Đã làm rõ lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích tại chùa Bồ Đề
Lãnh đạo Công an quận Long Biên, Hà Nội cho biết, về thông tin 11 cháu bé ở chùa Bồ Đề nghi mất tích từ năm 2007 đến 2012, CQĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ tên tuổi cụ thể của 11 cháu; danh tính bố, mẹ cũng như người thân các cháu này.
Xác định lai lịch, danh tính 11 cháu bé nghi mất tích
Như Dân trí đã thông tin về nghi án mất tích 11 cháu bé tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2012, trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan CSĐT đã vào cuộc xác minh, làm rõ thực hư sự việc.
Theo đó, cơ quan điều tra đã làm rõ được bố, mẹ, người thân của 11 cháu này. Mọi thông tin về nhân thân các cháu đều đã được xác minh rất cụ thể. Về nghi án các cháu “biến mất”, vẫn đang được điều tra làm rõ.
Hiện tổng số lượng người sinh sống, kể cả các sư và người già, trẻ em, trong chùa là 250 người. Các trường hợp đến tá túc tại chùa Bồ Đề, cán bộ công an phường đều vào tiến hành các thủ tục kê khai để quản lý.
Công an Long Biên cho biết, đã làm rõ nhân thân 11 cháu bé đã đi khỏi chùa, được cho là “mất tích”.
“Tính cả 11 cháu đi khỏi chùa, chúng tôi cũng đã làm rõ cụ thể từng trường hợp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn đang tích cực mở rộng tiếp cận thông tin trình báo, tố giác về việc có thể có các trường hợp mất tích khác để tiếp tục xác minh và làm rõ căn nguyên” – lãnh đạo Công an Long Biên cho biết.
Theo lãnh đạo Công an Long Biên, sau khi vụ mua bán trẻ bị phanh phui, số lượng các cháu được nuôi trong chùa đã giảm nhiều. Có trường hợp gia đình đến đón trẻ về nuôi; có trường hợp trẻ đi chữa bệnh; có trường hợp trẻ được đưa sang trung tâm bảo trợ xã hội hoặc chuyển sang sinh sống tại một ngôi chùa khác…
Về quan điểm nhìn nhận vụ việc xảy ra tại chùa Bồ Đề, lãnh đạo Công an quận Long Biên chia sẻ, rất nhiều người, không chỉ ở trong nước mà những người hảo tâm nước ngoài đều biết việc sư Đàm Lan đã tiếp nhận và nuôi dưỡng hàng trăm trẻ cơ nhỡ, mồ côi.
Ni sư Đàm Lan (đeo kính) với các trẻ em cơ nhỡ trước khi xảy ra sự việc
Video đang HOT
“Hiện CQĐT đang làm rõ mức độ liên quan cụ thể của thầy trụ trì trong vụ việc để xem xét, xử lý đúng luật định” – Lãnh đạo Công an Long Biên cho hay.
Công an Long Biên không nhận được đơn trình báo vụ việc
Tại buổi làm việc với PV Dân trí, lãnh đạo Công an quận Long Biên cho biết, cơ quan này không hề nhận được đơn trình báo hay tố giác hành vi buôn bán trẻ em xảy ra tại chùa Bồ Đề trước khi vụ việc được CQĐT Công an TP Hà Nội phanh phui.
Lãnh đạo Công an Long Biên cũng khẳng định, trước đó cơ quan này đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 2 vụ việc liên quan đến hành vi bắt cóc trẻ em và vụ một cháu bé nghi bị xâm hại tình dục và bị bỏ lại chùa Bồ Đề vào năm 2012 và 2013.
Hai trường hợp được làm rõ như sau: Tháng 4/2013, bà Nguyễn Thị Quý (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) thường xuyên đến thăm chùa, chăm sóc trẻ em. Do hiếm muộn nên người phụ nữ 57 tuổi này đã tìm cách chiếm đoạt cháu T.A. Trường hợp còn lại cũng xác định cháu bé không bị xâm hại tình dục. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên bố cháu đã mang bỏ cháu lại chùa với mục đích nhờ chùa nuôi dưỡng.
Khuôn viên nhà tình thương nuôi trẻ cơ nhỡ nay đã thưa vắng hẳn.
