Đã làm rõ nghi án chuyển giá, Metro bị truy thu hơn 500 tỷ đồng
Qua thanh kiểm tra chống chuyển giá tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Vietnam (Metro), cơ quan thuế đã phát hiện nhiều vi phạm và đề nghị truy thu thuế với số tiền lên tới 507 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc truy thu cần tính tới việc phạt đối với các doanh nghiệp chuyển giá trốn thuế
Bộ Tài chính cho biết, số tiền cơ quan thuế đề nghị truy thu đối với Metro bao gồm 62 tỷ đồng từ việc điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho Công ty Metro Cash & Carry Đức, để trả cho các nhân viên nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam.
Điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với khoản tiền thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ các nhà cung cấp là 110 tỷ đồng. Và điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục là 335 tỷ đồng.
Nghi án chuyển giá tại Metro được đặt ra khi công ty liên tục báo lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới. Theo đại diện Tổng cục Thuế, Metro nằm trong danh sách các doanh nghiệp sẽ được thanh tra theo kế hoạch năm 2014. Tuy nhiên, việc tiến hành thanh tra được thực hiện ráo riết hơn khi có thông tin Metro sẽ được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với mức giá 879 triệu USD.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ liên tiếp của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam, thanh tra thuế cho biết, từ năm 2002 đến năm 2013, công ty này liên tục đầu tư mở rộng. Đặc biệt trong một thời gian ngắn, từ năm 2010 đến năm 2012, công ty mở thêm 10 trung tâm. Trong điều kiện hoạt động bình thường, một trung tâm mới cần từ 3 – 5 năm, kể từ ngày khai trương, để đạt được điểm hòa vốn.
“Trước năm 2010, công ty đầu tư 9 trung tâm, từ năm 2010-2012 mở thêm 10 trung tâm. Theo đó, các chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất rất lớn là nguyên nhân chính gây ra các khoản lỗ cho trung tâm mới thành lập”, cơ quan thuế nhận định.
Mặt khác, để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và an ninh, công ty đã mang vào Việt Nam các tiêu chuẩn, chuẩn mực của Đức như trang thiết bị, hướng dẫn kiểm soát sản phẩm, quy trình hướng dẫn hoạt động, huấn luyện nhân viên, chuỗi cung ứng… nhằm hỗ trợ khách hàng, đào tạo nhân viên những tiêu chuẩn hoạt động tốt nhất.
Để đảm bảo cả 19 trung tâm luôn luôn hoạt động theo các tiêu chuẩn cao nhất của Đức, công ty đã phải bỏ ra rất nhiều nguồn lực về nhân sự và vốn. Điều này dẫn đến chi phí hoạt động tăng cao trong quá trình hoạt động kinh doanh như chi phí hao hụt tổn thất, chi phí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chi phí đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, chi phí trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 là khá lớn như chi phí nhượng quyền thương mại (731 tỷ đồng); chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức (chi phí bồi hoàn) (699 tỷ đồng)…
Video đang HOT
Tuy nhiên, các giao dịch này công ty đã kê khai giao dịch liên kết, mặt khác đối với các khoản chi phí lớn nêu trên đã được đoàn thanh tra rà soát và loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc thu thuế đối với những khoản không có chứng từ hợp lý hợp lệ theo quy định.
Cụ thể, loại khỏi chi phí hợp lý hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại trả cho công ty Metro AG (Đức) năm 2012-2013, số tiền là 7,5 tỷ đồng, do đơn vị hạch toán vào chi phí nhiều hơn doanh thu công ty Metro AG (Đức) theo xác nhận của kiểm toán KPMG tại Đức.
Đồng thời đề nghị đơn vị kê khai điều chỉnh giảm chi phí nhượng quyền thương mại trong khoảng thời gian ngoài niên độ thanh tra, số tiền là 245 tỷ đồng, do đơn vị chưa đăng ký với Bộ Công thương hoạt động nhượng quyền thương mại.
Truy thu thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài năm 2012-2013 đối với khoản chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH, số tiền là 16 tỷ đồng. Cùng với đó là yêu cầu đơn vị kê khai bổ sung số tiền thuế 39 tỷ đồng đối với khoản chi phí này trong khoảng thời gian ngoài niên độ thanh tra.
Theo_An ninh thủ đô
Metro lộ mặt chuyển giá, ẩn lậu hơn 500 tỷ
Không còn nghi vấn, bộ mặt thật chuyển giá sau 12 năm báo lỗ liên tục của Metro Cash & Carry đã bị vạch trần. Thanh tra Tổng Cục Thuế vừa yêu cầu đại gia bán lẻ ngoại này phải giảm lỗ 335 tỷ đồng, truy thu thuế tới 62 tỷ đồng.
Tiền thương hiệu "ngốn" hết lãi
Trao đổi với PV VietnamNet, lãnh đạo Tổng Cục Thuế cho biết, kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với Metro Cash & Carry đã được báo cáo Bộ Tài chính và đã được Bộ trưởng chấp thuận.
Theo đó, tổng giá trị vi phạm cần xử lý đã lên tới 507 tỷ đồng.
Trong số này, vi phạm đáng chú ý nhất của đại gia bán lẻ ngoại này là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức. Tổng số lỗ bất hợp lý mà Metro buộc phải giảm sau thanh tra là 335 tỷ đồng.
Nghi vấn chuyển giá lộ rõ, lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Lý giải về con số chuyển giá trên, chuyên gia Tổng cục Thuế cho hay, Metro Việt Nam và công ty mẹ, Metro tại Đức có ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu ngay từ khi mới đầu tư ở Việt Nam. Hàng năm, Metro Việt Nam phải trả cho công ty mẹ ở Đức một khoản tiền khá lớn.
Tính từ năm 2006-2013, khoản tiền này lên tới 731 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 năm đầu, Metro không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho bên Đức ở giai đoạn này không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế.
Ngoài giảm lỗ 335 tỷ đồng, Metro Cash & Carry còn phải giảm khấu trừ thuế giá tri gia tăng số tiền là 110 tỷ đồng là khoản tiền thu của các doanh nghiệp để hỗ trợ quảng cáo, bán hàng trong siêu thị nhưng lại không kê khai khi nộp thuế. Metro cũng bị truy thu thuế, chủ yếu là thuế nhà thầu đối với lương chuyên gia nước ngoài là 62 tỷ đồng.
Nhờ "gửi giá" ở công ty mẹ trong các đợt thanh toán tiền bản quyền thương hiệu, Metro có khoản lỗ chênh lệch bất hợp lý là 245 tỷ đồng. Theo quy định của Luật thanh tra, thanh tra giá chuyển nhượng chỉ được thực hiện trong vòng 5 năm trở lại. Do vậy, khoản lỗ trên liên quan giai đoạn năm 2009 trở về trước, tức quá 5 năm, nên Metro chỉ phải tự điều chỉnh lại kết quả kinh doanh, tức phải giảm 245 tỷ đồng trên trong sổ sách.
Nhờ đó, kết quả kinh doanh đến năm 2011 của hãng bán lẻ này đã chuyển từ lỗ triền miền sang cân bằng và có lãi. Trước đó, theo khai báo của hãng này, từ năm 2007-2012, đã phải chịu lỗ luỹ kế tới 598 tỷ đồng.
Ngoài ra, đoàn thanh tra phát hiện Metro đã trích khấu hao tài sản quá cao, trích dự phòng bất hợp lý dẫn tới khoản lỗ 90 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ buộc phải giảm trong kết quả hạch toán với cơ quan thuế.
Theo đó, sau khi cân bằng tài chính, đến năm 2012-2013, Metro lại phát sinh khoản lỗ lên tới 380 tỷ đồng. Sau khi giảm 90 tỷ đồng khoản lỗ chuyển giá trên, con số cuối cùng về tài chính Tập đoàn này vẫn là lỗ 290 tỷ đồng. Năm 2014 do chưa có đủ dữ liệu nên đoàn thanh tra chưa thanh tra thuế.
