Đã đến lúc cho học sinh đi học được chưa?
Hiện nay, những thông tin tích cực về phòng chống dịch Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố khiến người dân yên tâm hơn, đặc biệt khi Việt Nam công bố phác đồ điều trị hiệu quả bệnh này.
Các học sinh bị nghỉ học đã quá lâu do dịch bệnh – Ảnh: Internet
Có nên cho học sinh nghỉ thêm nữa không?
Hàng loạt những thông tin về bệnh nhân nhiễm căn bệnh Covid-19 đã hồi phục sức khỏe, xuất viện; Việt Nam công bố có phác đồ điều trị hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này; WHO đánh giá cao Việt Nam trong việc xử lý dịch bệnh…khiến người dân yên tâm hơn. Chính vì thế việc đánh giá, xác định tình hình dịch bệnh Covid-10 để các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra quyết định cho học sinh trở lại trường trong thời điểm này là cực kỳ quan trọng.
Trong 4 địa phương có người nhiễm dịch bệnh Covid-19, tính đến sáng nay 20.2 thì tỉnh Khánh Hòa đã đủ điều kiện công bố hết dịch, Thanh Hóa cũng đã đủ điều kiện công bố hết dịch. TP.HCM cũng đã công bố không còn bệnh nhân mắc, và Vĩnh Phúc nhiều ngày nay cũng không phát hiện thêm ca bệnh mới. Trong khi đó, những bệnh nhân cũ đã có nhiều người khỏi bệnh, được xuất viện, những bệnh nhân còn lại đang được điều trị có tiến triển khá tốt. Còn tại Hà Nội, đây là ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận không có ca bệnh nghi ngờ mới nào.
Câu hỏi đặt ra trong lúc này là học sinh, sinh viên trên cả nước đã đồng loạt đi học trở lại được chưa?
Hiện nay, phụ huynh và học sinh, nhà trường đều chờ đợi một thông báo cụ thể nhất để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất nhằm hoạt động lại trường lớp. Theo nhiều chuyên gia, có lẽ dù vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thực sự hết lo lắng nhưng nếu tình hình dịch bệnh mà kiểm soát được, các tỉnh không còn người có bệnh Covid-19 nữa thì các địa phương nên cho học sinh, sinh viên đi học trở lại lớp. Dù ai cũng biết rằng sự an toàn của con người, nhất là đối với học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng với bất kỳ gia đình, địa phương nào, nhưng nếu không phát hiện thêm ca bệnh mới nào thì nên tổ chức đi học trở lại cũng là điều phù hợp. Hàng chục ngàn ngôi trường, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên, hơn 1 triệu cán bộ, nhân viên, giáo viên ở các nhà trường có liên quan mật thiết với rất nhiều ngành nghề khác nữa đang bị ảnh hưởng bởi việc nghỉ học.
Video đang HOT
Cho dù các phương án học online, học qua truyền hình có được triển khai, thực hiện tốt thì cũng chỉ là giải pháp tình thế. Không phải lớp học nào, môn học nào cũng có thể tổ chức dạy và học online được. Đối với học sinh, cũng không phải em nào cũng có động lực, tự chủ học tập khi ở nhà cho dù cha mẹ luôn nhắc nhở, động viên.
Trên thực tế, trừ Trung Quốc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các nước khác không đóng cửa trường hàng loạt dù có nhiều trường hợp nhiễm Covid-19. Kể cả Nhật Bản là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất với gần 200 ca nhiễm nhưng họ vẫn không đóng cửa trường học hàng loạt.
Cần có một giải pháp cụ thể, dài hơi
Trao đổi với phóng viên, PGS-TS tâm lý Trần Thu Hương cho biết yếu tố tâm lý của phụ huynh rất quan trọng. Bà Hương nói bản thân sẵn sàng cho con đến trường thời điểm này bởi việc vệ sinh trường lớp đang được 63 tỉnh, thành phố đặt ở mức cao nhất. “Các phụ huynh nên biết rằng nếu cứ cố chấp việc nghỉ học thêm, người chịu ảnh hưởng cũng chính là con trẻ. Không ai muốn cảnh giữa tháng 6 “nắng như đổ lửa” lại cho con đến trường học. Rồi cũng không ai đành lòng để áp lực học tập, thi cử, kết thúc năm học đè lên vai con trẻ” – bà Hương nói.
PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc cho học sinh nghỉ học không phải là giải pháp lâu dài, học online không thể thay thế hoàn toàn việc các học sinh đến lớp tương tác với nhau. “Hiện nay Việt Nam đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, nếu ngành giáo dục tiếp tục cho học sinh nghỉ thì hơn 22 triệu học sinh, sinh viên và hàng triệu thầy cô giáo sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Việc lựa chọn cho học sinh nghỉ học hàng loạt không phải là giải pháp dài hơi, ngành giáo dục cần có kịch bản ứng phó hợp lý hơn thay vì các trường cho học sinh nghỉ liên tục hoặc mạnh ai nấy làm”.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay rất nhiều trường đã tổng vệ sinh, gấp rút triển khai các biện pháp chủ động để đón học sinh trở lại trường khi có quyết định từ Sở GD-ĐT. Cô Nguyễn Việt Hoa – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Bá (TP.Thái Bình) cho biết trường có khoảng gần 2 ngàn học sinh, ngay trong kỳ nghỉ chống dịch, thông qua sổ liên lạc điện tử, giáo viên chủ động kết nối với từng phụ huynh nhắc nhở quản lý con em mình; duy trì giao bài tập làm ở nhà theo hướng dẫn của giáo viên. “Nhà trường hiện nay đã đảm bảo vệ sinh trường lớp để có thể đón các con đến lớp một cách an toàn nhất. Tại các vị trí dễ nhìn, dễ tiếp cận đều dán những thông báo hướng dẫn học sinh, giáo viên cách phòng chống dịch, đồng thời đã trang bị khá đầy đủ dung dịch rửa tay khi vào lớp học” – cô Hoa cho hay.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Đề – Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), hiện nay đã có nhiều tỉnh thành thông báo đủ đảm bảo an toàn để học sinh đi học trở lại. Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước đều đang làm rất tốt công tác chống dịch và không phát hiện ca nhiễm nào.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay việc cho học sinh đi học trở lại là chuyện hết sức bình thường, an toàn và không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các chuyên gia về nhi khoa cũng cho rằng trong quá trình học tập tại trường, thầy cô nên thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ho, sốt, đau đầu, sổ mũi hay khó thở… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Qua đó kiểm tra kỹ và xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh, có biện pháp cách ly, theo dõi (trong trường hợp trẻ nhiễm bệnh). Nhà trường, cơ sở giáo dục cần thông tin, giảng dạy cho các em thêm hiểu biết về tình hình dịch bệnh Covid-19 và thường xuyên cập nhật để các em hiểu, biết cách phòng tránh.
Dạ Thảo
Theo motthegioi
Phòng dịch Covid-19, hơn 8.300 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội học online
Thông tin từ Phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, trong hôm nay, ngày 17/2/2020, đã có hơn 8.300 sinh viên của trường tham gia học 40 môn tại 78 lớp online được giảng dạy theo hình thức Blended Learning.
Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai học online cho các sinh viên đăng ký các lớp học phần được giảng dạy theo hình thức Blended Learning từ ngày 17/2/2020 (Ảnh các thầy cô khoa Sư phạm Kỹ thuật ghi hình bài giảng trực tuyến)
Cùng với nhiều cơ sở giáo dục khác trong cả nước, trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sinh viên, cộng đồng, đồng thời phòng, chống dịch bệnh do virus Covid-19 lây lan, Ban giám hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định lùi tiếp lịch lên lớp thêm 1 tuần, đến ngày 24/2/2020.
Đây là lần thứ ba kể từ sau đợt nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội lùi thời điểm bắt đầu học kỳ mới năm học 2019 - 2020 của hơn 35.000 sinh viên toàn trường nhằm phòng, tránh lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Trong thông báo mới nhất về việc lùi lịch lên lớp đến ngày 24/2/2020, cùng với việc khuyến cáo sinh viên của trường nên ở tại địa phương nơi cư trú cùng gia đình, Ban giám hiệu trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng yêu cầu trong thời gian này các sinh viên cần tăng cường tự học.
Cụ thể, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được yêu cầu chủ động tự học dưới sự hướng dẫn và học liệu của giảng viên phụ trách lớp học phần, được cung cấp qua hệ thống email của trường. Các sinh viên tham gia lớp học trên thống TEAMS (Microsoft Office 365) do giảng viên phụ trách lớp học phần tổ chức (nếu có).
Đặc biệt, thông báo của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nêu rõ, các lớp học phần được giảng dạy theo hình thức Blended Learning triển khai học tập các nội dung trực tuyến từ ngày 17/2/2020.
Chia sẻ với ICTnews, đại diện Phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu của Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các sinh viên học trực tuyến trong thời gian này là những sinh viên đã đăng ký học các học phần đã được nhà trường áp dụng giảng dạy theo hình thức Blended Learning.
Vị đại diện này cũng cho hay, theo số liệu tổng hợp từ các đơn vị trực thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội như Viện CNTT&TT, Viện Điện tử Viễn thông, Viện Điện, Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu... tính đến hôm nay, ngày 17/2/2020, đã có hơn 8.300 sinh viên đã được cấp tài khoản LMS.HUST.EDU.VN để tham gia học trực tuyến.
Những sinh viên này tại 78 lớp online với 40 môn học được giảng dạy theo hình thức Blended Learning như: Cơ sở dữ liệu; Tương tác người máy; Quản trị mạng/Các giải pháp quản trị mạng doanh nghiệp; Quản trị mạng/Kiến thức máy tính; Cấu trúc dữ liệu và giải thuật; Cơ học kỹ thuật 1; Cơ học kỹ thuật 2; Lý thuyết mật mã; Điện tử tương tự 1...
Theo ghi nhận của ICTnews, để phòng tránh dịch bệnh do chủng mới của virus Corona gây ra, ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đã có hàng loạt trường đại học đào tạo các ngành công nghệ khác tiếp tục lùi thời điểm bắt đầu học kỳ II năm học 2019 - 2020 như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học CNTT TP.HCM, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ TP.HCM...
Vân Anh
Theo ictnews
Có nên cho học sinh, sinh viên đợt dịch Covid-19 nghỉ như nghỉ hè? Lo ngại khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng, thay bằng nghỉ hè như mọi năm thì sinh viên sẽ đi học, còn thời điểm này coi như kì nghỉ hè của sinh viên? Nhiều trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học Trong khi rất nhiều Sở GD&ĐT quyết định cho học sinh trở...