Trở lại diễn tiến vụ việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, chiều ngày 11/8, Phòng PC45 Công an TP Hà Nội đã chính thức chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về tội: “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Nên giữ hay xoá bỏ nhà tình thương trong chùa? Thông tin từ Công an quận Long Biên cho biết, việc nuôi dưỡng trẻ tại chùa Bồ Đề có từ hơn 10 năm qua. Manh nha của sự việc xuất phát từ một số người phụ nữ sinh con, nhưng hoàn cảnh éo le không thể nuôi dưỡng nên họ mang đến cửa chùa để nhờ nuôi giúp. Khi được nhà chùa dang tay cứu giúp, rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được thay đổi cuộc sống, trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội. Công an Long Biên cho biết, hiện trong chùa có 22 em nhỏ đang đi học văn hóa và đầu năm học mới này có thêm gần 10 cháu nữa đến trường. Nếu đưa các em vào các Trung tâm Bảo trợ xã hội thì cuộc sống sinh hoạt và học tập sẽ bị ảnh hưởng. Chiều 11/8, Quận Uỷ Long Biên đã tổ chức cuộc họp bàn với các cơ quan chức năng để bàn bạc về hướng đề nghị lên TP Hà Nội giải quyết sự việc theo 2 hướng: một là duy trì sự hoạt động nuôi dưỡng người cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề và đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc quản lý theo qui định pháp luật. Hai là, với những người già, trẻ em đang sống nhờ tại chùa Bồ Đề thì rà soát, lập kế hoạch để tìm kiếm các thông tin gia đình của trẻ, nếu còn người thân thì chuyển trẻ về với gia đình. Trường hợp không còn người thân thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận chăm sóc nuôi dưỡng.
Quốc Đô
Theo dantri
Bí ẩn nhiều trẻ trùng họ tên biến mất kỳ lạ ở chùa Bồ Đề
Hầu hết các trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) đều mang họ Cù, Kiều, tên Anh. Nhiều trẻ họ tên trùng nhau hoàn toàn, khác mỗi năm sinh. Một nhóm thiện nguyện phát hiện một số trẻ có họ tên giống nhau nhưng lại khác nhau về tuổi và... biến mất kỳ lạ.
Khu Nhà Mở nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Họ tên giống nhau và những sự "biến mất" kỳ lạ
Trước khi vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị cơ quan điều tra phanh phui, một nhóm người từng tham gia làm công tác thiện nguyện thường xuyên tại chùa Bồ Đề từ tháng 8/2007 đến tháng 9/2012 đã phát hiện nhiều uẩn khúc trong việc chăm nuôi trẻ ở đây.
Đơn đề nghị điều tra gửi tới cơ quan chức năng của nhóm thiện nguyện này đã xâu chuỗi các sự kiện và tổng hợp hình ảnh, thông tin cũ đối chiếu với các thông tin mới mà báo chí đăng tải thời gian gần đây. Qua đó, họ tố cáo có ít nhất 11 trẻ mà họ biết từng sống ở chùa nay đã "biến mất".
Trung tá Nguyễn Cao Khải (Đội phó Đội 12, Phòng CSHS Công an Hà Nội) xác nhận, cơ quan này đã nhận được đơn của nhóm thiện nguyện. Cơ quan điều tra đã mời các nhân chứng cũng như sư trụ trì Thích Đàm Lan đến làm việc. Cơ quan này vẫn đang điều tra mở rộng vụ án.
Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một thành viên trong nhóm cho biết, ngày 19/7, chị quay lại chùa Bồ Đề, gặp lại cô H. (một người chăm sóc trẻ từ năm 2007 tới nay) để làm rõ các nghi vấn về sự "biến mất" của 11 cháu này, song sư trụ trì Thích Đàm Lan và những người trông coi ở chùa trả lời không giống nhau. Chị Ngọc khẳng định, có đầy đủ chứng cứ hình ảnh cũng như nhân chứng để chứng minh sự tồn tại của nhiều cháu bé từng ở chùa Bồ Đề nhưng nay không thấy.
Đơn cử trường hợp bé Tùng Anh (gọi thân mật là Khoai), chị Ngọc khẳng định có đủ bằng chứng (hình ảnh, ghi âm, nhân chứng gồm 10 người là bạn thân, đồng nghiệp cũ, nhóm thiện nguyện của chị) có thể đứng ra chứng minh cháu Tùng Anh được chùa Bồ Đề nhận vào cuối tháng 8/2007, khi cháu còn chưa rụng rốn.
Đến tháng 1/2008, cháu "biến mất" khỏi chùa. Khi họ hỏi thì sư cô nói rằng, cháu được mẹ ruột đón về. Nhóm thiện nguyện xin cung cấp các chứng cứ, giấy xét nghiệm ADN, địa chỉ mẹ ruột cháu nhưng nhà chùa không cho.
