Đa dạng bộ SGK lớp 1: Chất lượng còn phải phù hợp vùng miền
“Sách hay không chỉ theo chuẩn kiến thức kỹ năng mà còn phù hợp điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng miền để GV tham khảo và lựa chọn…” – là nhận định của các chuyên gia sau khi nhà trường, địa phương công bố kết quả lựa chọn sách.
GV Trường Tiểu học Thị trấn Năm Căn (Cà Mau) trong giờ rèn chữ lớp 1. Ảnh: Q. Ngữ
Tin tưởng sự lựa chọn của giáo viên
Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, 162/162 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để sử dụng trong năm học 2020 – 2021.
Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, các trường và GV lựa chọn sách trên tinh thần khách quan, nghiêm túc. Các trường đã báo cáo phòng để tổng hợp, gửi sở GD&ĐT. Phòng GD&ĐT hoàn toàn tin tưởng và tôn trọng kết quả sự lựa chọn trên.
Theo cô Lê Thị Kim Hường, GV lớp 1, Trường TH Vĩnh Thuận Đông 1, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), để chọn được bộ sách tốt cho HS, GV phải nghiên cứu hết 5 bộ sách được Bộ thẩm định. Không chỉ đọc kỹ, mà còn suy ngẫm, dựa vào các tiêu chí xem có phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường như cấu trúc, cách bố trí câu từ, màu sắc, tranh ảnh minh họa…
“Hơn cả là quyền lợi của HS, bộ sách không dừng lại ở việc giúp trò biết những gì mà tiến tới làm được những gì. Chúng ta đang cần có một thị trường SGK lành mạnh, phù hợp với chủ trương khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách, vì mục tiêu có được những bộ SGK tốt nhất cho HS”, thầy Bột nêu quan điểm.
Video đang HOT
Trao đổi về việc chọn SGK lớp 1, nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Quyền lựa chọn, thẩm định sách giờ đây được trao cho nhà trường, GV. Hơn ai hết, chính nhà trường, GV – những người hiểu rõ nhất việc dạy, học sẽ chọn bộ sách phù hợp với HS, địa phương và tiêu chí của cơ sở nơi mình đang giảng dạy.
Là người theo dõi sát sao Chương trình GDPT mới, đặc biệt là việc biên soạn SGK, GS Võ Tòng Xuân (Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) cho biết, ông rất tâm đắc với việc giao cho các trường, đặc biệt là GV chọn SGK. “Sách hay không chỉ theo chuẩn kiến thức kỹ năng mà còn phù hợp điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng miền để GV các trường tham khảo và chọn cho HS sử dụng…”, GS Võ Tòng Xuân nhận định.
Nhiều công việc phía sau quyển sách
Kết quả chọn SGK lớp 1 mỗi nơi khác nhau nhưng tất cả đều tin tưởng với sự lựa chọn bộ sách phù hợp. Ảnh: Q. Ngữ
Theo quy định, tất cả GV dạy lớp 1 năm học 2020 – 2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT mới. Theo đó, có 4 modul: Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 (modul 1); Phương pháp dạy học và giáo dục (modul 2); Kiểm tra đánh giá HS (modul 3); Xây dựng kế hoạch dạy học giáo dục (modul 4). Có 3 loại hình bồi dưỡng là: Tập trung (trực tiếp), từ xa (trực tuyến) và bán tập trung (kết hợp trực tiếp và trực tuyến).
Sở GD&ĐT TP Cần Thơ dự kiến tổ chức tập huấn Chương trình GDPT mới lớp 1 từ ngày 23/7. Thành phần tham gia tập huấn là cán bộ quản lý phòng GD&ĐT, ban giám hiệu các trường tiểu học và tất cả GV dạy lớp 1. Sở chọn hình thức tập huấn tập trung để tăng tính tương tác và đạt hiệu quả.
Theo Sở GDT&ĐT tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 7 tới, GV dạy lớp 1 của 301 trường tiểu học trong tỉnh được tập huấn với sự hướng dẫn của đại diện các nhà xuất bản. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết, cán bộ quản lý, thầy cô cần trao đổi mạnh dạn, thẳng thắn, đầy trách nhiệm để hiểu rõ tường tận, thông suốt những vấn đề liên quan nhằm chiếm lĩnh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất Chương trình GDPT 2018. Lãnh đạo các đơn vị cần tạo điều kiện tốt nhất để thầy cô được tham gia tập huấn, tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ việc tiếp cận, thực hiện chương trình một cách đầy đủ và hiệu quả.
Theo thầy Từ Minh Lập, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn, huyện Trà Cú (Trà Vinh), do tình hình dịch bệnh nên việc tập huấn cho GV bị động. Thay vì tháng 4 hoàn thành việc tập huấn thì nay đến tháng 6 vẫn đang triển khai. GV phải vừa dạy học, vừa tham gia tập huấn trực tuyến để bảo đảm thời gian theo quy định. Kể cả ngày thứ 7, Chủ nhật, thầy cô cũng tranh thủ tham gia tập huấn trực tuyến một số môn. Tất cả đều nỗ lực, tranh thủ thời gian để kịp dạy học lớp 1 năm học 2020 – 2021.
Theo GS Võ Tòng Xuân, SGK của tác giả nào viết hay nhất (đúng theo Bộ chuẩn kiến thức, phương pháp dễ dạy và học sinh dễ tiếp thu) sẽ được GV chọn, giới thiệu để HS mua sử dụng. Làm như vậy chương trình không nặng, lại phát huy trí sáng tạo, thông minh của thầy và trò. Quan trọng là ngân sách Nhà nước sẽ không lãng phí chi cho các đợt thay SGK. Bộ GD&ĐT chỉ cần quản lý chất lượng giáo dục qua Bộ chuẩn kiến thức môn học.
Không nên biên soạn thêm một bộ SGK
Xung quanh việc Bộ GD&ĐT xin không biên soạn 1 bộ SGK, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cùng đề xuất Bộ không nên lãng phí ngân sách nhà nước để biên soạn thêm một bộ SGK, mà tiếp tục thực hiện xã hội hóa (XHH) như đã làm thời gian qua.
SGK phục vụ năm học mới 2020 - 2021 Ảnh: Như Ý
Tiết kiệm ngân sách nhà nước
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, có 2 lĩnh vực ông rất ủng hộ xã hội hóa, đó là giáo dục, đào tạo và y tế. "Tất nhiên XHH như luôn luôn phải có cơ chế kiểm soát. Khi tôi nêu ra vấn đề biên soạn SGK chính là tôi đang thực hiện giám sát Nghị quyết của Quốc hội", ông Nhưỡng bày tỏ quan điểm.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, chủ trương XHH đã thành công với 5 bộ SGK lớp 1 được thẩm định và phê duyệt ban hành. "Gần như toàn bộ trí tuệ của ngành Giáo dục đã tập trung vào công tác XHH này; những nhà khoa học đầu ngành, những người lão luyện nhất là những người đứng ra biên soạn SGK theo phương thức XHH. Vì vậy, nếu Bộ tiếp tục làm có nghĩa là chúng ta sẽ phải bỏ ra 16 triệu USD, tương đương khoảng 400 tỷ đồng để "đuổi theo" 5 bộ sách kia. Chưa nói, toàn bộ tinh hoa đã tập trung làm sách XHH rồi thì ai sẽ làm sách của Bộ? Và liệu chất lượng có đảm bảo?", ông Nhưỡng quan ngại.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, chủ trương XHH biên soạn SGK bước đầu thành công. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách sẽ đưa tới kết quả tất yếu là chất lượng các bộ sách tăng lên, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Bà Minh cho biết thêm, khi xây dựng, ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội lo lắng việc không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra biên soạn bộ SGK hoặc không biên soạn được bộ sách chất lượng, nên mới giao trách nhiệm cho Bộ GD&ĐT. Nhưng đến thời điểm này, đã có 5 bộ SGK lớp 1, được đánh giá là có chất lượng. Vì thế đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng Bộ GD&ĐT không cần thiết phải biên soạn một bộ SGK.
Cần "triệt để" xã hội hóa
Đại biểu Hồ Thị Minh đề nghị, cần thực hiện một cách triệt để chủ trương XHH trong tổ chức, biên soạn SGK. "Tôi không ủng hộ việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK vì như vậy sẽ mâu thuẫn với chủ trương XHH. Không thể khẳng định sẽ không có sự ưu ái đối với bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn", bà Minh nói.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), nếu đã có bộ SGK được thực hiện theo chủ chương XHH và đáp ứng được yêu cầu, nội dung phù hợp với Chương trình giáo dục thì cũng nên cân nhắc xem Bộ GD&ĐT có nhất thiết phải biên soạn thêm một bộ SGK nữa hay không? Nếu Bộ biên soạn thì có thể sẽ trùng lặp về nội dung, hình thức. Hơn nữa thị trường SGK sẽ mất cân đối vì có thể xảy ra tình trạng, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục có tâm lý lựa chọn sách của Bộ GD&ĐT cho yên tâm.
"XHH biên soạn SGK là cần thiết vì sẽ chống được độc quyền. Khi đó sẽ có sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Bộ sách nào phù hợp với phương pháp giảng dạy, phù hợp với đối tượng học sinh thì sẽ xây dựng được hình ảnh và uy tín. Suy cho cùng, người được thụ hưởng những thành quả từ chủ trương XHH biên soạn SGK chính là học sinh", ông Vân cho hay.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, Bộ GD&ĐT dừng việc biên soạn sách là đúng, để các bộ sách trên một mặt bằng, không thể đẩy một bộ sách nào lên cao hơn, bộ sách nào ở thấp hơn, gây xáo trộn tâm lý xã hội không cần thiết. Theo ông Nhưỡng, đây vừa là giải pháp chống độc quyền lại vừa tiết kiệm được cho ngân sách, giúp nhà nước giảm được số nợ ODA.
Ông Nhưỡng cho biết, trước đó, ông đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng việc giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK và báo cáo lại Quốc hội về vấn đề này. "Khi Quốc hội thấy cần thiết cũng phải dừng, bởi vì không thể để lãng phí. Nghị quyết 88 của Quốc hội đã thúc đẩy XHH, đó chính là ưu điểm của Nghị quyết", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.
Khẳng định XHH biên soạn SGK là một hướng đi hợp lý và nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức thực hiện theo phương thức này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, Nhà nước nên có cơ chế để động viên, khích lệ các tác giả, các nhà xuất bản, để những bộ SGK được biên soạn theo hình thức XHH ngày càng chất lượng, giá thành rẻ, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri và học sinh trên cả nước.
Trong phiên họp của Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ GD&ĐT đã xin không biên soạn 1 bộ SGK với 2 nguyên nhân: thứ nhất Bộ GD&ĐT đã trải qua hai lần đấu thầu tuyển chọn tác giả biên soạn SGK nhưng đều bất thành.
ĐBSCL: Kiên trì đưa học sinh trở lại lớp sau nghỉ dài vì dịch Sau dịch Covid-19, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Ảnh minh họa/ INT Nhiều em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn hoặc theo gia đình rời xa quê hương... khiến nhà trường, thầy cô canh cánh nỗi lo trong việc duy trì sĩ số lớp học, tương lai của...