Theo phân tích của Ban cải cách và hiện đại thuế, Tổng Cục thuế, chuyển giá thông qua giao dịch tài sản vô hình này một trong 4 nhóm hành vi chuyển giá phổ biến nhất. Thủ đoạn điển hình là các công ty mẹ nước ngoài chuyển giao công nghệ, thương hiệu cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền, nhưng thực tế, việc định giá đối với loại tài sản vô hình này không dễ. Lợi dụng đặc thù đó, các doanh nghiệp ngoại thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào của công ty ở Việt Nam bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chuyển nhượng cũng sẽ phải thu thuế
Nguyên nhân lớn nhất cho sự thua lỗ của Metro lại chính là việc mở rộng đầu tư quá nhanh. Chỉ trong 5 năm đầu đến Việt Nam, Metro đã mở tới 9 điểm. 2 năm tiếp theo, 2010 - 2012, , dù kinh doanh bết bát, Tập đoàn vẫn mở tới 10 trung tâm với tốc độ rất nhanh. Trung bình mỗi điểm bán lẻ này cũng phải mất từ 3-5 năm mới thu hồi lại vốn.
Song cũng chính vì nghịch lý báo lỗ tới hơn nửa triệu tỷ đồng, Metro vẫn phình ra 19 điểm bán lẻ mới dấy lên mối hoài nghi chuyển giá suốt năm qua.
Tuy nhiên, việc thanh tra thuế ở Metro chỉ thực sự được rốt ráo thực hiện khi bất ngờ có thông tin, Metro sẽ được bán cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan lên tới 879 triệu USD.
Nghịch lý báo lỗ tới hơn nửa triệu tỷ đồng, Metro vẫn phình ra 19 điểm bán lẻ mới dấy lên mối hoài nghi chuyển giá suốt năm qua.
Đoàn thanh tra thuế xác định, tổng vốn đầu tư của Metro vào Việt Nam sau 12 năm mới chỉ có 301 triệu USD nhưng giá trị thương vụ chuyển nhượng lại gấp tới gần 3 lần. Lý do cho quyết định chuyển nhượng này là quá rõ ràng, vì tỷ phú Thái trả giá quá cao trong khi Metro lại đang thua lỗ rất đậm, dù là "danh nghĩa" ở Việt Nam.
Theo quy định của Việt Nam, Metro sẽ phải nộp thuế thu nhập cho khoản lời nhờ chuyển nhượng tài sản này với mức thuế khoảng 22%.
Với Thái Lan, Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần nên chắc chắn, các cơ quan thuế sẽ phải cùng tính toán để cho ra tỷ lệ thu thuế là bao nhiêu.
Tuy nhiên, thương vụ béo bở với tỷ phú Thái đang tạm thời bị đình hoãn. Tại một cuộc họp với các cổ đông vừa qua, 85% cổ đông thiểu số của BJC đã không thông qua chủ trương mua Metro.
Sau khi thanh tra, đoàn công tác kiến nghị cần có quy định cụ thể hơn về tỷ lệ cụ thể đối với nhượng quyền thương mại, hoặc các quy định về việc trả phí cho chuyên gia nước ngoài. Vì quy định thiếu rõ ràng hiện nay nên các doanh nghiệp mới lợi dụng, tính tuỳ tiện.
Theo Phạm Huyền
VEF
Bé gái được làm đông lạnh chờ hồi sinh Bé Matheryn Naovaratpong 2 tuổi người Thái Lan sau một quá trình đấu tranh với bệnh ung thư thất bại đã được bố mẹ quyết định làm đông lạnh thi thể, chờ hồi sinh bởi một phép màu từ nền y học tương lai. Cả bố và mẹ của Matheryn đều là bác sĩ. Cô con gái 2 tuổi của họ bị ung...