Trong khi đó, sư trụ trì Thích Đàm Lan trả lời một tờ báo vào tháng 2/2008 có nói chùa mới chỉ trả duy nhất 1 trường hợp về mẹ đẻ và bé này đã 8 tuổi.
Hoặc như trường hợp bé Kiều Minh Anh. Năm 2013, cháu có trong bản danh sách ở chùa được chính sư Đàm Lan ký xác nhận. Nhóm thiện nguyện gặp bé Minh Anh vào năm 2007.
Đến năm 2012, bé Minh Anh không còn ở chùa. Khi hỏi thì họ nhận được câu trả lời, Minh Anh được cô Cúc (một cô chăm sóc trẻ ở chùa) đưa về quê nuôi. Mới đây, nhóm thiện nguyện đến đây hỏi lại chuyện cũ, sư cô lại nói rằng, mẹ đẻ cháu đến đón đưa về tận Kiên Giang.
Nhóm thiện nguyện còn nêu tên và hình ảnh của rất nhiều cháu bé biến mất mà nhà chùa không hề có câu trả lời rõ ràng. Để chứng minh "nói có sách, mách có chứng", những người tố cáo còn thu thập danh sách các trẻ qua từng năm tại chùa Bồ Đề.
Đối chiếu danh sách cho thấy, số lượng trẻ em thay đổi liên tục qua các năm. Không những thế, nhiều cái tên đã bị xóa rất khó hiểu, thay vào là những tên khác.
Phần lớn các trẻ trong danh sách mang họ Cù và họ Kiều. Tên xuất hiện nhiều nhất là "Anh". Theo đó, các trẻ em mang họ tên na ná nhau như: Cù Đức An, Cù Đức Anh, Cù Dũng Anh, Cù Phúc Anh, Cù Quang Anh; Kiều Lan Anh, Kiều Nga Anh, Kiều Ngọc Anh, Kiều Ngân Anh...
Thậm chí, rất nhiều cháu có họ tên trùng nhau hoàn toàn, chỉ khác mỗi năm sinh như Cù Quân Anh (2012) và Cù Quân Anh (2013); Cù Tiến Anh 2011 và 2013. Theo nhóm thiện nguyện, với cách đặt tên đó, nếu ai không sang chùa thường xuyên hoặc không gặp các trẻ từ thời gian đầu (khoảng những năm 2007, 2008) đến nay, không thể phát hiện ra sự biến mất của các cháu.
Với những dấu hiệu bất thường trên, nhóm thiện nguyện đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ sự thật. Họ rất muốn biết được số phận của các cháu giờ ra sao, cuộc sống có đảm bảo an toàn không?
Hai đoàn thanh tra làm việc tại chùa Bồ Đề
Ngày 6/8, hai đoàn thanh tra liên ngành, trong đó có Hội Phụ nữ và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội bắt đầu cuộc thanh, kiểm tra tại chùa Bồ Đề. Đoàn Thanh tra làm việc rất chặt chẽ tại khu vực Nhà Mở, nơi đang nuôi dưỡng trẻ. Tại đây, an ninh được thắt chặt và những người lạ không được tiếp cận. Khu vực được thanh tra cũng bị phong toả để phục vụ cho công tác thanh kiểm tra.
Dự kiến, việc thanh kiểm tra kéo dài trong một tuần. Sau khi có kết quả điều tra, hai đoàn sẽ có những phương án, kiến nghị về đối sách với những cháu nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề hoặc giao cho các cơ quan chức năng quản lý.
Trước đó, tại thời điểm kiểm tra vào tháng 5/2014, tại chùa Bồ Đề có 146 người (trong đó có 106 trẻ). Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có một số văn bản gửi UBND quận Long Biên đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương, với nhà chùa để lập danh sách phân loại trẻ để đưa vào các trung tâm bảo trợ. Các trung tâm bảo trợ xã hội của TP Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận các trẻ đó.
Theo Tuấn Nguyễn - Lê Dương
Tiền phong
Đề nghị khởi tố "bảo mẫu" mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề Bảo mẫu chùa Bồ Đề bị đề nghị khởi tố về hành vi Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo Điều 120, Bộ luật Hình sự. Ngày 11/8, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an TP Hà Nội cho biết, đã chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị khởi tố 2 bị can trong vụ mua...