Đa dạng phương pháp, khơi gợi hứng thú khi dạy môn tích hợp
Triển khai dạy học môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường học đã từng bước tháo gỡ những khó khăn bước đầu.
Cô Nguyễn Thị Lĩnh – Trường THCS Tố Như ( Hoằng Hóa, Thanh Hóa) trong giờ dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên lớp 7.
Đồng thời, tập trung vào sự phát triển năng lực, kỹ năng của học sinh thay vì “học vẹt”.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Năm học 2022-2023, Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có 9 lớp, với tổng số 355 học sinh. Năm học này, nhà trường tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với khối lớp 6, 7.
Cô Trần Thị Tuyết – Phó Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách chuyên môn cho biết, thuận lợi đối với nhà trường khi triển khai Chương trình GDPT 2018 đó là đảm bảo số lượng giáo viên các bộ môn. Vì vậy, ngay sau khi có công văn chỉ đạo, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, chương trình phù hợp với học sinh (HS), điều kiện của nhà trường và địa phương.
“Trên cơ sở đảm bảo về đội ngũ, nhà trường cũng căn cứ vào chuyên môn, năng lực và sở trường của từng giáo viên để phân công nhiệm vụ. Vì vậy, các thầy, cô giáo rất hài lòng, công tác giảng dạy cũng đi vào ổn định ngay từ đầu năm học”, cô Tuyết nói.
Theo cô Tuyết, đối với những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên hiện vẫn do giáo viên phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách. Trong khi đó, môn Lịch sử và Địa lý sẽ do giáo viên Lịch sử, Địa lý giảng dạy. Bởi vì là môn tích hợp, nên khó khăn trong công tác soạn bài, lên lớp, việc ghi chép của HS cũng không thuận tiện.
Đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu bộ môn đã giúp cô Lê Thị Hải – Trường THCS Tố Như từng bước tháo gỡ khó khăn khi giảng dạy môn tích hợp Lịch sử và Địa lý. Ngoài tham gia tập huấn theo yêu cầu, cô Hải cũng tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn ở cả hai phân môn; dự giờ học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp,…
Video đang HOT
Em Lê Xuân Bình, lớp 7A, Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tự tin thuyết trình trong giờ học môn Lịch sử và Địa lý.
“Nguyện vọng của tôi đó là vẫn muốn có những lớp chuyên sâu, để giáo viên có thể tự tin dạy được cả 2 phân môn trong 1 môn học tích hợp. Với phân môn đang phụ trách, tôi thường kết hợp nhiều phương pháp cả truyền thống lẫn hiện đại để xóa bỏ sự nhàm chán, khơi gợi hứng thú cho HS.
Đặc biệt, việc sử dụng triệt để đồ dùng trực quan như ti vi, máy chiếu, lược đồ, bản đồ,… cũng giúp học sinh tiếp thu bài một cách dễ dàng và hiệu quả hơn”, cô Hải chia sẻ.
Phương pháp phù hợp theo chủ đề
Đánh giá về môn Khoa học tự nhiên của Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Cẩm Tú – Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa) cho rằng, đây là môn học “mới nhưng lại không mới”. Bởi, trên thực tế đó là sự tích hợp nội dung của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Vì vậy, hiện giáo viên của nhà trường vẫn thực hiện dạy song song cả 3 nội dung. Tuy nhiên, chủ đề chuyên sâu vào môn nào thì sẽ do giáo viên của môn đó phụ trách.
Theo cô Tú, ưu điểm của Chương trình mới đó là không đặt nặng về kiến thức, mà tập trung vào năng lực của HS. Đây là điều rất tốt, hướng vào sự phát triển năng lực, kỹ năng của HS, đồng thời bám sát yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 đề ra.
Là môn khoa học gắn liền với thực tiễn đời sống, vì vậy phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng cần phù hợp theo chủ đề. Với HS, để học tốt môn này, ngoài việc chăm chú nghe giảng, các em cũng phải chủ động trong việc học, từ việc chuẩn bị bài tập ở nhà theo yêu cầu, HS cũng cần thực hành nhiều hơn thay vì “học vẹt”.
“Ở chương trình lớp 6, 7 hầu hết các chủ đề đều khá gần gũi với đời sống. Vì vậy, tôi thường bắt đầu bằng một sự vật, hiện tượng trong đời sống để tạo ra tình huống có vấn đề nhằm kích thích não bộ của học sinh trước khi vào bài học mới”, cô Tú chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Tú và học trò Trường THCS Minh Khai (TP Thanh Hóa).
Sau mỗi bài dạy, cô Tú cũng thường cho học trò vẽ sơ đồ tư duy về nội dung đã học để có cái nhìn tổng quát. Ngoài ra, cô Tú cũng thường xen kẽ trò chơi khi giảng dạy hoặc sử dụng phương pháp hội thảo thuyết trình. Với phương pháp này, HS sẽ chuẩn bị nội dung thảo luận để nảy ra vấn đề, từ đó giáo viên sẽ kết luận.
“Với Chương trình GDPT 2018 không đặt nặng về kiến thức, vì vậy HS hoàn toàn có đủ thời gian để làm bài”, cô Tú nói.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Lĩnh – Trường THCS Tố Như thường tận dụng triệt để công cụ hỗ trợ như máy chiếu, ti vi kết hợp nhiều phương pháp khi giảng dạy phân môn Vật lý của môn Khoa học tự nhiên lớp 6.
“Nhìn chung kiến thức của bộ môn Khoa học tự nhiên lớp 6 khá vừa sức với HS, các em cũng hào hứng với môn học. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có tới 3 giáo viên phụ trách môn học nên kiến thức chưa được liền mạch”, cô Linh chia sẻ.
“Môn Lịch sử và Địa lý giúp em thỏa sức khám phá các nền văn minh từ thuở sơ khai của các nước trên thế giới. Khi học môn này, em cũng rèn luyện các kỹ năng quan trọng như thuyết trình cùng sự tự tin đứng trước đám đông”, em Lê Xuân Bình, lớp 7A, Trường THCS Tố Như chia sẻ.
“Sau hơn 1 năm làm quen và triển khai chương trình dạy môn tích hợp, hầu hết các thầy, cô đã làm quen với công việc này. Nhờ vậy, những khó khăn từng bước được tháo gỡ với sự phân công phù hợp, nhịp nhàng giữa các giáo viên”, cô Trần Thị Tuyết – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Không bị động khi dạy tích hợp
Có thêm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là điểm mới quan trọng trong Chương trình GDPT 2018.
Ảnh minh họa Internet.
Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp; phát triển trên nền tảng các khoa học vật lý, hóa học, sinh học, khoa học Trái đất. Môn Lịch sử và Địa lý gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hóa, khoa học, tôn giáo... Một trong những khó khăn lớn nhất khi tổ chức dạy học hai môn này, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên, chính là vấn đề đội ngũ, vì hiện phần lớn giáo viên (GV) đều được đào tạo đơn môn.
Khắc phục khó khăn này, tháng 3/2021 Bộ GD&ĐT có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Trong đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện các công việc: Rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp với thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu môn học; đặt hàng đào tạo để có nguồn tuyển dụng GV cho những môn học mới; bồi dưỡng GV dạy môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 không bị động về số lượng và theo cơ cấu môn học, nhất là GV cho môn học mới.
Ngoài tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng. Trong đó có Chương trình bồi dưỡng GV Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Khoa học tự nhiên; Chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Triển khai nội dung này, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch; phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để cử GV tham gia tập huấn nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới theo lộ trình phù hợp với thực tế địa phương. Tiến tới mỗi GV có thể đảm nhiệm dạy học toàn bộ môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số địa phương còn gặp khó khăn. Nguồn ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức của địa phương còn hạn chế. Có nơi, do số lượng GV đăng ký bồi dưỡng chưa đủ để mở lớp nên phải gộp với chỉ tiêu của năm 2022 hoặc đợi cơ sở đào tạo liên kết với nơi khác. Các cơ sở giáo dục, môn còn thiếu GV, đặc biệt ở trường có quy mô nhỏ, nhiều điểm lẻ, việc cử GV đi bồi dưỡng còn khó khăn. Cũng còn cơ sở giáo dục lúng túng trong bố trí GV thực hiện dạy tích hợp liên môn, môn học mới...
Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng và số lượng; bổ sung kịp thời kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là nhiệm vụ quan trọng mà toàn ngành Giáo dục phải tập trung cao độ để thực hiện. Trong đó không thể thiếu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ nhà giáo được tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên cơ sở kế hoạch của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, sở GD&ĐT cần tham mưu ban hành các kế hoạch, dự toán kinh phí cho bồi dưỡng liên môn kịp thời, đúng tiến độ; công tác chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên. Tăng cường phối hợp giữa địa phương với cơ sở đào tạo GV để triển khai bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dạy môn học mới, trong đó có môn tích hợp...
Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với tình hình thực tế GV hiện có. Có phương án bố trí GV dạy môn học hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Điện Biên tập huấn dạy chương trình mới cho gần 600 giáo viên Tiếng Anh Ngành Giáo dục Điện Biên vừa tập huấn triển khai Chương trình mới đối với môn Tiếng Anh cho gần 600 giáo viên Tiểu học, THCS và THPT. Điểm cầu tập huấn tại Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tuần Giáo. Ảnh: Sở GD&ĐT Điện Biên. Vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên tổ chức tập huấn đại trà Module 1, 4...