Vĩnh (hiện là bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn) làm giám đốc Sở.
Một lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho hay sau khi có thống kê thì hiện nay có khoảng 2.300/13.000 HS được miễn thi môn ngoại ngữ. Trong 2.300 em đó, chỉ có 60% có học lực môn tiếng Anh đạt loại giỏi trở lên. Còn lại loại yếu có tới 27 em, trung bình với khá chiếm số đông.
"Một HS xếp loại yếu ngoại ngữ lại được điểm 9-10 trong kỳ thi tuyển sinh thì bất công với các trường hợp khác. Lý do là có một số trung tâm có dấu hiệu giống như bán chứng chỉ nên tổ chức thi không công bằng... Có một trung tâm tổ chức thi cho 1.400 thí sinh mà mượn trường THCS Nguyễn Khuyến để thi. Họ cho 25 HS thi chung một đề, trong khi đó thông thường 25 HS là phải 25 đề để khỏi em này quay cóp em kia. Sau khi chúng tôi rà soát thì có một số chứng chỉ không tương thích với trình độ của các em. Lúc đó mới có sự thay đổi chậm như thế" - vị này tiết lộ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho hay khi rà soát thì thấy có nhiều trường hợp HS có sự chênh lệch về học lực và CCNN. Ngoài ra, nhiều phụ huynh phản ánh việc quy đổi điểm như vậy là không công bằng. Vì vậy Sở đã xin ý kiến UBND TP, trong đó có đưa ra ba phương án để thay đổi cho phù hợp. Sau khi thảo luận và xin ý kiến UBND TP thì chọn phương án HS chỉ thi hai môn ngữ văn, toán, không thi ngoại ngữ để tạo công bằng cho tất cả các em.
Sở Giáo dục xin lỗi và hứa rút kinh nghiệm
Thay mặt ngành giáo dục Đà Nẵng, xin gửi lời xin lỗi tới các phụ huynh, HS và các giáo viên vì sự thay đổi đột ngột. Sở sẽ rút kinh nghiệm và mong sự chia sẻ từ phụ huynh để chuẩn bị cho kỳ thi được tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho các em HS.
Bà LÊ THỊ BÍCH THUẬN, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng
TÂM AN - HOÀI AN
Theo PLO
Có đơn "tố" tiêu cực ngay trước khi Đà Nẵng thay đổi quy định thi tuyển sinh lớp 10 Ngay trước khi UBND TP Đà Nẵng có công văn về việc thay đổi quy định thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, cụ thể là bỏ môn Ngoại ngữ trong các môn thi/xét tuyển sinh, đã có đơn "tố" nghi vấn tiêu cực trong việc tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để học sinh lấy...