Cựu Phó Tổng giám đốc SCB đáp lời bà Trương Mỹ Lan tố nợ tiền thuê nhà
Nói về căn nhà 19 Nguyễn Huệ mà bà Trương Mỹ Lan “tố” SCB không trả tiền thuê hơn 1 năm nay, Cựu Tổng giám đốc ngân hàng Võ Tấn Hoàng Văn cho hay, thời điểm ký hợp đồng thuê SCB đã đặt cọc 300 tỷ đồng.
Chiều 21/3, phiên xét xử đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tiếp tục phần bào chữa của các luật sư. Bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB), luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại vai trò đồng phạm của thân chủ mình trong vụ án và cho rằng bị cáo Dũng không giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo luật sư, căn cứ vào hồ sơ vụ án và quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa, qua các thời kỳ, khi có nhu cầu vay vốn, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các bị cáo Nguyễn Phương Hồng và Trương Khánh Hoàng phối hợp, cấu kết với bị cáo Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức nhằm thực hiện các khoản vay. Bị cáo Dũng không tiếp xúc, không lĩnh hội trực tiếp ý chí chỉ đạo từ bà Trương Mỹ Lan.
Cũng theo luật sư, phần lớn các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB đã được giải ngân trước khi công tác tham mưu, phê duyệt được thực hiện hoặc nếu được HĐQT phê duyệt trước khi giải ngân thì ông Dũng chỉ được tiếp xúc sơ do cấp dưới trình lên khi hợp thức hóa.
Luật sư cho rằng, bị cáo Dũng với vị thế, hoàn cảnh của mình, dù khoản vay của bà Trương Mỹ Lan thuộc trường hợp nào chăng nữa thì bị cáo cũng buộc phải ký duyệt một cách bị động mà không thể làm khác đi được. Về mặt ý chí chủ quan, bị cáo Dũng chỉ là người lao động, làm công ăn lương, thực hiện công việc với tư cách lệ thuộc.
Bị cáo Dũng không có đủ tài liệu, điều kiện để có thể nhận thức, đánh giá chính xác hành vi của mình. Đồng thời, vì muốn tốt cho SCB, với bản tính trung thực, hiền lành, bị cáo Bùi Anh Dũng bị đưa vào guồng để tạm đảm nhận mắt xích nhỏ trong một quy trình lớn.
Các luật sư tham gia phiên toà. Ảnh: Nguyễn Huế
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề định giá tài sản và nên giao tài sản cho cơ quan thi hành án bán đấu giá để đảm bảo việc thu hồi tối đa hơn là giao tài sản cho ngân hàng SCB.
Tự bào chữa cho mình, ông Bùi Anh Dũng nghẹn giọng nói, khi nghe phần luận tội của VKS khiến bị cáo không ngủ được, vợ và mẹ bị cáo khóc hết nước mắt. Bị cáo cho rằng mức án chung thân mà VKS đề nghị là quá nặng, mong HĐXX xem xét lại mức án.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) trình bày về tòa nhà 19 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) mà bà Lan nói SCB không trả tiền thuê hơn 1 năm nay. Ông Văn cho hay, về lý thuyết thuê nhà là phải trả tiền, thời điểm ký hợp đồng thuê, SCB đã đặt cọc 300 tỷ đồng và số tiền đặt cọc này HĐXX xử lý theo hợp đồng đã ký giữa hai bên. Bị cáo Văn cũng mong mỏi nhận được sự tha thứ của xã hội để trở về làm người có ích.
Video đang HOT
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), luật sư cho rằng cần đánh giá và xem xét lại thời gian mà bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan ngắn hơn so với cáo trạng cáo buộc.
Cáo trạng xác định bị cáo Dung giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan từ ngày 11/9/2019 – 15/8/2022 nhưng thực tế bị cáo Dung giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ và được Tổng Giám đốc ủy quyền trong thời gian ngày 7/1/2021 – 15/8/2022.
Phiên tòa ngày 21/3. Ảnh: Nguyễn Huế
Cũng theo luật sư, bị cáo Dung thực hiện hành vi phạm tội là theo sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan mà không được hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào. Hành vi của bị cáo Dung là thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay tiền từ SCB theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, nguyên nhân dẫn đến hành vi sai phạm của bị cáo Dung xuất phát từ tiếp nối công việc của người tiền nhiệm chức vụ trước.
Luật sư của bị cáo Dung còn đề nghị HĐXX xem xét lại vấn đề định giá tài sản và thiệt hại của vụ án vì theo quy định việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự buộc phải được thực hiện bởi Hội đồng định giá mà không thể được thay thế bởi bất kì một tổ chức, cá nhân nào (cáo trạng sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân). Vấn đề số lượng tài sản định giá cũng cần xem xét lại vì Công ty Hoàng Quân cho rằng có 440 mã tài sản không đủ điều kiện thẩm định.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng SCB thì chỉ có 221 mã tài sản không đủ điều kiện thẩm định (chênh lệch 219 mã tài sản không được định giá), từ đó dẫn đến thiệt hại của vụ án chưa chuẩn xác.
Tiếng khóc giữa tòa vì dính 'đạn bọc đường' triệu USD của bà Trương Mỹ Lan
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra - giám sát Ngân hàng) bật khóc tại tòa, xin giảm nhẹ hình phạt cho các thành viên đoàn thanh tra 'trót' dính 'đạn bọc đường' của bà Trương Mỹ Lan.
Phần xét hỏi vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm những ngày qua tập trung làm rõ các tình tiết liên quan đến hành vi đưa, nhận hối lộ. Các bị cáo thuộc nhóm thanh tra ngân hàng đã thành khẩn nhận tội, khai báo các khoản tiền đã nhận.
Đã rõ đường đi của 5,2 triệu USD
Trả lời phần xét hỏi, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) khai, đã 4 lần nhận tiền từ Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB - hiện đã bỏ trốn) với tổng cộng 5,2 triệu USD.
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: Nguyễn Huế
Trước đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai tại tòa về những lần mang thùng trái cây có chứa tiền đi cùng tài xế đến nhà bà Nhàn, nhưng không rõ số tiền bên trong là bao nhiêu. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra bị cáo mới biết là 5 triệu USD.
Tại tòa, bà Nhàn trình bày, quá trình thanh tra không nhận tiền, quà của SCB. Bà Nhàn khai, khi hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo đầy đủ sai phạm của SCB trình lên cấp trên thì Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc) và Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) xuất hiện để đưa tiền.
Bà Nhàn khai: "Khi ông Văn đưa tiền, bị cáo không nhận.... Nhưng vì ông Văn nói "đừng làm khó Văn và tự làm khó bản thân". Bị cáo rất sợ, nên để tiền vào góc nhà, không sử dụng đến. Sau gọi cho Văn để trả lại tiền nhưng không được.
"Bị cáo định lo tang sự cho mẹ xong sẽ mang tiền tới trả Văn, nhưng sau đó bị bắt. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình, đã làm đơn tự nguyện khai nhận và nộp lại toàn bộ số tiền 5,2 triệu USD", bà Nhàn nói.
Thực tế, Bà Nhàn đã nộp 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Các bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội. Ảnh: Nguyễn Huế
Bà Nhàn cũng thừa nhận, có sửa một phần trong kết luận thanh tra Ngân hàng SCB để báo cáo Chính phủ vào năm 2018. "Nợ xấu của ngân hàng SCB rơi vào nhóm 3 - 5 nhưng anh Hưng (Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - PV) chỉ đạo là đưa vào nhóm 1", lời bà Nhàn.
Cáo trạng cáo buộc, vì động cơ cá nhân, nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB, ông Hưng đã chỉ đạo bà Nhàn và các thành viên trong đoàn cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc này đã tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.
Sai phạm của ngân hàng SCB được bỏ qua như thế nào?
Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Hưng thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội. Bị cáo có nhiều lần nhận tiền, quà của Ngân hàng SCB vào những dịp lễ, tết, với tổng số tiền là 390 nghìn USD.
"Các thành viên trong đoàn thanh tra đã công tác trong ngành từ lâu năm; trước đó chưa bao giờ mắc khuyết điểm, là những cán bộ rất tốt. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo", bị cáo Hưng bật khóc xin cho thuộc cấp.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chi tiền hối lộ triệu USD cho các đoàn thanh tra giám sát ngân hàng, để bỏ qua hàng loạt sai phạm của Ngân hàng SCB. Ảnh: Nguyễn Huế
Cáo trạng cho rằng, ông Hưng chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng đoàn thanh tra) và các thành viên tổ tổng hợp báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn tới không kịp thời ngăn chặn, để bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hơn 514 ngàn tỷ đồng.
Bị cáo Phụng thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Bị cáo thừa nhận đã nhận 20 ngàn USD, 210 triệu đồng từ SCB, và đã nộp lại để khắc phục hậu quả.
Quang cảnh phiên xét xử vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. Ảnh: Nguyễn Huế
Các bị cáo khác thuộc nhóm thanh tra ngân hàng cũng thành khẩn nhận tội, thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Những bị cáo này thừa nhận sai khi làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong vụ án này, có 7 thành viên của đoàn thanh tra không bị xem xét trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý về mặt Đảng, chính quyền. 7 người này bị cho là có sai phạm trong quá trình thanh tra và nhận tiền từ Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, họ chỉ tham gia 1 phần việc do cấp trên giao, khi ký biên bản, họp đoàn thì chỉ được tham gia ý kiến trong phần việc của mình; một số nội dung thanh tra đã bị các thành viên tổ tổng hợp cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của cấp trên.
Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, những người này thành khẩn nhận tội, khai là thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, đã nộp lại số tiền nhận của SCB.
Họ đã hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án và đồng thời có nhiều thành tích trong công tác, được cơ quan chủ quản khen thưởng.
Vai trò của chồng và cháu ruột bà Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát Giữ vị trí chủ chốt trong các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Trương Huệ Vân và ông Chu Lập Cơ đã hỗ trợ đắc lực cho hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB. Ngày 6/3, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị...