Cựu sinh viên đại học đắt nhất ở Mỹ nhận lương thế nào?
Dựa trên dữ liệu từ Đại học Georgetown, Business Insider đưa ra danh sách những trường đắt đỏ nhất ở Mỹ có sinh viên kiếm được nhiều tiền sau khi tốt nghiệp 10 năm.
Đại học Harvey Mudd ở Claremont, California, đứng đầu tiên trong danh sách. Đây cũng là trường có tổng chi phí cao nhất ở Mỹ, 67.255 USD/năm (hơn 1,5 tỷ đồng). Mức thu nhập của cựu sinh viên có 10 năm kinh nghiệm là 78.600 USD (gần 1,8 tỷ đồng). Ảnh: Wikimedia Commons.
Đại học Duke ở thành phố Durham, North Carolina, đứng thứ hai với mức thu nhập trung bình của cựu sinh viên lên đến 76.700 USD (hơn 1,7 tỷ đồng). Tổng chi phí cho mỗi năm học của trường là 64.188 USD (hơn 1,4 tỷ đồng). Ảnh: Wikimedia Commons.
Với tổng chi phí học tập 66.383 USD/năm (gần 1,5 tỷ đồng), cựu sinh viên Đại học Columbia ở New York có thể kiếm mức lương trung bình 72.900 USD (hơn 1,6 tỷ đồng) sau 10 năm tốt nghiệp. Ảnh: Wikimedia Commons.
Đứng thứ tư trên bảng xếp hạng là Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland. Trường cũng lọt vào danh sách 20 đại học đắt đỏ nhất tại Mỹ với tổng chi phí mỗi năm lên đến 63.750 USD (hơn 1,4 tỷ đồng). Mức thu nhập trung bình của cựu sinh viên là 69.200 USD (khoảng 1,6 tỷ đồng). Ảnh: Wikimedia Commons.
Đại học Dartmouth ở Hanover, New Hampshire, đứng thứ năm với mức thu nhập trung bình của cựu sinh viên 67.100 USD (hơn 1,5 tỷ đồng). Trường cũng đứng thứ 14 trong danh sách có chi phí đắt nhất tại Mỹ (64.134 USD, khoảng 1,4 tỷ đồng cho một năm học). Ảnh: Dartmouth.
Video đang HOT
Tổng chi phí cho mỗi năm học tại Đại học Southern California ở thành phố Los Angeles là 64.482 USD (hơn 1,4 đồng), đắt thứ bảy ở Mỹ. Sau 10 năm làm việc, cựu sinh viên trường này kiếm khoảng 66.100 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Ảnh: Wikimedia Commons.
Đại học Northwestern ở Evanston, Illinois, đứng thứ 15 trong danh sách những trường đắt nhất tại Mỹ với tổng chi phí cho mỗi năm học là 63.983 USD (khoảng 1,4 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của cựu sinh viên sau 10 năm làm việc là 64.100 USD (hơn 1,4 tỷ đồng). Ảnh: Wikimedia Commons.
Tổng chi phí cho mỗi năm học tại Đại học Claremont McKenna, Claremont, California, là 64.325 USD (hơn 1,4 tỷ đồng), đắt thứ tám ở Mỹ.Thu nhập bình quân của lứa cựu sinh viên tốt nghiệp 10 năm là 63.600 USD (khoảng 1,4 tỷ đồng). Ảnh: PRNews Foto.
Đại học Chicago ở Illinois đứng thứ chín trên bảng xếp hạng với thu nhập bình quân của cựu sinh viên tốt nghiệp 10 năm là 62.800 USD (khoảng 1,4 tỷ đồng). Trường cũng nằm trong danh sách 5 trường đắt nhất ở Mỹ. Tổng chi phí cho mỗi năm học lên đến 64.965 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Ảnh: Facebook.
Đứng thứ 10 là Đại học New York, trường đắt thứ ba ở Mỹ với tổng chi phí lên đến 65.860 USD/năm (gần 1,5 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của cựu sinh viên tốt nghiệp 10 năm là 58.800 USD (hơn 1,3 tỷ đồng). Ảnh: Doc Searls/ Flickr.
Theo Zing
Nhiều giáo sư Mỹ thu nhập không đủ sống
Những đại học ở Mỹ trả lương hiệu trưởng cao thường có đông giáo sư trợ giảng. Phần lớn trong số họ phải tìm thêm công việc thứ hai, vì thu nhập không đủ sống.
Theo khảo sát của Chronicle of Higher Education, năm 2013, mức lương hàng năm trung bình của hiệu trưởng các trường đại học tư thục ở Mỹ là 436.429 USD (gần 10 tỷ đồng), tăng 5,6% so với năm 2012. Trong đó, 32 hiệu trưởng có mức lương từ một triệu USD trở lên.
Với mức thu nhập thấp, các giáo sư trợ giảng ở Mỹ thường có cuộc sống khó khăn. Ảnh: Slate.
Đại học tư thục không phải nơi duy nhất chấp nhận trả mức lương khủng cho người đứng đầu. Năm 2014, mức lương trung bình của hiệu trưởng các trường công lập cũng lên đến 428.000 USD/năm (hơn 9,6 tỷ đồng), Chroniclecho hay.
"Tôi từng trò chuyện nhiều lần với các thành viên hội đồng quản trị trường đại học. Những người này cho rằng, hiệu trưởng cũng như người điều hành doanh nghiệp và sẵn sàng trả lương cao để giữ chân họ. Mức thù lao được tính theo giá thị trường", Sandhya Kambhampadi, tác giả cuộc khảo sát nói.
Nhưng lương khủng của các vị hiệu trưởng hoàn toàn đối lập mức thu nhập của các giáo sư trợ giảng, những người chiếm số lượng lớn tại các cơ sở giáo dục đại học.
Trợ giảng là thuật ngữ được dùng để chỉ những giáo sư làm việc bán thời gian, không chính thức và nhận từ 3.000 đến 5.000 USD cho mỗi khóa.
Năm 2013, giáo sư trợ giảng chiếm khoảng 75% số giáo sư tại các trường đại học ở Mỹ, theo NPR. Mức lương hàng năm của họ dao động từ 20.000 - 25.000 USD (tương đương 450 triệu đến 563 triệu đồng). Hiệp hội Giáo sư Đại học Mỹ (AAUP) cho rằng, xu hướng này sẽ kéo dài.
"Nhiệm vụ cốt lõi của các trường là giảng dạy và nghiên cứu. Hội đồng quản trị nên đảm bảo mức sống cho đội ngũ giáo sư trước khi tăng lương hiệu trưởng", Gwen Bradley, viên chức cao cấp của AAUP, nói.
Những trường trả lương hiệu trưởng cao thường có số lượng giáo sư trợ giảng lớn. Ảnh: Shutterstock.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Lao động UC Berkeley tiến hành năm 2015, hơn 25% số giáo sư trợ giảng và gia đình họ có tên trong danh sách của chương trình hỗ trợ cộng đồng về dịch vụ y tế và thực phẩm. Họ cũng thường phải làm hai công việc để duy trì cuộc sống.
"Mỗi ngày, tôi sống cuộc sống của hai người và thực sự cảm thấy mệt mỏi. Tôi cần dành nhiều thời gian hơn cho sinh viên nhưng buộc phải rời trường để làm công việc thứ hai", Lee Hall, giáo sư trợ giảng tại Viện Giáo dục Pháp luật, thuộc Đại học Widener, nói.
Thu nhập của bà là 15.000 USD/năm (gần 338 triệu đồng), trong khi lương của hiệu trưởng Widener lên đến 997.140 USD (hơn 22,4 tỷ đồng).
Đương nhiên, những giáo sư này không thích làm việc bán thời gian, nhưng họ không có cơ hội được ký hợp đồng chính thức, tác giả một nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Journal of Higher Education cho hay.
"Tôi từng nghĩ, quãng thời gian cống hiến cho trường sẽ được đền đáp bằng một hợp đồng lao động chính thức. Tôi đã sai và lẽ ra nên nhận thấy sự thật sớm hơn. Tôi không thể tiếp tục công việc với mức lương rẻ mạt và không có thêm bất cứ lợi ích nào. Đây rõ ràng là khoản thu nhập không đủ sống", cựu giáo sư trợ giảng Dana Biscotti Myskowski viết trên blog cá nhân.
Trên thực tế, những trường đại học tư thục trả lương hiệu trưởng cao nhất cũng là trường có nhiều giáo sư trợ giảng nhất.
Nghiên cứu năm 2014 của Viện Nghiên cứu Chính sách chỉ ra xu hướng tương tự giữa các trường trả lương cao cho hiệu trưởng: Số giáo sư trợ giảng tăng nhanh hơn 22% so với mức trung bình cả nước.
Ba trường ở New York là Đại học Columbia, Đại học New York và Đại học New School, lần lượt có tỷ lệ giáo sư trợ giảng là 60%, 79%, 91%. Theo khảo sát gần đây của Chronicle, cả 3 trường này đều trả lương hiệu trưởng trên một triệu USD/năm (hơn 22,5 tỷ đồng).
Theo Zing
Lừa bạn học mua cổ phiếu, lĩnh án 7 năm tù Chỉ vì một phút nảy lòng tham, cựu sinh viên của một trường đại học danh tiếng đã phải lĩnh án tù vì lừa cả tiền của bạn học. Tin tức an ninh hình sự ngày 27/11, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Vũ Anh Tuấn (SN 1977, HKTT tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải...