Đã in SGK tăng giá, ai phải chịu trách nhiệm?
Khi Báo Thanh Niên phản ảnh Nhà xuất bản Giáo dục VN âm thầm tăng giá sách giáo khoa, thì nhà xuất bản này đã rút lại là ‘không tăng giá nữa’. Thế nhưng, theo điều tra của phóng viên Báo Thanh Niên, sách giáo khoa với giá mới đã được in ra và nộp lưu chiểu tháng 1.2019!
Các sách giáo khoa giá mới đã được in – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuần trước, Báo Thanh Niên có bài viết phản ánh nguy cơ giá sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm học 2019 – 2020 sẽ tăng, trong đó Bộ GD-ĐT khẳng định bộ này chưa cho phép NXB GD VN tăng giá SGK ngay trong năm học tới, đồng thời NXB GD VN cũng phát đi thông báo khẳng định là giá SGK năm học mới vẫn như giá SGK hiện hành.
Đẩy cả xã hội vào việc đã rồi !
“Thông điệp “mới chỉ là dự kiến tăng” mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ là sự bao biện, vì tăng giá sách là việc mà “gạo đã nấu thành cơm” – sách đã được in ra”
Bà NGÔ THANH LOAN, Cựu giáo chức ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Tuy nhiên, sau khi bài viết được đăng tải, có bằng chứng cho thấy thực sự đã tồn tại những cuốn SGK mà trên bìa 4 in giá mới. Chẳng hạn, cuốn Tập viết lớp 1 có giá 4.000 đồng, tăng 38% so với giá hiện hành; Toán lớp 3 giá 13.000 đồng, tăng 20%; cuốn Âm nhạc mỹ thuật lớp 6 có giá 13.000 đồng, tăng 18%; Sinh học lớp 8 giá 18.000 đồng, tăng 16%; một loạt cuốn Tiếng Việt tập 1, tập 2 các lớp 1, 2, 3 cũng đã được in có giá mới ở bìa với mức tăng từ 12 – 18%…
Video đang HOT
Bà Ngô Thanh Loan, một cựu giáo chức ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), phản ánh tại hiệu sách ở đường Nguyễn Tri Phương, một loạt vở/ sách bài tập đã được bán với giá mới. Bà Loan nhận định: “Theo tôi, họ (NXB GD VN – PV) đã chuẩn bị rất kỹ về việc tăng giá SGK này rồi, nhất là các loại sách bài tập. Tôi đang có trong tay một số tựa sách, như vở bài tập tiếng Việt 1/1 – tăng từ 6.000 lên 7.500 đồng; vở bài tập tiếng Việt 1/2: từ 6.300 lên 7.200 đồng… Tất cả những cuốn này đều có quyết định xuất bản từ tháng 11 hoặc tháng 12.2018, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1.2019. Như vậy, nếu NXB GD VN cho rằng giá SGK mới là dự kiến tăng, còn có thực sự tăng hay không phải chờ Bộ GD-ĐT duyệt là không đúng”.
Trả lời Báo Thanh Niên, bà Loan khẳng định: “Thông điệp “mới chỉ là dự kiến tăng” mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ là sự bao biện, việc NXB GD VN nói “chưa có thông tin cụ thể để trao đổi với báo chí” là nhằm tránh mặt và đẩy tất cả xã hội vào việc đã rồi, chứ thực ra việc tăng giá sách là việc mà “gạo đã nấu thành cơm” – sách đã được in ra”.
Theo bà Loan, việc tăng giá SGK và sách bổ trợ của NXB GD VN cùng nằm trong một kế hoạch đang được thực hiện dở dang thì tạm dừng do có các bài viết trên Báo Thanh Niên, mà bằng chứng là sách bổ trợ đã được bán rộng rãi với giá mới. Bà Loan lập luận, tuy sách bổ trợ không nằm trong danh mục SGK nhưng được NXB GD VN xuất bản với số lượng lớn tương đương SGK, vì được bán kèm trong các bộ SGK theo từng lớp học. Chẳng hạn trong đợt in tháng 1, cuốn vở bài tập toán lớp 5 tập 1 được in 200.000 bản; vở bài tập toán lớp 5 tập 2 được in 180.000 bản; cuốn vở bài tập tiếng Việt 1 tập 2 được in 120.000 bản…
Phải in lại bìa hay dán đè giá cũ lên giá mới ?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết lên kế hoạch phát hành SGK phục vụ năm học mới và thực hiện các công đoạn cụ thể trong kế hoạch đó là việc của NXB GD VN. Nếu vì họ làm theo kế hoạch đó mà đã in SGK với giá mới ở bìa trong khi Bộ GD-ĐT chưa cho phép tăng giá SGK ngay trong năm học tới thì họ phải hủy bìa đó, in lại bìa mới. Một khi SGK với bìa giá mới nếu chưa được bán ra thị trường thì không có vấn đề gì. Chừng nào đã có SGK giá mới xuất hiện trên thị trường thì Bộ GD-ĐT sẽ xử lý.
“Họ được quyền in SGK để chuẩn bị cho năm học mới, nhưng giá bán ra thế nào thì phải đợi ý kiến của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT mới chỉ chấp nhận chủ trương thôi chứ chưa có ý kiến chính thức. Đáng lẽ, NXB GD VN phải đợi ý kiến chính thức của Bộ, đằng này chưa có mà NXB lại thông báo cho các cơ sở tạm in theo giá bìa đó… Nhưng NXB sẽ không bao giờ dám bán SGK ra ngoài với giá bìa đó”, ông Khánh khẳng định.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, một lần nữa cũng khẳng định là không có chuyện tăng giá SGK trong năm nay. Nếu như đã có SGK được in với giá mới thì giờ NXB GD VN phải in đè giá cũ lên.
Trước câu hỏi Bộ GD-ĐT chưa đồng ý cho tăng giá mà NXB GD VN đã in SGK với giá mới trên bìa 4, ông Độ trả lời: “Họ chuẩn bị trước theo tinh thần thế là không nên. Nhưng vì tiến độ nên họ cứ chạy tiến độ theo giá dự báo, nên số lượng đã in rồi chắc không nhiều”. Rồi ông Độ tiếp tục khẳng định: “Còn phía Bộ GD-ĐT thì Ban Cán sự Đảng đã họp và thống nhất là chưa thực hiện tăng giá năm nay. Nếu đã in ra thì họ phải có cách khắc phục, việc khắc phục hậu quả là của NXB GD VN”.
Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là để xảy ra việc “gạo đã nấu thành cơm” thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo thanhnien
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa: Cần lộ trình
Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy- nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục VN, việc Bộ GDĐT biên soạn riêng một bộ sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88 của quốc hội không có nghĩa là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn SGK. Đó là xã hội hóa từng bước.
Ảnh minh họa.
Chủ động SGK cho chương trình GDPT mới
Vấn đề một bộ SGK hay nhiều SGK trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Là Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, thực ra việc thực hiện một chương trình nhiều SGK ở nước ta không mới. Ở miền Bắc trước năm 1957 và ở miền Nam trước năm 1975, mỗi môn học cũng có một số SGK, chứ không phải chỉ có một bộ SGK. Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương "thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học", nói dễ hiểu là một chương trình, nhiều SGK trước khi ban hành chủ trương cũng đã lường trước được những khó khăn nên không thể nói điều kiện hiện nay là chưa phù hợp. Theo GS Thuyết, cần có quan điểm về SGK nhẹ nhàng hơn, nên coi đó là 1 tài liệu tham khảo để lựa chọn trong quá trình dạy học thay vì phụ thuộc duy nhất vào SGK.
Đồng tình với quan điểm một chương trình nhiều SGK là xu hướng chung của thế giới hiện nay, PGS.TS Vũ Dương Thụy cho rằng trong xu thế xã hội hóa là tất yếu nhưng cần lộ trình để thực hiện việc này. Trước mắt Bộ GDĐT cần biên soạn riêng một bộ SGK để đề phòng khả năng dù xã hội hóa nhưng các nhóm tác giả chưa thực hiện được tất cả các bộ môn. Để tránh tình trạng có môn không có SGK do các nhóm tác giả chỉ thích làm một số môn thay vì cả một bộ sách, Bộ GDĐT cần chủ động tổ chức biên soạn một bộ SGK. Như vậy mới đảm bảo chắc chắn rằng trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, môn nào cũng có SGK.
"Thực tế tìm hiểu ở Việt Nam thì hiện nay có một số đơn vị làm SGK theo chương trình mới gần như trọn bộ SGK. Chúng ta cũng không nên hiểu rằng Bộ GDĐT làm riêng bộ SGK là hoàn toàn đóng cửa xã hội hóa mà vẫn là cơ hội mở cho các tổ chức cá nhân biên soạn. Xã hội hóa cần làm từng bước một"- PGS.TS Vũ Dương Thụy nói.
Làm sao để tránh lãng phí?
Trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến: Việc này cần có lộ trình; trước mắt chỉ thực hiện một bộ SGK do Bộ GDĐT tổ chức biên soạn.
Một số ý kiến đặt câu hỏi với những nhóm tác giả đã đầu tư viết sách thời gian qua, nếu triển khai một chương trình nhiều SGK thì sẽ lãng phí công sức, tiền bạc. Theo PGS.TS Vũ Dương Thụy, xét về mặt thị trường, về mặt chủ trương có thể bị lỗ vốn, thậm chí là lỗ nặng vì để viết được SGK, có thể phải mời đến 200-300 chuyên gia, nhà giáo, tổ chức các hội thảo quốc tế... Nghĩa là họ đầu tư rất nhiều tiền để làm sách. Nhưng nếu sách của họ không đạt yêu cầu, không được duyệt thì tất nhiên công ty đó sẽ bị thua thiệt.
"Có thể họ đã đầu tư những thứ tốt nhất để làm sách nhưng tốt nhất của họ không đạt yêu cầu thì cũng phải chấp nhận. Đó là rủi ro trong kinh doanh"- PGS.TS Thụy nêu ý kiến.
Tuy nhiên, để tránh lãng phí công sức, tiền bạc của các nhóm tác giả này, Bộ GDĐT vẫn nên tổ chức thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, để đánh giá những cuốn sách nào đáp ứng được chương trình bên cạnh sách của Bộ để cho giáo viên lựa chọn tham khảo. Điều đó đáp ứng mục tiêu xã hội hóa, là mục tiêu chúng ta theo đuổi lâu dài. Khi nào đủ điều kiện thì không cần sách của Bộ nữa mà Bộ chỉ ra chương trình và đánh giá đó. Để SGK hoàn toàn xã hội hóa là tương lai.
Cụ thể, giai đoạn chín muồi để thực hiện một chương trình nhiều SGK theo PGS.TS Thụy là khi đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ theo chương trình GDPT mới, đời sống giáo viên tốt hơn thì sẽ tập trung nghiên cứu phương pháp đổi mới, đầu tư bài giảng cho học sinh chất lượng tốt nhất.
Một lo ngại khác đặt ra là liệu bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn liệu có kịp khi chỉ còn hơn 1 năm nữa chương trình sẽ được triển khai? Bởi nếu bây giờ Bộ GD ĐT mới bắt đầu bắt tay vào viết sách thì phải bồi dưỡng tác giả, tập trung bồi dưỡng chủ biên, tổng chủ biên, viết kế hoạch dạy cụ thể sau đó biên soạn... Một chuyên gia giáo dục nguyên là thành viên của Ban Phát triển Chương trình GDPT (Bộ GDĐT) cho rằng, nếu Bộ không làm sách thì trong quá trình thẩm định các bộ SGK, Bộ có thể lựa chọn một bộ cũng là một giải pháp. Hiện đã có 5-6 đơn vị thực hiện bộ SGK.
Lâm An
Theo daidoanket
Bộ GD-ĐT báo cáo gì với Quốc hội về sách giáo khoa? Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký báo cáo về sách giáo khoa (SGK) phổ thông, gửi đến Quốc hội. Học sinh chọn sách giáo khoa - ĐÀO NGỌC THẠCH Báo cáo có đầy đủ tất cả các vấn đề dư luận nêu ra gần đây về SGK như khắc phục độc quyền xuất bản, tiết kiệm sử dụng SGK, giá...