Đã giữa tháng 8, có trường sư phạm chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo GV nào
‘Đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Đồng Nai chưa nhận được đơn đặt hàng nào của các địa phương’, Hiệu trưởng nhà trường nói.
Bài toán thiếu giáo viên là vấn đề “ nóng” của nhiều địa phương trước thềm năm học mới 2022-2023. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giải pháp theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP đối với các trường sư phạm lại không có nhiều địa phương “mặn mà”.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho biết, một vài năm trở lại đây nhu cầu tuyển dụng thêm giáo viên của tỉnh Đồng Nai càng ngày càng ít đi nên trường cũng đang gặp khó khăn trong đào tạo sư phạm.
“Năm nay là năm thứ 2 triển khai cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Đồng Nai chưa nhận được đơn đặt hàng nào của các địa phương. Chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm của trường vẫn chủ yếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Tiến sĩ Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai. Nguồn: TTXVN
Năm học 2022-2023, chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành đào tạo sư phạm khá ít. Ví dụ như ngành Sư phạm Vật lý lúc đầu chỉ có 9 chỉ tiêu, không đủ mở lớp. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng thêm chỉ tiêu ngành này cho trường thành 15 chỉ tiêu.
Trong đề án tuyển sinh của trường, có 2 ngành 15 chỉ tiêu là ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Lịch sử. Số lượng 15 chỉ tiêu/ngành là khá ít nhưng đã đảm bảo đủ mở lớp học”, Tiến sĩ Lê Anh Đức nói.
Lý giải nguyên nhân nhiều địa phương vẫn còn “dè dặt” trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai cho rằng, có thể các địa phương chưa thống kê được đầy đủ toàn bộ người học sư phạm của tỉnh đi học ở các trường thuộc tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, nhiều em ở tỉnh Đồng Nai có nhu cầu học ngành sư phạm thì các em có thể lựa chọn theo học ở Trường Đại học Đồng Nai hoặc một số các trường lân cận có đào tạo ngành này như Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh,…
Địa phương phải nắm được số liệu cụ thể đấy thì họ mới có thể ký hợp đồng đặt hàng đào tạo giáo viên với từng nhà trường.
“Các địa phương cần có bức tranh tổng thể về nhu cầu giáo viên để xuất phát từ nhu cầu đó đặt hàng với các trường sư phạm hoặc giao nhiệm vụ cho các trường đào tạo.
Vừa rồi, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Chính sách này một phần giải quyết đầu ra cho sinh viên theo học khối ngành sư phạm, đồng thời cũng là một cơ hội, động lực giúp cải thiện đầu vào khối ngành này”, Tiến sĩ Lê Anh Đức bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho hay, lúc đầu, nhà trường có hai địa phương đặt hàng nhưng về sau một địa phương xin rút. Địa phương còn lại chỉ đặt hàng 3 chỉ tiêu cho ngành Sư phạm Công nghệ, tuy nhiên ngành học này nhà trường không mở. Như vậy, năm 2021, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng.
Video đang HOT
“Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) vẫn đang đào tạo giáo viên sư phạm theo nhu cầu xã hội và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp kinh phí. Chúng tôi chưa nhận được đặt hàng đào tạo của các địa phương cho năm học này.
Việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 là giải quyết vấn đề tuyển dụng giáo viên của 4 năm sau. Theo tôi, vấn đề đặt hàng đào tạo cần đồng bộ với các quy định về tuyển dụng và sử dụng, phân công công tác cho người học sư phạm sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này chưa được thống nhất và chưa có hướng giải quyết rõ ràng thì các địa phương vẫn còn dè dặt trong việc đặt hàng đào tạo”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC
Theo Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế mới đây giúp các địa phương có cơ sở để mạnh dạn đăng ký nhu cầu giáo viên của các năm sau, từ đó Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thêm thông tin giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm.
“Đây là thông tin hết sức tích cực và đáng mừng đối với các nhà quản lý giáo dục, giáo viên hợp đồng, sinh viên sư phạm và các thí sinh dự định đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm trong thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều môn học còn thiếu giáo viên như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học,…
Điều này cũng tác động nhiều tới các trường đào tạo giáo viên. Nhiều trường sẽ được giao thêm chỉ tiêu đào tạo theo năng lực của mình (trong những năm qua các trường thường được giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm dưới mức năng lực đào tạo). Đối với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), thông tin bổ sung biên chế sẽ giúp nhà trường tuyển chọn được các thí sinh giỏi, giúp nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thương hiệu của nhà trường”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San nói.
Quyết định bổ sung biên chế của Bộ Chính trị giúp khai thông thực hiện NĐ 116
Việc bổ sung biên chế giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116.
Đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai công lập cho năm học 2022-2023.
Trước đó, ngày 18/7, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định về việc giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Nhiều trường sư phạm còn khó khăn khi thực hiện Nghị định 116
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hồng Đức cho biết: hiện nay, thực hiện , rất nhiều cơ sở giáo dục thiếu giáo viên.
Ngay cả thời điểm trước khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ cũng đã diễn ra.
Không thể để tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, các quy định cũng phải bắt kịp tình hình giáo dục thực tế của các địa phương, các đơn vị.
Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: NVCC
Quyết định bổ sung biên chế giáo viên của Bộ Chính trị là một tín hiệu đáng mừng. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng khuyến khích, động viên sinh viên có học lực tốt vào học tập tại các trường sư phạm để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Tiến sĩ Lê Viết Báu cũng cho rằng, bổ sung biên chế giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương thực hiện quyết liệt hơn việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
"Hiện nay đâu đó vẫn còn có quan điểm, không muốn cấp ngân sách để chi trả cho việc đặt hàng đào tạo giáo viên vì nghĩ rằng, sinh viên tốt nghiệp sư phạm hàng năm vẫn đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm, dẫn tới nhiều trường sư phạm trong hệ thống gặp nhiều khó khăn khi thực hiện Nghị định 116", Tiến sĩ Lê Viết Báu nói.
Trong lúc nhiều trường đại học đang trong lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, vậy các trường sư phạm lấy nguồn nào để chi trả cho giáo viên, duy trì và phát triển công tác đào tạo?
"Tôi cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ Chính phủ đến các bộ, ban, ngành, các địa phương, trên cơ sở khảo sát nhu cầu, địa phương cần phải đặt hàng đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm.
Năm học 2021 - 2022, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực trong việc triển khai Nghị định 116, số lượng đặt hàng đào tạo giáo viên mà tỉnh giao cho Trường Đại học Hồng Đức là gần 1200 chỉ tiêu.
Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương thực hiện tốt chế độ chính sách cho sinh viên sư phạm, cấp tiền hỗ trợ cho sinh viên theo Nghị định 116, đó là một sự khuyến khích rất tốt đối với sinh viên", thầy Báu thông tin.
Bổ sung biên chế sẽ "khai thông" việc thực hiện Nghị định 116
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, Quyết định của Bộ Chính trị và văn bản đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết sức kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Quyết định này góp phần giải quyết vấn đề về đội ngũ cho quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì đội ngũ giáo viên là yếu tố mang tính quyết định đến thành công của chương trình mới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn. (Ảnh: Trường Đại học Quy Nhơn)
Bàn về việc thực hiện Nghị định 116, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ cho rằng điểm nghẽn hiện nay chính là biên chế giáo viên đang không đồng bộ với định mức. Vừa qua, khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo , các địa phương lại bị khống chế bởi số lượng biên chế nên chỉ tiêu sư phạm đã bị giảm rất nhiều.
Ví dụ như tỉnh Gia Lai, Kon Tum,... là những địa phương đang , nhưng khi tổng hợp số lượng từ địa phương lên thì chỉ tiêu lại giảm. Năm nay, Trường Đại học Quy Nhơn giảm đến 500 chỉ tiêu, có ngành chỉ có 5 - 10 chỉ tiêu, vấn đề nằm ở số lượng biên chế giáo viên.
Năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Quy Nhơn cũng nhận được số lượng đặt hàng rất ít từ các địa phương, chủ yếu là Bộ giao chỉ tiêu cho trường.
Địa phương đặt hàng thì phải dựa trên cơ sở chỉ tiêu biên chế. Rõ ràng thống kê là thiếu giáo viên nhưng đặt hàng lại rất ít, đây là mâu thuẫn đang tồn tại.
Ngay trong năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu khẩn trương tuyển dụng 27.850 . Bộ Nội vụ cần khẩn trương giao số lượng biên chế của từng địa phương, trên cơ sở đó các địa phương đặt hàng cho các cơ sở đào tạo giáo viên.
Sinh viên sư phạm được miễn học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt và thêm cơ chế ra trường có việc làm thì chắc chắn chất lượng đầu vào sẽ cao, tương lai sẽ có đội ngũ giáo viên chất lượng để phục vụ sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Cũng phải sớm đảm bảo đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình mới, biên chế theo từng năm phải có con số cụ thể. Giao số lượng cho năm học này nhưng cũng phải tính toán những năm tiếp theo để việc thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 có lộ trình cụ thể.
Đây là năm thứ hai chúng ta thực hiện Nghị định 116, nhưng việc này phụ thuộc vào quyết định đặt hàng của các địa phương. Ngoài đặt hàng của địa phương, trường sư phạm đào tạo để đảm bảo các nhu cầu khác, như đào tạo đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục ngoài công lập,...tính toán dôi dư vì sẽ có những sinh viên học xong chưa làm việc ngay mà học tập nâng cao.
Có biên chế là một tín hiệu tích cực, kịp thời nhưng cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết bài toán nhân lực.
"Có thể nói, biên chế giáo viên chính là "nút thắt" đối với việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tuy nhiên, muốn gỡ "nút thắt" này cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến Bộ Nội vụ cũng như ở các địa phương.
Xác định số lượng, nhu cầu đào tạo giáo viên là việc hoàn toàn có thể thực hiện. Các ngành kinh tế, kỹ thuật đào tạo theo thị trường thì khó xác định nhu cầu nhưng trong ngành giáo dục, dựa vào số biên chế, số giáo viên nghỉ hưu, số lượng học sinh,... là có thể dự báo được.
Tôi tin rằng quyết định bổ sung biên chế sẽ khai thông việc thực hiện Nghị định 116. Triển khai thành công Nghị định 116 sẽ quyết định chất lượng nguồn nhân lực ngành sư phạm trong tương lai", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Mỹ khẳng định.
Lý do 500 sinh viên ngành Sư phạm không nhận được trợ cấp Nhiều sinh viên ngành Sư phạm của ĐH Thủ đô Hà Nội băn khoăn khi kết thúc năm thứ nhất vẫn không nhận được khoản tiền trợ cấp chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Theo Nghị định 116 năm 2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên...